Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Khái niệm công bằng trong triết học pháp quyền Arthur Kaufmann
Với nhiều tác phẩm bàn về triết học pháp quyền như “Về sự công bằng” (1993), “Nhập môn triết học pháp quyền và lý luận pháp quyền hiện đại” (1994), “Triết học pháp quyền” (1997),… nhà triết học Đức Arthur Kaufmann (1923 – 2001) đã đưa ra một khái niệm công bằng mang tính bao trùm, theo đó công bằng vừa là bình đẳng, vừa là công bằng xã hội và là an toàn pháp lý. Khái niệm công bằng của Kaufmann có ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi nó khẳng định rằng mục đích của pháp quyền là công bằng xã hội, và sự bình đẳng, an toàn pháp lý là những yếu tố quan trọng để có thể đảm bảo được mục đích trên.
1. Đặt vấn đề
Trước hết cần phải xác định rằng, công bằng (công lý) là một khái niệm căn bản của đạo đức học, của triết học pháp quyền, triết học xã hội cũng như của đời sống chính trị, xã hội, tôn giáo và pháp luật. Trong thần học công bằng được xem là đức hạnh căn bản thứ hai của con người, bao gồm sự thông minh, công bằng, dũng cảm và sự chừng mực. Trong đó các đức hạnh trước luôn là điều kiện của những đức hạnh sau.
Đối với những nhà kinh điển của tư tưởng dân chủ như Pericles (495 – 429 TCN) , Solon (638 – 559 TCN) , Tocqueville (1805 – 1859) … thì dân chủ là hình thức căn bản của công bằng, và nguyên tắc bình đẳng là nguyên tắc tối cao của nó. Bình đẳng là đạo đức (Ethos) của dân chủ. Ở đây người ta phân biệt giữa công bằng khách quan là nguyên tắc tối cao để biện luận cho pháp chế, các chế định và hệ thống xã hội như pháp luật, nhà nước, kinh tế, gia đình và công bằng chủ quan là một đức hạnh (Tugend).
Trước câu hỏi, công bằng là gì, thông thường được trả lời rằng: Hạt nhân của công bằng là sự bình đẳng. Từ đó chúng ta cũng thấy rằng bình đẳng không phải là tất cả của công bằng. Tuy nhiên, thời kỳ sau Immanuel Kant (1724 – 1804), đặc biệt trong chủ nghĩa thực chứng (Positivism), người ta thường định nghĩa ngắn gọn sự công bằng trong nguyên tắc bình đẳng, và sự bình đẳng này được thể hiện trong công thức: Đối xử như nhau đối với những cái giống nhau và không như nhau đối với những cái không giống nhau. Hans Kelsen (1881-1973) cho rằng chỉ có nguyên tắc hình thức này mới là khoa học, còn nội dung của công bằng thì không thể là đối tượng của khoa học mà là đối tượng của chính trị. Kelsen cho rằng, chúng ta không biết và cũng sẽ không bao giờ biết nội dung của công bằng và như vậy, với ông, triết học pháp quyền hay là học thuyết về công bằng chỉ giới hạn ở hình thức.
Với Gustav Radbruch (1878 - 1949), công bằng cũng là bình đẳng, nhưng nguyên tắc bình đẳng chỉ có tính chất hình thức, bởi vậy cần phải có một nguyên tắc mang tính chất nội dung. Ông đã đưa ra khái niệm “phù hợp với mục đích” (Zweckmässigkeit), nhưng khái niệm này không bao hàm trong khái niệm công bằng mà ông đặt nó bên cạnh công bằng và “bảo đảm an toàn pháp lý”.
Bảo đảm an toàn pháp lý là cần thiết bởi vì sự phù hợp với mục đích chỉ có giá trị tương đối và phải cần đến quyền lực. Quyền lực quyết định cái mà khoa học không thể xác định được. Ông cho rằng, công bằng, sự phù hợp với mục đích và an toàn pháp lý là ba mặt của khái niệm pháp quyền.
Arthur Kaufmann tiếp thu, phát triển tư tưởng trên của Radbruch và lập luận rằng, công bằng (theo nghĩa rộng) có ba khía cạnh: sự bình đẳng (công bằng theo nghĩa hẹp), sự phù hợp với mục đích (chính là công bằng xã hội) và sự bảo đảm an toàn pháp lý (hiệu lực của luật) (Kaufmann, 1997, tr. 153 – 154).
Bình đẳng là khía cạnh hình thức của công bằng, sự phù hợp với mục đích là khía cạnh nội dung của công bằng và sự bảo đảm an toàn pháp lý là chức năng của công bằng. Tuy nhiên sự phân biệt ba khía cạnh hình thức, nội dung và chức năng của công bằng chỉ để đáp ứng nhu cầu hệ thống hóa các khía cạnh của công bằng. Còn sự thật thì công bằng vừa là hình thức, nội dung và chức năng. Không thể có nguyên tắc bình đẳng mà hoàn toàn không có nội dung, và sự an toàn pháp lý không chỉ tồn tại cho bản thân, mà để phục vụ cho bình đẳng và công bằng xã hội. Cho nên sự phân chia trên không phải là sự phân biệt bản chất của công bằng, mà là sự xác định cung bậc các khía cạnh của nó (Kaufmann, 1997, tr. 153 – 154).
2. Công bằng là bình đẳng
Theo Kaufmann, quan điểm của Aristote về công bằng mà hạt nhân của nó là sự bình đẳng (Gleichheit): đối xử như nhau đối với những cái như nhau và đối xử khác nhau đối với những cái khác nhau, cho đến nay vẫn là xuất phát điểm của nhiều học thuyết triết học pháp quyền phương Tây. Aristote đã phân biệt hai loại công bằng, trong đó sự bình đẳng thể hiện ở hai hình thức khác nhau, đó là công bằng bù trừ (iustitia commutativa) và công bằng phân chia (iustitia distributiva). Công bằng bù trừ là công bằng giữa những cái khác nhau trong tự nhiên, nhưng như nhau trước pháp luật. Công bằng bù trừ có nghĩa là sự bình đẳng tuyệt đối giữa đưa và nhận giữa những cái được pháp luật xem như nhau, chẳng hạn như hàng hóa và giá cả, thiệt hại và bồi thường. Còn công bằng phân chia lại là sự bình đẳng tương quan trong sự đối xử với một nhóm nguời, là sự phân bổ quyền và nghĩa vụ theo các chuẩn độ xứng đáng, khả năng, nhu cầu (Kaufmann, 1997, tr. 157).
Công bằng phân chia là hình thức nguyên thủy của công bằng, còn công bằng bù trừ của tư luật phải được tạo lập bởi một hành vi quyền lực (chẳng hạn của cơ quan lập pháp) , ví dụ như việc quy định những điều kiện để có năng lực pháp luật hay năng lực hành vi. Ở đây công thức “Suum cuique tribuere” (chia cho mỗi người cái mà họ đáng được nhận) không được phép hiểu là một công cụ để san bằng mọi thứ, không phải là mỗi người được nhận cái như nhau, mà mỗi người được nhận cái thuộc về họ, nghĩa là trao cho họ cơ hội đạt được điều tiềm ẩn trong bản thân họ.
Tuy nhiên, theo Kaufmann, nguyên tắc bình đẳng trên của Aristote trước hết chỉ mang tính thuần túy hình thức, bởi nó chỉ nói rằng những gì giống nhau phải được đối xử như nhau và những gì khác nhau phải được đối xử khác nhau. Nhưng nó không nói rằng, cái gì giống nhau và cái gì khác nhau. Mà vấn đề này lại quan trọng cho việc xây dựng các quy phạm pháp luật.
Nguyên tắc bình đẳng tương xứng trên cũng không nói rằng phải đối xử với cái giống nhau như thế nào và với cái không giống nhau như thế nào. Mà vấn đề này lại quan trọng đối với việc quy định hậu quả pháp lý. Không có gì trên thế giới này là hoàn toàn giống nhau và hoàn toàn khác nhau, mà chỉ ít nhiều giống nhau và khác nhau căn cứ vào một điểm so sánh. Sự giống nhau là sự trừu tượng hóa cái không giống nhau, và sự không giống nhau cũng lại là sự trừu tượng hóa cái giống nhau. Không có một giới hạn lôgíc giữa sự giống nhau và sự tương tự. Sự giống nhau bao giờ cũng chỉ là sự tương tự ở một góc độ nào đó (Kaufmann, 1997, tr. 156).
Như vậy, sự giống nhau luôn luôn là một hành vi đánh đồng (xem như nhau). Hành vi này không chỉ dựa trên nhận thức duy lý, mà trong mọi trường hợp trước hết cũng còn dựa trên quyền lực. Điều này có thể được minh họa bằng các ví dụ sau đây: Nhà lập pháp dựa trên quyền lập pháp của mình đánh đồng trẻ sơ sinh cho đến trẻ em dưới 7 tuổi, vị thành niên từ 7 đến dưới 18 tuổi và những người trưởng thành từ 18 tuổi trở đi với nhau ở góc độ năng lực hành vi. Mặc dù ở góc độ năng lực hành vi thì một người 7 tuổi khác xa với một nguời 17 tuổi. Và trong mối quan hệ giữa ba nhóm này thì điều đó cũng còn là sự đối xử bất bình đẳng. Bởi ở đây một người 17 tuổi một ngày trước khi tròn 18 tuổi và một người sau sinh nhật lần thứ 18 một ngày được pháp luật đối xử không giống nhau. Tương tự như vậy, động cơ của những kẻ giết người rất khác nhau, nhưng họ đều bị đối xử giống nhau, nghĩa là đều bằng hình phạt tù chung thân (hoặc tử hình) (Kaufmann, 1997, tr. 156).
Từ những lập luận trên Kaufmann cho rằng nguyên tắc bình đẳng chỉ mang tính hình thức, trong nhiều trường hợp cụ thể, nguyên tắc trên có thể gây ra những bất công. Vì vậy, cần phải có thêm một nguyên tắc mang tính nội dung và như vậy bảo đảm về mặt khoa học và thực tiễn. Nguyên tắc nội dung này chính là tính mục đích của pháp quyền hay công bằng xã hội (soziale Gerechtigkeit).
(còn tiếp)
TS. Ngô Thị Mỹ Dung.