Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Tập tục trinh tiết: chữ trinh kia cũng có ba bảy đường

17/07/2016, 22:19

Năm 2013, vẫn có những đại gia dù đã qua nhiều đời vợ, vẫn tuyên bố chỉ lấy “gái trinh”, đủ để thấy sự ám ảnh của hai chữ “trinh tiết” lên đời sống của người Việt như thế nào.

Khi khảo sát đời sống của các sắc tộc trong nước, tôi (Phan Cẩm Thượng) nhận thấy dường như chỉ có người Kinh (Việt) trong khoảng 500 năm qua đề cập nhiều đến vấn đề trinh tiết của người phụ nữ. Các sắc tộc khác không có những quy định ngặt nghèo về chuyện này. Họ có những tập quán khác để giữ gìn bản sắc và đời sống gia đình tốt đẹp, và quan trọng nhất là đời sống sau lễ thành hôn, hầu như không có gia đình nào sứt mẻ cả, chuyện ngoại tình và ly hôn cũng vô cùng hiếm hoi. Điều này còn kéo dài đến những năm 1980, và ngày nay đương nhiên có thay đổi.

Việc nêu cao đức hạnh người phụ nữ ở đâu cũng thế thôi, nhưng trở thành lý thuyết, quy chế có lẽ chủ yếu bởi Nho giáo, với các yêu cầu về thân phận của từng giai tầng trong xã hội. Những sắc tộc không du nhập Nho giáo có quan niệm khác, đời sống cởi mở và chặt chẽ theo chiều hướng khác, ví dụ các tộc người Thái (bao gồm cả người Thái Lan, Lào, người Thái Việt Nam, người Lự, người Tày, Nùng… những tộc nói tiếng Thái – Tày), các sắc tộc Tây Nguyên không biết đến Tam giáo Nho Lão Phật. Chúng tôi từng nói chuyện với các già làng người Cơ Tu, họ nói rằng trước 1975, ở đây không có tôn giáo, hay bất cứ đạo nào, ngoài tín ngưỡng bản địa sơ khai, đời sống đó không vì thế mà kém văn minh hơn chỗ khác.

Đọc trong lịch sử, vấn đề trinh tiết cũng rất ít được đề cập ở xã hội thời Lý Trần, ngay cả vấn đề chính thất và thứ thất (vợ cả và vợ lẽ) cũng rất lơ mơ. Ví dụ như vua Đinh Tiên Hoàng lập tới bốn bà hoàng hậu. Cho đến tận thế kỷ 17, khi vua Lê Thần Tông lập bà Trịnh Thị Ngọc Trúc làm chính cung hoàng hậu, trước đó bà đã từng có chồng và bốn con, thì cũng là điều vượt ra khỏi các quy ước xã hội. Có thể coi những quy chế và tập tục về thân phận người phụ nữ có từ thời Lê sơ thế kỷ 15 khi Nho giáo có địa vị độc tôn trong tư tưởng thời đại. Cuốn sách Thọ Mai gia lễ được biên soạn trong thế kỷ 17 – 18, dựa theo Chu Công gia lễ bên Tầu, chứng tỏ các quy chế chính thức về tang ma, hôn nhân du nhập vào làng xã cũng khá muộn.

Theo những tư liệu lịch sử, cuốn Thọ Mai gia lễ được Hồ Sỹ Tân (1690 – 1760) biên soạn. Ông là người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, lấy hiệu là Thọ Mai, thi đỗ tiến sỹ năm 1721, quan chức làm tới Hàn lâm thị chế. Cuốn sách này có trích dẫn một phần từ Hồ Thượng thư gia lễ. Ông Hồ Thượng thư tên là Hồ Sỹ Dương, người cùng làng với Hồ Sỹ Tân, đỗ tiến sỹ năm 1652, làm quan tới chức Thượng thư bộ Hình, tước Duệ quận công (theo Thọ Mai gia lễ diễn nghĩa, xuất bản năm 1927, Vũ Hi Tô dịch). Tại sao cuốn sách này được phổ biến trong đời sống của người Việt và được cả hai miền Nam Bắc áp dụng rất nhiều đặc biệt trong tang lễ, còn cần phải tìm hiểu. Những tập tục của người Trung Hoa được đưa vào Việt Nam về thực chất làm phức tạp hóa và chắc chắn làm biến mất các tập tục cũ. Như vậy có thể nói nhiều quy chế hôn lễ tang ma thoạt tiên được gia đình họ Hồ áp dụng, sau đó nhân nó phù hợp với Nho giáo mà trở nên phổ biến từ giữa thế kỷ 17.

Như vậy cho đến thế kỷ 15, và nhất là thời Hậu Lê thế kỷ 17, 18, người phụ nữ giữ trinh tiết cho đến khi lấy chồng là rất quan trọng, nếu họ để mất điều đó thì cũng đồng nghĩa với sự bất hạnh cả đời. Gia đình chồng sẽ kiểm tra việc này rất kỹ bằng cách xem tướng cô dâu mới trước khi kết hôn và đêm tân hôn. Nếu một cô gái đã mất trinh trước đêm kết hôn, hôm sau họ lập tức bị trả về nhà bố mẹ với lễ vật là mâm xôi và cái thủ lợn bị cắt tai. Người phụ nữ đó hoặc sẽ ở vậy suốt đời, hoặc đi lang thang làm con ở, nàng hầu chốn thị thành, ngõ hầu mong kiếm được một đấng quân tử khác rộng lòng che chở.

Trong thế kỷ 18, những cuộc nội chiến và tranh giành phe phái làm cho đất nước trở nên loạn lạc, đạo lý xã hội sa sút, vấn đề trinh tiết nói trên có vẻ bị lơi lỏng. Điều này từng được phản ánh trong các trước tác văn học và bút ký đương thời. Như Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục và tiếng nói nữ quyền được cất lên một cách sinh động trong thơ Nôm của Hồ Xuân Hương. Trong Tang thương ngẫu lục, Phạm Đình Hổ có dẫn ra một câu chuyện về Đoàn phu nhân, sau khi chồng chết trận, bà lập đàn tế rồi tự vẫn theo chồng (Liệt phụ Đoàn phu nhân), cuối cùng có hai câu thơ ca tụng : Khả liên nhị bách dư niên quốc / Thiên lý nhân di nhất phụ nhân – Thương thay cho cái đất nước hơn hai trăm năm lẻ / Đạo trời lẽ người đọng lại ở một người đàn bà. Câu thơ này đáng lưu ý hai điểm : đất nước hai trăm năm chính là triều đại của vua Lê, do Lê Lợi thành lập năm 1427, sau khi chiến thắng quân Minh, tính đến thời của Đoàn phu nhân (vợ thứ), năm 1786, chồng bà là Du lĩnh hầu Ngô Phúc Du tử trận, Phạm Đình Hổ thì sinh năm 1768 mất năm 1839. Điểm thứ hai, chính là tình hình thế kỷ 18, đạo lý suy vong, sau hai trăm năm Nho giáo được đề cao, còn rất ít tấm gương tiết liệt, mà trường hợp của Đoàn phu nhân là hy hữu. Vấn đề gái trinh và tiết phụ lần nữa được đề cao dưới thời Nguyễn thế kỷ 19, và bị xem xét lại trong phong trào văn hóa mới tiền chiến trước 1945, tức là khi đời sống đô thị phát triển dưới chế độ thực dân Pháp. Nhà Nguyễn đã phong bảng vàng (hoành phi) Tiết hạnh khả phong cho những góa phụ và gia đình phụ nữ nổi tiếng trung trinh thờ chồng. Những cuộc nội chiến và chiến tranh chống Pháp liên miên khiến nhiều đàn ông ra trận lâu ngày và tử trận, người ta rất cần nêu những tấm gương phụ nữ như vậy. Vấn đề này lại được lặp lại lần nữa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khi nhiều đàn ông ra chiến trường biền biệt hàng chục năm trời, rồi nhiều người đi mãi chỉ được biết là đã hy sinh sau hòa bình. Nhưng đại khái từ năm 1970, trong rất nhiều cuộc trò chuyện của thanh niên phần lớn đều tán thành việc không coi trinh tiết là quan trọng như truyền thống nữa, mà bàn đến đạo đức gia đình mà thôi. Từ đó thanh niên tha hồ “ăn cơm trước kẻng”.

Quan niệm về thân phận người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ và phụ hệ khác hẳn nhau, do đó quan niệm về trinh tiết cũng khác nhau.

Chế độ mẫu hệ trong các sắc tộc Tây Nguyên dẫn đến sự sở hữu thuộc về phái nữ, phụ nữ sẽ chủ động cưới chồng, và có những sắc tộc, người chồng sẽ ở nhà vợ. Tuy nhiên, vai trò đàn ông không phải không lớn, vì họ là lực lượng lao động chính, chiến binh và già làng, nghĩa là đàn ông vẫn quyết định những động lực của cộng đồng làng bản. Điều này có thể dẫn đến tập tục nối dây (chuê nuê), nghĩa là nếu người đàn ông chủ nhà chết, anh em, cháu chắt sẽ lấy bà vợ của ông ta, để bà ấy không đi khỏi nhà và mang theo những phần sở hữu của mình, thậm chí nếu không vậy, những đàn ông khác có thể phải đi khỏi nhà. Trong trường ca Đam San, theo tục nối dây, Đam San đã phải lấy cả hai chị em H’Nhi và H’Bhi, vốn là vợ của ông mình. Dù hai cô gái đó cũng chạc tuổi Đam San, nhưng chàng hết sức bất mãn, vì cái đó không phải là tình yêu. Chúng ta vẫn không hiểu hết ý nghĩa của tập tục nối dây, vì chúng đã chấm dứt từ rất lâu, trước khi người ta có thể xâm nhập vào xã hội các sắc tộc Tây Nguyên.

Đối với người Kinh (Việt) vai trò của cô dâu trưởng là hết sức quan trọng, để có thể duy trì nòi giống và hòa hợp anh em gia đình với cả họ hàng. Cô ta không có sở hữu gì, nhưng sau khi trở thành bà mẹ thì có nghĩa làm chủ gia đình, quyết định các hoạt động kinh tế và quan hệ xã hội trong phạm vi gia đình. Như vậy câu chuyện tiết hạnh đương nhiên phải đề cao, phúc đức tại mẫu, hay con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, chính là chỗ này. Người nông dân Việt do đó rất thận trọng khi cưới vợ cho con, điều này dẫn đến sự lựa chọn Thọ Mai gia lễ, hay những quy tắc ngặt nghèo của Nho giáo với thân phận đàn bà. Người phụ nữ mang thai ngoài giá thú sẽ phải phạt vạ khao làng, câu chuyện được nhắc đến trong vở chèo Quan âm Thị Kính. Đàn ông đàn bà bị bắt về tội ngoại tình hình phạt nặng nhất là buộc cả hai vào bè chuối thả trôi sông. Ở Trung Quốc có một hình phạt tàn bạo với tội đó, là buộc cô gái vào một cái yên ngựa gỗ, giữa yên ngựa có cắm một cái dương vật bằng gỗ. Nó sẽ xỏ vào… người cô ta và người ta sẽ quất con ngựa chạy lồng lên. Tập tục ném đá cho đến chết người ngoại tình trong một số xã hội Hồi giáo cũng có nét tàn bạo tương tự. Có lẽ riêng việc và đồ nghề hình phạt tội thất tiết có thể viết được cả một cuốn sách, thế mới biết loài người từng quan trọng vấn đề này thế nào.

Nhìn xa hơn trong lịch sử với các truyền thuyết thì thấy người Việt không hề có quan niệm trinh tiết từ cổ xưa. Trong truyền thuyết đầy rẫy chuyện con hoang trở thành thánh. Ví dụ chuyện Thánh Gióng vốn do bà mẹ ướm thử lốt chân khổng lồ mà thụ thại, chuyện Man Nương, sư Khâu Đà La vô tình bước qua cô gái mà cô ta mang thai với nhà tu hành, chuyện Vua Lý Thần Tông và sư Khổng Minh Không cũng vậy, hơn nữa những chuyện tự do yêu đương luyến ái cũng không thiếu, điển hình là chuyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử, ngẫu nhiên nàng gặp chàng khỏa thân trong bãi cát… Ấy thế mà, nếu chúng ta đến đền thờ Tiên Dung và Chử Đồng Tử (đền Đa Hòa) thì ngài còn có cả vợ hai. Với người Mường, người anh em xa xưa của người Việt, vấn đề trinh tiết không được đặt ra, ít nhất về mặt lý thuyết. Các lang Mường có thể lấy nhiều vợ, khi quan lang khác đến chơi có thể được chủ nhà tiếp đãi bằng cách cho chọn một trong những thê thiếp làm bạn hầu rượu, ngược lại họ cũng phải tiếp đón như vậy khi lang chủ nhà viếng thăm đáp lễ. Câu chuyện nghe có vẻ rất xa lạ với tập tục của người Kinh (Việt), nhưng trên thực tế, căn nhà sàn của người Mường tự thân nó nói lên vấn đề sinh hoạt tình dục ở đây được quan niệm rất khác, chủ yếu là duy trì nòi giống trong hôn nhân, không hề mang tính thưởng ngoạn, khi đại gia đình sống trên một mặt sàn duy nhất không có buồng và vách ngăn. Tất cả phụ nữ Mường đều phải học cách thay đồ trong cái váy dài, cái váy chính là căn nhà của họ, và họ cứ việc đứng bất kỳ đâu thay đổi nội y trong tấm váy đó.

Tập tục trinh tiết xem ra có vẻ khó khảo sát đối với các sắc tộc, và trước khi Nho giáo thống trị, nó có được người Việt coi trọng hay không? Lễ hội Trường Yên cổ xưa còn có màn giao hoan trên bè giữa vai diễn đóng Lê Hoàn và Dương Vân Nga, Lễ hội Gà phủ ở Phú Thọ, nam nữ đóng lốt gà trống mái đạp nhau, sau đó trong ngày hội được tự do luyến ái… và nhiều lễ hội dân gian mang tính phồn thực khác khiến chúng ta phải nghi ngờ về những quy chế Nho giáo có thật sự ngấm đến tận các làng xã thời phong kiến. Chúng tôi cho rằng tập tục này mới hình thành từ thế kỷ 15 và kéo dài cho đến những năm 1970, với 500 năm tồn tại nó đã khắc sâu vào xã hội Việt Nam nét đẹp của chế độ gia đình nề nếp, nhưng cũng là nét hà khắc của chế độ phong kiến cũ, với định kiến nặng nề về người phụ nữ. Cái mâu thuẫn về việc giải phóng phụ nữ và giữ gìn đạo đức gia đình chưa hề được lý giải cho thấu đáo dẫn đến nhiều ách tắc xã hội hiện nay.

                                                   PHAN CẨM THƯỢNG

SOURCE: THỂ THAO VĂN HÓA CUỐI TUẦN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác