Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Phân biệt chế định Hứa thưởng và quan hệ hợp đồng theo BLDS 2005.

10/05/2016, 22:23

Hiện nay, trên thực tế, có rất nhiều giao dịch giữa người dân với nhau liên quan đến việc thực hiện một hay một số công việc nào đó. Và, khi tham gia vào các giao dịch này, họ thường thoả thuận với nhau về việc trả thưởng dưới tên gọi là “Hợp đồng hứa thưởng”. Vậy, khái niệm “Hợp đồng hứa thưởng” có phù hợp với quy định của pháp luật không? nếu có tranh chấp thì sẽ áp dụng các quy định pháp luật nào để giải quyết?

 

Hứa thưởng không phải là hợp đồng.

Chế định “Hứa thưởng và thi có giải” được quy định tại mục 13, Phần thứ 3 của Bộ luật dân sự ( BLDS) 2005, quy định về nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự.

Đây là một chế định pháp lý đặc biệt, có những đặc điểm khác với các giao dịch dân sự thông thường mà chúng ta quen gọi là hợp đồng, nên nhà làm luật đã không dùng khái niệm hợp đồng đối với chế định này.

Mặc dù cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn hay giải thích cụ thể, thế nào là quan hệ hứa thưởng, nhưng căn cứ vào các điều văn của chế định này, có thể thấy, “Hứa thưởng và thi có giải” là một chế định pháp luật có những đặc trưng pháp lý riêng biệt, khác với quan hệ hợp đồng ở những điểm cơ bản sau:

Một là, “Hứa thưởng và thi có giải” là những hành vi pháp lý đơn phương.

Tính đơn phương của hành vi pháp lý này thể hiện rõ tại khoản 1 các điều 590 và 593 BLDS. Theo đó, người hứa thưởng hay người tổ chức các cuộc thi văn hoá, nghệ thuật… có thể tự mình đưa ra các điều kiện, mức thưởng… mà không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể tham gia vào quan hệ Hứa thưởng hoặc Thi có giải.

Hai là, tính công khai.

Tính công khai trong quan hệ Hứa thưởng và Thi có giải thể hiện trước hết ở chỗ, các chế định này, không ấn định cũng như không giới hạn về chủ thể tham gia, mà chỉ đưa ra một số quy ước hay điều kiện nhất định. 

Ví dụ, những năm trước đây, hãng bia Tiger có chương trình khuyến mãi, bật nắp bia trúng thưởng xe ô tô. Chủ thể tham gia vào các chương trình này là bất kỳ ai, và một khi họ được xác định là người trúng thưởng, thì hãng bia sẽ trả thưởng theo nội dung hứa thưởng đã tuyên bố. Hay như cuộc thi Tiếng hát truyền hình hằng năm của Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn. Nhà tổ chức chỉ đưa ra một số điều kiện về tuổi tác, thể lệ cuộc thi… những người nào đủ điều kiện, đều có thể tham gia mà không bị giới hạn về số lượng.

Ba là, khi tham gia vào quan hệ Hứa thưởng hoặc Thi có giải, các bên hoàn toàn không bị bó buộc bởi một sự cam kết hay thoả thuận song phương nào. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 388 BLDS về khái niệm hợp đồng thì, hợp đồng dân sự, phải là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Như vậy, từ những đặc trưng pháp lý nêu trên, cho thấy, “Hứa thưởng và Thi có giải” là một chế định pháp lý đặc biệt, có đối tượng điều chỉnh riêng, hoàn toàn khác với quan hệ hợp đồng. Do vậy, khi giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung, về nguyên tắc, không thể áp dụng các quy định của chế định Hứa thưởng để giải quyết các tranh chấp hợp đồng, và ngược lại. 

Chỉ có hợp đồng dịch vụ, không có “Hợp đồng hứa thưởng”.

Như trên đã phân tích, Hứa thưởng là một chế định pháp lý đặc biệt, có đối tượng điều chỉnh riêng, và bản thân nó trước hết không phải là một dạng hợp đồng. Chính vì vậy, mặc dù BLDS có quy định rất nhiều loại hợp đồng, như Hợp đồng uỷ quyền, Hợp đồng dịch vụ, Hợp đồng mua bán… nhưng tuyệt nhiên không tồn tại khái niệm “Hợp đồng hứa thưởng” trong bất kỳ một quan hệ pháp luật nào.

Cái gọi là “Hợp đồng hứa thưởng” do các bên xác lập để thực hiện một hay một số công việc nào đó, thực chất là một dạng hợp đồng dịch vụ, được quy định tại điều 518 BLDS, với nội dung như sau: Hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ (chứ không phải trả thưởng) cho bên cung ứng dịch vụ.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, để thực hiện được công việc mà các bên thoả thuận (như đại diện để đi khiếu nại về đất đai, liên hệ với cơ quan chức năng để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) bên thuê dịch vụ còn phải lập văn bản uỷ quyền cho bên cung ứng dịch vụ. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 điều 520 BLDS quy định về nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ, là phải cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc. Trong khi đó, chế định Hứa thưởng hoàn toàn không có các quy định về nghĩa vụ này.

Như vậy có thể thấy, cái gọi là “Hợp đồng hứa thưởng”, thực chất là một dạng hợp đồng dịch vụ. Do vậy, khi có tranh chấp về điều khoản hứa thưởng đối với dạng hợp đồng này, toà án không thể áp dụng điều 590 BLDS (là điều luật quy định riêng về chế định Hứa thưởng) để xét xử và công nhận hợp đồng, mà cần phải áp dụng các quy định của BLDS về hợp đồng dịch vụ để giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê