Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Sổ tay hướng dẫn Thẩm phán và Thư ký Toà án tại Hoa Kỳ trong soạn thảo văn bản tố tụng (3)
PHẦN THỨ 4. Tổ chức và viết một văn bản tố tụng: Một văn bản tố tụng phải nêu rõ các vấn đề nảy sinh, phải trình bày các sự kiện có liên quan và phải chỉ ra pháp luật áp dụng để điều chỉnh. Văn bản tố tụng phải là một quyết định rõ ràng và có căn cứ về những vấn đề cần được xử lý để giải quyết vụ việc. Dưới đây là các nội dung hướng dẫn nhằm giúp các thẩm phán viết được những văn bản tố tụng đáp ứng được các tiêu chí nêu trên.
Bố cục
Một văn bản tố tụng được coi là có cấu trúc đầy đủ cần thể hiện 5 yếu tố sau: (1) phần giới thiệu về tính chất và đặc điểm tố tụng của vụ việc; (2) phần trình bày về các vấn đề sẽ được quyết định; (3) phần mô tả về các sự kiện quan trọng; (4) phần trình bày và phân tích về các quy tắc pháp lý điều chỉnh và việc giải quyết các vấn đề đã nêu; và (5) việc xét định và các chỉ dẫn cần thiết. Cấu trúc như thế nào và lựa chọn văn phong gì cho một văn bản tố tụng, tất nhiên, phụ thuộc vào đặc điểm của từng vụ án. Song tất cả đều dựa trên một khung chung.
Một văn bản tố tụng nếu được cấu trúc một cách rõ ràng và hợp lý sẽ giúp cho người đọc hiểu nội dung một cách dễ dàng. Có thể sử dụng các tiêu đề, đề mục, cách đánh số La Mã hoặc các biện pháp khác để giúp người đọc nhận biết được cách cấu trúc của một văn bản tố tụng, đặc biệt nếu đó là bản ý kiến có nội dung dài và phức tạp. Cách làm này không chỉ đóng vai trò là các biển báo cho người đọc mà nó còn giúp cho người viết tổ chức được mạch tư duy của mình và là cách kiểm định tính logic của nội dung văn bản. Điều này cũng góp phần giúp người đọc có thể tìm hiểu phần mình muốn biết mà không cần phải đọc từ đầu đến cuối.
Dưới đây là phần trình bày về các nội dung chính của một văn bản tố tụng.
Phần giới thiệu
Định hướng cho người đọc về một vụ việc là mục đích của phần này. Vì thế phần này cần nêu tóm tắt về nội dung vụ việc, vấn đề pháp lý chủ yếu và kết quả. Do đó, phần này có thể đề cập tới và nêu một số nội dung sau:
(1) Các bên: các bên đương sự trong vụ việc phải được xác định danh tính nếu không phải ở phần giới thiệu này thì phải giới thiệu trong phần đầu của văn bản, tốt nhất là theo tên gọi. Danh tính này phải được sử dụng thống nhất liên tục trong toàn văn bản. Việc sử dụng các thuật ngữ pháp lý chẳng hạn như “bên khiếu nại” hay “bên bị khiếu nại” có thể sẽ gây nhầm lẫn nhất là trong những vụ việc có nhiều bên liên quan.
(2) Tình trạng tố tụng và quyền tài phán của vụ việc: cơ sở của quyền tài phán, các hoạt động tố tụng có liên quan trước đó và lý do vụ việc được đưa ra tòa này.
(3) Vấn đề: (các) vấn đề cần được quyết định, trừ phi các vấn đề đó quá phức tạp đến nỗi phải được trình bày thành từng phần riêng.
Việc tóm tắt tình trạng này ngay từ đầu sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho người đọc nhất là các nhà nghiên cứu vì họ có thể quyết định ngay xem nên hay không đọc nốt nội dung còn lại của văn bản. Việc tóm tắt một cách ngắn gọn phần luận tội ngay từ đầu cũng giúp cho người viết văn bản trình bày vụ việc một cách súc tích và cô đọng. Phần mở đầu của một bản ý kiến nên được hoàn chỉnh lần cuối sau khi đã hoàn thành toàn bộ nội dung của văn bản, vì khi đó thẩm phán đã xác định được các vấn đề, kết luận đưa ra cũng như các nội dung phân tích bổ trợ.
Một số thẩm phán thích đưa phần luận tội và kết luận xuống cuối văn bản bởi họ cho rằng bản ý kiến sẽ có tính thuyết phục hơn với người đọc nếu người đọc phải tự nghiên cứu và tìm hiểu sự kiện trước khi biết về kết quả giải quyết.
Trình bày về các vấn đề
Phần trình bày về các vấn đề là phần chính của một văn bản tố tụng: cách thức xác định vấn đề sẽ quyết định đâu là các sự kiện quan trọng và nguyên tắc pháp lý nào sẽ điều chỉnh vụ việc. Thẩm phán không nên phụ thuộc vào các lý lẽ phân tích của luật sư. Thẩm phán phải đưa ra vấn đề theo đúng như những gì mà họ nhìn nhận thấy, ngay cả khi vấn đề đó có thể khác với ý kiến của luật sư. Việc một vấn đề được các bên đặt ra không có nghĩa thì không nhất thiết được đưa vào văn bản tố tụng.
Phần trình bày về các vấn đề cần ngắn gọn. Mặc dù đôi khi có thể trình bày về 1 hay 2 vấn đề ngay trong phần Giới thiệu là đủ song có những vụ việc do số lượng hay tính phức tạp của các vấn đề đòi hỏi phải trình bày các vấn đề đó thành các phần riêng.
Phần trình bày vấn đề có thể đặt trước hoặc sau phần trình bày về sự kiện. Nếu phần trình bày vấn đề được đặt trước phần trình bày chi tiết sẽ có ý nghĩa hơn với người đọc vì nó sẽ giúp cho người đọc tập trung vào các sự kiện quan trọng. Thẩm phán Frederick G. Hamley của Tòa án Khu vực Số Chín đã viết: “Việc trình bày sơ bộ vấn đề, ngay cả cho dù là bằng các thuật ngữ rất chung, cũng giúp ta đọc và hiểu rõ hơn phần trình bày về các sự kiện. Nó giúp người viết chú trọng tới những vấn đề mang tính cơ bản.” Trong một số trường hợp rất khó để trình bày rõ ràng các vấn đề nếu như người đọc chưa nắm rõ về các sự kiện quan trọng. Ví dụ, trong trường hợp vấn đề mang tính thủ tục và đòi hỏi phải có sự giải thích về bối cảnh.
Không nên nhầm lẫn giữa phần trình bày về các vấn đề đang nói tới ở đây với phần tường thuật của các bên trong bản luận cứ của mình. Việc trình bày một cách dài dòng các vấn đề tranh luận giữa các bên, mặc dù đôi khi có thể thấy trong các văn bản tố tụng, song không thể thay thế cho phần phân tích và lập luận.
Các sự kiện
Trong một vụ việc chỉ có một vấn đề duy nhất thì tất cả các sự kiện nên được trình bày cùng nhau ngay từ phần đầu của bản ý kiến. Song nếu vụ việc có hàng loạt vấn đề, có thể có những sự kiện chỉ liên quan tới một số vấn đề chứ không phải tất cả. Vì thế, điều này đặt ra khó khăn cho thẩm phán là làm sao phải trình bày các sự kiện một cách đầy đủ ngay từ đầu để người đọc vẫn có thể hiểu được nội dung văn bản mà sau đó không phải lặp lại khi bàn về các vấn đề cụ thể đòi hỏi phải phân tích một cách tỉ mỉ các sự kiện. Trong những trường hợp này, phần trình bày các sự kiện từ ban đầu chỉ nên dừng ở bối cảnh lịch sử, còn các sự kiện cụ thể có tính quyết định có thể đưa vào phần phân tích vấn đề có liên quan.
Chỉ nên đưa vào bản ý kiến những sự kiện cần thiết cho việc giải thích quyết định được đưa ra, song thế nào là những sự kiện cần thiết thì không phải lúc nào cũng dễ quyết định và việc quyết định phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng độc giả. Đối với một văn bản tố tụng không được công bố mà chỉ dành cho các bên thì không cần phải nêu các sự kiện mang tính lịch sử hoặc về bối cảnh. Do đó, văn bản tố tụng này chỉ cần tập trung vào các sự kiện hỗ trợ cho kết luận được đưa ra mà thôi. Tuy nhiên, các sự kiện mang tính bối cảnh đôi khi có thể có tác dụng bởi nó tạo ra bối cảnh của quyết định và giải thích lý do đưa ra quyết định đó. Đối với những văn bản tố tụng sẽ được cả công chúng đọc chứ không chỉ các bên thì phần trình bày các sự kiện có thể dài hơn để người đọc nắm rõ bối cảnh cũng như phạm vi của quyết định đưa ra.
Việc đưa vào quá nhiều các tình tiết sự kiện có thể làm sao lãng người đọc. Chẳng hạn ngày tháng năm là các sự kiện có khả năng gây nhầm lẫn vì thế không nên đưa vào trừ phi nó có ý nghĩa quan trọng đối với quyết định được đưa ra và giúp người đọc hiểu rõ quyết định đó. Mặc dù sự ngắn gọn và đơn giản luôn luôn là điều được khuyến khích, song điều quan trọng hơn cả là phải trình bày đầy đủ và khách quan. Không thể bỏ qua các sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với bên thua kiện.
Một số thẩm phán có xu hướng muốn đưa vào các sự kiện mặc dù không quan trọng nhưng lại bổ sung màu sắc cho văn bản. Có thẩm phán đã nói “chúng ta phải đảm bảo có sự thích thú”. Họ cho rằng làm như vậy là thể hiện sự tinh tường của người soạn thảo và làm cho văn bản dễ đọc hơn. Tuy nhiên, mối nguy hiểm hiển nhiên của việc làm đó là sẽ khiến cho độc giả cho rằng quyết định đưa ra chủ yếu dựa trên các sự kiện được trích dẫn ngay cả khi các sự kiện đó không có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, văn phong – mặc dù với tác giả có thể là rất hấp dẫn – có thể bị các bên đánh giá là làm tầm thường hóa vụ việc của họ. Vì thế cần cân nhắc cẩn thận cách làm này.
(còn tiếp…)
TRUNG TÂM TƯ PHÁP LIÊN BANG (HOA KỲ) – DỰ ÁN USAID STAR-Plus (Dịch từ bản gốc tiếng Anh là Judicial Writing Manual)*