Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vụ đòi bồi thường tiền trúng số: cần xác định đúng quan hệ tranh chấp.

27/06/2017, 22:36

Như Pháp luật TP.HCM đã thông tin, vừa qua VKSND TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) đã có quyết định kháng nghị về vụ kiện vé số độc đắc ( giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tuyết và bị đơn là ông Ngô Xương Phúc) theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 20 ngày 31-5-2017 của TAND TP Rạch Giá do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và nội dung.

Tranh chấp hợp đồng dịch vụ?  

Ngoài những sai sót  mà VKSND TP Rạch Giá đã nêu ra trong quyết định kháng nghị, như: với tư cách là hộ kinh doanh cá thể, Đại lý vé số Triều Phát mới là chủ thể phải chịu trách nhiệm về việc trả số tiền trúng thưởng cho nguyên đơn, chứ không phải cá nhân ông Ngô Xương Phúc; hay giao dịch giữa bà Tuyết với Đại lý vé số Triều Phát do ông Ngô Xương Phúc đại diện là một giao dịch dân sự hợp pháp chứ không phải giao dịch vô hiệu như bản án sơ thẩm đã tuyên… thì việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này, cũng là một vấn đề cần phải làm rõ.

Theo xác định của bản án sơ thẩm thì quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ kiện này là tranh chấp hợp về hợp đồng dịch vụ.

Sở dĩ cấp sơ thẩm xác định theo quan hệ pháp luật này là vì người có vé số trúng thưởng là bà Nguyễn Thị Tuyết đã có một giao dịch với ông Ngô Xương Phúc là người của Đại lý vé số Triều Phát về việc thực hiện một công việc (dịch vụ). Theo đó, thay vì bà Tuyết trực tiếp đến Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh An Giang (đơn vị phát hành ra tờ vé số trúng giải này) nhận tiền trúng số thì  Đại lý vé số Triều Phát sẽ đứng ra đổi vé số trúng thưởng (trả thay) và nhận tiền công là 6.000.000 đồng.

Tuy nhiên, theo quy định tại điều 388 BLDS 2005 cũng như điều 385 BLDS 2015 về khái niệm hợp đồng thì, hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Vì vậy, tranh chấp hợp đồng, thực chất là tranh chấp về các quyền và nghĩa vụ giữa các bên phát sinh từ quan hệ hợp đồng.

Theo quy định của BLDS 2005 (từ điều 520 đến điều 523) và BLDS 2015 (từ điều 515 đến điều 518) về hợp đồng dịch vụ thì quyền và nghĩa vụ cơ bản của bên sử dụng dịch vụ, có thể được tóm lược như sau: có quyền yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc… và có nghĩa vụ trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận.

Như vậy, chỉ khi nào nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Tuyết khởi kiện yêu cầu ông Phúc hay Đại lý vé số Triều Phát tiếp tục thực hiện công việc đổi vé số trúng giải như đã thỏa thuận. Hoặc ông Phúc, sau khi đã hoàn thành công việc trả thay tiền vé số trúng giải nhưng chưa nhận được tiền công nên khởi kiện yêu cầu bà Tuyết trả số tiền 6.000.000 đồng thì tòa án mới xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp về hợp đồng dịch vụ theo quy định tại Mục 7 BLDS 2005 (Mục 9 BLDS 2015).

Hay đòi bồi thường thiệt hại tài sản ?

Điều 163 BLDS 2005 cũng như khoản 1 điều 105 BLDS 2015 quy định: tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Tờ vé số của bà Tuyết được tòa án xác định là vé số trúng giải, trị giá 1,5 tỷ đồng nên được xem là một quyền tài sản thuộc phạm vi quyền đối nhân. Tức là quyền được yêu cầu Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh An Giang trả tiền trúng số theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ án, sau khi phát hiện tờ vé số trúng giải đặc biệt, bà Tuyết đã tìm đến Đại lý vé số Triều Phát để nhờ đại lý này đổi vé số trúng thưởng. Quá trình giao dịch giữa hai bên thể hiện, bà Tuyết đã giao đúng tờ vé số trúng thưởng cho ông Ngô Xương Phúc. Nhưng sau đó ông Phúc không đồng ý trả tiền vì cho rằng, tờ vé số của bà Tuyết đưa không phải là vé số trúng giải đặc biệt. Trong khi đó, tòa án cũng không xác định được tờ vé số trúng thưởng này hiện đang ở đâu? Do ông Phúc chiếm hữu hay đã bị thất lạc?

Như vậy, nếu xác định tờ vé số bà Tuyết giao cho ông Phúc đúng là tờ vé số trúng giải đặc biệt thì rõ ràng ông Phúc là người chiếm hữu sau cùng tờ vé số này. Vì vậy, cho dù hiện tại ông Phúc đang chiếm giữ hay đã bị thất lạc, thì hành vi chiếm giữ hay làm thất lạc này cũng đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của bà Tuyết.

Điều 260 BLDS 2005 quy định: chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này cần phải được xác định là tranh chấp về “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản” theo quy định tại chương XV BLDS 2005 về bảo vệ quyền sở hữu.

Việc bản án sơ thẩm của TAND TP. Rạch Giá xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ” và áp dụng Điều 132 cũng như khoản 2 điều 137 BLDS 2005 để tuyên bố giao dịch giữa bà Tuyết và ông Phát là vô hiệu và xử lý hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu là không phù hợp với bản chất của vụ án.

Đây cũng là lý do dẫn đến mâu thuẩn trong nhận định và áp dụng pháp luật của bản án sơ thẩm mà nội dung kháng nghị của VKSND TP. Rạch Giá đã nêu ra trong vụ án này.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê