Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Về một trường hợp biệt lệ liên quan đến thời hiệu khởi kiện thừa kế

02/05/2016, 20:46

Biệt lệ tức là trường hợp khác nguyên tắc cơ bản. Nếu nới rộng biệt lệ đó để áp dụng cho mọi trường hợp thì biệt lệ đó lại tiếp tục trở thành một nguyên tắc cơ bản, nên cũng không còn là biệt lệ nữa. Do vậy, khi giải thích pháp luật, điều quan trọng là không được giải thích rộng rãi các biệt lệ.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi xin đề cập đến trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo tinh thần hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2004/NQ – HĐTP ngày 10 – 8 - 2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình (Nghị quyết 02/2004/NQ – HĐTP)

Theo quy định tại điểm a, tiểu mục 2.4 Mục 2, Phần 1 của Nghị Quyết này thì:

Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp  về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết

Trong suốt một thời gian dài, quy định trên đã tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau. Một số người cho rằng nội dung của quy định này cho phép không áp dụng thời hiệu về thừa kế trong mọi trường hợp. Theo đó, nếu thời hiệu khởi kiện về thừa kế đã hết, các đương sự có thể khởi kiện để chia tài sản chung (nếu di sản thực sự chưa chia) mà bất luận bị đơn (người đang quản lý, sử dụng tài sản) có đồng ý hay không. (trên thực tế một số Tòa án đã thụ lý nhiều vụ kiện theo hướng này). Và như vậy, nội dung của quy định này đã đi ngược lại các quy định pháp luật về thời hiệu trong BLDS hiện nay cũng như Pháp lệnh Thừa kế trước đây. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: quy định này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đã được cụ thể hoá trong nội dung Nghị Quyết.

Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai và xin phân tích thêm một vài khía cạnh pháp lý như sau:

Về nguyên tắc, thời hiệu khởi kiện về thừa kế (10 năm) theo quy định của BLDS và Pháp lệnh Thừa kế vẫn được Nghị Quyết số 02/2004/NQ – HĐTP tuân thủ và cụ thể hoá tại Mục 2, Phần 1 của Nghị Quyết.

Vấn đề không áp dụng thời hiệu về thừa kế theo quy định tại điểm a, tiểu mục 2.4, Phần 1 của Nghị Quyết này chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Trong thời hạn mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế  mà các đồng thừa kế không có tranh chấp  về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế.
  • Sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia.

Như vậy, không phải bất kỳ một tranh chấp thừa kế nào khi hết thời hiệu khởi kiện cũng đều được Tòa án thụ lý để giải quyết bằng quan hệ chia tài sản chung, mà chỉ những tranh chấp thoả mãn các điều kiện nêu trên mới được Tòa án thụ lý giải quyết.

Cụ thể, đối với trường hợp thứ nhất: trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, các đồng thừa kế phải không có sự tranh chấp với nhau về quyền thừa kế và phải có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế. Văn bản này có thể do chính các đồng thừa kế lập và ký tên, hoặc cũng có thể được lập thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như tờ khai lệ phí trước bạ, văn bản khai nhận di sản thừa kế… trong đó ghi rõ danh sách những người được hưởng di sản do người chết để lại.

Đối với trường hợp thứ hai,  ngoài việc các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế thì họ còn phải đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia. Ở đây chúng ta cần lưu ý, nội dung của điều văn là: các thừa kế phải đều thừa nhận di sản chưa chia. Do vậy, nếu có thừa kế cho rằng di sản đã được phân chia và không chấp nhận yêu cầu chia lại (cho dù họ không chứng minh được) thì vẫn không áp dụng quy định trên của Nghị quyết để chia tài sản chung.

Chúng tôi cho rằng, sở dĩ Nghị quyết số 02/2004/ NQ – HĐTP quy định một số trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế là vì các trường hợp này có những đặc điểm phù hợp với quy định của pháp luật về tài sản chung. Theo đó, một tài sản được xem là tài sản chung khi các chủ sở hữu chung cùng thừa nhận. Điều 215 BLDS quy định “ quyền sở hữu chung được xác lập theo thoả thuận của các chủ sở hữu…”. Do vậy, các điều kiện như: phải có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế, các đồng thừa kế đều thừa nhận di sản chưa chia… theo quy định tại Nghị Quyết số 02/2004 là điều kiện bắt buộc. Nếu không có các điều kiện này thì Tòa án sẽ không xem xét thụ lý, giải quyết vụ án theo quan hệ chia tài sản chung. Vì các yếu tố này chính là sự thể hiện ý chí của các thừa kế về sở hữu chung đối với tài sản là di sản thừa kế.

Ở đây có thể thấy rằng, các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo quy định của Nghị Quyết 02/2004 nêu trên là một biệt lệ. Do vậy, biệt lệ này cần phải được giải thích một cách chặt chẽ. Việc một số Tòa án trước đây, tiếp tục thụ lý những vụ kiện đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế để giải quyết theo quan hệ chia tài sản chung, mà không xem xét các vụ kiện này có hội đủ các điều kiện như đã nêu trên hay không, là không đúng với tinh thần hướng dẫn của Nghị Quyết 02/2004 của Hội đồng Thẩm phán.

Đứng trên phương diện giải thích pháp luật mà nói, cách làm này, vô hình trung đã nới rộng phạm vi áp dụng của các biệt lệ. Và như vậy, biệt lệ lại tiếp tục trở thành một nguyên tắc cơ bản nữa.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

(Rút từ sách BÌNH LUẬN ÁN) 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê