Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
10 vụ án nổi tiếng nhất lịch sử tư pháp Mỹ (kỳ 2)
Cùng với các phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, nhiều nút thắt trong xã hội Mỹ về phân biệt chủng tộc hay hôn nhân đồng giới đã từng bước được xóa bỏ hay trở nên cởi mở hơn rất nhiều.
5. Vụ Plessy và Ferguson (năm 1896)
Năm 1890, bang Louisiana đã ban hành một đạo luật yêu cầu có phòng và toa riêng cho người da đen và người da trắng trên các tuyến xe lửa của bang. Để phản đối đạo luật này, một nhóm các nhà hoạt động bao gồm cả các công ty xe lửa đã thuyết phục Homer Plessy – người đàn ông mang hai dòng máu với 7/8 là da trắng và 1/8 là da đen – tham gia trong một kịch bản dựng sẵn. Plessy sau đó đã mua vé và ngồi ở toa tàu dành riêng cho người da trắng. Khi bị yêu cầu chuyển sang toa khác, ông đã từ chối và bị bắt giữ. Khi ra tòa, các luật sư của Plessy cho rằng việc bắt buộc Plessy phải chuyển chỗ ngồi là trái với nội dung của Tu chính 13 và 14 sửa đổi hiến pháp với nội dung khẳng định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy vậy, thẩm phán John Howard Ferguson tuyên bố Louisiana có quyền điều tiết các công ty đường sắt vận hành trong địa phận của mình, và rằng việc phân biệt giữa người da đen và da trắng không đồng nghĩa với sự bất bình đẳng đồng thời tuyên phạt Plessy 25 USD. Cũng chính từ đây, thuyết « phân biệt nhưng bình đẳng » đã được áp dụng rộng rãi ở Mỹ và sự bất công này kéo dài tới tận năm 1954.
4. Vụ Roe và Wade (năm 1973)
Đây là vụ án đã được dựng thành phim với nội dung xoay xung quanh vấn đề phá thai của phụ nữ. Khi ấy, cô gái 21 tuổi có tên Norma L. McCorvey đang mang bầu đứa con thứ ba, trong khi cuộc hôn nhân với người chồng không thực sự hạnh phúc và, theo như người phụ nữ này miêu tả trong cuốn tự truyện của mình, cô thường xuyên bị đánh đập, hành hạ. Mặc dù không muốn giữ đứa bé, song do luật của bang Texas nơi McCorvey sinh sống cấm phá thai nên cô không thể thực hiện được mong muốn của mình. Vì vậy, người phụ nữ này đã gửi đơn yêu cầu tuyên bố Luật của bang Texas về cấm phá thai là vi hiến với lập luận cho rằng nó xâm phạm quyền riêng tư. Do sử dụng biệt danh Jane Roe khi đứng tên nguyên đơn và người đại diện cho bang Texas trong vụ việc này là luật sư Henry Wade, vụ án được công chúng nhắc đến với cái tên rộng rãi là Roe và Wade. Sau đó, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết rằng Luật của bang Texas là vi hiến và trao quyền cho phụ nữ được phá bỏ đứa bé trong bụng mình trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên của thai kỳ (tam cá nguyệt thứ nhất). Phán quyết này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân bang Texas mà là đến tất cả các bang còn lại của nước Mỹ, gây nên rất nhiều tranh cãi. Cũng chính vụ việc này đã mở màn cho việc hợp thức hóa phá thai ở xứ sở cờ hoa, dẫn đến hàng triệu thai nhi vô tội bị giết chết một cách hợp pháp. Về phần McCorvey, trước khi phán quyết được đưa ra, cô vẫn sinh đứa bé trong bụng mình và cho nhận làm con nuôi.
3. Vụ California và Orenthal James Simpson (Năm 1995)
Orenthal James Simpson vốn là cầu thủ bóng bầu dục da màu nổi tiếng bậc nhất nước Mỹ với hàng loạt thành tích lẫy lừng khi thi đấu chuyên nghiệp. Thậm chí, sức hút của danh thủ này vẫn không hề giảm đi sau khi giải nghệ, với việc trở thành ngôi sao điện ảnh ăn khách của Hollywood. Năm 1995, Simpson bị cáo buộc là hung thủ gây ra cái chết dã man cho vợ cũ là Nicole Brown – người da trắng và người tình trẻ Ronald Goldan. Phiên tòa xét xử Simpson mở màn vào tháng 1 năm 1995 và kéo dài đến hơn 9 tháng sau đó, biến nó thành phiên tòa kéo dài nhất trong lịch sử bang California và có lượng người theo dõi kỷ lục (ước tính lên đến hơn một nửa dân số Mỹ lúc bấy giờ). Sở dĩ như vậy không chỉ là bởi mức độ nổi tiếng của danh thủ bóng bầu dục mà vụ án còn ẩn chứa tình tiết gây chú ý khi một người da đen bị cáo buộc sát hại phụ nữ da trắng. Thậm chí, nhân tố thứ hai còn trở nên quan trọng hơn khi nhiều ý kiến nhận định rằng đây là vụ án thế kỷ và có thể gây chia rẽ nước Mỹ. Sau cùng, Simpson đã được tuyên trắng án. Dĩ nhiên, những người da đen ở Mỹ đã rất vui mừng về kết quả này, trong khi người Mỹ da trắng lại tỏ ra bất bình. Nhiều tờ báo trên thế giới gọi phiên tòa xét xử Simpson là một trò hề, trong khi một nhà bình luận ở Brazil nhận định « Điều bị thực sự mang ra xét xử là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ » (chứ không phải Simpson) – nhiều người cũng đồng tình với nhận xét này.
2. Vụ Obergefell và Hodges (năm 2015)
Jim Obergefell và John Arthur là cặp đôi đồng tính đã chung sống với nhau từ lâu tại tiểu bang Ohio. Tuy nhiên, do pháp luật của bang này không công nhận hôn nhân đồng tính nên cả hai đã chuyển đến Maryland – nơi được xem là thánh địa của các cặp đồng tính để xúc tiến thủ tục kết hôn. Không may là Arthur đã qua đời ít lâu sau đó và khi Obergefell quay lại Ohio để mai táng cho chồng, chính quyền nơi đây không cho phép “ông” ghi tên mình vào giấy khai tử với tư cách “người vợ”. Chính vì vậy, Obergefell đã khởi kiện giám đốc sở y tế của bang Ohio (lúc ấy là Lance Himes và sau đó là Richard Hodges). Cùng với sự ủng hộ đông đảo của cộng đồng LGBT tại Mỹ, cuối cùng Obergefell cũng giành được chiến thắng để gửi tặng người chồng quá cố khi Tòa án Tối cao Mỹ đã thông qua luật cho phép kết hôn đồng giới với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống. Quyết định 5-4 này được xem là cuộc cách mạng đối với cả luật pháp của Mỹ cũng như tư tưởng của người dân. Những cuộc hôn nhân truyền thống giữa đàn ông và phụ nữ nay không còn là hình thức hôn nhân hợp pháp duy nhất ở các bang, và người đồng tính trên khắp đất nước vui mừng khi cuối cùng họ cũng được "tự do".
1. Vụ Brown và Hội đồng giáo dục (năm 1954)
Trước khi diễn ra vụ án lịch sử này, nhiều bang tại Mỹ vẫn thi hành chế độ nhà trường dành riêng cho trẻ em da trắng và da màu. Chính sách này cũng một phần được chấp thuận nhờ án lệ Plessy và Ferguson với thuyết “Phân biệt nhưng bình đẳng” đã nhắc đến ở trên. Theo đó, Oliver Brown ở Topeka, bang Kansas đã không chấp nhận thuyết này khi khởi kiện Ban giáo dục của thành phố nhân danh cô con gái 8 tuổi. Brown muốn con được theo học tại trường học cho người da trắng gần nhà, thay vì phải đi xa hơn đến trường học cho người da màu. Tuy nhiên, do nhận thấy chất lượng của hai trường là như nhau nên một Tòa án đã quyết định bác bỏ yêu cầu của Brown. Khi vụ việc được đưa lên Tòa án Tối cao, sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà tâm lý và khoa học xã hội về tác hại của sự phân biệt đối xử ở đây đối với trẻ em da màu, Tòa đã ra phán quyết rằng thuyết “phân biệt nhưng bình đẳng” không có chỗ đứng trong lĩnh vực giáo dục, và rằng việc thành lập các trường riêng cho người da trắng và người da màu là không hợp hiến. Đây được xem là điểm khởi đầu cho phong trào dân quyền Mỹ để phá bỏ rào cản chính thống đối với bình đẳng sắc tộc và đảm bảo quyền của những người Mỹ gốc Phi cũng như những nhóm dân tộc thiểu số khác. Cũng từ đây, mô hình sử dụng tòa án để thực thi những luật lệ xã hội mới tiếp tục được nhiều phong trào xã hội khác sử dụng, từ bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng đến quyền phụ nữ và hôn nhân đồng tính.
(Hết)
Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TÒA ÁN