Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
“Người từ trăm năm về ngang trường Luật” là ai? (*)
Hầu hết những người yêu nhạc đều biết, nhạc phẩm ‘Thà Như Giọt Mưa’ của nhạc sỹ Phạm Duy là phổ từ bài thơ ‘Khúc Tình Buồn’ của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Thế nhưng có đọc bài thơ và nghe nhạc thì mới thấy lời bài hát có nhiều điểm khác với bài thơ.
Đôi dòng về chàng thi sỹ si tình.
Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải . Ông sinh ngày 30/5/1952 tại Quận Đức Tu , Tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai). Là cựu học sinh trường Ngô Quyền , ngôi trường lớn nhất miền Đông lúc bấy giờ . Thuở ban đầu các bài thơ của ông được in ( bằng quay Ronéo) để tặng cho bạn bè và các Nữ sinh nhưng chúng không được ai chú ý , đoái hòai.
Về sau được các thầy giáo gởi đăng trên báo Sáng Tạo (của ông Mai Thảo ), rồi được các nhạc sỹ Nguyễn Đức Quang , Phạm Duy phổ nhạc , mãi đến lúc nầy Nhà thơ mới được mọi người biết đến và nổi tiếng .
Nguyễn Tất Nhiên theo học trường trung học Ngô Quyền từ năm 1963 cho tới năm 1970. Lúc mới vừa lên trung học đệ nhất cấp, Nguyễn Tất Nhiên đã làm thơ. Theo lời những người bạn cùng trường, thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã rất hay từ nhỏ. Lúc đó Nguyễn Tất Nhiên thành lập thi văn đoàn với bạn học là Đinh Thiên Phương, tên thật là Đinh Thiên Thọ. Cả hai thi sĩ học trò này cùng nhau xuất bản tập thơ "Nàng thơ trong mắt" (năm 1966), khi đó Nguyễn Tất Nhiên được 14 tuổi. Trong tập thơ này Nguyễn Tất Nhiên lấy bút hiệu là Hoài Thi Yên Thi.
Thời gian này, Nguyễn Tất Nhiên đã gặp một cô nữ sinh người miền Bắc tên là Duyên và có với cô gái này một tình cảm nhẹ nhàng nhưng không thành công vì hoàn cảnh gia đình và cả tính cách nghệ sĩ của ông. Dù vậy, cô gái tên Duyên này cũng đã là nguồn cảm hứng bất tận cho thi sỹ sáng tác khá nhiều bài thơ hay, như: “Khúc tình buồn”, “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”, “Linh mục”, “Em hiền như Ma sơ”….
Tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Tất Nhiên đã bộc lộ từ lúc ông còn rất trẻ. Đầu óc của ông được miêu tả là, lúc nào cũng mơ mộng suy nghĩ đâu đâu, không tập trung ngay cả khi đang học. Bạn bè thời gian này gọi đùa ông là Hải Ngáo hay Hải Khùng.
Có người kể lại rằng, một buổi sáng nọ, bỗng dưng thi sỹ "ngẫu hứng" ra đứng giữa ngã tư đường ở Thành phố Biên Hòa, bỏ tay trong túi quần, mãi miết nhìn... lên trời, mà không hề biết chung quanh dòng người xe đang tấp nập.
Mối tình vô vọng với cô Duyên, nỗi đam mê, niềm đau khổ làm người... đã tạo nên phong cách thơ độc đáo của Nguyễn Tất Nhiên.
Nhà thơ Thái Thụy Vy kể rằng “hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà anh ưa mặc cái manteau mua ở khu Dân sinh, mồ hôi nhễ nhại, ưa đạp xe đạp đi "cua" (tán) cô em Bắc Kỳ nho nhỏ tên Duyên…”
Vào khoảng năm 1972 hoặc 1973, Nguyễn Tất Nhiên nhận được giấy gọi nhập ngũ vào trường Võ bị Thủ Đức. Tuy nhiên mới vào Trung Tâm 3 Quang Trung, ông đã được cho về vì lý do tâm thần bất ổn. Sau năm 1975, Nguyễn Tất Nhiên sống ở trong nước vài năm, sau đó sang định cư tại Pháp, rồi cuối cùng sang Hoa kỳ , sống ở Quận Cam.
... Và, ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy ông nằm chết trong một xe hơi , đậu trong sân chùa tại California .
Có dư luận cho rằng, ông tự tử vì bế tắc trong cuộc sống ?
Vợ nhà thơ tên Minh Thủy , là người đã tranh chấp bản quyền tập thơ "Minh Khúc" với gia đình ông .
Một vài điểm khác về phần lời giữa thơ và nhạc.
Hầu hết những người yêu nhạc đều biết, nhạc phẩm ‘Thà Như Giọt Mưa’ của nhạc sỹ Phạm Duy là phổ từ bài thơ ‘Khúc Tình Buồn’ của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Thế nhưng có đọc bài thơ và nghe nhạc thì mới thấy lời bài hát có nhiều điểm khác với bài thơ
Ví dụ: trong bài hát chúng ta nghe ‘Người từ trăm năm về ngang trường Luật’ hay “ Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu”. Những ý này hoàn toàn không có trong bài thơ ‘Khúc Tình Buồn’.
Một ví dụ khác là trong đoạn kết của bài hát có nhắc đến một người con gái tên Duyên thế nhưng trong bài thơ hoàn toàn không có chi tiết này.
Mang những thắc mắc đó, Dòng nhạc xưa.com đã tìm hiểu và phát hiện ra vài điều thú vị về ‘người tên Duyên’ và chuyện nhạc sỹ Phạm Duy có lẽ đã lấy cảm hứng không chỉ từ ‘Khúc tình buồn’ mà còn cả từ bài thơ khác của Nguyễn Tất Nhiên là ‘Duyên tình con gái Bắc’
Người con gái tên Duyên.
Theo một thông tin trên mạng mà chúng tôi chưa có dịp kiểm chứng thì Duyên là một cô gái gốc Bắc, học chung lớp với nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (tham khảo http://mt9011.multiply.com/journal/item/23/23):
Bài thơ “Khúc Tình Buồn” không nhắc tới tên Duyên như trong nhạc phẩm “Thà Như Giọt Mưa” của Phạm Duy. Cô gái tên Duyên này là một nhân vật có thật và học chung lớp với nhà thơ tại trường trung học Ngô Quyền thành phố Biên Hòa, và tình cảm của ông đối với cô chính là nguồn cảm hứng khiến ông liên tục sáng tác những bài thơ nổi tiếng một thời chỉ để riêng tặng cho cô. Tuổi trẻ thời ấy thích thú với những dỗi hờn rất con nít của tác giả bài thơ khi mong cho người con gái tên Duyên sẽ đau khổ muôn niên, sẽ đau khổ trăm năm…lời lẽ như là chính cô gái đã phụ tình tác giả.
Cô gái xứ Bắc mang tên Bùi Thị Duyên ngày nào, hiện nay đang sống tại Michigan, Hoa Kỳ. Cô nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò áo trắng:
“Tụi này học chung với nhau từ năm đệ tứ. Trường đó là trường nam-nữ học chung. Đến khi học sinh đông quá thì họ phân lớp ra, trong đó có một lớp đệ tứ “mix” giữa con trai với con gái. Sau đó tôi lên học ban B thì tôi học luôn đến lớp đệ nhất, học chung với tụi con trai, trong lớp chỉ có vài cô con gái thôi. Tụi này biết nhau từ hồi nhỏ, lúc đó cũng ngây thơ, tôi chưa nghĩ gì hết, còn Nguyễn Tất Nhiên nghĩ gì hay không thì tôi không biết. Gặp nhau, biết nhau từ lúc 14, 15 tuổi. Tôi được tặng một quyển thơ mà Nguyễn Tất Nhiên nói là có ba bản chính. Một bản của Nhiên, một bản cho tôi và một bản cho ai tôi quên mất rồi. In ra khoảng chừng 100 quyển thôi. Tôi biết sự hình thành quyển thơ của Nguyễn Tất Nhiên chứ không phải không, nhưng thật ra là chẳng có gì hết, tất cả bạn bè trong lớp ai cũng biết, nhưng đó là chuyện hồi nhỏ.”
Thật ra chính cái tên Duyên mới làm bài thơ nổi tiếng. Trong tập thơ "Thiên Tai", Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều bài nói về người thiếu nữ tên Duyên và tập thơ này viết bởi nguồn cảm hứng duy nhất đó.
Chúng ta cùng đọc lại hai bài thơ liên quan đến người con gái tên Duyên, và cũng được xem là nguồn mạch cảm xúc để nhạc sỹ Phạm Duy lưu lại cho đời một tình khúc bất hủ - " Thà như giọt mưa"
Bài thơ “ Khúc tình buồn”
(Tham khảo http://www.thica.net/2008/02/21/khuc-tinh-buồn/)
(1)
Người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
Người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
Người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
(2)
Thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng
(người từ trăm năm
vì ta phải khổ)
(1970)
Bài thơ “Duyên của tình ta con gái Bắc”
(Tham khảo http://www.thica.net/2008/02/21/duyen-tinh-con-gai-bắc/)
Ta sẽ về thương lại nhánh sông xưa
Thương lại bóng hình người năm năm trước…
Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt!
Ta sẽ nhớ dặn dò lòng nên tha thiết
Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
Nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ
Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt!
Nghe nói em vừa thi rớt Luật
Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!
(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
Ta – thằng ôm hận tú tài đôi
Không biết tìm ai mà kể lể
Chim lớn thôi đành cam rớt lệ
Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh!
Nếu vì em mà ta phải điên tình
Cơn giận dữ đã tận cùng mê muội
Thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối
Tay tre khô mối mọt ăn luồn
Dễ gãy dòn miểng vụn tả tơi xương
Khi tàn bạo siết cổ người yêu dấu!
Em chẳng bao giờ rung động cũ
Ta năm năm nghiệt ngã với tình đầu
Nên trở về như một con sâu
Lê chân mỏng qua những tàn cây rậm
Nuôi hy vọng sau ngàn mưa nắng lậm
Lá xanh em chưa dấu lở loang nào
Ðể ta còn thi sĩ nhất loài sâu
Nhìn lá nõn, tiếc, thèm… đâu dám cắn!
Nếu vì em mà thiên tài chán sống
Thì cũng vì em ta ngại bước xa đời!
(Tổng hợp từ "Dòng nhạc xưa" và một số tư liệu khác)
-------------------------------------
(*) Tựa bài do luatsuhongocdiep.vn đặt