Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Cần thận trọng khi công nhận sự thoả thuận của đương sự.

22/06/2016, 12:41

Trong các tranh chấp dân sự, việc Tòa án tiến hành hòa giải để các bên đương sự thống nhất được với nhau về những vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án là một điều rất đáng ghi nhận và luôn được khuyến khích. Kết quả hòa giải chẳng những đã giảm bớt gánh nặng “kiện tụng” cho các bên đương sự mà còn tránh được những căng thẳng không đáng có, giữ được hòa khí trong quan hệ giữa các bên. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp do sơ suất của Tòa án nên sự việc từ chỗ đơn giản đã trở thành phức tạp, còn bản thân các bên đương sự thì lại phải bắt đầu một hành trình tố tụng mới…

1/ SƠ LƯỢC NỘI DUNG VỤ VIỆC.

Căn nhà số 656 đường BL, phường T.Q, quận T.P, Thành phố H. thuộc sở hữu chung của vợ chồng ông Nguyễn Văn Chiến và bà Phan Thị Hồng (tên đương sự trong vụ án đã được thay đổi). Ngày 20/01/2003, bà Phan Thị Hồng nhờ người đến Phòng Công chứng Số 3, Thành phố H lập hợp đồng ủy quyền với nội dung: ông Nguyễn Văn Chiến đồng ý ủy quyền cho bà Phan Thị Hồng thay mặt và nhân danh ông Chiến toàn quyền quản lý, sử dụng, xin phép xây dựng, cho thuê, thế chấp, bán hoặc tặng cho phần nhà thuộc quyền sở hữu của ông Chiến đối với căn nhà nói trên. Hợp đồng ủy quyền được công chứng cùng ngày tại Phòng Công chứng Số 3, Thành phố H.

Ngày 22/1/2008 bà Phan Thị Hồng và bà Trần Thị Nga lập “Tờ tường trình cam kết” với nội dung thỏa thuận như sau: để tiện lợi cho việc vay vốn ngân hàng của bà Phan Thị Hồng, bà Trần Thị Nga sẽ đứng tên giùm bà Hồng trên hợp đồng vay vốn ngân hàng cùng với giấy chủ quyền căn nhà 656 đường BL thuộc sở hữu chung của vợ chồng ông Chiến, bà Hồng.

Sau 01 năm, bà Hồng sẽ hoàn trả lại số tiền vay của ngân hàng và bà Nga sẽ làm thủ tục sang tên lại chủ quyền căn nhà cho bà Hồng. Mọi thủ tục giấy tờ, chi phí sang tên, trước bạ đều do bà Hồng chịu. Bà Hồng có trách nhiệm trả lãi đúng thời hạn cho ngân hàng. Nếu trong 5 tháng liền mà bà Hồng không đóng lãi thì bà Nga có quyền mua bán chuyển nhượng căn nhà trên để thanh toán nợ cho ngân hàng.

Thực hiện thỏa thuận trên, ngày 19/2/2008, tại Phòng Công chứng số Số 4, Thành phố H, bà Phan Thị Hồng đã lập hợp đồng tặng cho bà Trần Thị Nga căn nhà 656 đường B.L theo “Hợp đồng tặng cho nhà” số 007772/HĐ –TCN ngày 19/2/2008.

Ngày 25/02/2008 bà Trần Thị Nga làm thủ tục thế chấp căn nhà trên cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần T.N để vay số tiền: 2.200.000.000 đồng theo “Hợp đồng tín dụng” số 080085/HĐTD ngày 25/2/2008.

Sau khi đã hết thời hạn vay theo hợp đồng nhưng cả bà Nga và bà Hồng đều không ai trả nợ, làm thủ tục giải chấp đối với số tiền vay, nên Ngân hàng Thương mại Cổ phần T.N đã khởi kiện vụ việc tại Tòa án nhân dân quận T.P để yêu cầu giải quyết.

2/ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA QUYẾT ĐỊNH SƠ THẨM.

Tại Quyết định Công nhận sự thỏa thuận số 78/2009/QĐST – DS ngày 27/3/2009, Tòa án nhân dân quận T.P đã ghi nhận nội dung thỏa thuận của các đương sự như sau:

Ngân hàng Thương mại Cổ phần T.N có ông Phạm Văn Kha đại diện đồng ý để bà Phan Thị Hồng có trách nhiệm thanh toán hợp đồng tín dụng số 080085/HĐTD ngày 25/2/2008 đối với ngân hàng và đôi bên thống nhất ngày 30/6/2009 bà Hồng phải thanh toán cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần T.N số tiền là 2.992.000.000 đồng.

Thời hạn bà Hồng thanh toán số tiền trên là ngày 30/6/2009 tại Thi Hành án dân sự quận T.P. Ngay sau khi nhận đủ số tiền trên, Ngân hàng Thương mại Cổ phần T.N phải làm thủ tục giải chấp hợp đồng tín dụng số 080085/HĐTD ngày 25/2/2008 tại Phòng  Công chứng Số 4 cho bà Trần Thị Nga, đồng thời bà Trần Thị Nga phải có trách nhiệm làm ngay thủ tục chuyển trả lại quyền sở hữu nhà số 656 B.L, phường TQ, quận T.P cho bà Phan Thị Hồng và ông Nguyễn Văn Chiến, chi phí do bà Hồng chịu.

Nếu hết thời hạn trên mà bà Hồng chưa thanh toán được số tiền trên thì bà Hồng, ông Chiến cũng như bà Nga đồng ý để Thi Hành án dân sự quận T.P phát mãi tài sản thế chấp là căn nhà số 656 B.L, phường TQ, quận T.P để thu hồi số nợ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần T.N. Đồng thời bà Hồng, ông Chiến đồng ý tiếp tục trả lãi theo mức lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong số nợ…

Sau khi Tòa án nhân dân quận T.P ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 78/2009, ông Nguyễn Văn Chiến có đơn khiếu nại cho rằng, ông chỉ đồng ý phát mãi tài sản để bà Hồng lấy phần tài sản của bà trong khối tài sản chung trả nợ, chứ không phải chịu trách nhiệm trả nợ chung với bà Hồng. Ngoài ra, bà Nguyễn Kim Bình (là người trước đây nhận chuyển nhượng một phần căn nhà 656 đường B.L từ bà Hồng), ông Lê Văn Tân là người đang thuê một phần căn nhà 656 B.L của vợ chồng ông Chiến, bà Hồng đều có đơn khiếu nại về việc Tòa án không triệu tập để giải quyết việc mua bán và thuê nhà của họ trong vụ án này.

Ngày 12/8/2010 Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố H có Quyết định kháng nghị số 15/2010/KN – DS – GĐT đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử giám đốc thẩm, hủy quyết định sơ thẩm nêu trên.

3/ NHẬN ĐỊNH VÀ QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM

Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 38/2010/QĐ – DS – GĐT ngày 01/9/2010, Ủy ban Thẩm phán – Tòa án nhân dân Thành phố H nhận định:

Theo hợp đồng mua bán nhà ở ngày 20/12/2008 thì: bà Hồng, ông Chiến bán cho bà Bình một phần của căn nhà số 656 đường B.L, phường T.Q, quận T.P với giá 300.000.000 đồng, bà Bình đã thanh toán cho bà Hồng 50.000.000 đồng;

Theo hợp đồng thuê mặt bằng ngày 09/9/2006 thì: bà Hồng cho ông Lê Văn Tân thuê diện tích 45m, thời hạn thuê 12 tháng. Hết hạn hợp đồng hai bên tiếp tục tái ký hợp đồng. Hiện nay ông Tân vẫn còn thuê nhà bà Hồng, ông Chiến.

Như vậy, trước khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần T.N và bà Trần Thị Nga và thỏa thuận xử lý tài sản thế chấp là căn nhà số 656 đường B.L, phường T.Q, quận T.P, ông Chiến, bà Hồng đã cho ông Tân thuê một phần, bán cho bà Bình một phần căn nhà nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập bà Bình, ông Tân tham gia tố tụng là có thiếu sót, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm, Tòa án nhân dân Thành phố H đã tuyên xử:

Hủy quyết định sơ thẩm số 78/QĐST – DS ngày 27/3/2009 của Tòa án nhân dân quận T.P, Thành phố H.

Chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân quận T.P, Thành phố H để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.  

 …  

4/ BÌNH LUẬN.

a/ Nội dung thỏa thuận không rõ ràng.

Quyết định số 78/2009 của Tòa án nhân dân quận T.P đã ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự liên quan đến trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Chiến trong vụ án này như sau:

Nếu hết thời hạn trên mà bà Hồng chưa thanh toán được số tiền trên thì bà Hồng, ông Chiến cũng như bà Nga đồng ý để Thi Hành án dân sự quận T.P phát mãi tài sản thế chấp là căn nhà số 656 B.L, phường TQ, quận T.P để thu hồi số nợ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần T.N. Đồng thời bà Hồng, ông Chiến đồng ý tiếp tục trả lãi theo mức lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong số nợ…

Vậy, nội dung trên được hiểu như thế nào?

Ông Chiến, bà Hồng, bà Nga chỉ đồng ý phát mãi căn nhà, còn trách nhiệm trả nợ thuộc về bà Hồng với phần tài sản của bà Hồng trong khối tài sản chung với ông Chiến, hay cả ông Chiến, bà Nga cùng phải liên đới trả nợ với bà Hồng? Nếu cả ông Chiến, bà Nga cùng liên đới trả nợ thì vì sao ở phần đầu quyết định chỉ xác định có cá nhân bà Hồng trả nợ?

Mặt khác, theo nội dung của quyết định, nếu quá thời hạn thỏa thuận mà bà Hồng chưa trả nợ thì ông Chiến, bà Hồng tiếp tục trả lãi cho đến khi thanh toán xong số nợ.

Vậy ông Chiến có trách nhiệm trả nợ gốc và tiền lãi trước đây hay không? Hay chỉ đến khi hết thời hạn thỏa thuận mà bà Hồng vẫn chưa thanh toán thì ông Chiến mới có trách nhiệm cùng với bà Hồng tiếp tục trả lãi ?

Ngoài ra, khi phát mãi căn nhà để thi hành án thì tài sản dùng để thi hành án chỉ là phần tài sản của bà Hồng trong khối tài sản chung hay cả phần tài sản của ông Chiến?

Đây là những nội dung mà quyết định số 78/2009 nói trên đã không thể hiện một cách rõ ràng. Do vậy, nếu không được làm rõ, việc thi hành án rất có thể sẽ không chính xác và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của đương sự.

b/ Thỏa thuận cả những vấn đề thuộc thẩm quyền của Cơ quan Thi hành án.

Việc kê biên, phát mãi tài sản để thi hành án là thẩm quyền của Cơ quan Thi Hành án được quy định tại Pháp lệnh Thi Hành án trước đây và Luật Thi Hành án hiện nay. Các đương sự không có quyền thỏa thuận một vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của Cơ quan Thi Hành án đã được pháp luật quy định. Nói khác, việc Cơ quan Thi Hành án kê biên, phát mãi tài sản để thi hành bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án là trên cơ sở luật pháp. Hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí của các bên đương sự. Do vậy, các đương sự không được phép thỏa thuận vấn đề này.

Mặt khác, theo tinh thần quy định tại khoản 2 các Điều 186, 187 BLTTDS 2005 thì nội dung thỏa thuận của các đương sự là các vấn đề cần phải giải quyết trong phạm vi vụ án. Ngoài ra, không có một quy định pháp luật nào cho phép các đương sự thỏa thuận về các vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của Cơ quan Thi Hành án nói chung.

Như vậy, quyết định số 78/2009 ghi nhận việc “ bà Hồng, ông Chiến cũng như bà Nga đồng ý để Thi Hành án dân sự quận T.P phát mãi tài sản thế chấp…” là một thỏa thuận vượt ngoài phạm vi vụ án và không phù hợp với pháp luật.

Do các bên đương sự không được quyền thỏa thuận các vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của Cơ quan Thi Hành án, nên việc “ bà Hồng, ông Chiến đồng ý tiếp tục trả lãi theo mức lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong số nợ” là một thỏa thuận không phù hợp với các quy định pháp luật về thi hành án. Bởi lẽ, mức lãi suất đối với thời gian chậm thi hành án là do pháp luật quy định. Theo đó, sau khi bản án, quyết định có hiệu lực, kể từ thời điểm bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành thì hàng tháng còn phải trả tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

 Như vậy, mức lãi suất đối với thời gian chậm thi hành án đã được pháp luật quy định là mức lãi suất cơ bản. Việc các bên đương sự tự thỏa thuận trả lãi theo mức lãi suất đã được thỏa thuận trong hợp đồng; và thời điểm phải trả được xác định là “cho đến khi thanh toán xong số nợ” là không phù hợp pháp luật.

c/ Bỏ sót người tham gia tố tụng.

Trong vụ án này, tài sản mà các bên “ thỏa thuận để Cơ quan Thi Hành án phát mãi” là căn nhà số 656 B.L, phường T.Q, quận T.P. Tuy nhiên căn nhà này hiện nay còn liên quan đến nhiều người và nhiều quan hệ pháp luật khác nhau chưa được xử lý, cụ thể:

- Từ năm 2007 đến nay, bà Hồng đã cầm cố một căn phòng thuộc một phần căn nhà này cho vợ chồng ông Phan Văn Phúc và bà Trương Thị Thoa. Hiện tại ông Phúc, bà Thoa đang ở cùng 02 con nhỏ tại căn phòng trên.

- Từ năm 2007, vợ chồng ông Chiến, bà Hồng cũng cho ông Lê Văn Tân thuê một phần căn nhà để mở cửa hàng buôn bán sơn theo hợp đồng ký từng năm một. Thời gian hết hạn hợp đồng sau cùng là vào tháng 9/2010.

Ngoài ra, bà Hồng cũng đã chuyển nhượng một phần căn nhà cho bà Nguyễn Kim Bình theo hợp đồng mua bán (giấy tay) ngày 20/12/2008.

Việc Tòa án nhân dân quận T.P bỏ qua những người liên quan nói trên khi ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 78/2009, một mặt là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; mặt khác là làm cho bản án, quyết định không thể thi hành được. Bởi lẽ, hiện nay chưa có một bản án, quyết định có hiệu lực nào giải quyết dứt điểm quan hệ tài sản giữa vợ chồng ông Chiến, bà Hồng với những người liên quan nói trên, cũng như chưa có một bản án, quyết định nào tuyên xử buộc họ phải giao trả lại các phần diện tích thuê mướn, cầm cố … thuộc căn nhà số 656 đường B.L cho vợ chồng ông Chiến, bà Hồng.

Do vậy, Cơ quan Thi Hành án quận T.P cũng không thể cưỡng chế buộc họ phải giao trả nhà để thực hiện việc phát mãi căn nhà theo Quyết định số 78/2009 của Tòa án nhân dân quận T.P. Nhất là khi quyền lợi của họ liên quan đến căn nhà này chưa được giải quyết trong cùng vụ án.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

       (Rút từ sách BÌNH LUẬN ÁN)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác