Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vụ án “ 3 trong 1” (tiếp theo)

14/10/2016, 06:08

Trong vụ án này, các đương sự cũng như các quan hệ tranh chấp có mối liên quan chặt chẽ và đan xen lẫn nhau. Việc tách các quan hệ trên thành từng vụ án để giải quyết là hoàn toàn không đảm bảo về mặt tố tụng cũng như về đường lối giải quyết vụ án nói chung.

3/ Bình luận.

Trong vụ án này có 3 quan hệ tranh chấp khác nhau, đó là  “mua bán”, “cho thuê” và “cầm cố” tài sản đối với căn nhà E.1 đường Lê Văn Hưu, phường 3, Quận X, Thành phố H. Cả ba vụ án này đều được Tòa án nhân nhân Quận X xét xử theo trình tự sơ thẩm.

Thực chất ba vụ án này có sự liên quan mật thiết với nhau mà không thể tách rời ra từng vụ kiện để giải quyết. Chính vì vậy, ngay từ khi khởi kiện, nguyên đơn đã có yêu cầu Tòa án giải quyết các quan hệ tranh chấp này trong cùng một vụ án. Nhưng cấp sơ thẩm đã tách thành 3 vụ án khác nhau để giải quyết.

Vụ án thứ nhất, là vụ kiện tranh chấp “Hợp đồng mua bán nhà” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Lan và bị đơn là vợ chồng ông Phan Văn Tấn, bà Dương Thị Liễu, đã được Tòa án nhân dân Quận X. xét xử sơ thẩm theo bản án số 72/2005/DSST ngày 14/12/2005.

Vụ án thứ hai, là vụ kiện tranh chấp “Hợp đồng vay tài sản” do cha mẹ bà Lan là ông Nghiêm, bà Nhân đứng tên hợp đồng cho vay, nhưng sau đó chuyển giao quyền yêu cầu cho bà Lan khởi kiện đối với vợ chồng ông Tấn , bà Liễu. Theo nội dung thỏa thuận vay tài sản trong vụ án này, ông Nghiêm, bà Nhân cho ông Phan Văn Tấn vay 67 lượng vàng SJC, ông Tấn có cầm cố 04 căn phòng thuộc căn nhà  số E.1 Lê Văn Hưu, P. 3 , Quận X cho ông Nghiêm bà Nhân.

Khi giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, Tòa án nhân dân Quận X đã không xem xét “quan hệ cầm cố” nên không điều tra, xác minh tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp là 04 căn phòng nói trên để giải quyết trong cùng vụ án. Do vậy, tại bản án Dân sự Phúc thẩm số 1440/2009/DSPT ngày 13/8/2009, cấp phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Vụ án thứ ba: Đây là vụ kiện về tranh chấp “Hợp đồng thuê nhà” giữa nguyên đơn – ông Nguyễn Văn Hòa (do bà Lan đại diện) với bị đơn là vợ chồng ông Phan Văn Tấn, bà Dương Thị Liễu.

Lẽ ra khi giải quyết vụ án này, Tòa án phải xác định “Hợp đồng thuê nhà” ký ngày 27/10/2001 giữa ông Nguyễn Văn Hòa và vợ chồng ông Tấn, bà Liễu là hợp đồng vô hiệu vì vi phạm về hình thức (không công chứng, chứng thực). Từ đó tiếp tục giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật. Tức là ông Tấn, bà Liễu phải trả lại 20 lượng vàng SJC cho ông Hòa và ông Hòa phải giao lại căn phòng hiện đang quản lý, sử dụng cho vợ chồng ông Tấn.

Thế nhưng, do bản án sơ thẩm không giải quyết dứt điểm quan hệ tài sản liên quan đến “Hợp đồng thuê nhà” là buộc phía nguyên đơn - ông Nguyễn Văn Hòa phải trả lại nhà thuê cho vợ chồng ông Tấn, bà Liễu. Đồng thời việc tách vụ án của cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nên tại bản án Dân sự Phúc thẩm số 1488/2009, cấp Phúc thẩm cũng đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục chung. 

Sự liên quan không thể tách rời của 3 vụ án này thể hiện cụ thể như sau:

Nếu khởi kiện một trong ba vụ án thì các đương sự của 2 vụ án còn lại phải được xác định là người liên quan của vụ án kia.

Ví dụ: Đối với vụ án thứ nhất là vụ án “tranh chấp hợp đồng mua bán nhà” giữa bà Lan và vợ chồng ông Tấn, bà Liễu.

Khoản 4 Điều 56 BLTTDS xác định: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ

Về nguyên tắc, khi đã xác định một người nào đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong một vụ án thì nhất thiết phải đưa họ vào tham gia tố tụng để giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ của họ trong cùng vụ án. Đây không chỉ là quy định bắt buộc về mặt tố tụng mà còn là điều kiện để đảm bảo cho vụ án được giải quyết một cách toàn diện. Tránh những phát sinh, khiếu nại về sau, nhất là khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Trong vụ án này, ông Nghiêm, bà Nhân và ông Hòa là những người đang quản lý một số căn phòng thuộc nhà E.1 Lê Văn Hưu theo các quan hệ “vay tài sản” và “thuê nhà” được xác lập giữa họ với vợ chồng ông Tấn, bà Liễu. Đặc biệt, ông Hòa còn là người hiện đang cư ngụ tại căn nhà này (theo “Giấy chứng nhận lưu trú” do Công an phường 3, quận X xác nhận). Do vậy, cần phải xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Và quyền lợi, nghĩa vụ của họ phải được giải quyết trong cùng vụ án. Nhất là khi trong vụ án này, căn nhà E.1 Lê Văn Hưu đã được Tòa án quận X kê biên theo quyết định số 07/QĐ – KCTT ngày 9/6/2004 để đảm bảo thi hành án, thì họ càng phải được xác định là người liên quan để tham gia tố tụng nhằm giải quyết dứt điểm các quyền lợi cũng như nghĩa vụ của họ liên quan đến căn nhà mà Tòa án đã kê biên, và cũng là đối tượng tranh chấp trong vụ án.

Tương tự như thế, đối với vụ án thứ 3 về việc “tranh chấp hợp đồng thuê nhà” .

Nếu xác định hợp đồng thuê nhà vô hiệu thì ông Tấn, bà Liễu phải trả lại 20 lượng vàng SJC cho ông Hòa và ông Hòa phải trả lại căn phòng đang quản lý, sử dụng cho vợ chồng ông Tấn.

Thế nhưng hiện nay toàn bộ căn nhà E.1 – Lê Văn Hưu, vợ chồng ông Tấn đã bán cho hai chủ là bà Nguyễn Thị Lan và vợ chồng ông Tuấn, bà Thịnh (sự việc thuộc vụ án thứ nhất). Do vậy, bà Lan và vợ chồng ông Tuấn, bà Thịnh phải được xác định là người liên quan trong vụ án (thứ 3) này. Vì chỉ khi bà Lan, ông Tuấn, bà Thịnh tham gia tố tụng thì Tòa án mới có thể xác định ông Hòa phải giao trả căn phòng cho ai? Cho ông Tấn hay những người đã mua căn nhà E.1 Lê Văn Hưu của ông Tấn là bà Lan và vợ chồng ông Tuấn, bà Thịnh?

Chính vì tính chất liên quan, không thể tách rời của sự việc, nên các quan hệ pháp luật tranh chấp giữa bà Lan, ông Nghiêm bà Nhân cũng như ông Hòa với vợ chồng ông Tấn, bà Liễu cần phải được giải quyết trong cùng một vụ án. Việc Tòa án nhân dân Quận X tách các quan hệ trên thành 3 vụ án vừa không đảm bảo về mặt tố tụng, vừa không thể giải quyết toàn diện và dứt điểm bất kỳ một quan hệ tranh chấp nào trong 3 vụ án nói trên. Đây cũng là lý do cả ba vụ án đều bị cấp phúc thẩm hủy án để xét xử lại từ sơ thẩm.

Ngoài ra, việc tách vụ án cũng dẫn đến hàng loạt các sai phạm về tố tụng. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tại bản án sơ thẩm số 72/2005 xét xử về việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa nguyên đơn – bà Nguyễn Thị Lan và bị đơn là vợ chồng ông Tấn, bà Liễu, cấp sơ thẩm xác định:

Tại các biên bản hòa giải ngày 24/1 và 3/6/2005 đại diện theo ủy quyền của bà Lan là ông Nguyễn Thái Văn có yêu cầu đòi lại hai khoản tiền 67 lượng vàng theo giấy nợ ngày 11/11/2001 do ông Tấn ký vay của ông Nghiêm, bà Nhân (cha mẹ ruột bà Lan) và 20 lượng vàng ông Tấn, bà Liễu ký nhận trong hợp đồng thuê nhà ký với ông Nguyễn Văn Hòa (em ruột bà Lan). Nhưng đến ngày 8/8/2005 ông Văn rút lại yêu cầu này và đề nghị tách ra giải quyết trong vụ án dân sự khác…

Như vậy, 3 quan hệ pháp luật tranh chấp tương ứng với 3 yêu cầu của nguyên đơn là “tranh chấp hợp đồng mua bán nhà”, “tranh chấp hợp đồng thuê nhà” và “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” đều có xuất phát điểm từ vụ án dân sự thụ lý số 127/2004 ngày 9/6/2004 về việc “tranh chấp hợp đồng mua bán nhà” giữa bà Lan và vợ chồng ông Tấn. Chính vì vậy, nếu Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy cần phải tách các yêu cầu tranh chấp nói trên thành các vụ án khác nhau để giải quyết thì về nguyên tắc phải có quyết định tách vụ án trên cơ sở của vụ án dân sự đã thụ lý số 127/2004 nói trên.

          Trong khi đó, cấp sơ thẩm không hề ra bất kỳ một quyết định nào về việc tách vụ án. Nhưng lại tiến hành thụ lý và thực hiện các thủ tục tố tụng độc lập để  giải quyết hai quan hệ tranh chấp vốn nằm trong phạm vi khởi kiện của vụ án đã thụ lý số 127/2004 mà Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý trước đó.

          Như vậy, rõ ràng cấp sơ thẩm đã không tách vụ án, và nguyên đơn cũng như người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng không có văn bản rút một phần yêu cầu để sau đó thực hiện việc khởi kiện thành một vụ án riêng. Vậy thì cơ sở nào cấp sơ thẩm tách các quan hệ vay tài sảnthuê nhà để hình thành nên hai vụ kiện độc lập với vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà?

          Một sai lầm nghiêm trọng khác về việc tách vụ án còn thể hiện ở chỗ:

          Như chúng tôi đã trình bày, cả 3 quan hệ tranh chấp mua bán, cho thuê nhà ở  vay tài sản đều có xuất phát điểm từ vụ án dân sự thụ lý số 127/2004 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa bà Lan và vợ chồng ông Tấn. Như vậy, nếu tách vụ án thì phải tách từ vụ án này. Thế nhưng theo xác định của bản án sơ thẩm số 16/2009 ngày 27/4/2009 xét xử về việc tranh chấp hợp đồng thuê nhà giữa ông Hòa (do bà Lan đại diện) và vợ chồng ông Tấn thì vụ án này được tách ra từ hồ sơ thụ lý số 185/2004. Tức là được tách ra từ vụ án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Ở đây thử hỏi, vì sao chưa có quyết định tách vụ án từ hồ sơ thụ lý số 127 mà lại có vụ án thụ lý số 185? Và từ hồ sơ vụ án thụ lý số 185 này, cấp sơ thẩm lại tiếp tục cho ra một hồ sơ vụ án nữa, đó là vụ án có số thụ lý 223/2004 về việc tranh chấp hợp đồng thuê nhà  mà cũng không có một quyết định nào về việc tách vụ án cả. 

Về điểm này, tại bản án phúc thẩm số 1488/2009 xét xử về việc tranh chấp hợp đồng thuê nhà giữa ông Hòa (do bà Lan đại diện) với vợ chồng ông Tấn, bà Liễu, cấp Phúc thẩm nhận định: “ xét việc tách vụ án cùng với số tiền tạm ứng án phí mà không có quyết định là không đúng quy định về nhập, tách vụ án theo Điều 38 BLTTDS…”.

Như vậy, rõ ràng quan hệ tranh chấp về hợp đồng thuê nhà giữa ông Hòa với vợ chồng ông Tấn nằm trong phạm vi khởi kiện chung của vụ án trước đây vẫn chưa được tách ra thành một vụ án riêng theo đúng quy định của pháp luật (vì cấp sơ thẩm không có quyết định tách vụ án). Do vậy, về nguyên tắc yêu cầu này vẫn thuộc phạm vi giải quyết của vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà  

Thứ hai, đối với việc chuyển giao quyền yêu cầu giữa ông Nghiêm , bà Nhân cho bà Lan trong vụ án tranh chấp “Hợp đồng vay tài sản”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 309 BLDS thì “ người chuyển giao quyền yêu cầu phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu…”

Trong trường hợp này, ông nghiêm, bà Nhân đã không thông báo bằng văn bản cho vợ chồng ông Tấn, bà Liễu về việc chuyển giao quyền yêu cầu cho bà Lan. Và, một khi thủ tục chuyển giao quyền yêu cầu không đúng pháp luật thì bà Lan không thể đứng đơn với tư cách nguyên đơn để khởi kiện vợ chồng ông Tấn, bà Liễu trong vụ án tranh chấp “Hợp đồng vay tài sản” vốn được ông Tấn giao kết với ông Nghiêm, bà Nhân. Do vậy, việc cấp sơ thẩm xác định bà Lan với tư cách nguyên đơn để từ đó tách quan hệ vay tài sản thành một vụ án khác là không đúng pháp luật. Và đó cũng chính là lý do bản án Phúc thẩm số 1440/2009 trong phần nhận định đã lưu ý cấp sơ thẩm về tư cách khởi kiện của nguyên đơn (vì việc chuyển giao quyền yêu cầu không đúng pháp luật, nhìn từ góc độ pháp lý cũng như thực tiễn có thể xem như chưa chuyển giao quyền yêu cầu). Và, một khi quyền yêu cầu chưa được chuyển giao một cách hợp pháp để bà Lan có thể đứng đơn khởi kiện thành một vụ án riêng, thì lẽ đương nhiên ông Nghiêm, bà Nhân vẫn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa bà Lan với vợ chồng ông Tấn, bà Liễu. Khi giải quyết vụ án, Tòa án phải đưa ông Nghiêm, bà Nhân vào tham gia tố tụng.

Theo tinh thần quy định tại Điều 38 BLTTDS thì: Tòa án có thể tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nhưng với điều kiện việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách phải đảm bảo đúng pháp luật.

Việc Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố H tách các vụ án không đúng quy định của pháp luật nên về nguyên tắc các vụ án này chưa được xem là các vụ kiện độc lập, mà các yêu cầu được tách cũng như chủ thể quyền lợi của các yêu cầu này vẫn nằm trong phạm vi giải quyết của vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà”.   

Mặt khác, theo tinh thần quy định tại Điều 38 BLTTDS thì Tòa án chỉ được phép tách vụ án nếu như việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách đúng pháp luật.

Trong trường hợp này, các đương sự cũng như các quan hệ tranh chấp có mối liên quan chặc chẽ và đan xen lẫn nhau. Việc tách các quan hệ trên thành từng vụ án để giải quyết là hoàn toàn không đảm bảo về mặt tố tụng cũng như về đường lối giải quyết vụ án nói chung.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

(Rút từ sách Bình Luận Án)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác