Vợ nguyên bí thư xã giết người, đốt xác: áp dụng luật mới thế nào?
Ngày 8/12, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hiến - Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, tòa đã có văn bản gửi cấp trên xem xét ra quyết định với một bị án bị kết án tử hình (phạm tội chưa đạt) xuống 20 năm tù do chuyển biến của luật.
Đó là trường hợp của bị án Lê Thị Hường (39 tuổi, ngụ xã Xà Bang, huyện Châu Đức), người đã bị hai cấp tòa tuyên phạt mức án tử hình về hành vi giết người (phạm tội chưa đạt) và xâm phạm thi thể, mồ mả (đốt xác nguyên thủ quỹ xã Kim Long) từng gây chấn động dư luận thời gian qua.
Theo đó, qua công tác kiểm tra, rà soát, đối chiếu các quy định giữa Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 với BLHS năm 2015, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận thấy theo quy định tại khoản 3 Điều 52 BLHS năm 1999 thì hình phạt tử hình có thể được áp dụng đối với trường hợp phạm tội chưa đạt trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm sau khi xem xét tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo Hường là đặc biệt nghiêm trọng nên đã xử phạt Lê Thị Hường tử hình về tội giết người (phạm tội chưa đạt).
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 57 BLHS năm 2015 quy định: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm…”.
Đồng thời, tại điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS năm 2015 quy định: “Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13”.
Căn cứ vào quy định trên, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo để Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, quyết định.
Như vậy, trong trường hợp luật mới được áp dụng thì mức án đối với bị án Lê Thị Hường sẽ được xem xét theo quy định nào? Hình phạt được áp dụng cho bị án này là tù chung thân hay không quá 20 năm theo quy định tại khoản 3 Điều 57 BLHS năm 2015 ?
Trước hết có thể thấy rằng, so với khoản 3 điều 52 BLHS năm 1999 (có thể áp dụng hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội chưa đạt trong trường hợp đặt biệt nghiêm trọng) thì khoản 3 Điều 57 BLHS năm 2015 được xem là điều luật quy định về một hình phạt nhẹ hơn (hình phạt tù không quá 20 năm).
Theo tinh thần quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS 2015 thì: các điều khoản của BLHS năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định hình phạt nhẹ hơn... thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích;
Trong trường hợp này, bản án xét xử đối với bị án Lê Thị Hường đã có hiệu lực pháp luật, và hiện nay, bà Hường chỉ có đơn gửi đến Chủ tịch nước để xin ân giảm (ân xá tội chết) chứ không thuộc trường hợp “đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt” theo quy định nêu trên. Vì vậy, không thể áp dụng điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS 2015 để chuyển hình phạt tử hình đối với bị án Lê Thị Hường sang hình phạt tù không quá 20 năm theo quy định tại khoản 3 Điều 57 BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, theo tinh thần quy định tại khoản 2 điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS năm 2015 thì: kể từ ngày BLHS năm 2015 được công bố:
a/ Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình, đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
b/ Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người được nêu tại điểm a khoản này nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Như vậy, do khoản 3 Điều 57 BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình nên đối với trường hợp của bị án Lê Thị Hường, nếu luật mới được áp dụng thì Chánh án TAND Tối cao chỉ có thể căn cứ các điểm a, b khoản 2 điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS 2015 để chuyển hình phạt tử hình đối với bị án này thành hình phạt tù chung thân, chứ không thể áp dụng điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 để chuyển từ hình phạt tử hình thành hình phạt tù không quá 20 năm như đã nêu trên.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP