Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Án lệ và những đặc điểm của án lệ Việt Nam

10/05/2017, 16:30

Án lệ (tiếng Pháp-Jurisprudence) được hiểu là: Đường lối giải thích và áp dụng luật pháp của các tòa án về một điểm pháp lý.

Đường lối này được coi như một tiền lệ, khiến các thẩm phán sau đó có thể noi theo trong các trường hợp tương tự. Nói nôm na, xử theo án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự.

Theo quan điểm của các nhà luật học theo hệ luật Anh -Mỹ (Anglo – Sacxon), thì án lệ được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa hẹp, án lệ bao gồm toàn bộ các quyết định, bản án được tuyên bố bởi Tòa án và có giá trị như nguồn luật, đưa ra những nguyên tắc, nền tảng áp dụng cho các vụ việc xảy ra tương tự sau này, hay là cách thức sử dụng các nguyên tắc có sẵn như là những căn cứ áp dụng để quyết định các vụ việc xảy ra trong tương lai.

Còn theo nghĩa rộng, án lệ là nguyên tắc bắt buộc đòi hỏi thẩm phán trong hệ thống các cơ quan Toà án khi xét xử một vụ việc cụ thể cần phải căn cứ ngay vào các bản án, các vụ việc trước đó, đặc biệt là các phán quyết của các Tòa cấp cao, Tòa phúc thẩm và Tòa án tối cao, hay là những nguyên tắc không theo luật định được đưa ra từ các quyết định tư pháp, hay là hệ thống những nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và hình thành thông qua các quyết định của Tòa án.

Với cách tiếp cận này, về mặt bản chất, án lệ cũng chính là tiền lệ pháp. Bởi cả hai đều hình thành qua quá trình xét xử của cơ quan tài phán.

Tuy nhiên, một số quan điểm khác thì cho rằng, Tiền lệ pháp và án lệ là hai khái niệm không đồng nghĩa với nhau. Tiền lệ pháp được hiểu là việc làm luật của Tòa án trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới trong quá trình xét xử dựa trên cơ sở những vụ việc đã được quyết định trước đây cho những trường hợp và vấn đề tương tự. Còn án lệ là tập hợp các vụ việc đã được xét xử của cơ quan tư pháp trong quá trình xét xử, hay chỉ đơn thuần là các phán quyết của Tòa án (bản án), được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ việc tương tự trong tương lai.

Nói một cách khác, tiền lệ pháp là một hình thức pháp luật hay quá trình làm luật của Tòa án; án lệ là những bản án, quyết định mà toà án làm căn cứ để áp dụng cho những vụ việc có tình tiết tương tự sau này. Đây không phải là hai từ đồng nghĩa và dẫn chiếu đến nhau.

Nhìn chung, các nhà luật học  không thống nhất với nhau về vai trò của án lệ như một nguồn của pháp luật. Một số quan điểm cho rằng, nhiệm vụ của tòa án là giải thích luật, do đó cũng có quyền tạo ra các quy phạm pháp luật trong chừng mực các quy phạm ấy không trái với tinh thần chung của một đạo luật. Một số người khác lại cho rằng, tòa án không có quyền tạo ra luật mà chỉ có quyền áp dụng luật và tập quán. Trong mọi trường hợp, quyết định của tòa án phải căn cứ vào luật và không được vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật.

Việc tranh luận như trên, xét cho cùng chỉ mang tính lý thuyết và không mang lại một ích lợi nào trên thực tế. Ngày nay, vai trò giải thích luật của án lệ là một thực tế không thể phủ nhận, và nó cũng đã được thừa nhận rộng rãi tại hầu hết các quốc gia, nhất là tại các nước thuộc hệ thống pháp luật Anh – Mỹ.

Điều kiện để một bản án trở thành án lệ.

Theo Thông luật, không phải mọi bản án, quyết định của các tòa án đều trở thành án lệ. Một bản án chỉ trở thành án lệ khi đáp ứng các yếu tố cơ bản sau đây:

Phải có vấn đề pháp lý

Nội dung của bản án được coi là án lệ phải liên quan đến vấn đề pháp lý (a point of Law).

Có thể nói, hầu hết các vụ án hay các tranh chấp được giải quyết tại tòa án nói chung, ít khi gặp phải những câu hỏi về vấn đề pháp lý, mà chủ yếu là những câu hỏi về sự kiện thực tế trong vụ án (a question of fact). Tức là, khi các vấn đề pháp lý đã rõ ràng, thì thẩm phán chỉ có việc xem xét áp dụng pháp luật đã có sẵn như thế nào để phù hợp với các sự kiện thực tế trong vụ án. Nói khác, đó là những bản án mà vai trò của thẩm phán chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá chứng cứ hay áp dụng một hoặc một số  điều luật (có sẵn) để giải quyết một quan hệ pháp luật tranh chấp cụ thể. Những bản án trong các vụ án này, theo Thông luật không phải là các án lệ. Vì nó không tạo ra một tiền lệ mới mẻ nào trong việc xét xử.

Một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra án lệ là quyết định của thẩm phán trong vụ án cụ thể liên quan đến các vấn đề pháp luật mới nảy sinh, hoặc một nghi vấn pháp luật (question of Law). Đó là các vấn đề nảy sinh trong các vụ án có liên quan đến câu hỏi, luật cần áp dụng đối với sự kiện thực tế (question of fact) nảy sinh trong vụ án là gì, và nó được áp dụng vào các sự kiện thực tế trong vụ án như thế nào? Nói khác, đây là những vụ án mà thực chất vấn đề pháp luật chưa từng được đặt ra, chưa hề có lời giải đáp trong thực tiễn.

Vì vậy, khi xét xử thẩm phán phải tìm ra lời giải đối với vấn đề pháp luật đặt ra trong vụ án. Và như vậy, thẩm phán đã sáng tạo ra pháp luật. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phán quyết của thẩm phán trong vụ việc cụ thể này đã tạo ra một án lệ (tiền lệ pháp) cho các vụ việc tương tự trong tương lai.

Án lệ R. v. Elizabeth Manley dưới đây, sẽ làm rõ hơn yếu tố “ vấn đề pháp lý” như một điều kiện cần thiết để một bản án trở thành án lệ.

Đây là vụ án xảy ra vào năm 1933, liên quan đến cô Elizabeth Manley. Cô này đã trình báo với cảnh sát rằng, có một người đàn ông đã đánh cô và lấy toàn bộ tiền bạc. Tuy nhiên, khi cảnh sát tiến hành điều tra đã phát hiện vụ việc trên là không có thật. Tòa án đã kết tội cô Elizabeth Manley với tội danh "làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng ". Tội danh này không có trong luật (Đây là nội dung liên quan đến vấn đề pháp luật). Do đó, tòa án đã đưa ra hai lý do và sau đó hình thành nên tiền lệ. Thứ nhất, đặt người vô tội trước nguy cơ bị bắt giữ; thứ hai, là tốn thời gian và công sức của cảnh sát trong quá trình điều tra một vụ việc không có thật.

Từ vụ án Alizabeth Manley đã hình thành nên một tiền lệ trong phán quyết của Tòa án " Bất kỳ người nào đặt người vô tội vào tình trạng bị truy tố và làm cảnh sát phải điều tra một vụ án không có thật thì bị buộc vào tội danh gây rối, ảnh hưởng đến trật tự công cộng".

Án lệ này, sau đó cũng được áp dụng cho trường hợp của bà MayJones vào năm 1997 (theo Án lệ: R v MayJonnes [1997] (CA).

Bà Jones đang đi mua sắm ở cửa hàng thì phát hiện mình bị mất chiếc ví. Bà ta nhớ lại trước đây ít phút có một người đàn ông đã đi lướt qua và chạm vào người bà. Bà ta lập tức báo cảnh sát và miêu tả nhân dạng người đàn ông ấy.

Thế nhưng, ngày hôm sau, cửa hàng đã gọi điện thoại đến và báo rằng, bà Jones đã để quên ví tiền tại cửa hàng. Trong vụ này bà Jones cũng bị kết tội như cô Manley vì đã làm cảnh sát điều tra một vụ việc không có thật và đặt người vô tội trước rủi ro bị truy tố.

Mặc dù, hai vụ án cách nhau 64 năm, nhưng tiền lệ trước đây vẫn được áp dụng để giải quyết cho vụ án sau (vụ bà May Jones) vì hai vụ án trên có tính chất tương tự với nhau.

Phải có quan điểm pháp lý.

Nếu như vấn đề pháp lý, được hiểu là câu hỏi đặt ra để thẩm phán đi tìm lời giải cho một sự kiện hay tình huống pháp luật mới nảy sinh trong thực tế, thì quan điểm pháp lý là sự khái quát hóa đường lối xét xử trong một vụ án cụ thể thành một nguyên tắc chung, mang tính tiền lệ để các thẩm phán sau đó có thể noi theo trong các trường hợp tương tự. Muốn vậy, quan điểm pháp lý hay nguyên tắc chung này phải hàm chứa trong nó “lời giải thích” về tính hợp lý trong đường lối xét xử đối với vụ án. Tức là, nó cho phép người ta hiểu được vì sao thẩm phán xét xử vụ án theo chiều hướng này mà không phải là chiều hướng khác.

Ví dụ: đối với án lệ R. v. Elizabeth Manley nói trên, vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ án là, khi một người tố cáo với cảnh sát một sự việc không có thật, thì họ có bị xem là phạm tội hay không? Nếu xem đó là hành vi phạm tội thì thẩm phán dựa trên quan điểm nào? Trả lời cho câu hỏi này cũng chính là quan điểm pháp lý của vụ án. Và trong án lệ này, quan điểm pháp lý đó được khái quát thành một nguyên tắc chung như sau: “ Bất kỳ người nào đặt người vô tội vào tình trạng bị truy tố và làm cảnh sát phải điều tra một vụ án không có thật thì bị buộc vào tội gây rối, ảnh hưởng đến trật tự công cộng".

Như vậy, một bản án được xem là án lệ thì trước hết, bản án đó phải thể hiện thái độ, quan điểm của thẩm phán hoặc của các thẩm phán trong Hội đồng xét xử về các vấn đề pháp luật được đặt ra. Nếu không có quan điểm, đường lối giải quyết trong bản án thì không thể trở thành án lệ (vì án lệ có thể hiểu ở góc độ là một đường lối xét xử)

(còn tiếp)

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác