Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vai trò của Thẩm phán đối với việc mở rộng tranh tụng trong các vụ án dân sự (kỳ cuối)

05/08/2016, 10:20

Thông qua kết quả tranh tụng, thẩm phán đánh giá nội dung thực chất của vụ án, các chứng cứ, các lý lẽ, lập luận của mỗi bên, trên cơ sở đó căn cứ vào quy định của pháp luật để ra quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn tố tụng thì thẩm phán lại có vai trò khác nhau.

1. Giai đoạn khởi kiện, khởi tố và thụ lý, điều tra vụ án:

Thẩm phán kiểm tra đơn khởi kiện, quyết định khởi tố có đủ điều kiện thụ lý hay không. Chỉ có các trường hợp sau đây thì đơn khởi kiện, khởi tố sẽ không được thụ lý:

– Thời hiệu khởi kiện đã hết;

– Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

– Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ các vụ án ly hôn mà Tòa án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc các vụ kiện đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho ở nhờ, mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện;

– Hết thời hạn được thông báo mà người khởi kiện không đến Tòa án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

– Chưa có đủ điều kiện khởi kiện, khởi tố;

– Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Còn trong trường hợp khác thẩm phán phải thụ lý, nếu trong trường hợp đơn khởi kiện, khởi tố không đúng quy định của pháp luật thì yêu cầu người khởi kiện, khởi tố sửa đổi,

bổ sung đơn khởi kiện, quyết định khởi tố.

Sau khi thụ lý, thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa phải thông báo về việc thụ lý vụ án cho các nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và yêu cầu đương sự nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và đồng thời yêu cầu họ đưa ta các chứng cứ, lý lẽ chứng minh cho yêu cầu của mình đưa ra là chính đáng và ngược lại đối với bên bị yêu cầu, nếu họ không chấp nhận yêu cầu của phía bên kia thì cũng phải đưa ra chứng cứ, lý lẽ để bác bỏ yêu cầu của phía bên kia. Vấn đề này thể hiện thông qua đơn khiếu nại, giải trình, lấy lời khai đương sự, đối chất các chứng cứ tài liệu

do các bên xuất trình…

Trong quá trình tranh tụng các đương sự có thể yêu cầu hoặc Tòa án thấy cần thiết có thể yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp tài liệu là giấy tờ, ảnh, băng, đĩa ghi âm, ghi hình hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án; trưng cầu giám định; quyết định,

định giá tài sản; xem xét, thẩm định tại chỗ; ủy thác việc thu thập chứng cứ, sắp tới khi Bộ luật tố tụng dân sự thông qua, với yêu cầu nâng cao vai trò nghĩa vụ chứng minh của đương sự, để các bên có được thông tin khi thực hiện việc tranh tụng thì thẩm phán phải yêu cầu các bên đương sự cung cấp chứng cứ của mình cho phía bên kia. Vì vậy, nếu thiếu vai trò tích cực của thẩm phán thì vấn đề tranh tụng của các đương sự không được thực hiện một cách triệt để. Đây là giai đoạn tranh tụng thể hiện bằng các hành vi pháp

lý, thông qua các hình thức văn bản là chủ yếu nhằm chuẩn bị cho tranh tụng có sự đối đáp trực tiếp tại phiên tòa.

2. Vai trò của thẩm phán đối với vấn đề tranh tụng trong phiên tòa:

* Về thủ tục xét hỏi

– Bắt đầu vào thủ tục xét hỏi, Hội đồng xét xử lần lượt nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của họ… Nếu tổ chức xã hội hoặc Viện kiểm sát… là người khởi tố thì Viện kiểm sát, tổ chức khởi kiện được trình bày và phát biểu trước. Người trình bày có quyền nêu rõ nội dung sự việc và yêu cầu, đồng thời xuất trình các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình.

– Sau khi nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ kiện, hội đồng xét xử yêu cầu người làm chứng nói rõ những việc liên quan đến việc tranh chấp mà họ biết.

+ Trước khi nghe lời trình bày của người làm chứng, Chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu người làm chứng tuyên thệ trước Tòa là chỉ nói đúng sự thật.

+ Nếu người làm chứng là người chưa thành niên thì Chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu, người giám hộ giúp đỡ để hỏi.

– Hội đồng xét xử tiến hành xem xét các vật chứng và hướng dẫn cho đại diện Viện kiểm sát, đại diện của tổ chức, các đương sự, người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự xem xét các vật chứng tại phiên tòa.

Nếu vật chứng không đưa đến phiên tòa được, khi cần thiết Hội đồng xét xử có thể cùng với Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng đến xem xét tại chỗ.

– Chủ tọa phiên tòa công bố bản kết luận giám định, nếu người giám định vắng mặt hoặc mời người giám định trình bày kết luận của mình về vấn đề được giao giám định. Người giám định có quyền giải thích bổ sung trên cơ sở kết luận giám định tại phiên tòa.

– Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát lần lượt đặt câu hỏi đối với từng vấn đề đang

có tranh chấp, câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, người được hỏi phải trả lời ngắn gọn và đúng vấn đề được hỏi và yêu cầu người làm chứng trình bày rõ những tình tiết của vụ kiện mà người đó đã biết, sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.

– Nếu thấy cần thiết, Chủ tọa phiên tòa có thể cho đối chất ngay tại phiên tòa giữa những người đã trình bày về những điểm có mâu thuẫn.

– Những người tham gia tố tụng khác có quyền đề xuất với Hội đồng xét xử những vấn

đề cần được hỏi thêm hoặc yêu cầu thu thập thêm chứng cứ. Hội đồng xét xử xem xét yêu cầu đó và căn cứ vào tình tiết vụ án đề quyết định.

Hội đồng xét xử phải tạo điều kiện cho nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa

vụ liên quan đến vụ án, luật sư… thực hiện đặt câu hỏi với phía bên kia, đối với người làm chứng, giám định và những người tham gia tố tụng khác về các tình tiết liên quan đến vụ án.

+ Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, cung cấp thêm chứng cứ hoặc xác minh tính hợp pháp của chứng cứ, nếu thấy việc đó có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết đúng đắn vụ kiện.

+ Trường hợp chấp nhận yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, cung cấp thêm vật chứng, nếu không thực hiện được ngay, thì có thể phải dừng phiên tòa.

Trong quá trình xét hỏi, Hội đồng xét xử mà đặc biệt vai trò của thẩm phán chủ tọa là người chủ trì, điều khiển đảm bảo phiên tòa diễn ra một cách trật tự. Hội đồng xét xử phải khách quan tập trung lắng nghe lời khai của các bên, của các nhân chứng… lời phát biểu của luật sư, của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác.

* Thủ tục tranh luận tại phiên tòa.

– Sau khi kết thúc việc xét hỏi, nếu không phải hoãn phiên tòa hoặc tạm đình chỉ việc xét xử thì Chủ tọa phiên tòa tuyên bố chuyển sang phần tranh luận.

– Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bảo vệ quyền, người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những người đó lần lượt lập luận về các tình tiết của vụ kiện, về kết luận giám định, đưa ra các căn cứ pháp lý và đề xuất hướng giải quyết vụ kiện. Nếu Viện kiểm sát khởi tố vụ kiện hoặc cá nhân, tổ chức khởi kiện lợi ích của người khác thì Kiểm sát viên, cá nhân hoặc đại diện của tổ chức đó trình bày ý kiến của mình đầu tiên.

– Trong trường hợp đương sự có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa, trình bày

ý kiến trước thì người đại diện hợp pháp có quyền bổ sung hoặc nếu người đại diện hợp pháp trình bày ý kiến trước thì đương sự được quyền trình bày ý kiến bổ sung.

– Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác nhưng thông thường họ chỉ được phát biểu một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Tuy nhiên, đối với tình tiết hoặc chứng cứ quan trọng có ý nghĩa quyết định nội dung tranh chấp, Chủ tọa phiên tòa có thể để các bên tranh luận thêm. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ kiện.

– Chủ tọa phiên tòa là người điều khiển việc tranh luận, để việc tranh luận có chất lượng thì chủ tọa phải xác định những vấn đề mà các bên cần tranh luận với nhau, hướng việc tranh luận vào trọng tâm, vào những điều cần phải làm rõ để xác định sự thật, xác định được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

– Nếu qua tranh luận thấy việc điều tra vụ án chưa toàn diện thì có thể dừng phiên tòa

để điều tra bổ sung, nếu cần thấy phải xem xét thêm vật chứng, xét hỏi thêm thì Hội đồng xét xử có thể quyết định trở lại giai đoạn xét hỏi và sau đó lại tiếp tục tranh luận.

Tóm lại, quy trình tranh tụng như trên cho thấy thẩm phán có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc mở rộng tranh tụng, nếu không có thẩm phán tham gia thì không thể có tranh tụng như luật quy định. Đối với các đương sự họ là nhân vật trọng tâm, là chủ thể chính của việc tranh tụng còn thẩm phán giữ vai trò là người tổ chức, điều khiển, dẫn dắt việc tranh tụng theo đúng quy định của pháp luật và là người trọng tài để đưa ra phán quyết trên cơ sở các chứng cứ, các quy định của pháp luật mà các đương sự đã chứng minh là đúng đắn trong quá trình tranh tụng.

TƯỞNG DUY LƯỢNG & NGUYỄN VĂN CƯỜNG – Tòa Dân sự TAND Tối cao

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ số 2 năm 2004.

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác