Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Thế nào là hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm?

06/09/2016, 19:18

Khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015 quy định: “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”.

Đây là một chế định mà lần đầu tiên BLHS ghi nhận. Tuy nhiên, về lý luận thì hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm đã được đề cập từ lâu trong các giáo trình luật hình sự và được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng nhưng không dùng thuật ngữ “vượt quá” mà dùng thuật ngữ “thái quá”; nay BLHS 2015 quy định, thực chất là “luật hóa” một chế định mà trên thực tế đã được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng.

Về bản chất, hành vi “vượt quá” hay hành vi “thái quá” của người thực hành không có gì khác nhau. Việc nhà làm luật dùng thuật ngữ “vượt quá” mà không dùng “thái quá” là thể hiện tinh thần việt hóa các thuật ngữ pháp lý.

Về lý luận cũng như thực tiễn thì hành vi vượt quá của người thực hành, người đồng phạm khác không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá đó.

Để hiểu và áp dụng chế định này, trước hết phải hiểu thế nào là vụ án có đồng phạm và người thực hành trong vụ án có đồng phạm là người nào ?

Theo Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 BLHS 2015, thì “đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia thì đều là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Ví dụ: A cắt khóa vào nhà kho lấy trộm một chiếc tivi. B nhìn thấy, đợi A đem tivi ra ngoài sau đó lẻn vào nhà kho lấy trộm một chiếc quạt bàn và một số phụ tùng xe máy, khi ra khỏi kho được 200m thì cả A và B đều bị bảo vệ cơ quan phát hiện bắt giữ. Tuy cả A và B đều thực hiện tội trộm cắp tài sản nhưng không cùng thực hiện, nên không coi trường hợp tội phạm của A và B là đồng phạm.

Chế định đồng phạm quy định trong Bộ luật hình sự có hai loại mà theo khoa học luật hình sự gọi là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức).

Đồng phạm giản đơn là trường hợp tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành.

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 2 Điều 17 BLHS).

Trong vụ án có đồng phạm, tùy thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực tội phạm. Trực tiếp thực hiện tội phạm là trực tiếp có hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành như: trực tiếp cầm dao chém nạn nhân, cầm súng bắn nạn nhân, trực tiếp chiếm đoạt tài sản, trực tiếp nhận hối lộ, v.v.. Người thực hành là người có vai trò quyết định việc thực hiện tội phạm. Dù là đồng phạm giản đơn hay phạm tội có tổ chức thì bao giờ cũng có người thực hành. Nếu không có người thực hành thì tội phạm chỉ dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, mục đích phạm tội không được thực hiện; hậu quả vật chất của tội phạm chưa xảy ra và trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác sẽ được xem xét theo quy định tại Điều 14 Bộ luật hình sự (chỉ chuẩn bị phạm tội một trong những tội mà BLHS quy định mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác rõ ràng phụ thuộc vào hành vi của người thực hành.

Thực tiễn xét xử cho thấy, không phải bao giờ người thực hành cũng thực hiện đúng những hành vi do các đồng phạm khác đặt ra, có trường hợp người thực hành tự ý không thực hiện tội phạm hoặc tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm, nhưng thực tế cũng không ít trường hợp người thực hành tự ý thực hiện những hành vi vượt quá yêu cầu của các đồng phạm khác đặt ra. Khoa học luật hình sự gọi là hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm.

Luật hình sự của nhiều nước cũng ghi rõ chế định “vượt quá” của người thực hành trong Bộ luật hình sự hoặc trong các văn bản luật hình sự. Ở nước ta chế định này trước đây chưa được ghi trong Bộ luật hình sự, nhưng về lý luận cũng như thực tiễn xét xử đều thừa nhận, khi cần phải xem xét đến trách nhiệm hình sự của người thực hành cũng như những đồng phạm khác trong một vụ án có đồng phạm.

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử đã khẳng định, hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm và hậu quả do hành vi thái quá đó gây ra chỉ người thực hành phải chịu trách nhiệm hình sự, còn những người đồng phạm khác không phải chịu về việc “vượt quá” đó.

Như vậy, khi nghiên cứu tình trạng loại trừ trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác đối với hành vi thái quá của người thực hành, chúng ta không thể không nghiên cứu nội dung của sự “vượt quá” mà người thực hành đã gây ra, từ đó xác định trách nhiệm hình sự của người thực hành về hành vi vượt quá đó mà loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác.

Hành vi vượt quá của người thực hành là việc người thực hành tự ý thực hiện hành vi phạm tội mà những người đồng phạm khác không biết và không mong muốn. Hay nói cách khác, hành vi vượt quá của người thực hành mà những người đồng phạm khác không có ý định thực hiện, cũng không mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra. Ví dụ: Trần Quang A, Nguyễn Văn C, Bùi Quốc T vì thua bạc nên T bàn bạc với A và C về nhà mình để buộc mẹ của T phải đưa chìa khóa tủ mở lấy tiền tiếp tục đánh bạc, A và C đồng ý. Vì T là con của bà M, nên T giao cho A và C trực tiếp thực hiện. Trước khi đi T nói với A và C chỉ dọa bà M để bà đưa chìa khóa tủ chứ không được làm bất cứ điều gì gây đau đớn cho bà. T còn nói, nếu tao có sao chúng mày đừng có trách. Sau khi đã bàn bạc thống nhất, vào lúc nửa đêm, A và C lẻn vào nhà bà M, lợi dụng lúc bà M đang ngủ, A dùng tay chẹn vào cổ bà M, còn C dọa: “Chìa khóa tủ để ở đâu không đưa đây chúng tao giết !”. Bị tấn công bất ngờ, bà M không kịp trở tay buộc phải đưa chìa khóa cho C. Trong lúc C đang mở tủ để lục soát tìm tiền, thì A dùng một quả chanh nhét vào miệng bà M và lấy khăn bịt miệng bà M lại, nhưng vì bà M giãy giụa làm quả chanh trong miệng bật ra, đồng thời bà M kêu cứu. Sợ bị lộ, A vật bà M xuống ngồi lên bụng bà, rồi dùng tay bóp cổ bà cho đến khi bà M không còn giãy giụa nữa A mới bỏ tay ra. C thấy A hành động như vậy hỏi, sao mày làm như vậy, thì A trả lời bà ấy chỉ xỉu thôi không chết đâu mà sợ, cùng lúc này C đã lục tủ lấy được bọc tiền của bà M rồi cả hai bỏ chạy ra điểm hẹn với T. Thấy A và C đến T hỏi ngay má tao có sao không, cả A và C đều trả lời không việc gì hết. T về nhà xem tình hình, còn A và C tiếp tục đi đánh bạc. Khi T về nhà thấy má mình bất động đã đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng bà M đã chết. Trong trường hợp này, ngay từ khi bàn bạc phạm tội, chúng thống nhất chỉ làm cho bà M sợ để bà đưa chìa khóa tủ, nhưng trong khi thực hiện tội phạm, A đã có hành vi vượt quá làm cho bà M bị chết, vì vậy chỉ có A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, còn C, T chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản.

Thực tiễn xét xử cho thấy hành vi vượt quá của người thực hành không chỉ đơn giản mà nó được biểu hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau như: lúc đầu chỉ bàn cướp nhưng khi thực hiện lại giết người; lúc đầu chỉ bàn đánh cho một trận nhưng khi thực hiện lại lấy tài sản của người bị đánh; lúc đầu bàn bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng khi thực hiện việc bắt cóc lại hiếp dâm; lúc đầu chỉ bàn trộm trâu nhưng khi thực hiện lại trộm cả lợn và gà, v.v.. Chính vì tội phạm xảy ra muôn hình muôn vẻ nên khoa học luật hình sự chia hành vi vượt quá ra làm hai loại chính: vượt quá về chất lượng của hành vi và vượt quá về số lượng của hành vi.

(còn tiếp…)

Đinh Văn Quế - Nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác