Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Thi hành phán quyết của Trọng tài – một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện.

29/01/2018, 11:19

Với những ưu việt của thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài Thương mại, ngày càng có nhiều chủ thể lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài.

Theo số liệu của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam(VIAC)[1], từ năm 2010 đến năm 2016, chỉ tính riêng số lượng vụ việc tranh chấp tại VIAC là 734 việc, tăng 487 việc so với giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2009[2],  số vụ việc năm sau tăng cao hơn năm trước. Theo đó ngày càng nhiều phán quyết Trọng tài được đưa ra thi hành.

Vấn đề thi hành phán quyết của trọng tài thương mại được quy định tại Chương X (từ Điều 65 đến Điều 67) Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 (Luật TTTM năm 2010); Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo quy định tại Điều 1, khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014(Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014) và Điều 67 Luật TTTM năm 2010 thì Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và trách nhiệm thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại thuộc trách nhiệm của cơ quan THADS.

Theo báo cáo số 74/BC-BTP ngày 08/4/2016 của Bộ Tư pháp sơ kết 04 năm thi hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010, số phán quyết trọng tài được thi hành mới đạt 60% trong tổng số đơn yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành phán quyết trọng tài. Số vụ việc phán quyết trọng tài được thi hành chưa cao do còn khó khăn trong việc xác minh tài sản của người phải thi hành tại nhiều địa phương đặc biệt khi các tổ chức cá nhân là người nước ngoài; một số phán quyết trọng tài tuyên không cụ thể, rõ ràng cũng gây vướng mắc trong quá trình thi hành án; hiện tượng bên phải thi hành lợi dụng yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại tòa án để có thời gian tẩu tán tài sản vẫn khá phổ biến khiến cho số vụ thi hành phán quyết trọng tài còn khiêm tốn[3] . Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về việc thi hành phán quyết trọng tài vẫn còn có nhiều điểm bất cập, có thể kể đến một số bất cập như sau:

Thứ nhất, về chủ thể yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 thì quyền yêu cầu thi hành án thuộc về “đương sự” bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án. Trong khi đó Luật TTTM năm 2010 chỉ quy định bên được thi hành phán quyết có quyền làm đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài[4]. Do đó trong trường hợp bên phải thi hành phán quyết muốn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài khi bên được thi hành phán quyết chưa yêu cầu thì hiện nay pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể.

Thứ hai, về thủ tục tiếp nhận và thụ lý phán quyết, quyết định của Trọng tài:

Theo Khoản 1 Điều 66 Luật TTTM năm 2010, nếu hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật TTTM năm 2010, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là ngày phán quyết của Hội đồng Trọng tài có hiệu lực không phải là ngày phán quyết của Hội đồng trọng tài được đưa ra thi hành tại cơ quan THADS có thẩm quyền.  Hiệu lực thi hành của phán quyết trọng tài được xác định căn cứ theo Điều 61 và Điều 66 Luật TTTM năm 2010. Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 61 Luật TTTM năm 2010 thì trong phán quyết trọng tài có nội dung “Thời hạn thi hành phán quyết”. Vì vậy, để xác định điều kiện tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS phải căn cứ vào nội dung này để xác định hai vấn đề: Một là đã hết thời hạn thi hành phán quyết; Hai là bên phải thi hành phán quyết có yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài hay không, từ đó cơ quan THADS mới có căn cứ để tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án và thụ lý giải quyết vụ việc.

Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật TTTM[5]. Điều 62 Luật TTTM năm 2010 quy định: Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày ban hành phán quyết trọng tài, bên yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc phải gửi đơn xin đăng ký phán quyết trọng tài tới Tòa án có thẩm quyền. Sau khi nhận được đơn xin đăng ký phán quyết trọng tài thì Tòa án thực hiện việc đăng ký hoặc từ chối đăng ký phán quyết. Vì vậy, để có thể tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS phải yêu cầu đương sự chứng minh việc phán quyết trọng tài đã được đăng ký tại Tòa án.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác nhận tình trạng pháp lý của phán quyết trọng tài gặp nhiều khó khăn. Để yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài, người yêu cầu thi hành phải chứng minh phán quyết trọng tài đó không bị Tòa án tuyên hủy. Nhiều trường hợp các đương sự yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xác nhận phán quyết trọng tài không bị tuyên hủy đều không nhận được câu trả lời từ phía Tòa án, dẫn tới hồ sơ thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự bị chậm hoặc không được tiếp nhận do không xác nhận được tình trạng pháp lý của phán quyết. Hơn nữa, việc xác định tình trạng pháp lý của phán quyết trọng tài là trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự hay đương sự còn chưa được quy định rõ dẫn tới khó khăn trong công tác thụ lý thi hành án[6].

Liên quan đến vấn đề này, tại Kiến nghị số 1680/PTM – VP ngày 14/07/2017 của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam về việc thi hành phán quyết trọng tài  thì một trong những bất cập khi nộp đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài là việc Cơ quan THADS yêu cầu đương sự phải cung cấp giấy xác nhận của Tòa án về việc thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Trong khi Tòa án lại không có bất kỳ quy trình hay thủ tục nào để cấp Giấy xác nhận này, việc cấp giấy hoàn toàn phụ thuộc vào thực tiễn của mỗi Tòa án. Việc thi hành phán quyết trọng tài bị phụ thuộc vào việc Tòa án cấp giấy xác nhận đã hạn chế quyền và lợi ích chính đáng của bên được thi hành. Mặt khác, thủ tục xin xác nhận của Tòa án là một thủ tục hành chính độc lập, phải thực hiện trước khi nộp hồ sơ đến cơ quan THADS, dẫn đến quy trình yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài bị tăng gấp đôi về thủ tục.[7]

Đồng thời Kiến nghị cũng nêu ra bất cập về quy định bên yêu cầu THA phải có bằng chứng về việc phán quyết trọng tài  đã có giá trị thi hành. Thực tế, bên yêu cầu thi hành án sẽ rất khó để biết thông tin Tòa án có đang thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài hay không. Trong khi bên phải thi hành phán quyết trọng tài là chủ thể nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và Tòa án có thẩm quyền xem xét hủy phán quyết trọng tài lại có thể dễ dàng cung cấp thông tin. Do đó, quy định việc lấy thông tin từ bên phải thi hành phán quyết trọng tài hoặc Tòa án sẽ là hợp lý hơn. Có thể thấy, các kiến nghị nói trên đã phản ánh đúng phần nào những bất cập trong việc thụ lý yêu cầu thi hành PQTT hiện nay.

Thứ ba, về thời hiệu thi hành phán quyết Trọng tài

Theo pháp luật về thi hành án dân sự (Điều 30 Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 và Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS) thì  thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 5 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 5 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Theo khoản 5 Điều 61 Luật TTTM thì phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 66 Luật TTTM năm 2010 lại quy định:  Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật TTTM, và thời hạn đăng ký là 1 năm kể từ ngày ban hành phán quyết. Vấn đề đặt ra là thời hiệu yêu cầu thi hành án được tính bắt đầu từ thời điểm nào là chính xác: kể từ ngày có phán quyết trọng tài hay từ khi phán quyết đó được đăng ký tại tòa án? Có thể thấy, sự không thống nhất giữa các quy định pháp luật nói trên đã khiến cho thời hiệu thi hành phán quyết trọng tài vụ việc chỉ còn chưa được 4 năm kể từ ngày phán quyết trọng tài có hiệu lực chứ không phải 5 năm. Do đó cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề này.

Thứ tư, về thẩm quyền thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài

Theo Điều 8 Luật TTTM năm 2010, cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là cơ quan THADS cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết. Trên thực tế các trung tâm trọng tài thường tập trung tại các thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ chí Minh. Theo đó các phán quyết trọng tài chủ yếu được ban hành tại các trung tâm trọng tài đặt tại hai thành phố này. Theo số liệu thống kê tại Báo cáo số 74/BC-BTP, trong 4 năm (từ năm 2011 đến 31/12/2015) các trung tâm trọng tài đã ban hành 1.831 phán quyết trọng tài, riêng trong năm 2015, các trung tâm trọng tài đã giải quyết được 1.255 vụ tăng 389 vụ việc so với năm 2014. Trong đó, VIAC đã thụ lý, giải quyết 226 vụ, trung bình gần 60 vụ/năm; Trung tâm Trọng tài thương mại thành phố Hồ Chí Minh (TRACENT) thụ lý, giải quyết 291 vụ, trung bình hơn 70 vụ/năm. Các trung tâm trọng tài khác chỉ giải quyết từ 5 đến 10 vụ/năm[8].

Các doanh nghiệp thường có hoạt động kinh doanh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, việc quy định cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là cơ quan THADS cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết có thể dẫn tới khó khăn cho các doanh nghiệp không có trụ sở kinh doanh tại hai thành phố này khi nộp đơn yêu cầu thi hành phán quyết.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 55 Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở. Như vậy, cơ quan THADS cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết có thể lại phải ủy thác thi hành án đến nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở, dẫn đến thời gian tổ chức thi hành án bị kéo dài.

Do đó cần xem xét nên mở rộng phạm vi cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài, bao gồm cả cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi bên phải thi hành phán quyết có tài sản hoặc có trụ sở chính .Quy định như vậy sẽ góp phần giảm tải cho các cơ quan THADS nơi tập trung nhiều vụ việc Trọng tài thương mại và cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bên được thi hành phán quyết trọng tài.

Thứ năm, việc yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài

Việc yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài được quy định tại Chương XI  Luật TTTM năm 2010 (Từ Điều 68 đến Điều 72) và Điều 14 Nghị Quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM năm 2010, trong đó quy định cụ thể về căn cứ, trình tự thủ tục yêu cầu và xem xét hủy Phán quyết trọng tài. Tuy nhiên lại thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp một bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nhưng không được Tòa án công nhận và việc kéo dài thời gian thi hành phán quyết gây ra thiệt hại đối với bên được thi hành phán quyết. Điều này dẫn đến bên phải thi hành phán quyết trọng tài thường tìm mọi cách để đưa ra yêu cầu phản đối để phán quyết bị bác bỏ, dẫn đến tốn kém thời gian và chi phí cho bên được thi hành phán quyết. Do đó cần quy định chặt chẽ hơn nữa về việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và có những quy định ràng buộc trách nhiệm đối với bên yêu cầu hủy phán quyết nhằm hạn chế tối đa việc lợi dụng quyền yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài để kéo dài thời gian thi hành án.

Thi hành phán quyết của Trọng tài Thương mại có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia tranh chấp mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng cho các chủ thể tham gia kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và góp phần phát triển nền kinh tế. Chính vì vậy việc hoàn thiện các quy định pháp luật về thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài Thương mại là vô cùng cần thiết.

THS. HOÀNG THỊ THANH HOA

Chú thích:

[1] Bản tin 01.2017 – VIAC cùng Doanh nghiệp ra biển lớn hội nhập, http://viac.vn/ban-tin-c164.html, ngày đăng 15/05/2017, ngày truy cập: 25/9/2017

[2] Số việc từ năm 2003 đến  năm 2009 là 247 việc, xem Bản tin 01.2017 – VIAC cùng Doanh nghiệp ra biển lớn hội nhập, http://viac.vn/ban-tin-c164.html

[3]  Báo cáo số 74/BC-BTP ngày 08/4/2016 của Bộ Tư pháp sơ kết 04 năm thi hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

[4] Điều 66 Luật TTTM năm 2010

[5] Điều 66 Luật Trọng tài thương mại năm 2010

[6] Dương Cầm, Hạn chế trong thi hành phán quyết trọng tài, http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=358631, ngày đăng 20/9/2015, ngày truy cập: 25/9/2017

[7] Về việc thi hành phán quyết trọng tài, theo quy định tại Điều 67 Luật trọng tài thương mại năm 2010, http://vcci.com.vn/ve-viec-thi-hanh-phan-quyet-trong-tai-theo-quy-dinh-tai-dieu-67-luat-trong-tai-thuong-mai-nam-2010-thi-%E2%80%9Cphan-quyet-trong, ngày truy cập :25/9/2017

[8] Phan Hồng Nguyên, Giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài ở Việt Nam thời gian qua, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/phap-luat-kinh-te.aspx?ItemID=143, ngày trc: 20/11/2017

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê