Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trao đổi nghiệp vụ: Các vấn đề về dân sự, hôn nhân & gia đình (kỳ cuối)

05/09/2016, 06:42

Vấn đề thời hiệu khởi kiện, nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, thời điểm ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự … là những nội dung trao đổi, giải đáp về nghiệp vụ trong kỳ này.

Câu hỏi 15.

Năm 2004, ông N và bà M ký hợp đồng nhận chuyển nhượng của ông T và bà D 100m2 đất (đất đã có GCNQSDĐ) với giá 88 triệu đồng. Hai bên đã ký hợp đồng, giao nhận tiền, đã nhận đất và xây tường bao quanh. Khi làm thủ tục sang tên GCNQSDĐ thì không thực hiên được vì UBND tỉnh có thông báo thuộc khu vực quy hoạch khu liên hợp thể thao.

Năm 2011, UBND tỉnh lại cho phép chuyển nhượng do thay đổi quy hoạch. Bên nhận chuyển nhượng yêu cầu bên chuyển nhượng đến Công chứng nhà nước để hoàn chỉnh hợp đồng. Bên bán từ chối với lý do bên mua đã sửa chữa hợp đồng.

Tháng 10/2012, ông N, bà M  khởi kiện yêu cầu công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.Ông T và bà D cho rằng hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu do bị sửa chữa, đồng thời cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện.

Trường hợp nêu trên có còn thời hiệu khởi kiện không? Tòa án thụ lý vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất hay tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất?

Trả lời:

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 159 BLTTDS thì: “Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được quy định như sau:

a)Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm”.

Như vậy, thời hiệu khởi kiện nói chung là 2 năm kể từ ngày “quyền và lợi ích hợp pháp …bị xâm phạm” trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nói cách khác là nếu pháp luật có quy định thời hiệu riêng cho một loại tranh chấp (ví dụ thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là 10 năm kể từ ngày mở thừa kế) thì phải áp dụng thời hiệu riêng, nếu không có quy định thời hiệu riêng thì áp dụng thời hiệu chung theo Điều 159 nêu trên.

Nội dung khởi kiện là yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất theo hợp đồng chuyển nhượng, tức là bên khởi kiện thừa nhận đất này vốn thuộc quyền sử dụng của bị đơn nên không phải là trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất (tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất) theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Tranh chấp về quyền sử dụng đất thì không bị hạn chế về thời hiệu khởi kiện nhưng trường hợp này là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nên vẫn có thời hiệu khởi kiện. Hợp đồng chuyển nhượng trong vụ án này là hợp đồng chưa có hiệu lực (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đến khi được công chứng hoặc chứng thực mới có hiệu lực) nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng (Điều 427 BLDS) nhưng cũng không phải là yêu cầu tuyên bố vô hiệu nên không áp dụng thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu (theo Điều 136 BLDS) nên thời hiệu khởi kiện được tính theo Khoản 3 Điều 159 BLTTDS là 2 năm kể từ thời điểm mà nguyên đơn cho rằng bị đơn đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Thời gian UBND tỉnh tạm dừng không cho phép chuyển nhượng là trở ngại phải được trừ ra khỏi thời hiệu. Sau khi UBND tỉnh tiếp tục cho phép chuyển nhượng, phía nguyên đơn yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hợp đồng (công chứng) và thực hiện nốt hợp đồng (sang tên quyền sử dụng) mà ông T và bà D không thực hiện là thời điểm được xác định bắt đầu của thời hiệu khởi kiện (năm 2011). Vì vậy, ông N và bà M nộp đơn khởi kiện vào tháng 10/2012 là còn trong thời hiệu khởi kiện.

Câu hỏi 16. Trong việc giải quyết tranh chấp đất trồng rừng, khi tiến hành đo đạc, Tòa án triệu tập nhiều lần các hộ liền kề để xác định ranh giới nhưng người được triệu tập cố tình không có mặt. Tòa án xử lý thế nào?

Trả lời:

Trước hết phải xác định những “hộ liền kề” nêu ở trên tham gia tố tụng với tư cách nào, họ là bị đơn? là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan? hay là nhân chứng? Tùy theo địa vị tố tụng của họ mà xác định trách nhiệm của họ trong việc chứng minh và tham gia vào các hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án.

Xác định ranh giới là xác định một tình tiết quan trọng của vụ án. Việc xác định này phải căn cứ vào các chứng cứ mà các bên xuất trình, trong đó có thể có việc phải “xem xét, thẩm định tại chỗ” chứ không phải trong mọi trường hợp Tòa án phải xem xét, thẩm định tại chỗ.

Khi xem xét, thẩm định tại chỗ thì phải thực hiện đúng quy định tại  Điều 89 BLTTDS. Hộ liền kề nếu là đương sự thì họ có quyền được báo để chứng kiến nhưng nếu họ đã được báo mà không có mặt là họ từ bỏ quyền của mình; họ không nhất thiết phải có mặt nên Khoản 2 Điều 89 mới quy định phải có “chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt”.

Hộ liền kề nếu là nhân chứng thì áp dụng các quy định của pháp luật về nhân chứng. Đã là nhân chứng thì họ không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, họ chỉ là người biết những tình tiết có ý nghĩa là chứng cứ giải quyết vụ án; họ có thể bị dẫn giải đến Tòa án để khai báo, có thể phải chịu những chế tài nghiêm khắc do khai báo gian dối nhưng không nhất thiết cứ phải có mặt họ thì mới xác định được quyền sử dụng đất hợp pháp của các đương sự.

Câu hỏi 17. UBND huyện cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, mặc dù đã ký nhưng chưa giao cho hộ gia đình lý do chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Trong quá trình sử dụng đất có tranh chấp. Vậy giấy CNQSDĐ có được coi như là đã cấp và có giá trị pháp lý chưa?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Luật đất đai thì GCNQSDĐ là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Khi GCNQSDĐ đã được cấp có thẩm quyền ký và lưu hành là  giấy chứng nhận đã được cấp (không đòi hỏi đã giao cho người sử dụng đất hay chưa) và có đầy đủ giá trị pháp lý.

Trường hợp GCNQSDĐ đã được cấp mà chưa nộp thuế sử dụng đất không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của GCNQSDĐ vì đây là trường hợp người sử dụng đất còn nợ một nghĩa vụ tài sản chứ không phải là điều kiện hạn chế hiệu lực của GCNQSDĐ. GCNQSDĐ đã được cấp rồi, nay đổi lại giấy chứ không phải thu hồi lại GCNQSDĐ nên trong thời gian chưa giao giấy mới vẫn là trường hợp đã được cấp GCNQSDĐ; nếu có tranh chấp ở thời kỳ này là trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của TAND.

Câu hỏi 18. Trong vụ án ly hôn, người chồng là nguyên đơn chỉ yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết  quan hệ hôn nhân, người vợ lại yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết cả vấn đề về tài sản chung nhưng lại không chịu nộp tiền tạm ứng án phí chia tài sản. Tòa án có giải quyết luôn vấn đề tài sản trong vụ án không?

Trả lời:

Người chồng là nguyên đơn chỉ yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết vấn đề quan hệ hôn nhân. Người chồng đã nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật (Điều 130 BLTTDS) nên việc giải quyết quan hệ hôn nhân được tiến hành bình thường.

Về yêu cầu chia  tài sản chung, phải có yêu cầu thì Tòa án mới giải quyết. Do vậy nếu người vợ có yêu cầu Tòa án xem xét vấn đề tài sản chung thì người vợ là nguyên đơn trong quan hệ này và người vợ phải thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề nộp án phí (Điều 130, 171 BLTTDS; Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của HĐTP TANDTC  hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án). Nếu người vợ không nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án không giải quyết việc chia tài sản chung.

Trong  trường hợp này Tòa án chỉ giải quyết quan hệ hôn nhân và tuyên bố chưa giải quyết vấn đề tài sản chung.

Câu hỏi 19. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án và đề nghị Tòa án công nhận sự thỏa thuận. Vậy Tòa án phải đợi đến ngày mở phiên mới công nhận sự thỏa thuận của đương sự hay Thẩm phán có thể ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ngay? án phí trong trường hợp này được tính 50% hay 100%?

Trả lời:

Khi đã ra “Quyết định đưa vụ án ra xét xử” có nghĩa đã kết thúc giai đoạn tố tụng “Hòa giải và chuẩn bị xét xử”, mọi quyết định về vụ án phải được giải quyết tại phiên tòa. Khi Tòa án không thay đổi “quyết định đưa vụ án ra xét xử” thì không có quyền giải quyết về vụ án, kể cả việc hòa giải.

Thực tế, có nhiều trường hợp trong thời gian từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử đến khi mở phiên tòa các đương sự lại có sự thỏa thuận với nhau về vụ án. Cũng chính vì vậy, quy định về việc xét xử tại phiên tòa được bắt đầu từ việc hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không.

Điều 220 BLTTDS quy định: “Chủ tọa phiên tòa hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không. Trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án”.Vì vậy, sau khi Tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì việc công nhận sự thỏa thuận của đương sự là tại phiên tòa, do Hội đồng xét xử công nhận. Theo quy định tại Khoản 11 và Khoản 12 Điều 27 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án thì đương sự vẫn phải chịu 100% án phí nếu thỏa thuận tại phiên tòa. Tuy vậy, theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị quyết 01/2012/NQ - HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án thì trường hợp này chỉ phải chia 50% án phí.

Câu hỏi 20. Vụ án dân sự được hòa giải thành, theo quy định của pháp luật các đương sự phải nộp 50% án phí. Tuy nhiên, phía nguyên đơn là Cơ quan bảo hiểm xã hội là đối tượng theo quy định không phải nộp tạm ứng án phí và án phí. Vậy trong trường hợp này 50% án phí là bị đơn phải nộp toàn bộ 50% án phí hay 25% án phí?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 131 BLTTDS nếu trong quá trình hòa giải các bên đương sự tự hòa giải được thì họ chỉ phải nộp 50% án phí, mức 50% án phí ở đây là tổng mức án phí mà các bên phải nộp. Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì: “Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước” thì không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Trường hợp này nguyên đơn sẽ được miễn nộp vì Cơ quan bảo hiểm xã hội là đối tượng không phải nộp án phí. Người duy nhất phải nộp án phí là bị đơn nên bị đơn phải nộp toàn bộ 50% án phí theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 21. Trong vụ án ly hôn, bị đơn không thường xuyên có mặt tại nơi cư trú. Đây là trường hợp không đủ điều kiện tuyên bố mất tích. Tòa án có thụ lý vụ án ly hôn và cho ly hôn được hay không?

Trả lời:

Trong trường hợp này thì không đủ điều kiện tuyên bố mất tích vì theo quy định tại khoản 3 Điều 330 BLTTDS thì:”Gửi kèm theo đơn yêu cầu là chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết…” mà đây chỉ là việc bị đơn không thường xuyên có mặt tại nơi cư trú.

Đối với trường hợp đã tuyên bố mất tích thì người chồng (hay vợ) của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn, Tòa án cho ly hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình.

Đối với trường hợp không đủ điều kiện tuyên bố mất tích thì không phải là không cho ly hôn. Tại Điểm b Mục 2 Phần II Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đìnhđã có hướng dẫn về trường hợp ly hôn với người cố tình dấu địa chỉ ở nước ngoài, cụ thể là:

“Nếu thông qua thân nhân của họ mà biết rằng họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước, nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án, cũng như không thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Toà án, thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Toà án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử Toà án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng”.

Hướng dẫn nêu trên là hướng dẫn sau nên đã thay thế hướng dẫn tại Mục 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (theo Mục 8 nêu trên thì Tòa án bác yêu cầu xin ly hôn nếu không đủ điều kiện tuyên bố mất tích). Trường hợp hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2003 cũng tương tự như trường hợp cố tình dấu địa chỉ của bị đơn ở trong nước vì vậy có cơ sở để áp dụng hướng dẫn này thụ lý vụ án xin ly hôn và nếu có đủ căn cứ theo Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình thì cho ly hôn.

Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TOÀ ÁN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê