Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Bàn về áp dụng thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và của Bộ luật dân sự năm 2015 (2)
3. Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016.
Tại Điều 4 của Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính như sau: “Khi thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính thì cần lưu ý như sau: “1. Thời điểm phát sinh tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 là ngày khởi kiện, ngày yêu cầu. Việc xác định ngày khởi kiện, ngày yêu cầu được thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13. “2. Thời điểm phát sinh vụ án hành chính quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 104/2015/QH13 là ngày khởi kiện. Việc xác định ngày khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 120 Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13. “3. Quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 được áp dụng đến hết ngày 31-12-2016 để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. “4. Từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”. 4. Bàn về việc áp dụng các quy định mới về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu trong một số trường hợp cụ thể Căn cứ quy định tại Điều 517 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội và căn cứ hướng dẫn tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, theo chúng tôi, việc áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu trong một số trường hợp cụ thể cần được áp dụng thống nhất như sau: 4.1. Đối với các các giao dịch về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động mà đương sự có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu gửi đến Tòa án trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì tùy từng trường hợp Tòa án giải quyết như sau a). Trường hợp Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nhưng đang trong quá trình giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng bản án, quyết định giải quyết chưa có hiệu lực pháp luật, thì Tòa án vẫn áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết. b). Trường hợp Tòa án đã giải quyết và bản án, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật thì không áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và của Bộ luật dân sự năm 2015 để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; bởi vì: Theo quy định tại khoản 2 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thì không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực). c). Trường hợp Tòa án đã giải quyết và bản án, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bản án, quyết định đó bị kháng nghị vì lý do khác, thì khi xem xét lại bản án, quyết định đó theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm Tòa án vẫn áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết. d). Trường hợp Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do "thời hiệu khởi kiện đã hết", thì đương sự không được quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 (*); bởi vì: Mặc dù theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây: ...d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật; nhưng đây lại không thuộc trường hợp được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 (vì quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 là đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này; còn đây là trường hợp đương sự đã gửi đơn khởi kiện đến Tòa án, tức là đã phát sinh tranh chấp, trước ngày 01/01/2017). Do đó, trường hợp này phải áp dụng quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội khóa 13 là “đối với các tranh chấp, yêu cầu... phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12. đ). Đối với trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung là di sản thừa kế, mà trước ngày 01-01-2017 Tòa án đã căn cứ theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do không đủ điều kiện khởi kiện, nay đương sự lại khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế (*), thì Tòa án vẫn áp dụng các quy định về thời hiệu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết; bởi vì: Đây thực chất là trường hợp tranh chấp di sản thừa kế, nhưng theo quy định về thời hiệu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005 thì đã hết thời hiệu khởi kiện, vì thế đương sự chuyển sang khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung là di sản thừa kế; tuy nhiên do không đủ điều kiện thuộc trường hợp “không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế” theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nên Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do không đủ điều kiện khởi kiện. Do đó, việc sau ngày 01/01/2017 đương sự lại khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế cũng thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 của Quốc hội. 4.2. Đối với các giao dịch về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được xác lập trước ngày 01/01/2017, nhưng từ ngày 01/01/2017 đương sự mới có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu gửi đến Tòa án (tức là từ ngày 01/01/2017 mới phát sinh tranh chấp, yêu cầu) thì Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và của Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết. 4.3. Ngày đương sự gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đến Tòa án được xác định theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi bàn về áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và của Bộ luật dân sự năm 2015. Rất mong được các bạn đồng nghiệp trao đổi. Vĩnh Sơn Ghi chú: (*) Quan điểm này của chúng tôi khác với quan điểm được nêu tại khoản 2 Điều 3 của Dự thảo 1 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện. |
Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO