Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vụ Tân Hiệp Phát: Không thuộc trường hợp vi phạm về tiết lộ bí mật

21/05/2016, 21:38

Hiện không có chứng cứ gì thể hiện luật sư của Tân Hiệp Phát dùng những tài liệu có được trong lúc dự cung để có cách “ứng phó” nhằm buộc tội bị cáo.

Phiên tòa xét xử vụ án Võ Văn Minh can tội “Cưỡng đoạt tài sản” của Công ty Tân Hiệp Phát, tạm thời khép lại bằng bản án sơ thẩm. Nhưng sau phiên tòa, nhiều ý kiến cho rằng, trong vụ án này, Cơ quan điều tra có sự vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, và vụ án có dấu hiệu lộ bí mật điều tra. Để rộng đường dư luận, PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) về vấn đề này.

Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP. HCM).

Không ảnh hưởng đến sự thật khách quan

Thưa luật sư, tại phiên tòa sơ thẩm, các luật sư bào chữa cho bị cáo Minh cho rằng, việc Cơ quan điều tra cho luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty Tân Hiệp Phát tham dự các buổi hỏi cung đối với bị can Minh là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Luật sư đánh giá về vấn đề này thế nào?

Trước hết cần phải thấy rằng, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, không phải bất kỳ một sai sót nào của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng đều bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, mà chỉ những sai phạm có thể dẫn đến việc thay đổi bản chất vụ án, ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, và toàn diện của vụ án thì mới xem những thiếu sót, sai phạm đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.

Theo tinh thần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT ngày 27/8/2010 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao về những trường hợp được xem là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, thì việc Cơ quan điều tra (hay Điều tra viên) cho phép luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty Tân Hiệp Phát, tham dự các buổi hỏi cung đối với bị can Minh trong vụ án này, không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự. Vì vậy, quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, vẫn đảm bảo các nguyên tắc luật định, không có dấu hiệu ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án nói chung.

Thế còn vấn đề tiết lộ bí mật điều tra thì sao, thưa luật sư?

Theo tinh thần quy định tại Điều 124 Bộ Luật Tố tụng hình sự thì, trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên phải báo trước cho người tham gia tố tụng, người chứng kiến không được tiết lộ bí mật điều tra. Việc báo này phải được ghi vào biên bản.

Như vậy, trong quá trình thực hiện các hoạt động về điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên sẽ tự mình đánh giá các tài liệu, chứng cứ nào thuộc trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra, và thông báo cho người tham gia tố tụng, người chứng kiến biết, để họ không được tiết lộ bí mật điều tra.

Vu Tan Hiep Phat: Khong thuoc truong hop vi pham ve tiet lo bi mat - Anh 2

Bị cáo Võ Văn Minh tại tòa.

Nếu Điều tra viên, Kiểm sát viên nhận thấy, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án mà những người tham gia tố tụng được phép tiếp cận, không thuộc trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra, nên không thông báo để họ giữ bí mật, thì cho dù họ có đưa những thông tin, tài liệu này ra bên ngoài, cũng không xem đó là hành vi tiết lộ bí mật điều tra.

Trong vụ án này, việc cho luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty Tân Hiệp Phát tham dự các buổi hỏi cung đối với bị can Minh, có thể theo đánh giá của Điều tra viên, những lời khai này không thuộc trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra, và điều này, theo quy định của pháp luật, hoàn toàn nằm trong thẩm quyền đánh giá và quyết định của Điều tra viên, Kiểm sát viên trực tiếp thụ lý vụ án.

Mặt khác, cho đến thời điểm này, cũng không có chứng cứ gì thể hiện luật sư của Công ty Tân Hiệp Phát đã dùng những thông tin, tài liệu mà mình biết được trong lúc dự cung để có cách “ứng phó” nhằm buộc tội bị cáo. Vì vậy, cũng không thể xem đây là trường hợp có sự tiết lộ về bí mật điều tra.

Không thể xem là giao dịch dân sự

Cũng có một số ý kiến cho rằng, việc đại diện Công ty Tân Hiệp Phát chấp nhận ngồi lại thương lượng với bị cáo về số tiền phải trả, thể hiện đây là một giao dịch dân sự giữa các bên. Vậy, quan điểm của luật sư về vấn đề này thế nào?

Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật dân sự (BLDS) thì giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Một giao dịch dân sự chỉ được xem là hợp pháp, khi giao dịch đó thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 122 BLDS. Trong đó có điều kiện về mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, và người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

Trong vụ án này, thực chất hành vi của bị cáo là dùng sản phẩm bị lỗi của Công ty Tân Hiệp Phát để “bắt chẹt” gây sức ép, đe dọa làm mất uy tín của công ty trong hoạt động kinh doanh, để từ đó, buộc phía công ty phải lo sợ mà chấp nhận điều kiện giao số tiền 1 tỉ đồng cho bị cáo để đổi lấy sự im lặng. Vì vậy, bản thân sự ngã giá này đã có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản, hoàn toàn không có một giao dịch dân sự nào ở đây cả.

Cái gọi là những cuộc “thương lượng” hay “trao đổi” giữa bị cáo và đại diện của công ty, có thể làm cho người ta nhầm tưởng đây là một giao dịch dân sự. Tuy nhiên, thực chất sự thỏa thuận hay thương lượng này, hoàn toàn bị pháp luật nghiêm cấm. Do vậy, nó cũng không được xem là một giao dịch hay thỏa thuận dân sự theo đúng nghĩa của nó.

Xin cảm ơn luật sư !

TRẦN THANH THẮNG

Nguồn: NGƯỜI ĐƯA TIN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê