Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Ảnh hưởng của tư tưởng pháp trị đối với các quy định về hoà giải trong Quốc Triều Hình Luật (tiếp theo)

01/10/2016, 07:18

Quốc triều hình luật được khởi soạn từ vua Lê Thái Tổ, rồi được bổ sung qua các đời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và được hoàn thiện vào niên hiệu Hồng Đức thời kì Lê Thánh Tông.

2. Ảnh hưởng của tư tưởng pháp trị đối với các quy định về hòa giải trong Quốc triều hình luật

Một trong những nội dung cơ bản và quan trọng nhất của tư tưởng Pháp trị của Pháp gia được các đại biểu của Pháp gia từ Quản Trọng, Tử Sản, Thân Bất Hại, Thận Đáo, Thương Ưởng và cuối cùng là Hàn Phi Tử xây dựng, phát triển và hoàn thiện đó là dùng pháp luật, đề cao pháp luật làm một công cụ trị nước, trong đó một trong những hình thức của việc đề cao pháp luật, cũng như đảm bảo cho pháp luật được thực thi trên thực tế, đảm bảo tính nghiêm minh và công khai của pháp luật đó là việc sử dụng hình phạt nặng để trừng trị những người không chấp hành pháp luật, làm trái với các quy định mà pháp luật đã đề ra. Cũng trong Hàn Phi Tử, thiên "Nội trữ thượng – Thất thuật", Hàn Phi Tử đã đưa ra thuật: hình phạt chắc chắn, Ông đã từng khẳng định: "Dùng hình phạt trị nặng những tội nhẹ thì tội nhẹ không phạm, tội nặng không xẩy ra. Nhưng thế gọi là dùng hình phạt để loại trừ hình phạt……đó là cái đạo của việc trị nước"([12]). Điều này đã được thể hiện rất rõ trong các bộ luật cổ của Trung Quốc. Các nhà nước phong kiến Việt Nam quan các triều đại khác nhau khi thực hiện đường lối cai trị của mình để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, qua đó đề cao vai trò của pháp luật cũng dùng rất nhiều loại hình phạt trong hệ thống pháp luật với các mức phạt khác nhau để trừng trị những người có hành vi vi phạm pháp luật và pháp luật nhà Hậu Lê cũng không nằm ngoài quy luật đó. Các triều vua nhà Hậu Lê, để thiết lập trật tự phong kiến trong gia đình và xã hội, để hoàn thiện bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, ngoài việc chấn chỉnh phong tục tập quán, giáo hóa lễ nghi và đạo đức cho dân chúng vẫn luôn chú trọng sử dụng pháp luật với loại chế tài nghiêm khắc nhất trong các loại chế tài để trừng trị bất cứ một hành vi vi phạm pháp luật nào – chế tài hình sự.

Quốc triều hình luật, thành tựu quan trọng nhất của việc pháp điển hóa pháp luật nhà Hậu Lê thì hệ thống hình phạt, một trong những công cụ quan trọng nhất để nhà Hậu Lê sử dụng để đảm bảo pháp luật thực hiện trên thực tế, cũng đề cao vai trò của pháp luật được các nhà làm luật nhà Hậu Lê đặc biệt quan tâm, được quy định ngay tại điều luật đầu tiên của chương đầu tiên của Quốc triều hình luật, cụ thể hệ thống hình phạt được quy định tại Điều 1 – chương Danh lệ, bao gồm 5 loại hình phạt đó là: Xuy hình; Trượng hình; Đồ hình; Lưu hình Tử hình với sự quy định rất cụ thể về các mức hình phạt cụ thể, đồng thời các loại và mức hình phạt cụ thể của từng loại hình phạt còn được phản chiếu, quy định trong đại đa số các điều luật trong 722 điều luật thuộc 13 chương của Quốc triều hình luật. Cụ thể, trong 722 điều luật của Quốc triều hình luật chỉ có 60 điều luật, trong đó chương Danh lệ có 48 điều, chương bổ sung thêm về luật hương hỏa có 3 điều, chương châm chước bổ sung về luật hương hỏa có 8 điều, chương Đoán ngục có 1 điều là không có phần chế tài hình sự([13]). 60 điều này chủ yếu thuộc về chương Danh lệ, chương quy định về hệ thống hình phạt, quy định khát quát về những hành vi thuộc nhóm tội thập ác; quy định về nguyên tắc chung khi xét xử, quyết định hình phạt, áp dụng hình phạt… giải thích một số thuật ngữ được sử dụng trong bộ luật. Đồng thời tất cả các loại vi phạm khác nhau thuộc về các lĩnh vực khác nhau đều bị áp dụng hình phạt, từ vi phạm hình sự, đến các vi phạm trong các giao dịch dân sự, vi phạm hành chính, thậm chí cả những vi phạm thuần túy chỉ thuộc về lĩnh vực đạo đức xã hội, điều bị áp dụng hình phạt khi có các hành vi tương ứng. Các hình phạt này trong thực tế cai trị được các triều vua sử dụng triệt để và mang lại hiệu quả trong chính sách cai trị của mình.

Thể chế hòa giải đã được ghi nhận trong Quốc triều hình luật với hai nội dung cơ bản và quan trọng đã được làm rõ là thẩm quyền hòa giải của quan xã và các trường hợp không được hòa giải, trong đó các quy định về các trường hợp không được hòa giải thể hiện rất rõ sự ảnh hưởng của tư tưởng pháp trị, tư tưởng dùng hình để trừng trị người vi phạm, qua đó đề cao vai trò của pháp luật. Các nhà làm luật triều Hậu Lê đã quy định những hình phạt trừng trị những người cố tình hòa giải riêng với các trường mà pháp luật đã cấm như người công sai (người đi làm việc công, việc nhà nước) không được hòa giải riêng với người phạm tội đánh chửi mình, nếu mà làm trái quy định này sẽ bị xử phạt 80 trượng; tiền tạ phải xung công; những người phát giác việc công (đó người tố cáo là hình quan và ngục quan) không được hòa giải riêng với bị cáo; nếu làm trái quy định này thì bị xử phạt 50 roi, biếm một tư. Như vậy, xuất phát từ vai trò của việc công, việc công quyền, hiệu quả của việc thực hiện việc công, cũng như những hậu quả của việc hòa giải riêng liên quan đến việc công có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện việc công, uy tín của các cơ quan công quyền có thể bị hạ thấp, pháp luật không được tôn trọng, đề cao… mà pháp luật có những hình thức chế tài hình sự để trừng trị những người có liên quan cố tình hòa giải các trường hợp không được hòa giải liên quan đến việc thực hiện công quyền. Như vậy, việc pháp luật dùng hình phạt trừng trị những chủ thể trong những trường hợp không được hòa giải là một biểu hiện của tư tưởng pháp trị có vai trò bổ trợ cho hòa giải, một mặt pháp luật đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho hòa giải, tạo ra cách thức, bước đi, rồi các trường hợp được cũng như không được hòa giải, mặt khác chính các biện pháp dùng hình phạt trừng trị những người đã cố tình hòa giải các trường hợp không được hòa giải đó trong tư tưởng pháp trị sẽ là một phương thức làm cho hòa giải đạt đến được mục đích, bản chất thật sự của nó, góp phần củng cố thể chế hòa giải trong thực tiễn cuộc sống, cũng như góp phần hạn chế những hòa giải có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, của tập thể và của công dân khác. Đồng thời, hòa giải cũng là một hình thức để củng cố pháp trị, hòa giải sẽ hạn chế tối đa được những mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xã hội, hạn chế và giảm bớt mức độ của vi phạm, pháp luật được thực thi trong rất nhiều trường hợp trong hòa giải, qua đó pháp luật sẽ được đề cao và thực thi đầy đủ và nghiêm chỉnh trong đời sống.

3. Những bài học kinh nghiệm lịch sử

Mặc dù các vấn đề về thể chế hòa giải trong Quốc triều hình luật mới chỉ dừng lại những quy định mang tính chất sơ khai, chưa bao quát được tất cả các vấn đề về thể chế hòa giải trong hệ thống pháp luật thực định hiện nay. Tuy nhiên, nếu xét tại thời điểm, hoàn cảnh xã hội mà nó được hình thành thì những quy định đó lại là những thành tựu quan trọng mà pháp luật phong kiến thời kì Hậu Lê nói chung, cũng như Quốc triều hình luậtđã đạt được. Sự quy định này đã phần nào đáp ứng được một nhu cầu quan trọng trong xã hội lúc bấy giờ đó là nhu cầu đoàn kết dân tộc trong đấu tranh để tồn tại và phát triển. Đồng thời, sự quy định đó góp phần đề khẳng định thể chế hòa giải có ý nghĩa to lớn trong đời sống kinh tế, chính trị xã hội thời kì nhà nước phong kiến Đại Việt dưới triều Hậu Lê, đầu tiên có thể nhận thấy được hòa giải chính là phương thức giải quyết mâu thuẫn, xung đột xã hội, góp phần tăng cường, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, hòa thuận, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng xã hội, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong nhân dân.

Trong việc hoàn thiện thể chế hòa giải ở Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta vẫn có thể kế thừa được nhiều tư tưởng, quy định rất quan trọng trong việc xây dựng thể chế hòa giải được các nhà lập pháp triều Hậu Lê quán triệt trong Quốc triều hình luật.
+ Thứ nhất: kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố "nhu" trong triết lý phật giáo với yếu tố "cương" trong tư tưởng pháp trị (của pháp luật) trong việc xây dựng thể chế hòa giải, đặc biệt là vấn đề hòa giải tại cơ sở, cộng đồng dân cư. Phật giáo ở việt nam hiện nay tuy không phải là vào thời kì phát triển cực thịnh, nhưng hiện nay phật giáo là một trong 12 tôn giáo được công nhận và là 1 trong 6 tôn giáo lớn nhất trong 12 tôn giáo đó, với số lớn tín đồ phật giáo đông đảo nhất, và phật giáo có sức ảnh hưởng rất lớn và sâu rộng đến đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người Việt nói riêng và phong tục tập quán, đời sống văn hóa xã hội của người Việt nói chung. Đạo phật là tôn giáo luôn đề cao sự hòa hợp, sự nhẫn nhịn, đoàn kết trên tinh thần giải thoát và giác ngộ của con người, đề cao tinh thần khoan dung – vị tha, kết hợp yếu tố "nhu" là sự mềm mỏng, nhẹ nhàng, phân tích đúng sai trong quan điểm nhân sinh quan làm tư tưởng chủ đạo của mình để giáo hóa các tín đồ và dân chúng. Còn đối với pháp luật, khi đề cập đến pháp luật đó là sự cứng rắn, kiên quyết và dựa vào lẽ phải, dựa vào sự "chuẩn mực" của các quy phạm pháp luật đã được thể chế hóa và không thể làm khác, đó chính là yếu tố "cương" của pháp luật. Có nghĩa rằng, trong công tác hòa giải đặc biệt là hòa giải tại cơ sở, hòa giải tại cộng đồng dân cư hiện nay phải có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố này, phải lấy yếu tố "nhu" trong triết lý phật giáo Việt Nam thiên về sự mềm mỏng, khoan dung, vị tha, về sự nhẹ nhàng, về yếu tố "tình cảm" để thứ nhất có thể hạn chế, làm giảm bớt, đồng thời bổ sung thêm cho yếu tố "cương", sự "sơ cứng" trong các quy định của pháp luật làm cho việc hòa giải trở lên linh động, có thể "thấu tình, đạt lý", điều này không phải là hạ thấp vai trò của pháp luật trong công tác hòa giải, mà trong rất nhiều trường hợp hòa giải tại cơ sở hiện nay nếu chỉ đơn thuần dựa vào các quy định của pháp luật để chỉ ra những vi phạm, rồi hậu quả pháp lý bất lợi của những vi phạm đó để làm cơ sở cho việc hòa giải thì sẽ không mang lại hiệu quả, mà phải kết hợp với sự nhẹ nhàng khuyên bảo dựa trên các chuẩn mực đạo đức xã hội, dựa trên truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc về truyền thống đạo đức gia đình, làng xã… thậm chí cả niềm tin, giáo lý tôn giáo qua đó tôn trọng sự tự thỏa thuận của các đương sự, các chủ thể tranh chấp, mâu thuẫn để hòa giải thì mang lại hiệu quả cao hơn nhiều, bởi đối với người Việt đối với một sự việc nào đó thì bên cái "lý" còn có cái "tình".  Chính vì vậy, sự kết hợp chặt chẽ giữa hai yếu tố "nhu" và "cương" trong công tác hòa giải sẽ mang lại hiệu quả cao cho hoạt động này.

+ Thứ hai: Cần kế thừa và phát huy quy định về các trường hợp không được hòa giải liên quan đến việc công, đến việc thực hiện các công việc của nhà nước, đến hiệu quả của việc quản lý nhà nước, điều này được ghi nhận xuất phát từ thực tế trong một số trường hợp các bên tranh chấp mà hòa giải trong một số trường hợp, vụ việc nhất định có thể ảnh hưởng đến việc công quyền, đến việc thực hiện các nhiệm vụ chung trong chức năng quản lý nhà nước mà Quốc triều hình luật đã thể chế hóa, qua đó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, cũng như các chủ chương, chính sách và đường lối cai trị của lực lượng cầm quyền. Các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải tại cơ sở hiện nay cũng đã thể hiện được "dáng dấp" của các quy định này, cụ thể tại điều 5 – Nghị định số 15/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/2/2014 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở có ghi nhận: không được hòa giải các trường hợp sau: (i) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; (ii) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội; (iii) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;(iv) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;…

+ Thứ ba: Quy định rõ ràng và tăng thẩm quyền hòa giải cho cấp có thẩm quyền hòa giải tại cơ sở, cộng đồng dân cư, trong Quốc triều hình luật chủ thể có thẩm quyền hòa giải tại cộng đồng dân cư đối với các vụ kiện nhỏ là các xã quan, điều này là rất hợp lý, bởi lẽ sẽ giảm được các chi phí tố tụng không cần thiết, giảm được các thủ tục tố tụng của cấp huyện trở lên, giảm bớt được các vụ kiện tụng lớn, đặc biệt có thể giữ vững được tình làng nghĩa xóm, đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Hiện nay, Hoà giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của Tổ hoà giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân được tiến hành đối với việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Để phát huy hơn nữa vai trò của công tác hòa giải tại cơ sở, cũng như đạt được ý nghĩa, vai trò thật sự của hoạt động này cần quy định và tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn nữa về thẩm quyền, phạm vi, nhiệm vụ và phương thức hòa giải cụ thể cho các hòa giải viên, chủ thể chính và quan trọng nhất trong công tác hòa giải tại cơ sở, đồng thời tạo các điều kiện về chế độ đãi ngộ cả về vật chất và tinh thần cho đội ngũ này trong công tác hòa giải, qua đó mang lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động hòa giải tại cơ sở hiện nay và trong tương lai./.

NGÔ THANH XUYÊN


([1]) Nhà nước phong kiến quân chủ tập quyền thời Lê Sơ (thế kỉ XV – thế kỉ XVI) đến nhà nước trong thời kì nội chiến phân liệt (thế kỉ XVI – thế kỉ XVIII) được gọi chung là Nhà nước Hậu Lê (1428 – 1789)

([2] )Vũ Văn Mẫu (1970), Cổ luật Việt Nam lược khảo, quyển thứ nhất, Sài Gòn, trang 145

([3]) Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê) (1991), Viện Sử học Việt Nam và Nhà xuất bản Pháp lý, trang 17.

([4]) Viện Sử học – Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2009), Cổ luật Việt Nam Quốc triều hình luật và Hoàng Việt Luật Lệ, Nxb Giáo dục Việt Nam, trang 8.

([5]) Lưỡng Thần – Cao Nãi Quang (người dịch) (1956), Quốc triều hình luật (hình luật triều lê), Trườn luật khoa đại học, Sài Gòn, trang 268

([6]) Lê Minh Tâm, Vũ Thị Nga (2006), Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, trường Đại học Luật Hà nội, Nxb Công an nhân dân, trang 255

([7]) Vũ Văn Mẫu (1975), Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử diễn giải, quyển thứ hai, Sài gòn, trang 233

([8]) Lưỡng Thần – Cao Nãi Quang (người dịch) (1956), Quốc triều hình luật (hình luật triều lê), Trường luật khoa đại học, Sài Gòn, trang 202

([9]) Lưỡng Thần – Cao Nãi Quang (người dịch) (1956), Quốc triều hình luật (hình luật triều lê), Trường luật khoa đại học, Sài Gòn, trang 288

([10]) Hòa hưu là điều đình riêng với kẻ bị việc phát giác mà thôi không phát giác nữa; hay là đã đệ đơn phát giác mà lại xin rút đơn.

([11]) Trần Văn Quảng (2004), Chế định hòa giải trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam – cơ sở lý luận và thực tiễn, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, trang 57.

([12]) Hàn Phi (1992), Hàn Phi Tử, tập I, Nxb Văn học, Hà Nội, trang 225

([13]) Vũ Thị Nga…….sđd, trang 92

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Trích dẫn từ: http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2033

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê