Tín lực của chứng cứ (kỳ 1) *
Thông thường, trong quá trình tố tụng vụ án, người ta chia chứng cứ (bằng chứng) ra làm hai loại: bằng chứng lập trước khi có phiên toà, còn gọi là bằng chứng tiên lập và bằng chứng tại phiên tòa, còn gọi là bằng chứng hậu lập.
Trong một vụ kiện, luật sư cũng như các bên đương sự có thể đưa ra nhiều chứng cứ để chứng minh cho các yêu cầu của mình. Tuy nhiên, không phải mọi chứng cứ đều có giá trị như nhau. Trên thực tế có thể chứng cứ này sẽ có giá trị hơn chứng cứ kia, và cũng có thể chứng cứ này được tin tưởng nhiều hơn chứng cứ kia. Ta gọi sự hơn kém nhau về mức độ tin tưởng đối với các loại chứng cứ là tín lực hay hiệu lực chứng minh của chứng cứ.
Nói chung, pháp luật tố tụng của ta trước đây cũng như hiện nay, mà cụ thể là Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 (từ đây gọi chung là BLTTHS, BLTTDS) không quy định mức độ tin cậy của các loại chứng cứ, cũng như không khẳng định trước, chứng cứ nào có giá trị hơn chứng cứ nào.
Điều 108 BLTTHS quy định về kiểm tra, đánh giá chứng cứ như sau:
1/ Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.
2/ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.
Điều 108 BLTTDS cũng có quy định tương tự về đánh giá chứng cứ. Theo đó: Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác.
Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ.
Dù không có quy định về mức độ tin cậy của các loại chứng cứ, song trên thực tế, mức độ tin cậy của các loại chứng cứ vẫn được nhìn nhận và áp dụng trong hoạt động đánh giá chứng cứ của những người tiến hành tố tụng. Do vậy, chúng ta cũng cần biết thứ tự về độ tin tưởng của chứng cứ trong hoạt động tố tụng như thế nào.
Thông thường trong quá trình tố tụng, người ta chia chứng cứ (bằng chứng) ra làm hai loại: bằng chứng lập trước khi có phiên toà, còn gọi là bằng chứng tiên lập và bằng chứng tại phiên tòa, còn gọi là bằng chứng hậu lập.
Bằng chứng lập trước khi có phiên tòa:
Đây là loại bằng chứng được lập trước khi có tranh chấp xảy ra, mục đích là bảo đảm sự an toàn trong những trường hợp xảy ra tranh chấp.Và khi xảy ra tranh chấp , đương sự có thể lấy bằng chứng này làm cơ sở cho những yêu cầu của mình.
Vì được lập trước, lập sẵn như vậy nên loại bằng chứng này phải là bằng chứng viết hay còn gọi là các chứng thư. Có các loại chứng thư sau đây:
1. Công chứng thư
Công chứng thư do viên chức nhà nước lập nên và được soạn thảo theo điều kiện luật định.
Các viên chức nhà nước gồm: Công chứng viên, Chấp hành viên, Thư ký Tòa án hoặc Cán bộ hộ tịch.
Tuỳ thuộc vào công vụ các viên chức nhà nước đảm trách mà họ có chức năng lập các loại chứng thư khác nhau. Ví dụ: Công chứng viên có chức năng lập Chúc thư, Văn bản khai nhận di sản thừa kế…, Cán bộ hộ tịch có chức năng lập các Chứng thư hộ tịch như: khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn…
Ngoài ra, thẩm quyền của các viên chức nhà nước này còn được xác định theo lãnh thổ hay còn gọi là thẩm quyền địa hạt. Viên chức hộ tịch, Công chứng viên không được hoạt động ngoài địa hạt do mình phụ trách. Công chứng thư chỉ có giá trị khi nó được lập bởi một viên chức có thẩm quyền.
Trên nguyên tắc, tín lực của công chứng thư được duy trì cho đến khi bị chứng minh là giả mạo. Điều đó cũng có nghĩa, nếu công chứng thư không bị tố cáo giả mạo hoặc bị tố cáo giả mạo nhưng không chứng minh được tính chất giả mạo đó, thì bằng chứng này đương nhiên có giá trị mà không cần phải chứng minh gì thêm.
Điều 92 BLTTDS ghi nhận tín lực của loại chứng cứ này, theo đó, những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp…thuộc trường hợp không phải chứng minh.
Ví dụ: A lập di chúc để lại tài sản cho B. Di chúc được Công chứng viên chứng nhận. Khi có tranh chấp thừa kế đối với khối di sản này, B chỉ cần xuất trình bản di chúc nói trên để khẳng định di sản đó thuộc về mình mà không cần phải chứng minh gì thêm. Trái lại, đối với các đương sự khác trong vụ án, nếu cho rằng, bản di chúc là giả mạo, không thể hiện đúng ý chí của người để lại di sản thì phải có nghĩa vụ chứng minh sự giả mạo đó.
Một ví dụ khác:
Để chứng minh quan hệ vợ chồng, người ta chỉ cần xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn (hôn thú), mà không cần thiết phải chứng minh việc cưới hỏi diễn ra trước quan viên hai họ như thế nào.
Tương tự như thế, một người khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản do người chết để lại, họ chỉ cần xuất trình giấy khai tử là đủ cơ sở chứng minh sự kiện mệnh một của người đó, mà không cần phải chứng minh gì thêm.
2. Chứng thư thị thực.
Chứng thư thị thực là loại chứng thư do các bên đương sự tự lập, nhưng khi ký tên thì được ký trước mặt nhà chức trách địa phương, mục đích là để xác nhận chữ ký và năng lực ký kết.
Một khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thị thực thì chứng thư thị thực cũng có tín lực như công chứng thư. Nghĩa là nó có giá trị cho đến khi bị chứng minh là giả mạo.
3. Tư chứng thư.
Tư chứng thư là các giấy tờ do hai bên đương sự tự thỏa thuận lập ra rồi ký tên, không đưa ra trước chính quyền địa phương xác nhận. Ví dụ giấy tờ vay nợ viết tay có ký tên.
Về nguyên tắc, loại chứng thư này không bị ràng buộc bởi một hình thức nào. Có thể viết tay, đánh máy, in ấn… tuy nhiên có một điều kiện bắt buộc, đó là phải có chữ ký. Chữ ký là yếu tố quan trọng nhất trong tư chứng thư, vì nó được xem như là dấu hiệu chứng tỏ sự ưng thuận của người ký kết. Một tư chứng thư nếu không có chữ ký sẽ không có giá trị.
Nếu tư chứng thư do người thứ ba viết (thảo) hộ thì phải viết họ, tên và có chữ ký của người viết hộ đó.
Một khi đã được bên đối tụng thừa nhận hoặc pháp luật công nhận thì tư chứng thư có giá trị pháp lý như công chứng thư đối với các bên tham gia giao kết.
Về nguyên tắc, tư chứng thư không có tín lực đối với người thứ ba. Nguyên tắc này nhằm tránh sự lừa đảo. Ví dụ: hai bên có thể thỏa thuận làm giấy tay không đúng sự thật để chiếm đoạt tài sản của người thứ ba.
Điều 129 BLDS 2005 cũng như khoản 2 điều 124 BLDS 2015 đều quy định: Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh ghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.
Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, khách quan, không khẳng định trước chứng cứ nào có giá trị hơn chứng cứ nào, nên vấn đề hiệu lực của tư chứng thư đối với người thứ ba không được pháp luật tố tụng của ta cụ thể hóa thành một nguyên tắc trong xác định và đánh giá chứng cứ.
Trên thực tế, để chứng minh một giao dịch nào đó là giả tạo nhằm bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba, là một vấn đề hết sức khó khăn, nhất là khi các bên tham gia xác lập giao dịch giả tạo đã có sự bàn tính kỹ lưỡng và thống nhất cao về ý chí. Chính vì vậy, không ít trường hợp đương sự đã lợi dụng “kẻ hở” này của pháp luật, tạo ra những giao dịch giả tạo để tẩu tán tài sản, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba.
Ví dụ: A cho B vay số tiền 100.000.000 đồng. Đến hạn, B không trả nợ, A khởi kiện B ra Tòa. Vì muốn trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với A, nên B đã nhờ người thân, bạn bè lập ra hàng loạt các hợp đồng giả cách về việc vay tài sản. Và cũng như A, những người này đồng loạt khởi kiện B ra Tòa.
Như vậy trên thực tế, B chỉ nợ A, nhưng bằng cách lập ra các giao dịch giả tạo, B trở thành con nợ của nhiều người, và đương nhiên B phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với nhiều chủ nợ (trong đó phần lớn khoản nợ là giả tạo).
Trong trường hợp này, nếu tài sản của B không đủ để thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, thì các chủ nợ sẽ được thanh toán khoản nợ theo tỷ lệ. Và như vậy, người cho vay tài sản thực sự là A chỉ được nhận lại một phần tài sản rất nhỏ so với số tiền cho vay ban đầu, phần lớn số tiền còn lại đương nhiên thuộc về B. vì B. không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với bạn bè, người thân của mình từ những hợp đồng giả cách.
(còn tiếp...)
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP