Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Mô hình tố tụng hình sự của Anh và xứ Wales (2)
III. Vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các chủ thể tố tụng.
1. Cơ quan tiến hành tố tụng
Việc điều tra thuộc trách nhiệm của lực lượng cảnh sát. Trước khi đưa vụ án ra truy tố, Viện công tố Anh chịu trách nhiệm việc thẩm định, đánh giá chứng cứ một cách độc lập và toàn diện. Hệ thống tố tụng mang đặc điểm tranh tụng, đối kháng giữa các bên buộc tội và gỡ tội với vai trò của Tòa án là có chấp thuận chứng cứ các bên đưa ra hay không. Tòa án nước Anh có quyền quyết định việc tạm giam hay gia hạn điều tra, truy tố ngay ở giai đoạn ban đầu. Do đó, với sự giám sát chung của Tòa án trong toàn bộ hoạt động, bên buộc tội và gỡ tội có vai trò khởi xướng và kiểm soát với các vấn đề sẽ đưa ra tòa và lựa chọn, gọi nhân chứng. Công tố trách nhiệm chứng minh các luận điểm còn có sự nghi ngờ. Tại phiên tòa, thẩm phán giữ vai trò trung lập và chịu trách nhiệm về thủ tục tố tụng và dụng pháp luật. Tất cả chứng cứ phải trình bày công khai tại tòa qua thủ tục kiểm tra và kiểm tra chéo chứng cứ. Vấn đề quyết định hình phạt thuộc thẩm quyền duy nhất của thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
Vai trò cụ thể của các chủ tiến hành tố tụng như sau:
Cảnh sát
Cảnh sát chịu trách nhiệm chung về điều tra tội phạm và khởi tố, kết luận điều tra về một tội phạm. Bên cạnh đó, việc điều tra có thể do các quan khác tiến hành, chẳng hạn lực luợng chuyên điều tra những tội gian lận nghiêm trọng và cơ quan ninh (MI5). Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh sát Anh được quy định trong Bộ luật về cảnh sát năm 1919 (đã được sửa đổi, bổ sung). Trên thực tế nước Anh không có một lực lượng cảnh sát quốc gia, mặc dù các đơn vị quốc gia và vùng đã được thiết lập trong vòng ba mươi năm trở lại đây để đấu tranh chống các tội phạm nghiêm trọng. Chịu trách nhiệm trước những người có thẩm quyền trong lực lượng cảnh sát bao gồm thành viên hội đồng và các thẩm phán. Cảnh sát phải chịu ttách nhiệm cá nhân cho việc quyết định sử dụng quyền năng pháp lý và thực thi nghĩa vụ pháp lý đó trên thực tế.
Cơ quan công tố Hoàng gia (CPS).
Trước năm 1985, việc quyết định truy tố và thực hành quyền công tố do cảnh sát đảm nhiệm và nhân danh cơ quan cảnh sát. Nhằm tách riêng hai hoạt động điều tra và truy tố, Đạo luật về việc truy tố tội phạm đã thiết lập cơ quan công tố với chức năng thực hiện tất cả các hoạt động công tố thay thế cảnh sát tại Anh và xứ Wales. Viện trưởng Viện công tố là người đứng đầu hệ thống cơ quan công tố và các công tố viên dưới quyền.
Cơ quan công tố Hoàng gia là một cơ quan thuộc nhánh hành pháp chịu trách nhiệm cho hầu hết các quyết định truy tố trên cơ sở sử dụng tài liệu cung cấp bởi cảnh sát. CPS do Viện trưởng Viện công tố trung ương lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước Quốc hội thông qua Bộ trưởng Bộ tư pháp. Theo truyền thống luật của Anh, Bộ trường Bộ Tư pháp là cố vấn về các vấn đề pháp luật cho chính phủ và là người đại diện cho Hoàng gia (the Crown). Người nắm chức vụ này phải là một luật sư cao cấp (senior barrister) và phải do Nghị viện bầu ra. Cơ quan này có trụ sở tại 13 khu vực địa lý trên toàn nước Anh và xứ Wales và mỗi khu vực có một Viện trưởng. Ngoài ra, còn có các văn phòng trực thuộc ở các khu vực với một số lượng công tố viên nhất định. Các công tố viên do Viện trưởng Viện công tố Trung ương bổ nhiệm [9] từ những người đã là luật sư cao cấp hay cấp thấp [10] . Một số cơ quan khác cũng có thẩm quyền truy tố như Cơ quan Hải quan, Thuế vụ, Văn phòng bảo hiểm và an sinh xã hội (đối với những vi phạm khai man để lấy tiền trợ cấp xã hội) và các chính quyền địa phương (đối với các vi phạm nhỏ). Cơ quan công tố có văn phòng tại 42 khu vực địa phương tại khắp nước Anh và xứ Wales. Nhìn chung công tố viên có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Hướng dẫn cảnh sát điều tra các vụ án;
- Xem xét lại các vụ án của cảnh sát để thực hiện việc truy tố;
- Quyết định các tội cáo buộc ra tòa, trừ các vụ án không quan trọng;
- Chuẩn bị hồ sơ truy tố ra Tòa;
- Trình bày, bảo vệ cáo trạng tại Tòa.
Mô hình của Tòa án Anh cũng giống như ở nhiều nước. Hệ thống Tòa án của nước này được chia làm hai nhánh là Dân sự và Hình sự. Trong hệ thống có Tòa án của Thượng Viện, Tòa phúc thẩm, Tòa cấp cao, Tòa án Hoàng gia Crown, Tòa án Magistrate, và Tòa án cấp hạt. Các công việc hành chính của Tòa án được giao cho Cơ quan phục vụ Tư pháp Hoàng gia, là một cơ quan hành chính thuộc Bộ Tư pháp Anh. Vì nước Anh là một thành viên của Liên minh Châu Âu, một số bản án của Tòa án Anh có thể là đối tượng xem xét lại tại Tòa án công lý Châu Âu, hay Tòa án Châu Âu về nhân quyền.
2. Vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa các chủ thể tiến hành tố tụng
Một đặc điểm cơ bản của toàn bộ hệ thống là sự thật sẽ được tìm ra qua việc các bên đối kháng có sự bình đẳng giữa trình bày sự buộc tội và gỡ tội và sau đó chính các bên sẽ đối chất, đánh giá các chứng cứ do bên kia đưa ra. Cả phía bị cáo và VCT phải tự trình bày lập luận của mình, xem xét chứng cứ, hỏi và đối chất nhân chứng. Người bị hại không có vai trò gì [11] .
Thẩm phán
Thẩm phán tại nước Anh cũng như ở các nước tranh tụng khác trên lý thuyết phải thể hiện được tính không thiên vị để đảm bảo cuộc tranh luận giữa các bên được diễn ra công bằng và đúng đắn tại phiên tòa. Theo nguyên lý cơ bản của hệ tranh tụng, thẩm phán sẽ chỉ quyết định một cách thụ động, dựa trên lời trình bày bởi các bên hơn là theo ý chí quan của mình. So với thẩm phán mô hình thẩm vấn, vai trò trọng của thẩm phán trong tố tụng tranh tụng chỉ giới hạn chủ yếu ở các vấn đề liên quan đến khía canh pháp lý và thủ tục của việc xét xử. Tuy nhiên, thẩm phán hình sự ở Anh ngày càng thể hiện xu hướng tích cực, chủ động hơn, vai trò trọng tài trung lập tuyệt đối thu hẹp dần. Các thẩm phán Anh đều do Nữ hoàng bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng phủ. Đứng đầu các thẩm phán là Chánh án Tòa án tối cao.
Tại toà án trung cấp (có bồi thấm đoàn), thẩm phán chủ toạ có vai trò điều khiển để các thủ tục tố tụng được diễn ra đúng đắn, nhất là khi có các thủ tục hỏi và đối chất nhân chứng, hướng dẫn bồi thẩm đoàn về việc có chấp thuận hay không chấp thuận chứng cứ các bên trình ra, tóm tắt vụ án cho bồi thẩm đoàn trước khi bồi thẩm lui vào họp riêng để đưa ra phán quyết, và nếu phán quyết có tội được tuyên thì quyết định mức hình phạt. Thẩm phán cũng được phép loại trừ, không chấp thuận chứng cứ nào đó nếu thấy rằng việc chấp thuận sẽ vi phạm nguyên tắc công bằng trong tố tụng.
Công tố viên (Bên buộc tội)
Trong tố tụng tranh tụng của Anh, Công tố viên được xem là một bên trong cuộc tranh luận nhưng công tố viên thực hành quyền công tố của mình theo cách thức khách quan và không thiên vị. Ví dụ, nếu qua việc kiểm tra chứng cứ, công tố viên phát hiện một nhân chứng đã khai báo sai gây ra những tổn hại cho bị cáo, công tố viên phải thông báo cho luật sư bào chữa biết rằng vấn đề đó có thể được làm sáng tỏ và giải quyết qua cách thức kiểm tra chéo chứng cứ được thực hiện sau đó bởi luật sư. Khi công tố viên thấy rằng một nhân chứng với chứng cứ của mình có thể làm lợi cho bị cáo, công tố viên phải thông báo với luật sư bào chữa để luật sư có thể gọi nhân chứng đó ra tòa làm chứng. Tại Anh, các công tố viên luôn sẵn lòng trợ giúp luật sư để xác định địa điểm của nhân chứng có nơi cư trú không rõ ràng, tránh tình rạng nhân chứng không thể được tìm ra [12] và khả năng gây ra bế tắc trong việc xét xử vụ án tại tòa.
Như vậy, tuy là mô hình đối tụng nhưng các nước theo truyền thống tranh tụng luôn tồn tại sự hợp tác hiệu quả giữa công tố viên và luật sư. Công tố viên và luật sư trong hoạt động chức năng của mình thường tiết lộ, trao đổi với nhau về các chứng cứ mình có được. Do đó, danh mục các chứng cứ hay nhân chứng mà các bên dự kiến đưa ra tại phiên xét xử sơ bộ thường đã được trao đổi, thảo luận giữa hai bên. Dựa trên sự xem xét, đánh giá, tại phiên xử sơ bộ này, chứng cứ nào còn mâu thuẫn mới được chấp nhận đưa ra kiểm tra chính và kiểm tra chéo tại phiên tòa. Quan hệ này xuất phát từ tính bình đẳng giữa các bên trong hoạt động tố tụng hình sự cũng như yêu cầu hợp tác để hoạt động tranh tụng được diễn ra bình thường. Thực tế ghi nhận từ việc tham gia các phiên tòa tại Anh cho thấy các phiên tòa ở đất nước tranh tụng này được tiến hành trong một môi trường chuyên nghiệp, mang tính hợp tác, minh bạch, và hiện đại.
Luật sư bào chữa (Bên gỡ tội)
Tại nước Anh, Luật sư được chia làm 2 loại: Luật sư tư vấn (Solicitor) và luật sư tranh tụng (Barrister). Các luật sư hầu hết tham gia vào Tổ chức luật sư, là cơ quan chứng thực, quản lý chất lượng dịch vụ, đề ra tiêu chuẩn hành nghề, cũng như quản lý đạo đức nghề nghiệp đối với luật sư.
Về vị trí, vai trò của luật sư thuận lợi hơn nhiều trong tố tụng tranh tụng:
- Tại phiên tòa, luật sư trình bày sau khi công tố viên đã hoàn thành việc trình bày ban đầu của mình. Điều này tạo cơ hội cho việc trình bày của luật sư trở nên rõ ràng và có thế đối đáp lại hiệu quả với phần trình bày của phía công tố viên.
- Luật sư bào chữa thực hiện việc kiểm tra chéo nhân chứng và chuyên gia giám định, là những người đưa ra các chứng cứ không có lợi cho bị cáo. Trên thực tế, việc kiểm tra chéo chứng cứ của luật sư là vô cùng quan trọng trong tố tụng tranh tụng. Trong sự độc lập và thiếu vắng sự can thiệp của thẩm phán và công tố viên trong hoạt động này, việc luật sư kiểm tra lại một cách cẩn thận những vấn đề được trình bày bởi nhân chứng trước tòa vào giai đoạn khai báo chính được cho là có thể giúp làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Sau khi công tố viên hỏi lại nhân chứng luật sư bào chữa cũng có quyền thực hiện việc kiểm tra chéo lại chứng cứ.
Tại nước Anh, nếu bị cáo thể hiện ý chí không muốn có luật sư được chỉ định, người này sẽ không được đại diện tại phiên tòa [13] . Luật sư bào chữa không bao giờ mang tính bắt buộc theo truyền thống pháp luật Anh - Mỹ, ngay cả khi bị cáo bị truy tố với tội danh nghiêm trọng nhất. Việc luật sư bào chữa thiếu năng lực, vi phạm nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng gây những thiệt hại pháp lý cho bị cáo là căn cứ kháng cáo phúc thẩm vụ án (trước khi thi hành Luật nhân quyền 1988). Ví dụ: luật sư vào phút chót vẫn không gọi thành viên của gia đình bị can để đưa ra cứ ngoại phạm, không mời bị can làm nhân chứng để tự bảo chữa cho mình tại phiên tòa [14] . Việc đại diện không có năng lực tại tòa Magistrate có thể được khắc phục bởi sự đại diện đầy đủ tại cấp phúc thẩm tại Tòa án Crovvn.
Bị can, bị cáo
Hệ thống tư pháp hình sự có rất nhiều quy định bảo đảm các quyền cho bị can trước, trong và sau khi xét xử. Những bảo đảm đó bao gồm: những quy định trong đạo luật PACE, những quy tắc chặt chẽ về việc chấp thuận chứng cứ, quyền của bị cáo được chất vấn với nhân chứng của bên buộc tội, quyền được đưa ra người làm chứng của mình, quyền im lặng và quyền được có trợ giúp pháp luật.
Bị cáo có quyền được biết về tội mà anh ta bị truy tố và được chuẩn bị cho việc gỡ tội. Trước năm 1996, công tố viên có cả nghĩa vụ thông báo trước cho bị cáo (trước khi xét xử) về tất cả mọi chứng cứ sẽ đưa ra trước toà, thậm chí kể cả những chứng cứ mà họ có nhưng không sử dụng cho việc buộc tội. Mặt khác, phía bị cáo không có nghĩa vụ phải thông báo trước cho công tố viên (trước khi xét xử) về các chứng cứ liên quan đến việc gỡ tội, trừ trường hợp có chứng cứ ngoại phạm hoặc khi có chứng cứ được cung cấp bởi các chuyên gia (giám định).
Bộ luật tố tụng và điều tra hình sự năm 1996 đã có những thay đổi lớn về nghĩa vụ thông báo trước về chứng cứ. Theo đó, công tố viên và bị cáo phải thông báo về cả các chứng cứ không được sử dụng cho việc buộc tội hay gỡ tội. Công tố viên phải cung cấp cho bên gỡ tội cả những chứng cứ mà công tố viên không sử dụng vì nếu sử dụng sẽ có tác dụng bất lợi cho việc buộc tội và thuận lợi cho việc gỡ tội. Trong trường hợp xét xử tại toà án trung cấp, sau khi bị cáo đã được cung cấp những thông tin liên quan đến việc buộc tội như chứng cứ, chi tiết lập luận trong cáo trạng, bị cáo cũng phải cung cấp cho công tố viên lập luận gỡ tội bằng văn bản. Bản lập luận này phải ghi rõ các nội dung: Nội dung chính của lập luận gõ tội, những vấn đề mà bị cáo sẽ đặt ra để thách thức công tố viên cùng với lập luận cần thiết. Trong đó, bị cáo hay luật sư của họ cũng phải thể hiện rõ những tình tiết ngoại phạm nếu có. Những yêu cầu tuơng tự như vậy cũng phải áp dụng đối với những trường hợp án xử theo thủ tục đơn giản (không có bồi thẩm đoàn). Thẩm phán cũng như bồi thẩm đoàn có thể suy diễn bất lợi cho bị cáo nếu bị cáo không thể đưa ra lập luận gỡ tội hoặc có đưa ra nhưng lập luận sau mâu thuẫn với những lập luận trước đó.
Toà án có thẩm quyền đình chỉ tố tụng nếu có vi phạm tố tụng và cũng có nghĩa vụ bảo vệ bị cáo để cho họ được đưa ra xét xử công bằng. Trong vụ án Hoàng gia kiện H, toà án đã phán quyết rằng sẽ là vi phạm tố tụng nếu: 1) bị cáo không được đưa ra xét xử một cách công bằng (thông thường là do chậm trễ) hoặc 2) toà án đã bị can thiệp hay bị tác động vì một lý do nào đó dẫn đến việc toà án đã không thể xét xử một cách công bằng và thoả đáng. Có thể suy luận là với nhận định đó toà án đã công nhận là các thủ tục tố tụng có thể và nên bị đình chỉ nếu bị cáo không được xét xử một cách công bằng cho dù vì lý do gì đi nữa.
Bị cáo có quyền im lặng.
Theo nghĩa rộng, quyền này được hiểu là công dân được tự do trong việc im lặng và từ chối cung cấp thông tin cho cảnh sát và các cơ quan chức năng khác của Nhà nuớc.
Tận tới năm 1995, việc bị cáo không thể trả lời và đưa ra bằng chứng không thể bị công tố viên bình phẩm tại toà. Hơn nữa, khi đó thẩm phán phải thông báo cho bồi thẩm đoàn rằng: bị cáo không có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ, và cho dù bồi thẩm đoàn không có cơ hội được nghe bị cáo trả lời trong quá trình đối chất chéo với bị cáo, bồi thẩm đoàn không được phép suy diễn rằng vì bị cáo không trả lời có nghĩa là bị cáo có tội. Bộ luật về Tư pháp và an ninh công cộng 1994 (CJPOA) ra đã thay đổi rất nhiều nội dung về quyền im lặng.
Thứ nhất, Điều 34 quy định thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn xem xét bị cáo có phạm tội hay không, có thể suy diễn bất lợi cho bị cáo khi thấy rằng bị cáo đã không thể trả lời đối với những câu hỏi của cảnh sát về một sự việc nào đó khi bị khởi tố và truy tố trước khi bị đưa ra xét xử mà không có lý do chính đáng.
Thứ hai, Điều 35 quy định thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn xem xét bị cáo có phạm tội không, có thể suy diễn bất lợi cho cáo khi thấy rằng bị cáo đã im lặng mà không có lý do chính đáng cho việc không trả lời tại phiên toà. Hơn nữa, quy định cấm công tố viên bình luận về việc bị cáo im lặng từ chối trả lời cũng bị bãi bỏ.
Thứ ba, thẩm phán hoặc bồi đoàn khi xem xét bị cáo có phạm tội hay không, có thể suy diễn bất lợi bị cáo khi thấy rằng bị cáo đã im lặng, không thể trả lời những câu hỏi liên quan đến những dụng cụ, vật dụng trên người bị cáo vào thời điểm họ bị cảnh sát bắt giữ (Điều 38).
Thứ tư, thẩm phán hoặc bồi đoàn khi xem xét bị cáo có phạm tội hay không, có thể suy diễn bất lợi
cho bị cáo khi thấy rằng bị cáo đã im lặng, không thể trả lời những câu hỏi liên quan đến sự hiện diện của bị cáo ở một địa điểm nhất định hay vào một thời điểm mà tội phạm đã xảy ra (Điều 37).
Trong vụ án Cowan, Toà phúc thẩm đã đưa ra giải thích hướng dẫn thi hành đối với Điều 35 khi một bị cáo tại phiên toà từ chối cung cấp chứng cứ. Toà đã đưa ra một số yêu cầu cơ bản để áp dụng điều luật này. Thứ nhất, Thẩm phán phải nói với Bồi thẩm đoàn rằng trách nhiệm chứng minh cũng như yêu cầu về chứng minh hoàn toàn thuộc về Công tố viên. Thứ hai, Bồi thẩm đoàn cần phải biết rõ là bị cáo có quyền im lặng, không nói gì. Thứ ba, không thể suy diễn là việc không thể cung cấp chứng cứ hay từ chối trả lời có nghĩa là bị cáo đã phạm tội. Thứ tư, Bồi thẩm đoàn cần phải chắc chắn là Công tố viên đã đưa ra đủ các chứng cứ về việc bị cáo đã phạm tội trước khi có những suy diễn (bất lợi) cho bị cáo khi thấy bị cáo im lặng, từ chối trả lời. Thứ năm, dù bị cáo có hay không có lý do cho việc im lặng, nếu Bồi thẩm đoàn chắc chắn rằng sự im lặng là do bị cáo không thể trả lời được các câu hỏi đặt ra hay không thể trả lời được khi bị đối chất chéo với Công tố viên, Bồi thẩm đoàn được quyền suy diễn bất lợi cho bị cáo.
Một vấn đề tuơng tự như quyền im lặng là Bồi thẩm đoàn được quyền suy diễn bất lợi cho bị cáo nếu bị cáo từ chối cung cấp những mẫu cơ thể như dấu vân tay, mẫu tóc, da khi được yêu cầu để phục vụ cho việc giám định.
Có những hạn chế đối với việc thực hiện quyền im lặng. Đó là theo Đạo luật về tài chính năm 1986, một người từ chối trả lời câu hỏi khi bị thanh tra bởi các thanh tra viên của Bộ Thương mại và công nghiệp hay bởi các Điều tra viên đối với các hoạt động tài chính theo đạo luật này. Tương tự, Luật tư pháp hình sự năm 1987 tại Điều 2 quy định rằng một người sẽ bị phạt tù nếu từ chối trả lời mà không có lý do chính đáng hay trả lời sai những câu hỏi của các viên chức thuộc Văn phòng chống tội phạm gian lận nghiêm trọng.
Để tránh cho Bồi thẩm đoàn việc bị định kiến với bị cáo, việc tiết lộ thông tin trước phiên xử được kiểm soát nghiêm ngặt. Đặc biệt việc tiết lộ trước phiên xử có thể dẫn đến việc hủy bất kỳ việc kết tội nào [15] cùng với việc giải tán Bồi thẩm đoàn. Khi quá trình xét xử đang diễn tiến, việc tiết lộ thông tin được xem là một tội phạm với chế tài nặng [16] .
Trong phiên tòa dựa trên bản cáo trạng, bị can có quyền lựa chọn ngẫu nhiên Bồi thẩm đoàn [17] , mặc dù người này hay cơ quan công tố có thể khiếu nại. Căn cứ để khiếu nại là: (a) sự không có quyền và không đạt yêu cầu; (b) nghi ngờ có căn cứ về sự thiên lệch của thành viên Bồi thẩm đoàn. Ngoài ra, cơ quan công tố có thể yêu cầu một thành viên Bồi thẩm đoàn “dừng hoạt động chức năng vì cơ quan công tố". Quyền này chủ yếu được sử dụng trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia hoặc trong trường hợp (có sự thỏa thuận với luật sư bào chữa) một thành viên Bồi thẩm đoàn có những biểu hiện rõ ràng là không phù hợp trong hoạt động của mình tại phiên tòa [18] . Nếu sau đó có căn cứ cho thấy khả năng thiên lệch là có thật thì sự kết tội có thể bị hủy [19] . Thẩm phán phải điều tra và nếu cần thiết, giải tán toàn bộ Bồi thẩm đoàn để tránh vi phạm tính công bằng của phiên xử theo Điều 6.1 của ECHR [20] nếu một thành viên bồi thẩm tiết lộ rằng một bồi thẩm khác có những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc trong phiên tòa xét xử bị can là người Châu Á.
Nhằm “cân bằng về mặt vũ khí” cho phía bị can, pháp luật quy định bị can có quyền trình bày các tài liệu được nắm giữ bởi cơ quan công tố. Bị can có quyền được đại diện trong việc kiểm tra tất cả chứng cứ, bao gồm các phiên xử để xem xét liệu nhân chứng có thể đưa ra lời khai hay không [21] . Trong truờng hợp nhân chứng là trẻ em, Tòa án có thể xem xét chứng cứ mà không cần sự có mặt của bị cáo nếu Tòa án xét thấy hành vi hoặc sự hiện diện của bị cáo không phù hợp cho việc tiếp tục phiên tòa.
Bị can không bị xét xử hai lần về cùng một tội (double jeopardy). Trường hợp ngoại lệ, theo Bộ luật về điều tra và tố tụng hình sự năm 1996 tại Điều 54 và Điều 55, một bị can được tha bổng có thể bị xét xử lại nếu người này sau đó bị kết tội về một tội phạm liên quan đến việc hăm dọa hay can thiệp với thành viên bồi thẩm hay thành viên bồi thẩm tiềm năng, và Tòa cấp cao nhận thấy có khả năng bị can đã bị kết tội tại phiên tòa thứ nhất nhưng vì có lý do can thiệp hay hăm dọa hoặc trường hợp vụ án có vi phạm nghiêm trọng về mặt chứng cứ dẫn đến kết quả phán quyết đi ngược lại với lợi ích của công lý.
Đối với bị can bị bắt, tạm giữ hay tạm giam, Luật PACE đã đặt ra nhiều thủ tục để bảo vệ họ trong quá trình lấy lời khai, bị giam, giữ bởi cảnh sát.
Nhân chứng (bao gồm cả nhân chứng là chuyên gia).
Theo nguyên tắc chung, nhân chứng có thể là bất kỳ người nào, không có đặc quyền miễn trừ ngoại giao hay Nhà nước và bắt buộc phải cung cấp chứng cứ. Cả công tố lẫn luật sư có quyền bắt buộc triệu tập hay dùng trát của tòa để triệu tập nhân chứng. Việc nhân chứng không đến hay không trả lời câu hỏi mà không có lý do hợp pháp thì bị trừng phạt theo tội khinh thường Tòa án.
Có một số trường hợp đặc biệt, bị cáo có thể là nhân chứng nhưng họ không bị bắt buộc phải cung cấp chứng cứ. Đó là các trường hợp bị can có năng lực nhưng không thể bắt buộc, hoặc vừa không có năng lực vừa không thể bắt buộc (chẳng hạn trẻ em trên 14 tuổi, người chồng hay vợ của người bị cáo buộc)... Tuỳ trường hợp cụ thể khác nhau, người chồng/vợ của bị cáo bị bắt buộc phải cung cấp chứng cứ, tuy nhiên họ cũng có thế cung cấp hoặc có quyền từ chối cung cấp chứng cứ (không có lợi cho bị cáo) khi có đề nghị của Viện công tố hoặc trong trường hợp đồng phạm. Người chồng/vợ cũ của bị cáo có thể và bị bắt buộc phải cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của bị cáo - bên gỡ tội hay Viện công tố (bên buộc tội) về bất kỳ sự kiện gì xảy ra trước hay sau hôn nhân.
Trẻ em cũng có quyền và nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ trừ khi Tòa án cho rằng đứa trẻ không thể đưa ra thông tin để mọi người có thể hiểu được. Có rất nhiều quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi cung cấp chứng cứ, chẳng hạn, trẻ em có thể khai báo qua màn hình quay video trực tiếp để khỏi phải xuất hiện trước toà.
Liên quan đến các nhân chứng dễ bị tổn thương, đã có những quy định bảo vệ cho họ trong Luật Chứng cứ hình sự và công lý cho thanh niên năm 1999. Các nhân chứng được bảo vệ bao gồm những người sau đây: Người khiếu nại là trè em trong trường hợp tấn công hay đe dọa gây thương tích cho bất kỳ người nào, bắt cóc, bỏ tù sai, lạm dụng trẻ em, hay một số tội phạm khác chống lại trẻ em. Trẻ em đưa ra chứng cứ chính hay bị kiểm tra chéo chứng cứ theo sự chấp nhận chứng cứ từ băng video, có thể không bị kiểm tra chéo chứng cứ bởi bị can để tránh căng thẳng gây ra bởi môi trường mang tính nghi thức cao hay để tránh đối đầu với người lạm dụng.
Tất cả nhân chứng, trừ trẻ em, phải tuyên thệ, thề tại bục nhân chứng tại phòng xử án trước khi khai báo. Các bên được tự do yêu cầu nhân chứng khai báo trước toà theo đòi hỏi của mình và tuỳ trường hợp, luật sư bào chữa phải hỏi bị cáo trước khi hỏi các nhân chứng khác. Nhân chứng được quyền từ chối trả lời các câu hỏi mà nếu trả lời sẽ dẫn đến việc buộc tội chính mình. Khi khai báo, nhân chứng, kể cả bị cáo, có thể phải sử dụng đến các tài liệu để hồi phục lại trí nhớ của họ. Nếu nhân chứng không thể khai báo (do quên chẳng hạn), tài liệu văn bản có thể được sử dụng là chứng cứ. Những khai báo trước khi xét xử thường không được chấp thuận mà phải khai trực tiếp trước toà. Tuy nhiên, nếu nhân chứng theo yêu cầu của một trong hai bên (buộc tội và gỡ tội) bị Tòa án tuyên là đã khai báo trái ngược, không đúng với nội dung và tình tiết của vụ án đang diễn ra tại toà thì những lời khai trước đó của nhân chứng có thể được sử dụng.
Theo nguyên tắc về tư pháp công khai, thường nhân chứng sẽ đưa ra chứng cứ tại phiên tòa, tất cả các chứng cứ và nhân thân có thể được phổ biến [22] . Tuy nhiên, có một hạn chế liên quan đến nhân chứng là trẻ em và một số trường hợp khác. Thứ nhất, chứng cứ có thể được đưa ra dưới hình thức một bản khai viết tay nếu nhân chứng quá sợ hãi việc phải đưa ra chứng cứ tại Tòa [23] . Thứ hai, nhân chứng được phép trong một số tình huống đặc biệt đưa ra chứng cứ theo cách vô danh, trả lời qua văn bản, đưa ra chứng cử từ phía sau một màn hình dùng thiết bị thay đổi giọng nói, nếu có mối hiểm nguy cho sự an toàn của họ và việc này không gây bất lợi cho bị can, cân bằng giữa lợi ích cần thiết của nhân chứng và quyền công bằng [24] . Thứ ba, có thể hoãn việc công bố một số chứng cứ trong phiên tòa để ngăn ngừa phiên tòa công bằng bị thiên lệch [25] , hay để bảo vệ trẻ em [26] , hay để đảm bảo rằng các đối tượng mà nhân chứng được phép đưa ra chứng cứ vô danh không bị gây khó dễ [27] . Thứ tư, tòa có thể xét xử kín khi mà công lý tư pháp không thể đạt được theo cách mở phiên tòa công khai đối với công chúng [28] .
Quyền này ít khi được thực hiện, hầu hết chỉ đối với vụ án liên quan đến an ninh quốc gia hoặc bảo đảm cho nhân chứng và các bên liên quan khỏi những việc rắc rối [29] . Khi Tòa án xử kín, việc công bố các chi tiết và quá trình xét xử có thể cấu thành hành vi khinh thường Tòa án [30] .
Theo pháp luật Anh, nhân chứng có thể là chuyên gia (hay giám định). Tại phiên toà, không có chuyên gia giám định được chỉ định bởi Tòa án mà các bên (buộc tội hay gỡ tội) đều có quyền mời những chuyên gia trong từng lĩnh vực đến để nói về những lĩnh vực mà họ biết cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Việc công nhận vai trò nhân chứng của chuyên gia đã tạo điều kiện cung cấp cho Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn những thông tin chuyên môn ngoài tầm hiểu biết của họ khi xử lý vụ án. Do đó, đối với những thông tin hay tình tiết đã được chứng minh và rõ ràng, sự tham gia của chuyên gia là không cần thiết. Chẳng hạn, chuyên gia về tâm thần học là cần thiết đối với những vụ án mà bị cáo có triệu chứng bị rối loạn tâm thần, còn đối với bị cáo có tình trạng tâm thẩn bình thường thì không cần thiết. Qua xem xét bằng cấp chuyên môn và kinh ngiệm nghề nghiệp, Thẩm phán là người có trách nhiệm công nhận một người có phải là chuyên gia về lĩnh vực mà họ định trình bày hay không để cho phép họ được làm chứng trước toà.
Chuyên gia giám định có quyền và trách nhiệm như những nhân chứng khác nhưng nếu được phép của Tòa án thì báo cáo viết của họ gửi tới toà có giá trị như khi họ trình bày bằng lời trước toà (Điều luật 30 Luật Tư pháp hình sự). Thực tế đã chỉ ra rằng có tới hơn 800 lĩnh vực chuyên môn khác nhau và ngày càng mở rộng hơn dẫn đến nhiều chỉ trích đối với cách thức sử dụng chuyên gia giám định, chẳng hạn chuyên gia sẽ dễ bị định kiến vì họ thường do một bên mời ra toà hoặc bất bình đẳng vì bị cáo thường không có tiền (như Viện công tổ) để trả cho chuyên gia. Do đó, có nhiều ý kiến đề nghị phải cho phép Tòa án chỉ định chuyên gia để tiết kiệm và ngăn chặn tình trạng phiên toà bị các chuyên gia thao túng.
Người bị hại (nạn nhân)
Theo truyền thống, nạn nhân là người bị bỏ quên trong hệ thống tư pháp hình sự. Họ không có một vị trí pháp lý chính thức đặc biệt nào trước toà ngoài việc được gọi ra toà để khai báo như một nhân chứng. Họ không có vai trò gì trong giai đoạn quyết định hình phạt, trừ việc được nhận lệnh đòi bồi thường cho những khoản nhỏ và bắt buộc phải kiện ra toà theo thủ tục tố tụng dân sự cho những bồi thường dân sự... Trong những năm gần đây đã có những cải thiện nhất định cho vị trí pháp lý của nạn nhân. Hiến chương nạn nhân quy định việc truy tố tội phạm đối với một số tội được xem xét trên cơ sở yêu cầu của nạn nhân. Nếu cảm thấy không hài lòng về một quyết định không truy tố, một nạn nhân có thể khiếu nại bằng cách nộp đơn lên Tòa cấp cao để xem xét lại theo thủ tục tư pháp. Nạn nhân trong vụ án hình sự có thể đòi bồi thường về tài chính bằng cách kiện ra tòa theo thủ tục dân sự, là thủ tục mà các tiêu chuẩn về chứng cứ thấp hơn so với tố tụng hình sự. Ngoài ra còn có các quy định về giữ kín thông tin nạn nhân trong một số vụ án như xâm hại tình dục, ngay từ khi bắt đầu đưa đơn tố cáo, trong suốt quá trình tố tụng và cả cuộc đời của nạn nhân sau này. Với nạn nhân là nhân chứng tại phiên tòa, nạn nhân có thể phải đưa ra chứng cứ, trường hợp đặc biệt có cơ chế thỏa thuận đặc biệt cho phép nhân chứng bị tổn thương trình chứng cứ bằng cách ít gây căng thẳng nhất.
(còn tiếp)