Vụ tố thư ký toà chạy án: Cần kháng nghị Giám đốc thẩm.
Việc TAND TP.HCM sửa án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Vân, đồng thời ra quyết định khởi tố Mai Khải Hoàn (em bị cáo Vân) về hành vi cố ý gây thương tích là hoàn toàn trái với các quy định pháp luật về tố tụng.
Theo tinh thần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2010 ngày 27/8/2010 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ công an và Toà án nhân dân Tối cao thì, Thiếu những chứng cứ sau đây là trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án, và cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc huỷ án để điều tra lại:
…
i/ Chứng cứ để chứng minh “tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” là chứng cứ để đánh giá tính chất, hậu quả (vật chất và phi vật chất) của hành vi phạm tội trong việc xác định tội phạm và quyết định hình phạt.
Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại vì lý do, cấp sơ thẩm chưa xác định được thương tật của bị hại do ai gây ra để xác định hành vi của những người có liên quan.
Đây là trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng được quy định tại điểm (i) nói trên. Thế nhưng, bản án phúc thẩm lại cho rằng, “vấn đề này, TAND quận Tân Bình đã trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, việc điều tra bổ sung không phát sinh tình tiết nào khác nên việc hủy án với lý do này là không cần thiết”.
Rõ ràng, đây là một nhận định mang tính “lấy được”. Bởi lẽ, khi cho rằng, việc điều tra bổ sung không phát sinh tình tiết nào khác, thì điều đó cũng có nghĩa, cơ quan điều tra chưa điều tra, làm rõ được mức độ thương thật của người bị hại theo yêu cầu điều tra bổ sung của toà án. Và như vậy, đây là trường hợp cần phải huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại theo quy định của pháp luật, chứ không phải tiếp tục kết án bị cáo theo hướng tăng nặng hình phạt như cấp phúc thẩm đã tuyên.
Ngoài ra, toà án cấp phúc thẩm còn cho rằng, “cấp sơ thẩm xét xử bị cáo theo Khoản 1, Điều 104 BLHS là chưa phù hợp, bởi chỉ tính riêng thương tích của anh Trịnh Quang Trung đã là 13%, cấp sơ thẩm cho rằng trừ 6% vùng lưng vì không xác định được có phải do bị cáo gây ra hay không thì không phù hợp với nguyên tắc chịu trách nhiệm hình sự nhiều người gây thương tích cho một người ở cùng một thời điểm. Đồng thời, quá trình điều tra, xét xử đã chứng minh chỉ có một mình bị cáo sử dụng hung khí tấn công anh Trung, không còn ai khác, trong khi bị hại không thể gây thương tích ở vùng lưng của mình. Do đó, bị cáo Vân phải chịu toàn bộ trách nhiệm thương tích 13% do mình gây ra nên đủ cơ sở buộc tội ở khoản 2, điều 104”
Đây cũng là một nhận định thiếu cơ sở pháp lý và mang tính suy đoán bất lợi cho bị cáo. Đành rằng, "người bị hại không thể tự gây thương tích ở vùng lưng của mình", nhưng cũng không loại trừ khả năng, trong quá trình xô xát, ẩu đả, người bị hại bị va chạm vào vật khác dẫn đến việc gây ra thương tích.
Như vậy, sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhưng cơ quan điều tra không chứng minh được tỷ lệ thương tích 6% ở vùng lưng của người bị hại là do bị cáo gây ra nên toà án cấp sơ thẩm đã loại trừ trách nhiệm hình sự của bị cáo đối với phần tỷ lệ thương tích này là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tinh thần quy định tại điều 10 BLTTHS, đó là trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Một khi chưa chứng minh được tỷ lệ thương tật 6% này do bị cáo gây ra thì cũng không thể buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả này.
Thế nhưng, thay vì huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại, nhằm làm rõ tỷ lệ thương tật 6% nói trên, có phải do bị cáo gây ra hay không, thì cấp phúc thẩm lại nhận định theo kiểu suy đoán, rằng: “chỉ có một mình bị cáo sử dụng hung khí tấn công anh Trung” và “bị hại không thể gây thương tích ở vùng lưng của mình” để từ đó buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ tỷ lệ thương tích 13% của người bị hại là không thoả đáng và không có căn cứ pháp luật.
Mặt khác, trong một vụ án có đồng phạm, việc điều tra, truy tố và xét xử đối với các bị cáo phải được tiến hành trong cùng một vụ án, việc HĐXX vừa kết án bị cáo Vân, lại vừa khởi tố đối với bị can Hoàn (người được xem là đồng phạm với bị cáo Vân trong vụ án này) để xử lý bằng một vụ án khác, là không đảm bảo tính toàn diện của vụ án và hoàn toàn trái với các nguyên tắc tố tụng vụ án hình sự nói chung.
Với tất cả những nhầm lẫn và sai sót nói trên của bản án phúc thẩm, thiết nghĩ các cơ quan tố tụng cấp trên cần phải vào cuộc để xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, nhằm đảm bảo việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án khách quan, đúng pháp luật.
* * * * *
Chưa từng có trong lịch sử tố tụng.
Sở dĩ nhà làm luật quy định, khi phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới, HĐXX có quyền ra quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên toà (khoản 1 điều 104 BLTTHS) là vì tội phạm hay người phạm tội mới này hoàn toàn độc lập và không liên quan đến vụ án đang được xét xử.
Vì vậy, toà án vừa có thể tiếp tục việc xét xử và tuyên án đối với bị cáo trong vụ án đang xét xử, vừa có thể ra quyết định khởi tố đối với tội phạm hoặc người phạm tội mới này để cơ quan điều tra tiến hành việc điều tra bằng một vụ án khác.
Còn đối với những trường hợp phát hiện có “ người đồng phạm khác” hoặc "có người phạm tội khác" liên quan đến vụ án, thì bắt buộc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm đảm bảo việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
Việc cấp phúc thẩm vừa xét xử và kết án bị cáo Vân, lại vừa khởi tố đối với bị can Hoàn (người được xem là đồng phạm với bị cáo Vân trong vụ án) là tách một vụ án có đồng phạm ra thành hai vụ án khác nhau để điều tra, truy tố và xét xử riêng đối với từng bị cáo. Đây là việc làm chưa từng có trong lịch sử tố tụng.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP