Tín lực của chứng cứ (kỳ cuối)
Bằng chứng tại phiên tòa là loại bằng chứng xuất hiện trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án, bằng chứng thuộc loại này bao gồm: người làm chứng, sự thừa nhận và sự suy đoán.
Sự suy đoán là một hình thức hoạt động của tư duy. Theo đó, dựa trên cơ sở một sự kiện đã biết, người ta có thể suy luận và đi đến kết luận về một sự kiện chưa biết.
Có hai hình thức suy đoán là, suy đoán thực tế và suy đoán luật định.
Suy đoán thực tế là hình thức suy đoán dựa trên các dữ kiện thực tế.
Ví dụ: Một người đòi chủ con voi bồi thường về đám mía bị voi ăn, giẫm nát. Dù không ai thấy nhưng căn cứ vào dấu chân voi giẫm đạp trên đám mía và căn cứ vào sự kiện trong vùng chỉ có bị đơn có voi mà thôi, Tòa có quyền suy đoán chính voi của bị đơn đã ăn và làm hư hại đám mía của nguyên đơn.
Nói chung, sự suy đoán thực tế có giá trị chứng minh tương đối thấp. Thông thường nó chỉ được áp dụng trong những trường hợp các bên đương sự không cung cấp được các bằng chứng cụ thể, xác thực. Tuy nhiên, sự suy đoán phải có căn cứ thực tế, những trường hợp suy luận, diễn giải mang tính chủ quan, thiếu căn cứ, đều không được Tòa án chấp nhận.
Suy đoán luật định là sự suy đoán do luật đặt ra cho những hành vi hay sự kiện pháp lý nào đó.
Nguyên tắc đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh trong Dân luật được giới hạn bằng sự suy đoán luật định. Sự giới hạn này nhằm tạo điều kiện cho các bên đương sự trong việc dẫn chứng.
Như ta đã biết, trong thực tế có những trường hợp nếu buộc đương sự phải đưa ra một sự kiện hay một hành vi pháp lý nào đó như một bằng chứng trực tiếp để chứng minh cho yêu cầu của mình, sẽ gây khó khăn, thậm chí là điều không thể làm được đối với họ. Trong khi đó, chỉ cần những bằng chứng gián tiếp cũng có thể xác định được sự thật của vấn đề. Do vậy, luật cho phép đương sự có thể viện dẫn một sự kiện hay một hành vi pháp lý khác dễ chứng minh hơn để từ đó suy ra sự kiện hay hành vi pháp lý cần làm rõ. Ta gọi đó là sự suy đoán luật định.
Ví dụ: (về sự kiện pháp lý)
A khởi kiện yêu cầu ông B phải thừa nhận A là con của ông B. Đáng lý ra A phải chứng minh đầy đủ các yếu tố sau đây:
- A là con của bà C.
- Bà C có lập hôn thú với ông B
- Và, chính A là con của ông B chứ không phải con một người nào khác.
Tuy nhiên, luật cho phép người con (A) chỉ cần chứng minh hai điểm sau đây cũng đủ kết luận A là con chính thức của ông B.
- A là do bà C sinh ra.
- Lúc sinh ra A, bà C có hôn thú với ông B
Vậy, miễn cho A việc chứng minh, mình là con của người chồng của mẹ mình.
Sự suy đoán luật định cũng được áp dụng trong trường hợp sự việc liên quan đến một hành vi pháp lý. Điều 282 Dân luật Pháp quy định: việc chủ nợ tự ý trao trả chứng từ gốc có chữ ký cho con nợ là bằng chứng của sự trả nợ xong.
Như vậy, việc trao trả giấy tờ vay mượn ở đây được suy đoán là đã thanh toán xong khoản nợ. Bất luận trên thực tế bên vay mượn đã trả hay chưa.
Pháp luật dân sự của ta hiện nay (luật nội dung cũng như luật hình thức) không có điều khoản nào quy định cụ thể vấn đề này. Tuy nhiên, theo tinh thần quy định tại khoản 1 Điều 95 BLTTDS về xác định chứng cứ thì: đối với các tài liệu đọc được nội dung, chỉ được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp… điều này cũng có nghĩa, đối với các tài liệu đọc được nội dung (như giấy vay nợ chẳng hạn) nếu đương sự là bên cho vay không xuất trình được bản chính giấy vay, thì cũng không có cơ sở để yêu cầu bên vay trả nợ.
Như vậy có thể thấy rằng, về phương diện lập pháp, khoản 1 Điều 95 BLTTDS của ta có điểm tương đồng với Điều 282 Dân luật Pháp, nhưng phạm vi được mở rộng hơn.
Sự suy đoán luật định cũng có thể chia làm hai loại là suy đoán tương đối và suy đoán tuyệt đối.
Suy đoán tương đối là sự suy đoán chỉ có giá trị cho đến khi có bằng chứng ngược lại.
Ví dụ trường hợp suy đoán phụ hệ (xác định cha) như đã nêu trên, được xem là suy đoán tương đối. Vì sự suy đoán này có thể bị “đánh đổ” bằng kết quả giám định AND xác định A không phải là con của B.
Khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 ghi nhận nguyên tắc này như sau: Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Một ví dụ khác.
Trường hợp súc vật gây ra thiệt hại cho người khác, luật suy đoán chủ sở hữu súc vật phải bồi thường. Nhưng người này có thể phản bác bằng cách chứng minh rằng người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm cho súc vật gây ra thiệt hại đối với họ.
Hoặc như trường hợp xảy ra tai nạn xe cộ. Luật suy đoán chủ phương tiện phải có trách nhiệm bồi thường. Nhưng người này có quyền phản bác bằng cách dẫn chứng có sự kiện bất khả kháng hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị hại …
Khác với suy đoán tương đối, suy đoán tuyệt đối là sự suy đoán mà giá trị chứng minh của nó không thể bị đánh đổ bởi những chứng cứ ngược lại.
Trường hợp chủ nợ tự ý trả lại bản chính giấy nợ như ví dụ trên đây, được xem là suy đoán tuyệt đối.
(*) Khi thực hiện các bài viết này, chúng tôi có tham khảo sách Pháp luật và Dân luật đại cương của Luật sư Triệu Quốc Mạnh – NXB TP. Hồ Chí Minh.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP