Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam

06/10/2016, 15:35

Khởi đi từ cách hiểu “Dân chủ là sự thể hiện các quyền tự do và bình đẳng của con người và sự ý thức của họ về các quyền lợi ấy, sự thể hiện này là một phạm trù lịch sử ăn khớp với các điều kiện và quá trình xã hội cụ thể, gắn liền với các thiết chế và quan hệ xã hội nhất định đồng thời thông qua các lực lượng và phương tiện xã hội xác định”, bài viết đặt vấn đề tìm hiểu nội dung và tính chất, động lực và cơ cấu cũng như các quy luật và đặc điểm của sự phát triển truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam.

Bài viết nêu ra một số hạn chế của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam và cho rằng việc kế thừa đồng thời cải tạo nó là “cuộc cách mạng duy nhất đảm bảo cho dân tộc Việt Nam giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh để hòa nhập vào thế giới hiện đại, cuộc đấu tranh mà trong đó con người Việt Nam vừa phải Trở lại chính mình vừa phải Vượt khỏi chính mình”.

Cần minh định về khái niệm dân chủ. Theo Từ điển triết học giản yếu, NXB. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1987 thì dân chủ là “Hình thức Nhà nước trong đó chính quyền về mặt pháp lý thuộc về nhân dân”, còn theo Từ điển chính trị vắn tắt, NXB. Tiến bộ, Matxcơva và NXB. Sự thật, Hà Nội, 1988 thì dân chủ là “Hình thức chế độ chính trị dựa trên cơ sở công nhận những nguyên tắc về quyền lực nhân dân, quyền tự do và bình đẳng của nhân dân”. Tuy nhiên các định nghĩa nói trên chỉ mới đề cập tới dân chủ như một khái niệm chính trị và trong phạm vi xã hội hiện đại, nên để có thể nhìn thấy truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam thì phải tìm về nguồn gốc lịch sử và văn hóa của khái niệm này.

Không thể tách rời khái niệm dân chủ với tự do và bình đẳng, dù rằng trong thực tế có những khi dân chủ không song hành với bình đẳng và tự do. Bước vào xã hội có giai cấp, con người cũng bước vào một thời kỳ phân hóa trên cả các mặt kinh tế và văn hóa, chính trị và xã hội. Khoảng cách và mâu thuẫn giữa các giai cấp và các nhóm xã hội về quyền lợi kinh tế – văn hóa và địa vị chính trị – xã hội đã trở thành chướng ngại đối với sự phát triển toàn diện của từng cá nhân và vững chắc của toàn xã hội. Tư tưởng về quyền tự do và bình đẳng vì vậy đã hình thành như định hướng phát triển tối ưu cho xã hội loài người, và thước đo trực tiếp của các quyền lợi ấy chính là dân chủ.  Hơn thế nữa, trong lịch sử đã có vô số các trường hợp bình đẳng mà không tự do hay tự do mà không bình đẳng, nên dân chủ luôn là bạn đồng hành với pháp luật trong việc điều chỉnh sự lệch hướng và điều tiết sự lệch pha giữa tự do và bình đẳng, quy tụ chúng lại trên một đường hướng, một mục tiêu chung. Cho nên có thể nói dân chủ là sự thể hiện các quyền tự do và bình đẳng của con người và sự ý thức của họ về các quyền lợi ấy, sự thể hiện này là một phạm trù lịch sử ăn khớp với các điều kiện và quá trình xã hội cụ thể, gắn liền với các thiết chế và quan hệ xã hội nhất định đồng thời thể hiện qua các lực lượng và phương tiện xã hội xác định. Từ cách hiểu này, có thể bước đầu tìm hiểu nội dung và tính chất, động lực và cơ cấu cũng như các quy luật và đặc điểm của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam.

Các sử liệu hiện có không cho phép tìm hiểu chi tiết về thiết chế xã hội Việt Nam trước thời Bắc thuộc, nhưng một số truyền thuyết lịch sử cũng ít nhiều phản ảnh một phong khí dân chủ trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội của người Việt đương thời. Chẳng hạn truyền thuyết về Lang Liêu cho thấy người Việt không có chế độ tông thân pháp với quy định chặt chẽ về dòng đích dòng thứ như Trung Quốc; truyền thuyết về Mai An Tiêm cho thấy tình hình hoạt động thương nghiệp – ngoại thương của người Việt; truyền thuyết về Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung cho thấy quyền tự do của phụ nữ trong hôn nhân… Nhưng bị trấn áp dưới thời Bắc thuộc cũng như bị hạn chế từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, các quyền lợi bình đẳng và tự do nguyên sơ này đã phát triển trong một hình thức tàn khuyết với nền dân chủ công xã gồm “lệ làng” và quyền “tự trị” của các xã thôn đối với Nhà nước mà đặc biệt là trên địa bàn miền Bắc.

Khác với tiền bạc và địa vị xã hội có thể sáng còn tối mất, học vấn là một loại quyền lực mà con người giữ được suốt đời, nên trong xã hội Việt Nam ngày xưa giới trí thức luôn là người tiên phong trong việc giương cao ngọn cờ dân chủ, tuy trong không ít trường hợp ngọn cờ ấy thường bị che lấp bởi khẩu hiệu “nhân nghĩa” muôn thuở của Nho gia.

Động lực thứ hai của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam luôn luôn là nông dân chứ chưa bao giờ là doanh nhân, nên truyền thống dân chủ ở Việt Nam đã phát triển một cách không toàn diện về nội dung và không đồng bộ về cơ cấu.

Dĩ nhiên nền dân chủ ấy cũng có những khiếm khuyết của nó, chẳng hạn song song với việc bảo vệ các thành viên của cộng đồng thì nó cũng đồng thời đè nén các thành viên bằng sức mạnh của cộng đồng, song song với việc chống lại sự khống chế của giai cấp thống trị đối với cộng đồng thì nó cũng đồng thời tách cộng đồng ra khỏi nhiều quá trình chung của đất nước. Sự đan xen giữa thiết chế xã hội này với thiết chế chính trị phong kiến mà đặc biệt là từ thời Lê trở đi đã đưa tới một kết quả đặc biệt, đó là sự đan xen giữa các yếu tố dân chủ và không dân chủ trong tổ chức, thiết chế và quan hệ của xã hội Việt Nam. Cho nên Việt Nam thời phong kiến có Trưng Nữ Vương nhưng cũng có sự bất bình đẳng đối với phụ nữ; có Hội nghị Diên Hồng nhưng cũng có sự áp chế đối với nhân dân. Phải nói rằng thiết chế chính trị Nho giáo cũng có những yếu tố dân chủ nhất định, chẳng hạn chế độ khoa cử để tuyển chọn cán bộ hay chức quan Ngự sử chuyên trách việc can gián nhà vua và tham hặc quan lại phạm pháp, nhưng nhìn chung xã hội phong kiến tồn tại trên căn bản kinh tế tiểu nông tự cấp tự túc chỉ có thể tạo ra một truyền thống dân chủ nửa vời.
Từ cuối thế kỷ XIX thì con người Việt Nam đã bắt đầu tiếp xúc với nền dân chủ hiện đại và ý thức công dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà một trong những bằng chứng cụ thể là phong trào cộng sản ở Nam Kỳ trước Cách mạng Tháng Tám với các hình thức đấu tranh của xã hội dân chủ hiện đại như báo chí, nghị trường. Nhưng nếu nói ý thức công dân là biểu hiện của một quá trình khác hẳn về chất so với sự phát triển của truyền thống dân chủ thời phong kiến, thì ở Việt Nam quá trình ấy đã diễn ra một cách phức tạp và khó khăn. Manh nha từ các phong trào vận động yêu nước, tiến bộ và cách mạng trước 1945 rồi định hình trong ba mươi năm chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước 1975, ý thức công dân ở Việt Nam đã hình thành và phát triển với hai mâu thuẫn cơ bản. Thứ nhất, do chưa có được cơ sở kinh tế và kết cấu xã hội tương ứng nên về cơ bản nó vẫn tồn tại trên nền tảng xã hội truyền thống với những điều chỉnh mang tính gá lắp về dân chủ, vì vậy về cơ bản vẫn chưa phù hợp với các nhu cầu của sự phát triển đất nước hiện tại, đây cũng là nhân tố xã hội dẫn tới việc duy trì chế độ bao cấp sau 1975. Thứ hai, do hình thành và phát triển trong những điều kiện bất thường, ý thức công dân ở Việt Nam có một nội dung không hoàn chỉnh trong một kết cấu khá đơn giản thiên về các nội dung chính trị, nên một khi có những biến động khách quan về kinh tế – xã hội thì rất dễ bị phá vỡ thế cân bằng và mất đi tính ổn định cần thiết như người ta đã thấy trong thời gian xóa bỏ bao cấp từ 1986 đến nay. Những khiếm khuyết trong ý thức công dân, trong truyền thống dân chủ của con người Việt Nam hiện nay chính phản ảnh đồng thời thể hiện hai mâu thuẫn ấy, hai mâu thuẫn trong lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam thế kỷ XIX – XX.

(còn tiếp…)

CAO TỰ THANH

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác