Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Vấn đề con nuôi thực tế và thực tiễn giải quyết “Tranh chấp di sản thừa kế” liên quan đến con nuôi.
Xác định con nuôi thực tế là một vấn đề tương đối phức tạp đối với các Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế”. Hệ thống quy phạm pháp luật trong những thời kỳ khác nhau lại có quy định khác nhau về vấn đề con nuôi và điều chỉnh con nuôi thực tế. Nghiên cứu, đề xuất để nhằm thống nhất nhận thức pháp luật trong quá trình giải quyết là việc hết sức cần thiết…
1. Về quy định của pháp luật đối với vấn đề con nuôi thực tế
Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 là đạo luật đầu tiên điều chỉnh vấn đề nuôi con nuôi. Trong Luật này, vấn đề nuôi con nuôi mới chỉ được quy định rất sơ sài bởi một điều luật. Theo quy định của điều luật này thì “việc nhận nuôi con nuôi phải được Ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch” (Điều 24). Tuy nhiên, Luật HN&GĐ năm 1959 không có quy định gì về các điều kiện của việc nuôi con nuôi.
Luật HN&GĐ năm 1986 quy định về nuôi con nuôi trong một chương riêng, với quy định về tuổi của người được nhận làm con nuôi, ý chí của các bên và “việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và ghi vào sổ hộ tịch”. Như vậy, Luật HN&GĐ năm 1959 và Luật HN&GĐ năm 1986 đều quy định việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và ghi vào sổ hộ tịch thì mới có giá trị pháp lý.
Vấn đề con nuôi thực tế: Điểm a Mục 6 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/1/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Luật HN&GĐ năm 1986 quy định: “Những điều kiện về nuôi con nuôi đã được quy định trong các Điều 34, 35, 36, và 37 nhưng trước khi Luật này được ban hành thì những điều kiện đó chưa được quy định đầy đủ. Vì vậy, những việc nuôi con nuôi trước khi ban hành Luật mới vẫn có giá trị pháp lý, trừ những trường hợp nuôi con nuôi trái với mục đích xã hội của việc nuôi con nuôi (như: nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động hoặc để dùng con nuôi vào những hoạt động xấu xa, phạm pháp). Nếu việc nuôi con nuôi trước đây chưa được ghi vào sổ hộ tịch nhưng việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi thì việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý do luật định…”.
Theo quy định này thì nếu việc nuôi con nuôi được bắt đầu từ trước ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực (ngày 3 -1- 1987) mà chưa đăng ký, thì việc nuôi con nuôi vẫn có giá trị pháp lý do luật định trong khoảng thời gian luật HN&GĐ năm 1986 còn hiệu lực. Do đó, nếu xảy ra tranh chấp trong khoảng thời gian này thì quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi vẫn được công nhận. Tuy nhiên nếu sau khi Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực mà quan hệ nuôi con nuôi đó vẫn chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ không có giá trị pháp lý.
Theo Điều 72 Luật HN&GĐ năm 2000 thì, “việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch”. Điều 17 Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 quy định: “Những trường hợp nhận nuôi con nuôi được xác lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2001, ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực pháp luật, mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng có đủ điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và trên thực tế, quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi đã được xác lập, các bên đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, thì được pháp luật công nhận và được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nuôi con nuôi. Nếu có tranh chấp liên quan đến việc xác định quan hệ giữa cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi thì do Toà án giải quyết”.
Trong giai đoạn hiện nay, theo quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và Luật Hộ tịch năm 2014, thì việc nuôi con nuôi phải được đăng ký và phải tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền với trình tự, thủ tục, điều kiện theo quy định của pháp luật.
2. Thực tiễn giải quyết “tranh chấp di sản thừa kế” liên quan đến con nuôi thực tế
2.1. Xác định con nuôi thực tế theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
Đối với các quan hệ giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi trước khi LHN&GĐ năm 1986 có hiệu lực thi hành (ngày 3/1/1987) thì về nguyên tắc, Tòa án sẽ công nhận quan hệ nuôi dưỡng, dù có hay không có việc đăng ký trước cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.
Đối với các quan hệ giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi trước ngày 01/01/2001 (ngày LHN&GĐ năm 2000 có hiệu lực thi hành), thì việc nuôi con nuôi thực tế chỉ được công nhận nếu việc nuôi con nuôi đó được xác lập giữa “công dân thuộc các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa” trước ngày 1/1/2001 nhưng chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002). Đối với các trường hợp nuôi con nuôi phát sinh sau ngày 01/01/2001 giữa công dân các dân tộc thiểu số phải thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi theo Điều 16 của Nghị định số 32/2002/NĐ-CP.
2.2. Xác định là con nuôi thực tế.
Có thể dựa trên các dựa trên các dữ kiện như : Ý kiến của những người dân sống lâu năm tại địa phương về thực chất mối quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; ý chí của người nhận nuôi trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc; trách nhiệm của con nuôi đối với cha, mẹ nuôi (khi cha mẹ nuôi còn sống). Đồng thời làm rõ trách nhiệm chăm sóc của con nuôi đối với cha, mẹ nuôi khi cha, mẹ nuôi đau ốm (nếu có); việc lo ma chay, tang lễ khi cha mẹ nuôi chết.
Vấn đề con nuôi thực tế là một vấn đề phức tạp, bởi lẽ, khi nhận nuôi, cả hai bên (cha, mẹ nuôi và con nuôi) đều không có giấy tờ gì cho việc xác nhận quan hệ nuôi dưỡng. Do đó, khi xảy ra tranh chấp (thường là tranh chấp giữa các hàng thừa kế khi cha, mẹ qua đời), các Tòa án phải tiến hành xác minh làm rõ các vấn đề về quan hệ nuôi dưỡng, trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng, thờ phụng, ma chay của con nuôi để từ đó có cơ sở xác định có việc nhận nuôi và có quan hệ cha, mẹ và con nuôi hay không?
Thực tiễn, đã có một vụ tranh chấp tương tự như vậy xảy ra và đường lối giải quyết của Tòa án là: “Để có thêm cơ sở xác định bà Huỳnh Thị N là con nuôi thực tế của hai cụ, Tòa án cần hỏi thêm những người dân sống lâu năm tại địa phương về thực chất mối quan hệ giữa hai cụ và bà N; làm rõ ý chí của hai cụ đối với bà Ngộ trong việc nuôi dưỡng, quan hệ; trách nhiệm của bà N đối với các cụ (khi các cụ còn sống). Đồng thời xác minh việc bà N chăm sóc các cụ khi đau ốm (nếu có); việc lo ma chay, tang lễ khi các cụ chết. Mặt khác, cần làm rõ hồ sơ, giấy tờ hộ tịch của bà Nkhai về cha mẹ và tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương về vấn đề này để xem xét, giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện” (Quyết định giám đốc thẩm số 866/2011/DS-GĐT ngày 22/11/2011 của Tòa dân sự (cũ) Tòa án nhân dân tối cao).
2.3. Xác định là con nuôi thực tế dựa trên chính sự thừa nhận của các hàng thừa kế.
Sự thừa nhận của nguyên đơn hay bị đơn là một trong những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh (Điều 92 BLTTDS năm 2015). Do đó, không ít trường hợp khi còn mối quan hệ tốt đẹp thì các anh, chị em (hàng thừa kế thứ nhất) đã xác nhận sự kiện cha, mẹ mình có quan hệ nuôi dưỡng với người con nuôi. Nhưng đến khi xảy ra tranh chấp, thì chính những người này lại không công nhận về mối quan hệ đó, đề nghị Tòa án không công nhận người con nuôi thực tế này và không cho người này được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Thực tiễn giải quyết đã có trường hợp Tòa án áp dụng những lời khai, thừa nhận của chính các đương sự để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận mối quan hệ nuôi dưỡng trên thực tế và chia thừa kế theo pháp luật đối với người con nuôi này. Cụ thể như sau: “Trước khi khởi kiện ông H, ông T đã tiến hành khởi kiện anh Lê M (cháu bà B) về việc “yêu cầu hủy di chúc” của bà B. Theo hồ sơ tranh chấp giữa ông T và anh Minh thể hiện: ông Thông thừa nhận bà Bưởi có 02 người con nuôi là ông Nguyễn Văn Thông và ông Nguyễn Văn Hai. Ngoài ra, lời khai của các nhân chứng ông Nguyễn Văn Bận, bà Lê Thị Hoa đều xác nhận ông Hai là con nuôi của bà Bưởi và ông Năm, được bà Bưởi nuôi từ nhỏ. Tuy nhiên, trong vụ án này (tranh chấp “Đòi tài sản thừa kế” giữa ông Thông và ông Hai), ông Thông lại không thừa nhận ông Hai là con nuôi của ông Năm, bà Bưởi và cho rằng ông là người thừa kế duy nhất của ông Năm, bà Bưởi, yêu cầu ông Hai phải trả lại diện tích đất tranh chấp 1.035 m2 mà bà Bưởi đã tặng cho ông Hai và ông Hai đã đứng tên quyền sử dụng đất” (Bản án dân sự phúc thẩm số 15/2017/DS-PT ngày 16/01/2017 của TAND tỉnh Bình Dương).
2.4. Xác định là con nuôi thực tế dựa trên các giấy tờ nhân thân như: Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương…
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp có không ít trường hợp Tòa án phải tiến hành xác minh và làm rõ các giấy tờ nhân thân của các chủ thể để làm rõ có hay không có quan hệ nuôi dưỡng. “Căn cứ vào Công văn số 469/CAT (PV27) ngày 25/9/2007 của Công an tỉnh Lâm Đồng xác định tờ khai chứng minh thư nhân dân ngày 20/4/1978 của bà Huỳnh Thị Ngộ có khai cha là cụ Huỳnh Dung, mẹ là cụ Huỳnh Thị Để, và lời khai của một số nhân chứng (như cụ Chín, cụ Em, cụ Lang, cụ Lùn, ông Thọ, ông Ưu) để xác định bà Ngộ là con nuôi của vợ chồng cụ Dung, cụ Để. Do đó, có căn cứ để xác định bà Ngộ là con nuôi của hai cụ Dung và cụ Để” (Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2016/DSST ngày 22/01/2016 của Tòa án nhân dân TP Đà Lạt và bản án dân sự phúc thẩm số 78/2016/DSPT ngày 22/7/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng).
Trên đây là một số trường hợp thực tế Tòa đã áp dụng và vận dụng để công nhận hoặc không công nhận đối với con nuôi thực tế. Vấn đề nhận nuôi con hoặc cha mẹ nuôi là một truyền thống đạo đức tốt đẹp của đất nước ta đã tồn tại từ ngàn năm lịch sử.
Do đó, bên cạnh việc xây dựng một nền tư pháp – hộ tịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xác nhận, làm thủ tục nhận con nuôi, cha, mẹ nuôi, thì đối với những trường hợp không đăng ký (nuôi thực tế) đã tồn tại trước đây, đòi hỏi Thẩm phán, Kiểm sát viên phải căn cứ vào thực tiễn của từng mối quan hệ để từ đó ra phán quyết, giải quyết vụ án một cách chính xác, hợp lý, hợp tình.
THS. NGUYỄN NAM HƯNG – Viện 2, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM
SOURCE: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ