Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Cam kết trả nợ dần nhưng không trả, dân sự hay hình sự?

20/06/2016, 15:45

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tình trạng vay mượn tài sản rồi chiếm đoạt bằng hình thức tuyên bố vỡ nợ, đang diễn ra tràn lan. Thủ đoạn gian dối của kẻ vay tiền là lấy lý do vay tài sản để kinh doanh hay đáo nợ ngân hàng…. Nhưng sau khi nhận được tài sản thì lập tức tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán. Điều đáng nói là, sau khi tuyên bố vỡ nợ, các đối tượng này lại tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối để thuyết phục người bị hại ký vào văn bản cho trả nợ dần. Và xem đây là quan hệ dân sự để “qua mặt” các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Vay hàng chục tỷ đồng rồi đột nhiên vỡ nợ

Tháng 9/2009, thông qua mối quan hệ quen biết, C.V.L và V.T.K.C (cùng ngụ tại TP.Pleiku, Gia Lai) đã đặt vấn đề vay tiền của bà T.T.X (ngụ tại TP.Pleiku) để đáo nợ ngân hàng và mua bán hàng nông sản. Do tin tưởng C.V.L là cán bộ ngân hàng, nên bà X. đã huy động tiền của hàng chục hộ dân ở Gia Lai để cho các đối tượng trên vay lại.

Từ cuối tháng 10/2009 bà X. đã cho V.T.K.C và C.V.L vay mượn tiền nhiều lần với tổng số tiền là 52.256.000.000 đồng. Đến ngày 02/11/2010, cả hai đối tượng C, L. đột nhiên tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán. Đồng thời cả C. và L. đều ra sức thuyết phục bà T.T.X xin được trả nợ dần, với lý do, toàn bộ số tiền vay của bà X. các đối tượng này đang đầu tư vào mua bán hàng nông sản nên chưa thể thu hồi về để trả ngay một lần được. Do tin tưởng C. đang dùng tiền vay của mình cho công việc kinh doanh, nên bà X. đồng ý cho các đối tượng C, L trả nợ dần hàng tháng. Thế nhưng, sau khi lập giấy cam kết trả nợ dần thì C.V.L lập tức xù nợ, không trả đồng nào, còn V.T.K.C thì trả được 02 tháng, sau đó cũng không tiếp tục thực hiện việc trả nợ như đã cam kết.

Cũng bằng thủ đoạn gian dối trên, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2009 đến tháng 10/2010 V.T.K.C còn vay của bà H.T.B.N ( ngụ tại TP.Pleiku) số tiền 6.119.000.000 đồng; vay của bà V.T.T.H (ngụ tại Lê Duẫn, TP.Pleiku) số tiền 9.465.000.000 đồng. Sau đó, V.T.K.C cũng tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán đối với các khoản vay này. 

Riêng C.V.L, ngoài việc cùng V.T.K.C vay tiền của nhiều người, cá nhân đối tượng này còn vay của bà N.T.H (trú tại Phạm Văn Đồng, TP.Pleiku) số tiền 12.600.000.000 đồng ; vay của V.T.T.H số tiền 2.500.000.000 đồng cũng với lý do dùng để đáo nợ ngân hàng. Nhưng chỉ sau 10 ngày, kể từ thời điểm nhận tiền, L. đã tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán.

Tại Cơ quan Điều tra, các đối tượng C, L thừa nhận việc vay tiền của nhiều người, với tổng số tiền vay lên đến gần trăm tỷ đồng, nhưng nại lý do,  toàn bộ số tiền vay, V.T.K.C đã dùng vào việc mua bán hàng nông sản nên hiện tại không có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định, V.T.K.C không sử dụng tiền vay vào mục đích kinh doanh, và cũng không bị ai chiếm dụng. Doanh nghiệp Tư nhân M.C do V.T.K.C làm giám đốc hoàn toàn không có bất kỳ một hoạt động kinh doanh, mua bán gì, kể từ ngày thành lập đến nay.

Dân sự hay hình sự?

Mặc dù, kết quả điều tra ban đầu là thế, nhưng Cơ quan cảnh sát Điều tra (CQĐT) – Công an tỉnh Gia Lai vẫn không khởi tố vụ án vì cho rằng, việc vay mượn tiền giữa các bên diễn tra trong một thời gian dài, sau khi tuyên bố vỡ nợ, các bên đã lập “Giấy cam kết trả nợ dần” nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, mà đó chỉ là quan hệ dân sự (?)

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, “Giấy cam kết trả nợ dần” có phải là căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự không?

Trước hết, cần khẳng định ngay rằng, trong vụ án hình sự, để xác định có hành vi phạm tội hay không, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm đã được quy định trong BLHS, chứ không phải căn cứ vào sự thỏa thuận hay ý chí của các bên để kết luận đó là vụ án hình sự hay quan hệ dân sự. Bởi lẽ, mọi sự thỏa thuận hay ý chí của các bên (nếu có) cũng không có giá trị chuyển hóa từ một hành vi bị pháp luật hình sự xem là tội phạm sang quan hệ dân sự (trừ trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không có hoặc rút yêu cầu)

Hơn nữa, nếu chỉ căn cứ vào “Giấy cam kết trả nợ dần” để cho rằng đó là quan hệ dân sự, thì vô hình chung, cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua tất cả các dấu hiệu cơ bản của cấu thành tội phạm, như: hành vi bỏ trốn, dùng thủ đoạn gian dối hay sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp… được quy định tại các Điều 139, 140 BLHS.

Bởi lẽ, nếu theo cách suy nghĩ trên thì một người vay tiền của người khác rồi bỏ trốn hay sử dụng tiền vay đó để đánh bạc dẫn đến mất khả năng thanh toán… họ chỉ cần thuyết phục người bị hại cho viết “Giấy cam kết trả nợ dần” (nhưng sau đó không trả) thì đều không phạm tội, và trở thành quan hệ dân sự (?) Nếu vậy thì thử hỏi, nhà làm luật quy định các dấu hiệu cơ bản của cấu thành tội phạm để làm gì?    

Chúng tôi cho rằng, từ góc độ lý luận cũng như thực tiễn, việc nhà làm luật quy định các dấu hiệu cơ bản của cấu thành tội phạm là để xác định hành vi phạm tội cũng như thời điểm tội phạm hoàn thành. Theo đó, một người vay tài sản của người khác rồi bỏ trốn hay dùng tài sản đó để đánh bạc thì tại thời điểm họ bỏ trốn hay thực hiện hành vi đánh bạc dẫn đến mất khả năng thanh toán, tội phạm đã hoàn thành.

 Vì vậy, cho dù sau đó họ có thuyết phục được người bị hại cho trả nợ dần thì hành vi đó cũng đã cấu thành tội phạm. Việc người bị hại đồng ý cho trả nợ dần (nếu có) cũng không có ý nghĩa loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tội phạm mà họ đã thực hiện.

Ở một phương diện khác, cũng cần nhận thấy, đối với các tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu (như lừa đảo hay lạm dụng) thông thường đều bắt đầu bằng những giao dịch có tính chất dân sự (như hợp đồng vay tài sản, hợp đồng mượn tài sản…). Do vậy, việc phân biệt đâu là thỏa thuận có tính chất tự nguyện theo quan hệ pháp luật dân sự, đâu là thủ đoạn gian dối để thực hiện hành vi chiếm đoạt là vô cùng quan trọng.

 Thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu tài sản cho thấy, một trong những phương pháp cơ bản để xác định có hành vi phạm tội hay không, là phương pháp tính “đầu ra, đầu vào”. Theo đó, chỉ có thể xem là quan hệ dân sự nếu như bên vay dùng số tiền vay vào mục đích kinh doanh và số tiền vay đó hiện tại còn nằm trong hàng hóa (hoặc bị người khác đang chiếm dụng) nên bên vay không thể trả nợ một lần đúng như nội dung cam kết.

Trong trường hợp này, các bên có thể thỏa thuận trả nợ dần, và quan hệ vay mượn giữa các bên được xem là quan hệ dân sự. Trái lại, khi một người đứng ra vay một khoản tiền lớn rồi tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán. Nhưng lại không chứng minh được số tiền vay đó đi đâu, sử dụng vào mục đích gì? thì tại thời điểm họ tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán đó, hành vi đã cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự.  

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin nêu một ví dụ.

A vay B một tỷ đồng. Sau khi nhận được tài sản, A nảy sinh ý thức chiếm đoạt, nên nói dối B là, trên đường mang tiền vay về nhà, A đã bị cướp giật mất toàn bộ số tiền trên. Đồng thời A thừa nhận trách nhiệm trả nợ, nhưng xin được trả dần hàng tháng. B tin lời nên đồng ý cho A trả nợ dần. Sau khi trả nợ được 02 tháng, A không trả nữa, B làm đơn tố cáo A tại Cơ quan điều tra.

Kết quả điều tra xác định, không có việc A bị cướp giật, mà đó chỉ là thủ đoạn gian dối để B đồng ý cho trả nợ dần. Nhưng sau khi trả nợ được 02 tháng thì A không trả nữa mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền còn lại.

Rõ ràng trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng không thể lấy lý do vì có “giấy cam kết trả nợ dần” nên chỉ là quan hệ dân sự để không khởi tố điều tra đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của A.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác