Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Rượu trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung (tiếp theo)

15/04/2017, 06:05

Cũng như nhiều dân tộc khác ở vào vùng khí hậu lạnh, dân tộc trung Hoa thường thích rượu. Khái niệm rượu đã được người xưa kết hợp với khái niệm lễ, không có rượu không thành lễ nghi (vô tửu bất thành lễ).

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung thường đối ẩm với người yêu là Doanh Doanh. Một nhân vật khác, Lam Phượng Hoàng, giáo chủ Ngũ độc giáo Vân Nam, cũng rất say đắm Lệnh Hồ Xung. Cô mang vò rượu Ngũ độc mỹ tửu, trong đó có ngâm năm thứ trùng độc, từ Vân Nam đến Giang Nam để chữa bệnh cho Lệnh Hồ Xung. Cảm xúc tấm thịnh tình đó, Lệnh Hồ Xung đã uống rượu cho cô vui lòng. Tác giả Kim Dung đã để cho Lam Phượng Hoàng hôn Lệnh Hồ Xung trước mặt mọi người, kể cả sư phụ của Lệnh Hồ Xung là Nhạc Bất Quần. Trong con mắt của Lam Phượng Hoàng, kẻ biết uống rượu của cô mới là người tốt.

Trong Thiên Long bát bộ, mỗi khi trở về Nhạn môn quan, Kiều Phong nhớ A Châu là tìm đến chung rượu giải sầu. Đoạn đẹp nhất trong mối tình hai người là đoạn Kiều Phong ngồi nghe A Châu tâm sự: "Đại ca ơi, tiểu nữ nguyện suốt đời đi theo đại ca về Nhạn môn quan săn chồn đuổi thỏ, sống cuộc đời ung dung khoái lạc". Nghe cô bé tâm sự, Kiều Phong cao hứng. Trong cái quán nghèo ngoài biên giới không có một giọt rượu, ông cũng giả vờ nâng cái chén không lên, ngửa cổ ra như đang thực sự thưởng thức men rượu nồng.

Trong Thần điêu hiệp lữ, có cô bé Quách Tương, 16 tuổi, say mê người anh họ mình là Thần điêu đại hiệp Duơng Qua. Mặc dù Dương Qua chạy theo hình bóng của sư phụ là Tiểu Long Nữ, không nghĩ đến mối tình si của Quách Tương, Quách Tương vẫn vượt ngàn dặm ra đi tìm anh. Trong túi hành trang của cô bé, luôn luôn có một bầu rượu. Cô chỉ có mỗi ước mong: cùng Dương Qua đối ẩm. Nhưng ước mong đó không bao giờ thành hiện thực. Quách Tương lên núi đi tu, trở thành sư tổ phái Nga Mi.

Những lứa đôi yêu nhau của tác phẩm Kim Dung uống rượu như ta uống cà phê. Họ gặp nhau là mời nhau chén rượu, trang trọng, cung kính. Không có ai uống rượu đến nỗi quần áo xốc xếch, ong bớm lả lơi. Chén rượu trong tình yêu của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung mang theo tính cách đạo đức mặc dù khung cảnh uống rượu lãng mạn vô kể: uống trong quán khuya vắng người, uống trong căn phòng chỉ có hai người, giữa đêm mùa dông tuyết rơi lả tả; uống trên con thuyền nhỏ chơi vơi giữa đêm trăng trên dòng Trường Giang mông mênh.

Nhân vật Tiêu Tương Dạ Vũ Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn phái Hành Sơn trong Tiếu ngạo giang hồ luôn luôn gắn liền tâm hồn mình với chén rượu. Kim Dung mô tả Mạc Đại :"Tướng mạo tiên sinh điêu linh cổ quái, lúc nào cũng như ba phần tỉnh, bảy phần say". Mạc Đại có cây dao cầm rất cũ kỹ, trong cây dao cầm lại giắt một lưỡi kiếm mỏng như lá lúa. Tiên sinh xuất hiện dưới chân núi Hành Sơn, trong quán rượu đầy ấn tượng. Quần hùng gồm 7 gã, uống 7 chung trà, đang ngồi nghị luận rằng võ công Mạc Đại còn kém thua sư đệ mình là Lưu Chính Phong vì Lưu Chính Phong đánh ra một đường kiếm là đứt đầu 5 con chim nhạn. Lúc đang nói chuyện cao hứng thì một ông già gầy gò đi đến, nghẹo cổ nhìn các hán tử và bảo: "Các người nói thúi lắm!". Rồi bỗng dưng, các gã hán tử chỉ thấy trước mắt hoa lên một cái như có một luồng ánh sáng lấp lánh. Ông già gầy gò bỏ đi, tiếng đàn tình tang xa dần. Một cơn gió nhẹ thổi qua trên bàn ruợu, 7 cái miệng chén bị cắt đứt lìa lần lượt rơi xuống mặt bàn, vỡ tan. Hóa ra kẻ lam lũ ấy là Mạc Đại tiên sinh. Ông già say ấy rút kiếm khi nào, chém 7 miệng chén khi nào, đút kiếm vào đáy cây dao cầm khi nào, không ai nhìn rõ được. Chỉ với một đường kiếm tiện đứt 7 miệng chung thì 7 đầu chim nhạn phỏng có là bao! Rõ ràng, trong đoạn này có hai thứ: một thứ trà sinh nói bậy của 7 hán tử và một thứ rượu cực kỳ tỉnh táo của Mạc Đại tiên sinh.

Rượu trong truyện võ hiệp của Kim Dung cũng biến thành một thứ võ khí. Trong Thiên Long bát bộ, bọn Dư Bà Bà của cung Linh Thứu tung bì rượu lên thành thế Mãn thiên hoa vũ (mưa hoa đầy trời) cho chủ nhân mình là Hư Trúc dùng Bắc minh chân khí hóa rượu thành băng, khống chế địch thủ. Rượu được dùng để pha độc được, trừng trị những anh háo sắc. Vợ của Mã Đại Nguyên là Ôn Thị tư tình với Đoàn Chính Thuần, em ruột nhà vua nước Đại Lý. Giận Chính Thuần lòng dạ lang chạ, Ôn Thị đã pha bình Mê xuân tửu dụ cho Đoàn Chính Thuần uống, rồi trói lại và bắt đầu... cắn từng miếng thịt của Đoàn Chính Thuần để trả thù. Trong Lộc Đỉnh ký, Vi Tiểu Bảo đã biết dùng Mê xuân tửu từ thuở bé. Mẹ của y là Vi Xuân Hoa, làm điếm trong thành Dương Châu đã từng pha thuốc mê vào rượu cho bọn làng chơi uống, để trấn lột tiền tài vật dụng. Đắc thủ được bài học lưu manh đó khi làm quan lớn ở Bắc Kinh, Vi Tiểu Bảo cũng pha chế những bình Mê xuân tửu để hãm hại, vu cáo những kẻ thù của mình. Từ rượu độc, Vi Tiểu Bảo nghĩ ra những trò đầu độc khác tệ hại hơn và tất nhiên mực độ lưu manh hạ cấp cao hơn.

Rượu trợ lực cho những màn tác oai, tác quái của bọn quan lại triều Thanh. Để hành hạ Trịnh Khắc Sảng, kẻ tình địch ngày trước của mình, Vi Tiểu Bảo đã cho tiền để bọn thị vệ dưới quyền uống rượu thoải mái. Uống xong, chúng kéo qua tư dinh Trịnh Khắc Sảng, đòi nợ cho "công tước" Vi Tiểu Bảo. Chúng đập phá nhà cửa, tài sản, lăng nhục Trịnh Khắc Sảng và vợ con, bắt cóc, giết người rồi vu cáo...

Đọc tác phẩm Kim Dung, ta biết được người Trung Quốc có nhiều thứ rượu danh tiếng: Thiệu Hưng Nữ nhi hồng, Thiệu Hưng Trạng nguyên hồng, Trúc diệp thanh, Mai quế lộ, Bách thảo tửu, Biên tái tửu, Hầu nhi tửu, Bồ đào tửu, Ngũ gia bì, Kim tước tửu... Đọc Kim Dung, ta mới biết được phong cách uống rượu của người Trung Quốc: rượu thường được hâm nóng trước khi uống, nhất là vào mùa đông. Thỉnh thoảng, trong vài tình huống đặc biệt, khi công nghiệp làm nước đá chưa ra đời, tác giả đã để cho nhân vật mình làm ra băng để uống rượu. Trong Tiếu ngạo giang hồ, có đoạn Lệnh Hồ Xung cùng Hướng Vấn Thiên tìm về Cô Mai sơn trang ở Giang Nam gặp gỡ Giang Nam tứ hữu. Để mời rượu Lệnh Hồ Xung giữa mùa hè nóng bức, Đan Thanh tiên sinh đã nhờ anh mình là Hắc Bạch Tử dùng Hàn băng chưởng hóa nước thành ra nước đá ướp lạnh rượu bồ đào Thổ Lỗ Phồn!

Đọc Kim Dung, ta mới biết được những cách uống rượu khác nhau. Đối ẩm là hai người uống, thường là tình nhân hoặc bạn hữu thân thiết. Độc ẩm là uống một mình, trong lòng đang lo nghĩ hoặc tưởng nhớ. Cộng ẩm hay Quần ẩm là một nhóm người cùng uống với nhau. Loạn ẩm là một đám đông cùng uống. Trong Tiếu ngạo giang hồ, đoạn loạn ẩm hay nhất là đoạn bọn tà ma ngoại đạo thết tiệc Lệnh Hồ Xung để lấy lòng Thánh cô Doanh Doanh. Thương nhau, quý nhau, người ta mới tặng rượu. Quần hào Cái bang Trung Quốc, tuy là đi ăn mày, đáng lẽ chỉ xin cơm, thì người ta còn xin cả rượu nữa.

Chén rượu của Kim Dung đã làm cho những nhân vật của ông nổi tiếng. Hồng Thất Công nổi tiếng chuyên uống rượu với thịt chó. Kiều Phong nhờ rượu mới phát huy được thần oai, càng uống càng mạnh, càng tỉnh táo. Hư Trúc nhờ uống rượu phá giới mà tìm ra được cô vợ sắc nước hương trời: công chúa Văn Nghi của nước Tây Hạ. Thạch Phá Thiên nhờ uống hai thứ rượu độc mà hóa giải được sự xung đột của âm dương nhị khí, đạt đến mức thượng thừa trong võ học... ở chừng mực nào đó, Kim Dung đã nghĩ đến câu cổ thi:

Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh
(Xưa nay thánh hiền đều lặng lẽ
Chỉ người uống rượu mới còn danh)
(Lý Bạch)

Tác phẩm của Kim Dung tràn đầy rượu và ruợu. Trừ những nhà sư, các nhân vật của ông ít nhiều đều biết đến chén rượu. Rượu làm nên sự hưng phấn cho cuộc đấu tranh chống cái ác, biểu dương cái thiện và lẽ công bằng ở đời.

Uống rượu nhiều tất có tình trạng say rượu xảy ra. Những người say trong tác phẩm Kim Dung cũng say một cách tử tế. Trong những hội loạn ẩm, họ xai quyền thách đố nhau hoặc cãi cọ chửi bới. Duy nhất trong 12 bộ truyện, có một nhân vật say rượu phạm vào tội đại ác, trở thành một thứ tửu tặc. Nhân vật đó là Thành Khôn, sư phụ của Tạ Tốn trong Ỷ thiên Đồ long ký. Thành Khôn giả say rượu, đã làm nhục và giết hại vợ con của đồ đệ mình. Y lẻn vào chùa Thiếu Lâm làm một nhà tu giả mạo dưới pháp danh Viên Chân. Kẻ tửu tặc ấy đã bị tìm ra, bị trừng trị nhưng rồi cuối cùng cũng được tha thứ.

Rượu trong truyện võ hiệp Kim Dung khác xa với rượu ở miền Viễn Tây Mỹ trong phim cao bồi, khác xa với rượu trong các hộp đêm trên toàn thế giới và cũng khác xa với "rượu" trong các quán bia ôm. Chính vì thế, tôi mạnh dạn gọi rượu trong truyện Kim Dung là một loại rượu đạo đức. Rượu trong truyện Kim Dung thể hiện triết lý nhân sinh gần gũi cuộc sống. Nó làm nên tình yêu, tình bạn, hận thù, sự tha thứ, mối hoài cảm, niềm hối tiếc. Qua rượu, Kim Dung hé mở cho chúng ta nhìn thấy một khoa học mới: tửu học. Với một chữ Rượu, Kim Dung đã vượt xa hơn bất kỳ nhà văn nào khác. Rượu của ông có bài bản, có tính chất triết lý tề chỉnh. Nó góp phần làm nên cái đẹp cho đời sống con người. Men rượu kết hợp với men tình, men võ khiến ta không “uống” được tác phẩm mà lòng vẫn say.

VA (sưu tầm)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác