Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vấn đề chứng minh trong vụ án dân sự. Kỳ 2: Định hướng chứng minh

01/07/2016, 08:48

Nếu như việc xác định đối tượng chứng minh được hiểu là khả năng vận dụng các quy định pháp luật điều chỉnh một loại vụ án vào việc giải quyết một quan hệ tranh chấp cụ thể, thì định hướng trong hoạt động chứng minh là việc xác định hướng đi trong quá trình chứng minh các yêu cầu của đương sự trong vụ án.

Nói một cách cụ thể hơn, trong mỗi vụ án, mỗi quan hệ pháp luật tranh chấp, các đương sự có nhiều phương cách chứng minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Việc lựa chọn cách thức chứng minh như thế nào để vừa có tính thuyết phục vừa phù hợp với các yêu cầu cần phải chứng minh trong vụ án, chính là vấn đề định hướng trong hoạt động chứng minh.

Chúng tôi xin nêu ra đây một số trường hợp để bạn đọc tham khảo, qua đó có thể thấy rằng, việc định hướng đúng đắn trong hoạt động chứng minh có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong quá trình tố tụng vụ án.

Trường hợp 1:

Năm 1989 ông Trần Văn T. nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn H. phần đất có diện tích 240m, trên đất có một căn nhà lá. Việc mua bán, chuyển nhượng có làm giấy tờ tay ghi tên bên mua là ông Trần Văn T. Năm 1990 ông T. cho người cháu họ là cô Nguyễn Thị L. vào ở nhờ. Năm 2000, ông T.  đòi lại nhà nhưng cô L. không trả. Ông T. khởi kiện vụ việc ra Tòa yêu cầu cô Nguyễn Thị L. trả lại toàn bộ diện tích nhà đất nói trên.

Trong quá trình giải quyết vụ án, cô Nguyễn Thị L phản tố cho rằng, phần nhà đất này do chính cô bỏ tiền ra mua, nhưng vì không có hộ khẩu tại địa phương nên phải nhờ ông T. đứng tên giùm. Vì vậy cô L. yêu cầu công nhận phần nhà đất nói trên thuộc quyền sở hữu của mình.

Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho cô L. đã đưa ra các bằng chứng như: tờ khai đăng ký nhà đất, các biên lai thu thuế nhà đất hàng năm do cô L. đứng tên kê khai, nộp thuế… và cho rằng, cô L. đã có quá trình sử dụng đất ổn định, lâu dài, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước nên cần phải công nhận phần nhà đất tranh chấp thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của cô L.

Ở đây chúng ta thấy rằng, vấn đề mấu chốt trong vụ kiện này là việc xác định giữa ông T. và cô L. ai là người bỏ tiền ra mua phần nhà đất nói trên. Như vậy, vấn đề mà luật sư của cô L. cần phải chứng minh trong vụ án này là đưa ra các bằng chứng thể hiện việc cô L. bỏ tiền ra nhận chuyển nhượng phần nhà đất này và nhờ ông T. đứng tên giùm, chứ không phải các bằng chứng thể hiện quá trình sử dụng nhà đất của cô L. như đã nêu trên.

Bởi lẽ, các tài liệu, chứng cứ về quá trình sử dụng nhà đất trong trường hợp này không có giá trị chứng minh tư cách sở hữu của cô L. đối với phần nhà đất tranh chấp, mà nó chỉ thực sự có ý nghĩa, có giá trị chứng minh khi vận dụng vào việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, như: việc chủ cũ đòi lại đất hiện do người khác quản lý, sử dụng, hay trong một số trường hợp tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất…

Xuất phát từ nguyên tắc: đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu (khoản 1 Điều 5 Luật Đất đai năm 2003); và người sử dụng đất ổn định, lâu dài sẽ được nhà nước xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên đối với các tranh chấp loại này, việc chứng minh đương sự có quá trình sử dụng đất ổn định, lâu dài có một ý nghĩa nhất định.

Tuy nhiên, đối với các tranh chấp liên quan đến việc xác định quyền sở hữu nhà đất như trường hợp trên đây, thì việc sử dụng đất ổn định, lâu dài không phải là cơ sở để Tòa án xem xét công nhận tư cách sở hữu của đương sự .

Trường hợp 2:

A ký hợp đồng chuyển nhượng cho B phần đất có diện tích 100m với số tiền là 500.000.000 đồng (hợp đồng do các bên tự giao kết, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng chực). Theo nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, việc thanh toán tiền được chia làm 3 đợt:

Đợt 1: 100.000.000 đồng, ngay sau khi hợp đồng được ký kết

Đợt 2: sau 15 ngày giao tiếp số tiền 200.000.000 đồng.

Đợt 3: thanh toán hết số tiền còn lại ngay sau khi các bên tiến hành bàn giao đất trên thực địa.

Ngoài ra các bên còn thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm như sau: trường hợp bên chuyển nhượng (A) đổi ý không chuyển nhượng thì sẽ chịu phạt gấp đôi số tiền đã nhận. Trái lại, nếu bên nhận chuyển nhượng (B) vi phạm nghĩa vụ thanh toán đã được quy định trong hợp đồng thì sẽ mất khoản tiền đã giao.

Sau khi ký kết hợp đồng, B đã giao cho A số tiền 100.000.000 đồng như đã thỏa thuận. Tuy nhiên, đến hạn thanh toán lần 2, B đã không thực hiện đúng nghĩa vụ giao tiền như đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Lấy lý do B vi phạm nghĩa vụ thanh toán, A đơn phương đình chỉ hợp đồng và không đồng ý hoàn trả lại cho B số tiền đã nhận. B khởi kiện vụ việc ra Tòa, yêu cầu hủy hợp đồng sang nhượng đất và buộc A phải hoàn trả lại số tiền 100.000.000 đồng đã nhận.

Tại phiên tòa, B đã tìm mọi cách để chứng minh rằng B không vi phạm nghĩa vụ thanh toán, đồng thời viện dẫn các quy định pháp luật để khẳng định rằng, việc A đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này là vi phạm nghĩa vụ thông báo theo luật định … do đó A phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho B khoản tiền đã nhận.

Ở đây có thể thấy rằng, B đã chưa có một sự định hướng đúng đắn trong hoạt động chứng minh. Bởi lẽ về nguyên tắc, vấn đề vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hay không, chỉ được đặt ra đối với những hợp đồng hợp pháp. Tức là những hợp đồng được pháp luật thừa nhận về mặt giá trị pháp lý.

Trong trường hợp này, giao dịch giữa các bên đã vi phạm điều kiện về hình thức theo quy định của pháp luật. Do vậy, có đủ cơ sở để yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu; và một khi hợp đồng đã bị vô hiệu thì không thể nói đến vấn đề vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Bởi vì, theo quy định tại Điều 137 BLDS: giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong vụ kiện này, B chỉ cần hướng trọng tâm chứng minh vào một nội dung duy nhất, đó là các căn cứ làm cho hợp đồng vô hiệu. Sau khi chứng minh được sự vô hiệu của hợp đồng, thì cần viện dẫn khoản 2 Điều 137 BLDS với nội dung: khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận … để yêu cầu Tòa án buộc A phải hoàn trả lại số tiền 100.000.000 đồng đã nhận từ việc sang nhượng đất.

Như vậy, việc chứng minh bên nào vi phạm hợp đồng trong trường hợp này vừa không cần thiết, vừa không mang lại hiệu quả (bởi nó không dựa trên một nền tảng pháp lý vững chắc). Và như vậy, trong vụ kiện này rõ ràng B đã chưa định hướng được trọng tâm của những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án.

Tương tự như thế, trong một số trường hợp xác định lỗi để bồi thường thiệt hại khi hợp đồng bị vô hiệu về hình thức, nhiều đương sự đã hướng hoạt động chứng minh vào việc xác định lỗi của các bên thông qua hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Cách chứng minh này, thường không được Tòa án chấp nhận. Bởi vì, khi hợp đồng bị vô hiệu thì quyền và nghĩa vụ của các bên không phát sinh từ thời điểm xác lập. Do vậy, vấn đề vi phạm nghĩa vụ hợp đồng (nếu có) cũng không thể đặt ra. Hơn nữa, khái niệm lỗi trong trường hợp này cần phải hiểu là lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu. Tức là lỗi do hành vi xác lập hợp đồng, chứ không phải lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Từ những trường hợp nêu trên, có thể thấy, việc định hướng đúng đắn trong hoạt động chứng minh có một ý nghĩa  đặc biệt quan trọng trong quá trình tố tụng vụ án dân sự. Do vậy, để hoạt động chứng minh được tập trung đúng hướng, tránh trường hợp bị lạc đề, dàn trải, hay mâu thuẩn, thiếu nhất quán trong cách trình bày, các chủ thể chứng minh cần phải có một cách nhìn, một sự định hướng thật chính xác đối với các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác