Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Chiến cuộc Xích Bích và câu chuyện diễn giải chữ nghĩa của Khổng Minh.

08/07/2016, 08:30

Chuyện kể rằng, đời Tam Quốc (220- 280), Chúa Nguỵ là Tào Tháo có xây một đài bên sông Chương (huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam –Trung Quốc), đặt tên là Ðồng Tước. Ðài này cực kỳ tráng lệ và luôn được trang hoàng lộng lẫy.

Nguyên Tào Tháo có người con nhỏ tên Tào Thực, tự  là Tử Kiến có tài hạ bút thành văn. Khi xây xong đài Ðồng Tước, Tháo sai con làm bài phú "Ðồng Tước đài" để ca tụng công nghiệp của nhà họ Tào. Bài phú rất đặc sắc.

Trong cuộc chiến chia ba thiên hạ (còn gọi là “tam phân thiên hạ”), để “kích” Châu Du - Ðô đốc nhà Ðông Ngô đánh Tào Tháo, Quân sư nhà Tây Thục là Gia Cát Lượng (Khổng Minh) đã dựng nên câu chuyện, kể rằng:

 Nhân một dịp du thuyền trên sông Trường Giang, rượu ngà say, Tháo cao hứng nói với các quan:

Ta năm nay đã 54 tuổi. Nếu chiếm xong Giang Nam, ta cũng được chút vui mừng riêng. Số là trước kia, ta có quen thân cụ Kiều Công, được biết cụ có hai cô gái đều là trang “quốc sắc thiên hương”. Không ngờ về sau Tôn Sách và Châu Du cưới mất. Nay ta xây đài Ðồng Tước bên sông Chương, nếu hạ được Giang Nam, ta sẽ đem hai nàng họ Kiều về đó ở để vui thú năm tháng về già. Thế là ta mãn nguyện.

Để chứng minh những điều mình nói là thật, Khổng Minh đã khéo léo sửa đổi câu thứ bảy của bài phú. Nguyên văn là:

Liên nhị Kiều vu đông tây hề, nhược trường không chi đế đống

Nghĩa là:

Bắc hai cây cầu tây đông nối lại, như cầu vồng sáng chói không gian

Nhưng Khổng Minh lại đổi ra thành:

Lãm nhị Kiều vu đông nam hề, lạc triêu tịch chi dữ cộng

Nghĩa là:

Tìm hai Kiều Nam phương về sống, vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân

Khổng Minh đem chữ "Kiều" là "cầu" đổi ra chữ "Kiều" là nàng họ Kiều; và đổi cả toàn vế sau để cố ý chỉ vào Tào Tháo muốn bắt hai nàng Kiều: Ðại Kiều (vợ của Tôn Sách) và Tiểu Kiều (vợ của Châu Du) về làm thiếp cho ở đài Ðồng Tước.

Cách giải thích chữ nghĩa đầy thâm ý này đã dẫn đến cơn thịnh nộ “long trời lở đất” của Châu Du, và đây cũng là lý do khởi đầu cho chiến cuộc Xích Bích – một trận “Đại hồng thuỷ” binh đao, tàn sát hơn 83 vạn sinh linh và trở thành một trong những trận chiến bi tráng nhất trong lịch sử nhân loại.

Nhà thơ Ðỗ Mục đời nhà Ðường có bài "Xích Bích hoài cổ" như sau:

Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu
Tự tương ma tẩy nhận tiền triều
Ðông phong bất dữ Châu lang tiện
Ðồng tước xuân thâm toả nhị Kiều

Tạm dịch:

Kích gãy cát chìm sắt chửa tiêu
Rửa mài nhận thấy dấu tiền triều
Gío Ðông chẳng giống chàng Châu thắng
Ðồng tước đài xuân nhốt hai Kiều

“Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du cũng có đoạn liên quan đến điển tích “Đồng tước đài” khi miêu tả  ba chị em Thuý Kiều, Thuý Vân và Vương Quan, sau khi dự hội Ðạp Thanh, trên đường trở về, gặp Kim Trọng:

Chung quanh vẫn đất nước nhà
Với Vương Quan trước vốn là đồng thân
Trộm nghe thơm nức hương lân
Một nền Ðồng tước khoá xuân hai Kiều

*  *  *

Ngày còn là sinh viên trường Luật, thầy dạy tôi môn Hành chính - Công quyền học là Giáo sư Bùi Quang Huy hay nhắc đến câu chuyện này như một bài học nhập môn về cách hiểu và cách diễn giải luật pháp.

Ông cho rằng, một trong những nguyên tắc căn bản của việc giải thích pháp luật, là không được giải thích theo lối “chiết tự”. Tức là, phải hiểu từ ngữ của điều luật trong mối tương quan, phù hợp với tinh thần chung của văn bản quy phạm pháp luật, chứ không được phép tách từ ngữ của điều luật ra khỏi văn bản quy phạm pháp luật để hiểu theo nghĩa nội tại của nó…

Giờ đây, sau gần 15 năm hành nghề luật sư, càng ngày tôi càng nhận ra nhiều bài học quý giá từ một câu chuyện tưởng như chỉ là một điển tích văn học ngày nào.

Và cũng từ câu chuyện này, tôi bỗng nghiệm ra rằng, nếu như, sự diễn giải lệch lạc (đôi khi chỉ một vài từ ngữ) trong một bài thơ, bài phú, có thể làm mất đi ý nghĩa hoặc cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn chương, thì sự nhầm lẫn, hay diễn giải sai tinh thần của một điều luật, rất có thể sẽ dẫn đến những bi kịch đối với một thân phận, một cuộc đời…

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê