Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Chú vẹt và phiên tòa ly hôn

03/05/2016, 10:28

Buổi sáng, tôi thường uống cà phê ở quán cà phê sân vườn của anh bạn vốn là giáo viên dạy văn. Khi dắt xe qua cổng, tôi nghe tiếng chào lảnh lót cất lên từ phía cây nhãn cạnh hiên nhà: “Ào úi ách ! ”(Chào qúi khách! ).

Dù biết chỉ là lời chào “máy móc” của chú vẹt mới học nói nhưng không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy chút ấm áp len nhẹ giữa tâm hồn. Nhớ lại những lần đi thị thực giấy tờ, trông thấy những gương mặt lạnh tanh của những người đang làm công việc thực thi pháp luật bỗng dưng cảm thấy….thương chú vẹt biết nói.

Anh bạn của tôi bảo: “Tôi phải tốn gần hai triệu đồng đem chú vẹt lên Sài Gòn để….luyện nói. Gần ba tháng…học nói…chú mới biết nói….Anh thấy có công phu và gian nan không ?“. Tôi nói: “Vậy chứ chú vẹt đã nói được mấy câu rồi ?”. Anh bạn mỉm cười, nói: “Ban đầu tôi chỉ luyện một câu là: “Chào qúi khách”. Tôi nghĩ rằng chú vẹt nói như vậy sẽ đem đến cho khách chút niềm vui và sự thích thú…Ai ngờ đúng là…học như vẹt…”.

Tôi ngạc nhiên hỏi: “Anh định nói điều gì tôi chưa hiểu…”. Anh bạn cất giọng trầm buồn: “Anh biết không, khách vào quán này đủ loại người với đủ kiểu ngôn ngữ khác nhau. Tôi không hiểu chú vẹt nghe và học nói thế nào mà sau này tôi nghe nó nói toàn là những từ ngữ chợ búa, ngôn ngữ của đối tượng xã hội đen….Nào là “Con đĩ ngựa”, “Đồ Sở Khanh”, rồi lại “Cái quần què”…..”.

Tôi cuời: “Người ta đã nói…học như vẹt mà. Nhưng mà nghĩ cũng thương cho chú vẹt. Nó chỉ lặp lại máy móc thôi chứ đâu hiểu ý nghĩa của lời nói….”. Anh bạn tôi mỉm cười, nói: “Đúng rồi ! Nghe chú vẹt nói tôi rút ra một điều rằng lời nói của chú vẹt là tấm gương phản chiếu sự xuống cấp về ngôn ngữ giao tiếp của con người….

Không chỉ có thế, còn là sự xuống cấp của đạo đức nữa…”. Một tháng sau, anh bạn tôi đi về quê thăm người thân nên tôi ít ghé qua quán cà phê sân vườn. Lần gặp lại, anh bạn tôi buồn bã nói: “Tôi tặng chú vẹt cho người khác rồi…”. Tôi ngạc nhiên nói: “Sao lại tặng uổng vậy ?”. Anh bạn đáp: “Anh biết không, tôi về quê mấy ngày trở lên thì nghe chú vẹt nói: “Anh yêu em !”. Tôi nhớ đã đọc tin trên báo viết rằng ở nuớc ngoài có người đàn ông phát hiện vợ ngoại tình khi nghe con vẹt nói tên người đàn ông lạ.

Dù tin vợ nhưng tôi vẫn thấy phảng phất chút…nghi ngờ. Tôi tự theo dõi và nhờ thám tử tư theo dõi thì phát hiện vợ ngoại tình….”. Tôi nói: “Rồi anh tính sao?”. Anh bạn buồn bã đáp: “Thì làm đơn ra tòa xin ly hôn chứ sao. Anh biết không, ngoài những chứng cứ do thám tử tư cung cấp, tôi còn đưa ra chứng cứ là câu nói của con vẹt là: “Anh yêu em”…”. Tôi nói: “Chứng cứ đó đâu thuyết phục. Anh không nghe người ta nói: Nói như vẹt à…”.

Anh bạn tôi đáp: “Đúng vậy. Khi tôi đưa ra chứng cứ, quan tòa phớt lờ…Nhưng dù sao tôi cũng cảm ơn chú vẹt…Từ câu nói của nó đã giúp tôi quyết định đi tìm chứng cứ ngoại tình của vợ….”. Nghe anh bạn nói tôi chợt thấm thía về bài học của chú vẹt và phiên tòa ly hôn. Không biết anh bạn của tôi rút ra được điều gì cho hạnh phúc gia đình từ câu nói: ”Anh yêu em” của chú vẹt ? Tôi vội phóng xe máy về nhà, vừa trông thấy vợ đã vội nói: “Anh…yêu em !”. Vợ tôi tròn xoe mắt nhìn tôi và nói: “Anh sao vậy? Anh bị….say nắng rồi…”.

Võ Tấn Cường

Nhà nghiên cứu – phê bình văn học 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác