Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Luật khoa Đại học đường Sàigòn – một thời vang bóng (*)

02/10/2016, 18:28

Trường Luật khoa Đại học đường Sàigòn (Đại học Luật khoa Sàigòn) được chính thức thành lập vào năm 1955, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết. Lịch sử hình thành và tồn tại của trường có thể được chia làm hai giai đoạn: (i) 1933-trước 1954; và (ii) 1955-1975.

Trong giai đoạn đầu, trường được thành lập với tên gọi Trường Cao đẳng Luật học, tiền thân là Trường Cao đẳng Pháp chính Đông Dương do chính quyền bảo hộ Pháp thành lập nhằm đào tạo tầng lớp quan lại bản xứ cho bộ máy cai trị ba nước Đông Dương. Những cái tên tốt nghiệp trong giai đoạn này có thể kể tới như GS. Vũ Văn Mẫu; GS. Vũ Quốc Thúc, GS. Nguyễn Cao Hách, Trần Trọng Kim, Phan Anh, Dương Đức Hiển, Trương Tử Anh, Võ Nguyên Giáp,… Đến năm 1938, Trường Cao đẳng Luật học được nâng lên thành Phân khoa Luật tại Hà Nội, trực thuộc Trường Đại học Luật Paris. Đến năm 1947, trường mở thêm một chi nhánh tại Sài Gòn sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Sau Hiệp định Geneve, cơ sở Hà Nội chuyển hẳn vào Sài Gòn, sáp nhập vào Viện Đại học Sài Gòn. Trong khi ở ngoài Bắc, Trường Đại học Luật bị xóa bỏ, thay thế bởi Trường Đại học Chính trị Xã hội, đến năm 1948 thì gọi là Trường Pháp chính rồi sau bỏ hẳn. Trong Sài Gòn, trường Luật khoa Đại học đường Sàigòn (hay còn gọi là Đại học Luật khoa Sàigòn) chính thức được thành lập ngày 30/4/1955, trụ sở đặt tại số 17 đường Duy Tân. Chức vị Khoa trưởng thời kỳ này cũng được Pháp trao lại hoàn toàn cho các vị giáo sư của Việt Nam. Cho đến trước khi giải thể năm 1975, Luật khoa Đại học Sàigòn dưới sự lãnh đạo lần lượt của các giáo sư Vũ Văn Mẫu(1955-1957), Vũ Quốc Thúc( 1957-1963), Nguyễn Cao Hách( 1963-1967), Nguyễn Ðộ (1967-1971), Bùi Tường Chiểu (1971-1973), Vũ Quốc Thông (1973-1975).

Cơ cấu tổ chức

Trường Đại học Luật khoa Sàigòn được tổ chức và điều hành bởi Hội đồng Khoa gồm các giáo sư trong trường, trong đó Khoa trưởng và Phụ tá do Hội đồng Khoa bầu ra để điều hành công việc. Hội đồng Khoa quyết định chính sách, chương trình giảng dạy, tự tuyển Giáo Sư mà không có sự can thiệp của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Bên cạnh Hội đồng Khoa là một Ban Hành Chánh do một Tổng Thư Ký điều hành.

Về tổ chức, Trường có ba ban bao gồm: ban Công pháp; ban Tư pháp; và ban Kinh tế (ít hơn Luật khoa Paris ban Pháp chế sử, giảng dạy luật nước Pháp trước cuộc cách mạng 1789).

  • Ban Công pháp: gồm các môn Luật Hiến pháp; Luật Hành chính; và Luật Công pháp Quốc tế. Trưởng Ban khi mới thành lập là GS Vũ Quốc Thông cùng các GS: Nguyễn Ðộ, Nguyễn Văn Bông, Lưu văn Bình, Lê Ðình Chân, Tăng Kim Ðông, Trần Thị Hoài Trân, Nguyễn Xuân Lai, Nguyễn Văn Canh, Lê Quý Chi và giáo sư Trần Như Tráng.
  • Ban Tư pháp: gồm các môn Dân luật; Hình luật; Luật thương mại; và Luật Quốc tế Tư pháp, do GS. Vũ Văn Mẫu làm trưởng Ban cùng các GS: Bùi Tường Chiểu, Lê Tài Triển, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Huy Chiểu, Trần Văn Liêm, Nguyễn Quang Quýnh, Nguyễn Văn Thành, Vũ Tam Tư, Nghiêm Xuân Việt, Vũ Thị Việt Hương, Ðặng Thị Tám và Hà Như Vinh.
  • Ban Kinh tế: gồm các môn Phân tích Kinh tế; Lịch sử các học thuyết kinh tế; và Địa lý Kinh tế phát triển, do GS Vũ Quốc Thúc, Thạc sĩ Kinh Tế là Trưởng Ban và các GS: Nguyễn Cao Hách, Mai Văn Lễ, Phan Tấn Chức,Châu Tiến Khương, Trần Thiên Vọng, Hồ Thới Sang, Nguyễn Hải Bình, Vũ Quốc Thùy, Phạm Văn Thuyết, Nguyễn Văn Ngôn, Tôn Thất Trung Nghĩa, Bùi Tường Huân và Trịnh Ðình Khải.

Tuy nhiên, Luật khoa Sàigòn có bổ sung thêm môn Pháp chế sử Việt Nam dành cho sinh viên năm nhất và đến giữa thập niên 1960 tiếp tục bổ sung môn Cổ luật Việt Nam dành cho sinh viên hai năm đầu.

Nội dung chương trình học:

Chương trình cử nhân

Trước năm 1967, học trình Ban Cử Nhân Luật là 3 năm, chưa phân ban, các sinh viên đều học như nhau, khi tốt nghiệp đều được cấp phát văn bằng Cử Nhân Luật. Nếu tiếp tục lên Cao Học, sinh viên mới chọn ban ngành: Công Pháp, Tư Pháp hay Kinh Tế.

Từ sau năm 1967, học trình Ban Cử Nhân Luật là 4 năm. Hai năm đầu chưa phân ban, sinh viên học chung cùng một chương trình, với các môn học như sau:

  • Cử Nhân Năm Thứ Nhất (7 môn): Dân luật(Civl Law), Luật Hiến Pháp (Constitutional Law), Kinh Tế Học (Economics), Công Pháp Quốc Tế (International Public Law), Pháp Chế Sử (History of Law), Danh từ kinh tế Anh Ngữ (Economical Terminology In English), và Danh Từ Pháp Lý (Justdical Terminology)
  • Cử Nhân Năm Thứ Hai (8 môn): Hình Luật (Penal Law), Dân Luật (Civil Law), Bang Giao Quốc Tế (International Relations), Kinh Tế Học (Economics), Tài Chánh Công (Finance), Luật Hành Chánh (Administrational Law), Danh Từ Kinh Tế (Economical Terminology In English ) và Luật Ðối Chiếu (Comparative Law In French).

Bắt đầu từ năm thứ ba trở đi, sinh viên sẽ ghi danh học theo ngành mình chọn, với các môn học chung và chuyên biệt, như Ban Kinh Tế sẽ học thêm các môn Thống Kê (Statistics), Kinh Toán Học (Econometrics). Sau 4 năm tốt nghiệp, sinh viên được cấp văn bằng Cử Nhân Luật ban công pháp, tư pháp hay kinh tế. Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân, sinh viên có thể ghi danh tiếp tục học Ban Cao Học Luật hai năm theo ngành của mình, để đủ điều kiện trình luận án thi lấy bằng Tiến sĩ Luật.

Như vậy có thể thấy rằng, các môn kinh tế như Kinh tế học, Danh từ Kinh tế là những môn bắt buộc dành cho sinh viên của Đại học Luật khoa Sàigòn. Cho tới những năm đầu thập niên 1970 tới trước khi giải thể, Cử nhân Luật khoa năm thứ nhất còn phải học theo những cuốn giáo trình năm trong môn Lịch trình Học thuyết Kinh tế Xã hội (với các giáo trình như “Cách mạng Kỹ nghệ” [1969] và “Tiến bộ Khoa học-cách mạng kỹ-nghệ phát triển kinh tế” [1970])  Diễn trình Kinh tế Xã hội (như “Vấn đề nhân sinh tại Nam Á Châu” [1971],  “Nhân loại đi về đâu” [1974], và “Trên đường cơ khổ” [1975]) của GS. Nguyễn Cao Hách và môn Định luật Kinh tế [1974-1975] của GS. Hồ Thới Sang (khi đó là Phó Khoa trưởng Đại học Luật khoa Sàigòn).

Chương trình Cao học

Nội dung chương trình Ban Cao Học Luật được chia làm hai cấp: Cấp I và Cấp II. Sinh viên sẽ phải học một số môn chính đã học ở ban cử nhân, nhằm ôn lại một cách chuyên sâu hơn. Chương trình học của mỗi Ban gồm 5 môn. Ví dụ Ban Cao học Công pháp, tại cấp cao học I: sinh viên phải học luật hành chánh, luật hiến pháp, quốc tế công pháp, dân luật và luật đối chiếu (Hệ thống của Pháp). Qua cao học I, bước lên cao học II, sinh viên phải học các môn: Học thuyết chính trị, hành chánh công quyền, các tồ chức quốc tế, các vấn đề chính trị quốc tế đương thời, và luật đối chiếu (Hệ thống của Anh).

Phân khoa và cấp bằng

Dưới thời Pháp thuộc, phân khoa luật Hà Nội chỉ cấp đến văn bằng cao nhất là Cao học Luật (Diplôme D’ etudes Superieures De Droit hay DES), còn bằng Tiến sĩ thì do Ðại học Paris cấp. Đây là Tiến sĩ Quốc gia và ở Pháp còn có một loại văn bằng Tiến sĩ giá trị thấp hơn gọi là Tiến sĩ Đại học hay Tiến sĩ Ðệ Tam cấp. Các văn bằng Tiến sĩ này có được thiết lập tại một số phân khoa khác của Ðại học Việt Nam trước năm 1975, như Văn Khoa, Khoa Học. . . Từ năm 1955, Ðại Học Luật khoa Sài Gòn đã chỉ cấp phát văn bằng cao nhất là Tiến sĩ Quốc gia theo tiêu chuẩn của Ðại học Paris. Tuy nhiên, phải bắt đầu từ những năm 1970, khi mà nhu cầu đào tạo trong nước tăng lên, số lượng Tiến sĩ đào tạo trong nước mới tăng lên. Trước 1970, hầu như không có ai được làm luận án Tiến sĩ trong nước. Cần chú ý rằng, tại Pháp lúc đó, bằng cấp cao nhất là thạc sĩ (ví dụ: thạc sĩ kinh tế (Agregé des sciences économiques), chỉ những ai đã có Tiến sĩ Quốc gia mới được phép thi lấy văn bằng này. Việt Nam trong giai đoạn 1950-1960 đã có khoảng 9 vị GS được cấp bằng ngành thạc sĩ luật tại pháp (bao gồm cả 3 ban: Công pháp, Tư pháp và Kinh tế), hầu hết những vị giáo sư này đều từng giảng dạy tại Luật khoa Đại học Sàigòn.

Theo Nguyễn Thanh Tùng,
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

Tài liệu tham khảo:

Đặng Phong (2006). Lịch sử Kinh tế Việt Nam 1945-2000 (Tập II: 1055-1975). Viện Khoa học Xã hội-Viện Kinh tế Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội.

Nguyễn Văn Cung và Nguyễn Văn Thắng (2015). Giới thiệu lịch sử đại cương Luật Khoa Đại Học Đường SÀI GÒN. Truy cập tại: https://ongvove.wordpress.com/2015/08/03/gioi-thieu-lich-su-dai-cuong-luat-khoa-dai-hoc-duong-sai-gon/ ngày 5/12/2015

----------------------------------

(*) Tựa bài do luatsuhongocdiep.vn đặt

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác