Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Ngày cuối năm dịu dàng.
Đã mười năm rồi, tôi chưa năm nào lỡ hẹn với mùa đông Đà Lạt. Khi chiếc ATR 72 nghiêng cánh xuống những dải rừng thông và triền đồi còn những khóm dã quỳ nở muộn, tôi nhận ra rằng mình đã thực sự bỏ lại sau lưng chuỗi ngày căng thẳng với bao eo sèo nhân thế.
Chào đàn bò thảnh thơi gặm cỏ trong nắng chiều Finnôm. Chào con suối mùa này chưa cạn nước còn nhẫn nại chảy giữa thung xa. Chào những bông phượng tím còn chờ ta trên quãng đường quen thuộc. Và chào em, áo len xanh xe đạp dốc dài.
Vậy là Đà Lạt vẫn để dành cho tôi chút nắng vàng trong hơi lạnh cuối đông. Căn phòng nhìn ra sân trường đại học vẫn thoảng mùi nhựa thông và vọng tiếng lá khô rơi trong đêm vắng. Những người học viên khát khao kiến thức vượt qua bao khó nhọc, từ Di Linh, Bảo Lộc, Đơn Dương… tụ họp về với những bản luận văn vừa đóng quyển. Vẫn là những cuộc trao đổi thẳng thắn giữa những người đồng nghiệp. Vẫn là những bài giảng không thể nào né tránh chuyện thời sự văn chương. Nhưng cái lặng lẽ của rừng thông và mùi cỏ thơm ngoài kia như đã làm dịu đi tất cả, làm mềm đi tất cả.
Chiều cuối năm cũng là chiều chủ nhật, được nghỉ dạy, tôi đi thăm một người bà con ở quê từ lâu vào lập nghiệp nơi đây. Con đường dẫn vào Trại Hầm với những ngôi nhà nép sau vườn cây gợi nhớ những khu vườn quê tôi. Khói chiều bay lên từ những bếp nhà cũng đâu khác gì khói bếp nơi quê cũ. Cuối con đường đó, tôi lên viếng chùa Linh Phong của các sư nữ, tọa lạc trên một ngọn đồi nhìn xuống toàn cảnh thành phố. Đà Lạt nhìn thấy đó mà như thật xa xôi. Sài Gòn lại càng xa hun hút. Tôi đứng đây, giây phút này, dưới chân tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, một chiều cuối năm dương lịch, chỉ có mình tôi, và tôi muốn lưu giữ giây phút này mãi mãi, trong tôi. Giây phút này năm trước, tôi ở đâu, tôi không còn nhớ. Và giây phút này năm sau, tôi sẽ ở đâu, tôi chưa hề biết được. Tôi đang tận hưởng buổi chiều này, nắng gió này, tầm cao này, để nhìn Đà Lạt. Và nhìn chính tôi.
Về lại trung tâm thành phố, ngồi với một người bạn trong quán cà phê nhìn ra hồ Xuân Hương êm ả, chúng tôi nói với nhau về văn chương như một mối tình đắm say và khổ ải. Mối tình đó có thể đưa ta đi đến nhiều nơi trong tâm trạng của một kẻ lưu đày. Và trong cái xứ sở lạ lẫm mà ta không dễ dàng nhận diện, như lời một bài hát, nhiều khi ta lầm lũi đi như một người ngốc nghếch mà không biết dừng lại, không biết tìm chỗ trú chân. Suốt năm ta say mê cái ồn ào của biển, không biết rằng mặt hồ dịu dàng kia đâu có cần sóng to để khẳng định chính mình. Đà Lạt không chỉ là một chỗ trú chân. Đà Lạt là khoảng lặng của những ngày tháng tôi.
Phố xá đã lên đèn từ lâu. Những giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp qua. Không có rượu sâm-banh, không có pháo hoa, cũng không có hoa giấy rải trên sàn nhà. Chỉ có những ước mơ thời trẻ còn chút lấp lánh trong đôi mắt mệt mỏi của những người đàn ông đã qua tuổi năm mươi. Chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau thay cho lời chúc mừng năm mới.
GS.TS Huỳnh Như Phương - nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học.