Nhà thơ và cuộc lưu đày xứ mộng.
Lịch sử văn minh của nhân loại đã trải qua những phát kiến, khám phá vĩ đại về khoa học kỹ thuật và vũ trụ nhưng sự bí ẩn về tâm linh con người thì vẫn luôn là thách thức chưa thể giải mã.
Khám phá bí mật sự xung động qúa trình sáng tạo của nhà thơ cũng chính là lạc vào thánh đường hun hút của tâm linh con người. Hành trình đi từ nỗi ám ảnh của vô thức đến sự ra đời hoàn chỉnh của bài thơ trên trang giấy dài thăm thẳm và là môt cuộc “lưu đày” bất tận vào xứ mộng. Cuộc lưu đày vào xứ mộng diễn ra trong từng khoảnh khắc sáng tạo và cả cuộc đời của nhà thơ. Người ta có thể đếm được xác phù du gục chết dưới chân đèn sau khi lao vào xứ xở ánh sáng nhưng lại chẳng thể biết được có bao nhiêu nhà thơ giữa cuộc lưu đày vào xứ mộng đã vĩnh viễn đem theo xuống mồ nỗi hoài vọng về cái đẹp và nỗi khát khao hòa điệu với sự sống.
Nhà thơ chính là kẻ lưu đày âm thầm và tự nguyện vào xứ sở của sự cô đơn và cõi mộng. Trên đường hướng về xứ mộng nhà thơ phải xa lánh mọi vinh hoa phú qúy, tống tiễn mọi cám dỗ của trần thế để lựa chọn sự dấn thân bất chấp hiểm nguy nhằm cứu chuộc cái đẹp trong bản ngã và vũ trụ. Xứ mộng là vương quốc bao la, là xứ sở của an nhiên và tự tại, là nơi hội tụ của mọi thái cực như: hạnh phúc và bất hạnh, ảo và thực, ánh sáng và bóng tối….Xứ mộng không ở đâu xa, nó thấp thoáng đâu đây, nó ẩn sâu trong bản ngã nhưng chúng ta không nhìn thấy nó chính là do chúng ta bị những “thị dục” của trần thế lôi cuốn và che lấp. Mộng và thực, hư ảo và trần thế là hai cõi đi về của nhà thơ trong qúa trình sáng tạo. Nhà thơ chính là gạch nối kỳ diệu giữa mộng và thực, thiên đàng và địa ngục, thế giới ngày nay và sự sống ngày mai…
Nhà thơ tự “thôi miên” chính mình và bạn đọc bằng linh cảm về sự du dương của nhạc điệu và sự liên tưởng cùng những hình ảnh huyền ảo, quyến rũ, bất ngờ. Nhà thơ sáng tạo thế giới thi ca chính là tạo dựng một thế giới mộng mơ. Thế giới mộng mơ liên hệ với thế giới loài người đang sống như hai chiếc bình thông nhau trong thế giới ngôn từ thi ca. Trong quá trình sáng tạo nhà thơ tri giác và suy tưởng không hướng về thực tại mà “siêu thoát” về thế giới kỳ ảo, huyền diệu của mộng mơ.
Thi ca dù sáng tác theo trường phái lãng mạn hay hiện thực, ấn tượng hay tượng trưng cũng đều hướng về sự mơ hồ, lung linh của hình ảnh, ý nghĩa và sự gợi cảm, tạo hình của ngôn từ, tạo vật. Thi hào Tagore từng viết: “Tình yêu là sự ảo hóa.” Vâng! Chính sự ảo hóa đã làm cho tình yêu thêm kỳ diệu và là chất men khiến tình yêu thêm sinh sôi, tràn đầy sức sống. Không gian vũ trụ và tâm tưởng của các cuộc gặp gỡ giữa Romeo và Juliette, giữa Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh, giữa Kim Trọng và Thuý Kiều, giữa Chí Phèo và Thị Nở đều tràn đầy sự mơ mộng, lung linh và huyền ảo. Thi ca cũng vậy. Chính sự ảo hóa đã khiến thi ca còn cần thiết đối với tâm linh con người. Thi ca là sự ảo hóa và nhà thơ thường sáng tạo trong sự ảo hóa của tâm linh và tạo vật.
Không hiếm những bài thơ tuyệt tác đã ra đời trong cơn mơ hoặc giữa sự chập chờn của lý trí va cảm xúc, giữa mộng và thực. Thi sĩ Coleridge sau một cơn say, trong giấc ngủ mơ màng đã sáng tác lên bài thơ bất hủ nhan đề “Hốt Tất Liệt Hán”. Thi sĩ Tô Đông Pha cũng viết về sự liên hệ, hòa nhập giữa mộng và thực tùy thuộc vào khoảng cách “tầm nhìn” tâm linh con người: “Khói ngút non lô sóng Triết Giang. Khi chưa đến đó luống mơ màng Đến rồi hóa vẫn không gì khác Khói ngút non lô sóng Triết Giang”.
Nếu con người là “cây sậy biết tư duy” thì nhà thơ phải là người biết mộng mơ và có khả năng biểu hiện nỗi mộng mơ của mình trên trang giấy. Đừng xem thường giấc mộng. Giấc mộng là nửa cuộc đời của một con người nhưng lại là cả cuộc đời của nhà thơ. Một mùi hương xa xôi thoang thoảng có thể gợi nhớ lâu dài và đôi khi còn bền vững hơn cả lâu đài, thành quách hàng triệu năm. Một giấc mộng có thể biến đổi cuộc đời một con người. Khả năng mộng mơ phần nào bộc lộ phẩm hạnh thi ca của nhà thơ.
Những nhà thơ nào mà tâm hồn cạn kiệt nguồn suối mộng mơ thì có thể xem như thi ca của họ đã giãy chết. Đã có thời người ta cho rằng cõi mộng là sự thoát tục, đối lập với thực tế. Thực ra mọi lý luận đối với qúa trình sáng tạo thi ca của nhà thơ thật chẳng khác gì việc nhốt gió, mây, trăng, sao vào chiếc rọ chật hẹp, tù hãm.
Lịch sử thi ca đã chứng minh rằng tất cả các trường phái ấn tượng, siêu thực, tượng trưng, lãng mạn, hiện thực cũng chi là “bước qúa độ” của hành trình thi ca hướng về xứ mộng với nguồn thơ tràn đầy năng lượng tâm linh, ẩn chứa cái mộng và cái thực, vén mở và hòa nhập với cõi uyên nguyên bí ẩn của vũ trụ. Sáng tạo của nhà thơ trên hành trình đi đến xứ mộng chính là sự “vượt thoát” của bản ngã qua mọi rào cản, ranh giới và hố thẳm để hòa nhập với hồn của tạo vật và vũ trụ...
Nhà thơ chắp cho chiếc lá, hòn đá và cánh chim hơi ấm của linh hồn vừa như một sự ân sủng vừa như một sự trả ơn. Thi hào Puskin và Victor Hugo từng bị lưu đày theo đúng nghĩa đen nhưng hai ông vẫn “vượt thoát” khỏi chốn tăm tối của tù ngục để hướng về cõi mộng mơ thẳm sâu của tâm hồn, vũ trụ và để lại cho hậu thế những bài thơ bất hủ. Đấy chính và một trong vô vàn biểu hiện về sự “lưu đày” xứ mộng của nhà thơ vào thẳm sâu tâm linh và tạo vật.
Ngôn ngữ thi ca của nhà thơ hàm chứa sự bí ẩn với những hình ảnh như trong một giấc mơ, được sắp xếp, liên hệ với nhau theo một cấu trúc riêng mà lý trí thường không thể giải mã nổi. Trong qúa trình tiếp nhận, ngôn ngữ và hình tượng thi ca sẽ “phát sáng” trong trường mộng mơ của tâm hồn bạn đọc. Nó sẽ chìm sâu vào tiềm thức và khuấy động tất cả những gì thẳm sâu nhất của tâm hồn. Khi ấy xứ mộng của nhà thơ lại hồi sinh và giao hòa với cõi mộng của tâm linh con người.
VÕ TẤN CƯỜNG – Nhà nghiên cứu, phê bình văn học