Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Sót người, lọt tội: Vì sao?

19/10/2019, 10:37

Theo luật, cả ba cơ quan: Điều tra, truy tố và xét xử đều có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự theo từng giai đoạn tố tụng, nhưng thực tế các vụ án bị hủy do sót người, lọt tội vẫn thường xuyên xảy ra. Vì sao?

Ngày 22/9 Báo pháp luật TP.HCM có bài viết  “Điều tra lại vụ giết người tại quán bar wonder”. Theo đó, Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Gia Lai để điều tra lại từ đầu vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đồng thời Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp cũng đề nghị chuyển vụ án sang PC02 để điều tra, thay đổi toàn bộ Điều tra viên, Kiểm sát viên đã tiến hành tố tụng vụ án trước đó.

Vấn đề đặt ra là, cho dù Cơ quan Điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát (vì một lý do nào đó) không khởi tố vụ án hay bị can thì tòa án vẫn có quyền ra quyết định khởi tố. Vậy, tại sao lâu nay cơ quan này không thực hiện quyền khởi tố để dẫn tới tình trạng nhiều bản án phải bị hủy?

Luật cũ: ít trường hợp thuộc quyền khởi tố của tòa.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003 thì: Hội đồng xét xử (HĐXX) ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự, nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.

Khái niệm “người phạm tội mới” hay “tội phạm mới” theo quy định nói trên, được hiểu là tội phạm khác với tội phạm mà các bị can, bị cáo đã thực hiện và đang bị điều tra, truy tố hay xét xử. Và, tại thời điểm xét xử vụ án, tội phạm hay người phạm tội mới này chưa bị phát hiện.

Ví dụ, trong quá trình xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ lời khai của bị cáo, HĐXX xác định có căn cứ để kết luận, ngoài hành vi lừa đảo đang được tòa án xét xử, bị cáo còn có hành vi trộm cắp tài sản của người khác hoặc có đối tượng khác thực hiện hành vi trộm cắp tài sản (nhưng chưa bị khởi tố) nên đã ra quyết định khởi tố vụ án “Trộm cắp tài sản” tại phiên tòa.

Đây được xem là “tội phạm mới” và thuộc thẩm quyền khởi tố của HĐXX, vì nó không liên quan đến tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà toà án đang xét xử.

Tương tự như thế, khái niệm “người phạm tội mới” được hiểu là người đã thực hiện hành vi phạm tội khác với tội phạm mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang điều tra, truy tố hay xét xử.

Sở dĩ nhà làm luật quy định, khi phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới, HĐXX có quyền ra quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên toà (chứ không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung) là vì tội phạm hay người phạm tội mới này hoàn toàn độc lập và không liên quan đến vụ án đang được xét xử. Vì vậy, Toà án vừa có thể tiếp tục việc xét xử và tuyên án đối với bị cáo trong vụ án đang xét xử, vừa có thể ra quyết định khởi tố đối với tội phạm hoặc người phạm tội mới này để CQĐT tiến hành việc điều tra bằng một vụ án khác.

Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 104 BLTTHS 2003 thì HĐXX chỉ có thẩm quyền khởi tố vụ án khi phát hiện tội phạm hoặc người phạm tội mới. Và, tội phạm hay người phạm tội mới này, không liên quan đến vụ án mà toà đang xét xử.

Tất cả các trường hợp “sót người, lọt tội” còn lại đều thuộc trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Luật mới: quy định rộng hơn nhưng khó áp dụng.

Khoàn 4 điều 153 BLTTHS 2015 quy định, HĐXX ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

Về phương diện thuật ngữ pháp lý, cụm từ “bỏ lọt tội phạm” có nội hàm rất rộng, bao gồm cả việc bỏ lọt những tội phạm có liên quan cũng như không liên quan đến vụ án mà tòa án đang xét xử.

Thế nhưng, theo tinh thần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2017 ngày 22/12/2017 của TANDTC – BCA – BQP (Thông tư 02/2017) về trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì hầu hết các trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà tội phạm đó có liên quan đến vụ án đang được xét xử thì tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cụ thể, tại điều 5 của Thông tư này quy định:

Khi có căn cứ để cho rằng, bị can hoặc bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm, còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự (BLHS) quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Thẩm phán (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), HĐXX (tại phiên tòa) trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

a) Viện kiểm sát truy tố về một hay nhiều tội, nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can hoặc bị cáo đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác;

b) Ngoài hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can hoặc bị cáo về một hay nhiều tội khác;

c) Ngoài bị can hoặc bị cáo đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác liên quan đến vụ án, nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Như vậy, mặc dù theo tinh thần quy định tại khoàn 4 điều 153 BLTTHS 2015, HĐXX có quyền ra quyết định khởi tố vụ án đối với tất cả các trường hợp bỏ lọt tội phạm. Thế nhưng, theo nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 02/2017 nêu trên, hầu hết các trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngoài ra, cũng theo nội dung hướng dẫn của Thông tư, Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi phát hiện có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm liên quan đến vụ án. Vậy, nếu tội phạm bị bỏ lọt đó hoàn toàn độc lập, không liên quan đến vụ án thì sẽ xử lý thế nào, HĐXX có quyền khởi tố vụ án tại phiên tòa hay không?

Thiết nghĩ, đây là những vấn đề mà các cơ quan hữu quan cần phải có hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo quyền khởi tố vụ án của HĐXX tại phiên tòa. Tránh trường hợp tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần nhưng CQĐT, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm, buộc lòng tòa án phải xét xử theo phạm vi truy tố của cáo trạng, dẫn đến việc nhiều bản án sơ thẩm bị hủy “oan” như hiện nay.

 Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê