Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Võ Văn Minh bị phát hiện trong trường hợp phạm tội quả tang

03/05/2016, 20:29

Theo đúng dự kiến, sáng nay (17/12), TAND tỉnh Tiền Giang đưa vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” của Công ty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát ra xét xử sơ thẩm.

Đổi chai nước có dị vật lấy 500 triệu

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Nai, Võ Văn Minh (SN 1980, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cùng với chị gái của mình thuê một địa điểm tại ngã 3 An Cư (xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) để bán bún riêu. Mỗi người thay nhau bán một tuần, riêng chị gái Minh bán thêm một số loại nước giải khát, trong đó có sản phẩm nước giải khát của Công ty Tân Hiệp Phát. Nếu tuần Minh bán mà có người kêu nước thì Minh lấy bán giúp cho chị gái.

Võ Văn Minh.

Ngày 3/12/2014, khi Minh lấy cai nước Number 1 (loại chai nhựa 350ml do Công ty Tân Hiệp Phát sản xuất, gọi tắt là Công ty Tân Hiệp Phát) để bán cho khách hàng thì Minh phát hiện có con ruồi bên trong nên đem cất giấu nhằm mục đích sẽ dùng chai nước yêu cầu công ty sản xuất phải giao tiền để đổi lấy chai nước. Ngày 5/12/2014, Minh điện thoại cho Công ty Tân Hiệp Phát yêu cầu công ty này phải trả 1 tỷ đồng để đổi lại chai nước.

Nếu không đưa tiền Minh sẽ khiếu kiện lên Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đăng tải trên các báo, chương trình 60S hằng ngày và in 5000 tờ rơi nêu nội dung chai nước có dị vật bên trong để Công ty Tân Hiệp Phát mất thương hiệu, không có chỗ đứng trên thị trường.

Công ty Tân Hiệp Phát sau đó đã cử nhân viên xuống thương lượng với Minh và giải thích cho Minh biết việc không thể bồi thường theo ý Minh. Tuy nhiên, Minh không chịu mà vẫn yêu cầu đòi bồi thường theo ý mình.

Lo sợ trước những lời đe dọa và thái độ cương quyết của Minh nên Công ty Tân Hiệp Phát tiếp tục cử nhân viên xuống thương lượng. Sau nhiều lần thương lượng, Minh đồng ý giảm số tiền đòi bồi thường từ 1 tỷ đồng xuống còn 600 triệu, rồi 500 triệu đồng.

Ngày 27/1/2015, nhân viên Công ty Tân Hiệp Phát hẹn Minh tại một quán nước giải khát tại xã Hậu Thành (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) để giao tiền. Trong lúc Minh đang nhận tiền thì cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện bắt quả tang.

Những vấn đề pháp lý liên quan

Trao đổi với PV trước phiên tòa, đại diện Công ty Tân Hiệp phát khẳng định, công ty này sẽ không yêu cầu anh Minh bồi thường những thiệt hại do anh Minh gây ra và Công ty Tân Hiệp Phát cũng không mong muốn anh Minh phải bị tù tội.“Chúng tôi không kết tội hay lên án anh Minh, hành vi phạm tội của anh Minh như thế nào, mức độ ra sao sẽ được làm rõ và kết án theo đúng quy định của pháp luật”, vị đại diện Công ty Tân Hiệp Phát nói.

Nói về những vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi phạm tội của Võ Văn Minh, luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết: “Trước hết, tôi cho rằng đây là một vụ án không có gì phức tạp, việc CQĐT, Viện KSND tỉnh Tiền Giang khởi tố và truy tố bị can Võ Văn Minh về hành vi cưỡng đoạt tài sản của Công ty Tân Hiệp Phát là hoàn toàn chính xác, đúng người, đúng tội. Trong vụ án này, Minh bị phát hiện trong trường hợp phạm tội quả tang, đồng thời, hành vi phạm tội cũng hết sức đơn giản và rõ ràng. Hành vi này đã thoả mãn các yếu tố cấu thành tội: “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 135 BLHS”.

Luật sư Hồ Ngọc Diệp

Luật sư Diệp tiếp tục phân tích, trước đây, khi vụ việc vừa mới phát hiện và CQĐT có quyết định khởi tố vụ án, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc Minh thoả thuận số tiền bồi thường với đại diện Công ty Tân Hiệp Phát chỉ là quan hệ dân sự, chứ không có yếu tố tội phạm.

Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, không phản ánh đúng bản chất của hành vi phạm tội. Bởi lẽ, về nguyên tắc, bất kỳ một thoả thuận dân sự nào cũng phải dựa trên ý chí tự nguyện giữa các bên. Nói khác, chỉ được xem là thoả thuận hay giao dịch dân sự khi các bên tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, không có bất kỳ một sự cưỡng ép hay đe doạ nào.

Trong khi đó, thực chất hành của Minh trong vụ án này, là dùng sản phẩm bị lỗi của Công ty Tân Hiệp Phát để “bắt chẹt” gây sức ép, đe doạ sẽ làm mất uy tín của công ty trong hoạt động kinh doanh để từ đó, buộc phía công ty phải giao một khối tài sản lên đến cả tỷ đồng thì hành vi này không thể xem là thoả thuận bồi thường trong quan hệ dân sự được. Mặt khác, theo quy định của pháp luật dân sự, việc bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra trong trường hợp có thiệt hại thực tế xảy ra. Đồng thời, mức bồi thường cũng phải căn cứ trên những thiệt hại thực tế đó.

Trong trường hợp này, thiệt hại của Minh khi mua (hay sử dụng) sản phẩm chai nước ngọt này là gì mà Minh buộc Công ty Tân Hiệp Phát phải trả cho Minh số tiền lên đến 1 tỷ đồng? Ngay cả cái cách “thoả thuận” theo kiểu, ra giá đưa tiền để “mua sự im lặng”, bản thân nó cũng đã là một việc làm phi pháp và thể hiện rõ dấu hiệu cấu thành tội phạm cưỡng đoạt tài sản.

Có “án lệ” trong hồ sơ vụ án?

Liên quan đến vụ án này, dư luận cũng đang quan tâm đến một bản án về một vụ “cưỡng đoạt tài sản khác”. Đó là bản án số 139/2013/HSST ngày 17/7/2013 của TAND quận Bình Thạnh (TP. HCM) xét xử N.Q.T. 3 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Điều đáng nói là bản án trên được đưa vào vụ án liên quan đến vụ Võ Văn Minh cưỡng đoạt 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát mà tòa đang xét xử hôm nay.

Dư luận cho rằng bản án này có trong hồ sơ có phải được xem như là một “án lệ”, có thể làm “định hướng” đối với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang và hội đồng xét xử đối với Võ Văn Minh.

Lý giải điều này, luật sư Diệp cho rằng, việc trong hồ sơ vụ án hiện nay có một bản án cũng không có gì cần phải bàn cãi. Bởi lẽ, việc đưa vào hồ sơ vụ án một bản án như thế là không có gì sai, không vi phạm tố tụng. Mà đã không sai, không vi phạm cũng không nên bàn cãi nhiều.

“Nếu cho rằng, đây là “án lệ” hay dùng bản án này để “định hướng” cho các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, thì vừa mang tính suy diễn, lại vừa có tính chất “xem thường” các cơ quan tố tụng tại địa phương. Bởi lẽ, hiện nay hoạt động xét xử của ngành toà án nước ta chưa chính thức áp dụng án lệ trong công tác xét xử, nên không thể xem việc xuất hiện một bản án như thế là “án lệ” được”, luật sư Diệp cho hay.

Cũng theo luật sư Diệp, theo tinh thần quy định tại các điều 16, 17 BLTTHS thì khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập chỉ tuân theo pháp luật. Đồng thời, toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

Như vậy, cơ sở nào để cho rằng, việc đưa bản án này vào hồ sơ có thể như là một cách để “định hướng” cho HĐXX về đường lối xử lý vụ án? Đó là chưa nói, theo tôi được biết, đây chỉ là bản án do một toà án cấp huyện (tại TP. HCM) xét xử, chứ không phải là bản án của các Toà thuộc Toà án nhân dân Tối cao.

Vậy, lẽ nào một bản án của toà cấp huyện (thuộc một địa phương khác), lại có thể “chi phối” hay “định hướng” về đường lồi xét xử cho một Toà án cấp tỉnh, thuộc một địa phương khác? Rõ ràng, cách đặt vấn đề như thế là hoàn toàn không có cơ sở và cũng không mang lại bất kỳ một ý nghĩa nào cho quá trình tố tụng vụ án nói chung.

Để tường tận sự việc, PV đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Ánh (Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang), bà Ánh cho biết các bút lục nói trên là của CQĐT đưa vào hồ sơ vụ án, Viện KSND có thấy nhưng cũng không quan tâm khi xem xét chứng cứ truy tố bị can Võ Văn Minh.

“Do đây là bút lục hồ sơ vụ án nên viện không thể tự ý bỏ ra mà phải chuyển hết sang tòa. Theo tôi HĐXX sẽ không dựa vào thông tin của bản án này để xét xử bị cáo Võ Văn Minh. Trong trường hợp HĐXX sử dụng bản án này để tham khảo thì Viện KSND tỉnh Tiền Giang vẫn có quyền kháng nghị bản án”, bà Ánh nói.

Có đủ yếu tố để kết tội?

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội luật gia TP. HCM) cho biết, hành vi phạm tội của bị can Võ Văn Minh đã cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Đây là tội có cấu thành hình thức nên hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, chỉ cần có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi đe dạo sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần là tội phạm đã hoàn thành. Nếu ông Minh bị kết tội cưỡng đoạt tài sản như cáo trạng đã truy tố thì theo điểm a Khoản 4 Điều 135 BLHS, người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Về bản chất vụ án, luật sư Hậu cho rằng, vụ án này cần phải được xem xét, đánh giá một cách khách quan và toàn diện. Dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng, Điều 9 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định: khách hàng có nghĩa vụ thông tin về hàng hóa lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng. Do đó, nếu đúng trong chai nước ngọt có con ruồi là xuất phát từ lỗi của nhà sản xuất thì việc thông tin cho cơ quan chức năng biết không phải chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của người tiêu dùng.

Khi đó, anh Minh có quyền yêu cầu nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại cho mình, mức bồi thường sẽ do hai bên tự thỏa thuận. Nếu không thương lượng được thì có thể khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, nếu sự việc con ruồi trong chai nước ngọt không phải do lỗi của nhà sản xuất mà do anh Minh cố tình thì đây là hành vi trái pháp luật và phải bị xử lý nghiêm minh. Về phía doanh nghiệp, tôi cho rằng họ cũng cần phải tìm hiểu kỹ xem có phải sự cố xuất phát từ lỗi của mình hay không để có biện pháp xử lý thích hợp, thấu đáo mà vẫn bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp và uy tín của mình.

PV

Nguồn: Báo điện tử NGƯỜI ĐƯA TIN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác