Phiên toà xét xử vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như tạm khép lại trong thời gian chờ HĐXX nghị án. Tuy nhiên, sau phần tranh luận đầy căng thẳng và kịch tính giữa Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà, với các luật sư bảo vệ quyền lợi cho những đơn vị, cá nhân tham gia gửi tiền vào ngân hàng Vietinbank bị Như chiếm đoạt, nhiều vấn đề pháp lý đã được đặt ra trong vụ án này. Một trong số đó là, đối với các tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “ Vi phạm quy định về cho vay…” yếu tố thiệt hại có phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm hay không?
Trong phần đối đáp ý kiến đối với nhóm tội “vi phạm quy định về cho vay…”, đại diện Viện KSND cho rằng, Điều 179 không có cụm từ “gây thiệt hại”, điều luật cũng không quy định là gây hậu quả cho đơn vị nào, nên không nhất thiết phải gây thiệt hại cho Vietinbank. Việc Huyền Như rút trót lọt 718 tỷ của Ngân hàng ACB là “gây hậu quả nghiêm trọng” do các bị cáo làm sai quy trình nên không có cơ sở để xem xét lại quyết định truy tố đối với nhóm các bị cáo này.
Tòa sẽ tuyên án đối với Huyền Như cùng đồng phạm vào ngày 27/1
Tương tự, đối với nhóm tội “Thiếu trách nhiệm…”, vị đại diện Viện kiểm sát cũng cho rằng, điều luật truy tố các bị cáo không bắt buộc là phải gây thiệt hại nghiêm trọng cho ai, mà chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng nên việc luật sư đề nghị rút truy tố là không có cơ sở để chấp nhận.
Vậy, khái niệm “gây hậu quả nghiêm trọng” có đồng nghĩa với “gây thiệt hại nghiêm trọng” không? Và, trong trường hợp nào thì vấn đề thiệt hại mới được xem là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm, và là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự?
Về mặt khoa học pháp lý, khái niệm “hậu quả” hay “hậu quả nghiêm trọng” được quy định trong BLHS có nội hàm rộng hơn rất nhiều so với yếu tố thiệt hại. Hậu quả của tội phạm nói chung, không chỉ là những thiệt hại vật chất mà còn bao hàm cả những thiệt hại phi vật chất. Vì vậy, khi một điều luật quy định “gây hậu quả nghiêm trọng” là yếu tố cấu thành tội phạm thì khi có hậu quả xảy ra là đã đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự, mà không đặt vấn đề hậu quả đó xảy ra với ai, với đối tượng nào trong quan hệ pháp luật hình sự.
Khác với khái niệm gây hậu quả nghiêm trọng, vấn đề thiệt hại chỉ được xem là yếu tố bắt buột của cấu thành tội phạm trong một số trường hợp. Theo đó, nếu không có thiệt hại xảy ra thì hành vi không cấu thành tội phạm. Vì vậy, đối với các trường hợp này, vấn đề thiệt hại luôn được xác định một cách cụ thể, có “địa chỉ” rõ ràng. Và, chỉ khi nào thiệt hại xảy ra đúng với đối tượng mà điều luật đã quy định, thì hành vi đó mới được xem là đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Chẳng hạn đối với tội “Ra quyết định trái pháp luật” (Điều 295 BLHS). Tại khoản 1 của điều luật này quy định: “người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Như vậy, đối với tội phạm này, ngoài việc quy định phải có thiệt hại xảy ra, nhà làm luật còn xác định thiệt hại đó phải xảy ra đối với Nhà nước, tổ chức, công dân thì mới xem là hành vi tội phạm. Vì vậy, nếu không có thiệt hại xảy ra thì hành vi không cấu thành tội phạm, mà sai phạm đó có thể sẽ được xử lý bằng các biện pháp hành chính.
Hoặc như tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 BLHS). Tại khoản 1 của điều luật này quy định: “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm”.
VKS đề nghị án chung thân cho Huyền Như
Mặc dù nội dung của điều luật có nêu khái niệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng đối với tội phạm này, yếu tố thiệt hại cũng được xem là dấu hiệu cơ bản của cấu thành tội phạm. Và thiệt hại ở đây được xác định là thiệt hại đối với chính cơ quan, tổ chức mà người phạm tội đang làm việc, công tác. Nếu không có thiệt hại xảy ra đối với các cơ quan, tổ chức này thì chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý làm trái…”
Như vậy có thể thấy, theo quy định của BLHS vấn đề thiệt hại chỉ được xem là yếu tố bắt buột của cấu thành tội phạm trong một số trường hợp. Trong khi đó, khái niệm “gây hậu quả nghiêm trọng” lại được quy định trong hầu hết cấu thành cơ bản của các loại tội phạm. Vì vậy, khái niệm này không đồng nghĩa với yếu tố gây thiệt hại trong quan hệ pháp luật hình sự. Mặt khác, vì là dấu hiệu cơ bản, và được quy định chung cho các loại tội phạm, nên nhà làm luật cũng không xác định hậu quả nghiêm trọng đó phải xảy ra với ai, với đối tượng nào, thì mới xem là đủ yếu tố cấu thành tội phạm, mà chỉ cần có hậu quả nghiêm trọng xảy ra thì người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm mà mình đã thực hiện.
Luật sư Hồ Ngọc Diệp
Nguồn: Báo điện tử Đời Sống Pháp Luật