Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trắc nghiệm lòng nhân (*)

12/10/2016, 08:04

Một ông vua băn khoăn không biết mình có đủ tài đức để bảo hộ dân chúng gây dựng nên nghiệp vương không. Để nhà vua tin ở khả năng của mình, một nhà hiền triết gợi nhắc lại một giai thoại về chính nhà vua.

Một hôm vua đương ngồi trong đền bỗng thấy một người lôi một con bò qua cửa đền, con vật bị đưa đến nơi hiến tế nó sẽ bị giết, đặng lấy máu làm lễ bôi chuồng. Trước bộ dạng nhớn nhác của con vật, giống như một kẻ vô tội bị giải tới nơi nhục hình, nhà vua không nỡ, bèn ra lệnh thả nó ra. Một viên quan hỏi: "Bỏ lệ lấy máu bôi chuồng sao"? Vua trả lời: "Sao lại bỏ? Hãy đem con dê mà thế vào”!

Chỉ chừng ấy, nhà hiền triết kết luận, đủ để thấy rằng nhà vua có khả năng gây dựng nghiệp vương. Tuy vậy, giai thoại được kể mới nghe tưởng chừng như chọc vào nhà vua: với ý kiến đem con dê thay cho con bò, nhà vua bị chê là hà tiện và chính nhà vua chống chế một sự quy kết như vậy cũng thừa nhận cách xử sự của mình có chỗ không ổn. Bởi lẽ vì sao tha cho con bò mà lại không tha cho con dê, con này chẳng cũng vô tội như con kia hay sao?

Nhà hiền triết lại phải làm sáng tỏ cái gì đã diễn ra trong lòng dạ nhà vua, điều này những người xung quanh và bản thân nhà vua không nhận biết được: nhà vua đã đề nghị một cách vô tư thay con bò bằng con dê, chẳng qua là vì ông đã "nhìn thấy" vẻ xớn xác của con bò, còn con dê thì ông không "nhìn thấy". Đích thân ông được chứng kiến sự khủng khiếp của con bò: nó xuất hiện ra đột ngột trước mắt ông mà ông chẳng có một dự phòng vào cả, trong khi đó số phận của con dê ở ông chi là một ý niệm. Một ý niệm vô danh, trừu tượng và do đó không có hiệu quả. Không có tác động của sự hiện diện mặt đối mặt - mắt nhà vua đã trợn ngược khi nhìn thấy sự khiếp sợ của con bò và từ đó không nhắm lại được nữa. Chính vì vậy việc con dê bị làm vật hy sinh không làm cho nhà vua xao xuyến , trước sau ông xem sự việc này cũng là lẽ thường vậy. Còn đối với con bò, sự nhìn thấy đủ làm cho ông xúc động và tình lý trong nội tâm ông trong chốc lát bị xao động.

Như vậy, nhìn chiều sâu, sự không nhất quán trong cách ứng xử mà nhà vua lấy làm hổ thẹn trên thực tế lại bộc lộ một phẩm giá đáng quý ở ông: nhà vua "không nỡ” đứng "nhìn" sự đau khổ, ông không thể làm một người chứng kiến dửng dưng với số phận của kẻ khác, ngay cả khi kẻ khác đó là một con vật. Và phản ứng trực tiếp này của  "lòng không nỡ” đó, đủ để chứng tỏ tâm hướng đạo đức của ông.

Giai thoại nói trên được thuật lại theo lời của Mạnh Tử, một nhà triết học Trung Hoa thế kỷ IV trước CN. Mạnh Tử khái quát hóa: "Người quân tử đối với chim chóc và thú vật, đã trông thấy chúng nó sống thì chẳng nỡ nhìn xem chúng nó chết, đã nghe chúng kêu la thì chẳng nỡ ăn thịt chúng nó".

Ý thức đạo đức cũng giống như ngọn lửa “nhen nhúm sắp cháy bùng", như dòng suối "phát tích sắp lưu thông". Chính vì vậy chỉ mỗi sự phản ứng không nỡ ở nhà vua lần ông thấy vẻ xớn xác của con bò bị lôi đi tới nơi hiến tế- miễn là tình cảm không nỡ này được khuyếch sung đầy đủ cũng đủ để nhà vua bình thiên hạ.

VH (sưu tầm)

(*) Tựa bài do luatsuhongocdiep.vn đặt.

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác