Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Thúy Kiều làm thơ.

05/07/2017, 14:37

Thuý Kiều là người “pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm” như lời giới thiệu của Nguyễn Du vào đầu thiên truyện, hoặc nôm na là “có nghề đàn lại đủ nghề văn thơ” như lời thán phục của họ Đô.

Trong Truyện Kiều, nàng đã đánh đàn tất cả tám lần, có bốn lần được Nguyễn Du mô tả tỉ mỉ, bốn lần khác chỉ nói qua. Thế thì, trong Truyện Kiều, nàng đã làm thơ bao nhiêu lần? Và làm trong những hoàn cảnh nào?

Ta hãy lần theo Truyện Kiều xem sao.

Bên mộ Đạm Tiên, nàng làm thơ hai lần.

Lần thứ nhất là một bài tứ tuyệt:

Rút trâm sẵn giắt mái đầu

Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần.

Lần thứ hai là một bài cổ thi:

Lòng thơ lai láng bồi hồi

Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.

Lần thứ ba Thúy Kiều làm thơ trong đêm sau khi viếng mộ Đạm Tiên trở về nhà:

Ngổn ngang trăm mối bên lòng

Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình

Lần thứ tư nàng làm thơ trong mơ khi gặp Đạm Tiên, một lúc đủ mười khúc ngâm, đề bài do chủ hội Đoạn Trường ra.

Nàng vâng lệnh ý đề bài

Tay tiên một vẩy đủ mười khúc ngâm.

Mặc dù nàng làm nhanh thế mà thơ rất hay, được Đạm Tiên khen rằng: “Nếu đem vào tập Đoạn Trường. Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”.

Lần thứ năm nàng làm thơ đề trên bức tranh tùng do Kim Trọng vẽ:

Tay tiên gió táp mưa sa

Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu

Được Kim Trọng khen rằng làm thơ như “nhả ngọc phun châu”.

Lần thứ sáu nàng phải làm thơ vịnh cây quạt (cùng với việc đánh đàn) để thử tài khi nàng bán mình chuộc cha và kết quả bài thơ cũng như tiếng đàn làm vừa lòng khách, thể hiện trong câu:

Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ

Mặn nồng mỗi vẻ một ưa…

Lần thứ bảy,Thúy Kiều làm thơ trước lầu Ngưng Bích, “đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu”, Sở Khanh nghe trộm rồi họa vần, bắt đầu mưu đồ lừa Thúy Kiều để lấy ba chục lạng vàng của mụ Tú Bà.

Lần thứ tám Thúy Kiều làm thơ trong thời gian tiếp khách ở lầu xanh:

Đòi phen nét vẽ, câu thơ

Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa

Lần thứ chín với Thúc Sinh thể hiện qua hai câu:

Khi gió gác, khi trăng sân

Bầy tiên chuốc rượu, câu thần nói thơ

Lần thứ mườinàng làm thơ vịnh cái gông trước công đường khi quan phủ xử án thử tài:

Nàng vâng cất bút tay đề

Tiên hoa trình trước án phê xem tường

Và nhờ bài thơ này, nàng đã khỏi bị “phép gia hình”, cũng không phải trở lại lầu xanh mà được chung sống cùng Thúc Sinh.

Lần thứ mười một,khi sắp nhảy xuống sông Tiền Đường, nàng đã để lại “một thiên tuyệt bút”, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du không cho biết đấy là thơ hay văn xuôi, nhưng đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì biết đó là bài thơ gồm sáu câu, nội dung như sau: Hẹn ước mười lăm năm trước. Hôm nay mới đến Tiền Đường. Trăm tuổi quang âm thấm thoắt. Một đời thân sự kê vàng. Tiếng sóng giục người mau bước. Từ đây hết kiếp đoạn trường!

Như vậy trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Thúy Kiều đã làm thơ mười một lần, nhiều hơn số lần chơi đàn, nhưng chỉ xấp xỉ một nửa khi so với số lần nàng làm thơ trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong tám lần nàng đánh đàn, thì cả tám lần do người khác yêu cầu hoặc ép buộc, còn mười một lần làm thơ thì có đến sáu lần nàng tự làm để nói nỗi lòng mình, chỉ có năm lần do người khác yêu cầu hoặc ép buộc mà thôi. Trong mười một lần làm thơ, chỉ có hai lần nàng vui là khi đề thơ trên bức tranh tùng của Kim Trọng, và lần làm thơ với Thúc Sinh. Còn chín lần khác thì khi nào cũng buồn, khi tự nàng làm thơ thì thơ càng buồn, đúng cả thiên truyện là một khúc đoạn trường.

Nguyễn Du không chỉ giảm số lần Kiều làm thơ so với Kim Vân Kiều truyện, mà thể thơ của những bài Kiều sáng tác, Cụ cũng thay đổi cho hợp lý hơn, ví dụ bài thơ đề bên mộ Đạm Tiên, Thanh Tâm Tài Nhân viết: “...nàng liền vun đất cắm hương, sụp bốn lạy, rồi đề một bài thơ rằng: Sắc hương đâu đó tá. Thăm viếng não lòng thay. Chăn gấm trăng soi lạnh. Đài gương bụi phủ đầy. Đất tuy vùi ngọc ấy. Tuyết chưa lấp danh này. Rượu nhiều như sông đó. Nào ai tưới chốn này. Thúy Kiều đề thơ xong, buồn rầu sa nước mắt…”

Nguyễn Du chỉ viết:

Rút trâm sẵn giắt mái đầu

Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần

Là đã tinh giản tám câu thơ trên thành một bài tứ tuyệt. Một điều lạ nữa là mặc dù trong một đoạn văn xuôi, mất khá nhiều câu chữ, người đọc vẫn không biết nàng Kiều đề thơ vào đâu, thế nhưng chỉ trong hai câu lục bát, Nguyễn Du cho ta biết nàng khắc thơ vào da cây, và khi đó thì một bài tứ tuyệt hợp lý hơn. Sự sáng tạo như thế này ta thường xuyên gặp khi so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện.

Đọc lại Truyện Kiều, bạn chú ý xem thử ngoài mười một lần đã được nêu trên, Thúy Kiều có làm thơ lần nào nữa không?

VƯƠNG TRỌNG (Theo ĐBND)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác