Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Tướng và quốc pháp trong lịch sử
Công cao thì sinh kiêu, Tử Liêm tướng quân coi thường quốc pháp. Đến lúc Đặng Ngải đòi Tử Liêm tướng quân phải nộp quân lương theo hạn định thì Tử Liêm tướng quân quát tháo trước công đường, nhục mạ quan chức triều đình, chẳng coi quốc pháp ra gì. Ngờ đâu Đặng Sĩ Tái cho 2 viên thư lại ngồi dưới ghi hết các câu bỉ báng quốc pháp triều đình của Tử Liêm tướng quân lại rồi đem nộp thẳng cho Ngụy Văn Đế là Tào Phi.
Trong thời gian gần đây, bộ phim truyền hình Quân sư liên minh của Trung Quốc rất được nhiều người hâm mộ bàn tán. Đây là bộ phim nói về cuộc đời của nhân vật lịch sử Tư Mã Ý, người đã giúp triều Ngụy Tào bình định Trung Nguyên và đặt nền móng để con cháu xưng vương xưng đế. Phần 1 của bộ phim vừa dừng ở tập 42 khiến nhiều người chỉ muốn có thêm tập nữa để xem. Cũng cần nói thêm rằng bộ phim này được xây dựng dựa nhiều vào sự kiện lịch sử chứ không hư cấu nhiều như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
Trong tập 42, cao trào của việc đấu đá giữa phe tông thân nhà họ Tào và phe sĩ tộc do Tư Mã Ý là thủ lĩnh được đẩy lên cao quanh việc xử tội nhân vật Tào Hồng (tự là Tử Liêm) hay còn gọi một cách tôn trọng là Tào Tử Liêm.
Tào Tử Liêm là em họ của Tào Tháo, chẳng những có nhiều công lao trận mạc mà còn 2 lần xả thân cứu Tào Tháo thoát chết (lần 1 là khi Tào Tháo đánh Đổng Trác bị Từ Vinh phục kích và lần 2 là Tào Tháo bị Mã Siêu đuổi suýt mất mạng). Sau khi Tào Tháo mất, Tào Phi lên ngôi thì địa vị Tào Tử Liêm là chú vua càng cao.
Nhưng công cao thì sinh kiêu, Tử Liêm tướng quân đâm ra coi thường quốc pháp. Đến lúc Đặng Ngải (tự là Sĩ Tái) đòi Tử Liêm tướng quân phải nộp quân lương theo hạn định thì Tử Liêm tướng quân quát tháo trước công đường, nhục mạ quan chức triều đình, chẳng coi quốc pháp ra gì. Ngờ đâu Đặng Sĩ Tái cho 2 viên thư lại ngồi dưới ghi hết các câu bỉ báng quốc pháp triều đình của Tử Liêm tướng quân lại rồi đem nộp thẳng cho Ngụy Văn Đế là Tào Phi.
Ngụy Văn Đế nổi giận lôi đình vội định tội chết cho Tử Liêm tướng quân vì tội phỉ báng triều đình. Mãi về sau, Tào Tử Liêm bị trói dẫn đến cửa cung, quỳ lạy nhận tội rồi các tướng sĩ xúm vào xin mới được tha chết.
Nếu như Tào Phi lại vì tình riêng mà tha chú, vì cái công xưa của Tào Tử Liêm mà xuề xòa cho qua thì e rằng quốc pháp không được giữ nghiêm, các hiệu lệnh được ban hành thành trò đùa cả. Cũng nhờ giữ kỷ cương như vậy mà Tào Ngụy ngày càng mạnh, dần dần thôn tính Thục Ngô để thống nhất Trung Quốc.
Nhân chuyện bàn về kỷ cương trong quân đội thì không thể không nhắc chuyện thời Xuân Thu bên Trung Quốc kể về Tư Mã Nhương Thư (người họ Điền, được phong làm quan Tư Mã nên đời sau gọi ông là Tư Mã Nhương Thư để tỏ ý tôn trọng). Theo Sử ký Tư Mã Thiên, phần Tư Mã Nhương Thư liệt truyện, Tề Cảnh Công cử Nhương Thư làm tướng dẫn quân phạt Yên, lại phong Trang Giả làm giám quân. Tư Mã Nhương Thư hẹn Trang Giả phải đến quân doanh đúng giờ nhưng vì Trang Giả vốn là người kiêu ngạo không phục Nhương Thư nên đến muộn vì cớ bận tiệc tùng.
Trang Giả vui chén quá say, thấy sứ đến giục, cũng chẳng buồn đứng dậy. Tư Mã Nhương Thư đợi mãi, mặt trời đã xế về tây, mà vẫn chưa thấy Trang Giả đến, mới trèo lên tướng đài để truyền hiệu lệnh cho quân sĩ. Trang Giả đi đến quan môn, thủng thỉnh xuống xe, trèo lên tướng đài. Tư Mã Nhương Thư cứ nghiễm nhiên ngồi không đứng dậy mà hỏi Trang Giả rằng:
- Quan giám quân vì cớ gì bây giờ mới đến?
Trang Giả chắp tay vái mà đáp rằng :
- Nhân vì tôi sắp khởi hành, họ hàng bạn hữu đều bày tiệc tiễn chân, thành ra đến hơi chậm mất một chút.
Tư Mã Nhương Thư nói: “Phàm người làm tướng, trong ngày chịu mệnh vua thì phải quên nhà; khi đã truyền lệnh cho quân sĩ thì phải quên cha mẹ; khi tay cầm dùi trống, xông pha tên đạn thì phải quên cả thân mình. Nay nước giặc sang xâm nhiễu, ngoài biên thuỳ náo động, chúa công ta ngủ không yên giấc, ăn không ngon miệng, đem việc đánh giặc uỷ thác cho hai ta, cùng mà sớm tối lập công để cứu khổ cho trăm họ, còn lòng nào mà cùng với họ hàng bạn hữu bày cuộc vui nữa!”. Xong rồi đạp bàn mắng: “Nhà ngươi cậy được chúa công yêu, làm cho quân sĩ sinh lòng trễ biếng, nếu lúc ra trận cũng như thế thì hỏng hết cả công việc!”
Sau khi chiếu quân pháp, Nhương Thư sai chém Trang Giả. Bấy giờ Trang Giả không còn một chút hơi rượu nào cả, van van lạy lạy xin tha. Những người theo hầu Trang Giả chạy đến báo tin với Tề Cảnh công. Tề Cảnh công kinh hãi, liền gọi Lương Khâu Cứ, sai cầm cờ tiết đến bảo Tư Mã Nhương Thư tha tội chết cho Trang Giả, lại dặn phải đi xe thật mau, kẻo không kịp, nhưng đi đến nơi thì Trang Giả đã chết rồi. Lương Khâu Cứ không biết, tay cầm cờ tiết, đi xe thẳng tiến vào cửa quan.
Tư Mã Nhương Thư truyền cho quân sĩ ngăn lại, rồi hỏi chức quân chính rằng:
- Vào quan môn mà dám đi xe nhanh như vậy, thì nên bắt tội gì?
Chức quân chính đáp rằng :
- Cứ theo quân pháp thì cũng phải xử trảm.
Lương Khâu Cứ mặt như chàm đổ, kêu là phụng mệnh mà đến, chứ không phải tự mình. Điền Nhượng Thư nói :
- Đã có mệnh vua thì tha cho không chém, nhưng làm thể nào cũng phải giữ quân pháp, vậy thì ta phá xe, giết ngựa đi để thay mạng cho sứ giả.
Lương Khâu Cứ được khỏi chết, cúi đầu len lét mà đi. Quân sĩ thấy vậy, ai cũng sợ hãi. Đại binh của Tư Mã Nhương Thư chưa kéo ra đến nơi, mà quân Tấn nghe tin đã bỏ trốn đi rồi. Quân Yên cũng rút về. Tư Mã Nhương Thư đuổi theo mà đánh, chém được hơn một vạn đầu giặc. Người nước Yên thua to, phải đem lễ vật sang xin hoà.
Nhờ danh tiếng và kỷ luật của Tư Mã Nhương Thư, nước Tề sau đó bình yên trong một thời gian dài, các nước không dám nhòm ngó.
Tại Việt Nam cũng có chuyện tương tự. Theo sách Việt sử giai thoại, vợ của Trần Thủ Độ là Thiên cực công chúa Trần Thị Dung (sau khi nhà Lý mất thì bà bị phế khỏi ngôi Hoàng hậu xuống làm Thiên cực công chúa. Sau vua Trần Thái Tông phong bà là Quốc mẫu) có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc kể với Trần Thủ Độ rằng: “Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế ư?”. Trần Thủ Độ tức giận liền sai người đi bắt người quân hiệu kia. Nhưng sau khi nghe người này trình bày nguyên do thì ông cười và nói: "Ngươi ở dưới cấp thấp mà biết giữ phép nước, ta còn trách gì nữa", sau đó ban thưởng cho người này.
Lời bàn: Kỷ luật là sức mạnh quân đội nên nếu quân đội vô kỷ luật thì hỏng bét. Đã làm tướng thì phải gương mẫu để cho quân lính noi theo, chứ tướng mà cậy công cậy chức để thành vô kỷ luật thì sao bảo quân đội nghiêm chỉnh được. Thế nên việc làm của Tào Tử Liêm, Trang Giả là sai lắm, đáng bị trừng trị. Nếu Tào Tử Liêm mà rơi vào tay của Tư Mã Nhương Thư thì cũng khó tránh khỏi chịu hình phạt như Trang Giả.
Anh Tú
Motthegioi.vn