Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Thế nào là vượt quá yêu cầu khởi kiện?

06/03/2017, 16:21

Xuất phát từ quyền tự định đoạt của đương sự trong vụ án, pháp luật tố tụng dân sự trước đây cũng như hiện nay, luôn có những quy định nhằm tạo điều kiện cho các đương sự trong việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập (gọi chung là yêu cầu khởi kiện) trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, việc thay đổi, bổ sung các yêu cầu này, về nguyên tắc, không được vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu.

Mặc dù cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn cụ thể, thế nào là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, những yêu cầu bị xem là vượt quá, và không được tòa án chấp nhận, thường được thể hiện dưới  các hình thức sau đây:

- Vượt quá về giá trị yêu cầu.

Đây là trường hợp, khi khởi kiện, phản tố hay có yêu cầu độc lập, đương sự trong vụ án đưa ra yêu cầu, buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ tài sản được ấn định bằng một con số hay giá trị cụ thể. Nhưng tại phiên tòa, họ đã thay đổi, bổ sung yêu cầu này, buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ về tài sản nhiều hơn so với yêu cầu khởi kiện ban đầu.

Ví dụ: A có đơn khởi kiện yêu cầu B phải bồi thường thiệt hại với số tiền 10.000.000 đồng do có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của A. Tuy nhiên, tại phiên tòa, A đã thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, nâng số tiền bồi thường thiệt hại  từ 10.000.000 đồng lên 20.000.000 đồng.

Trong trường hợp này, yêu cầu vượt quá đối với số tiền 10.000.000 đồng của A sẽ không được tòa án chấp nhận trong quá trình xét xử vụ án. 

- Vượt quá về chủ thể nghĩa vụ.

Khác với yêu cầu vượt quá về giá trị, vượt quá về chủ thể nghĩa vụ  là trường hợp, khi khởi kiện, phản tố hay có yêu cầu độc lập, đương sự trong vụ án chỉ yêu cầu một hoặc một số cá nhân, cơ quan, tổ chức nào đó, phải thực hiện một nghĩa vụ dân sự nhất định. Nhưng tại phiên tòa, ngoài những cá nhân, cơ quan, tổ chức mà họ đã yêu cầu trước đó, họ còn yêu cầu, buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác cũng phải có trách nhiệm liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự theo nội dung khởi kiện của họ.

Ví dụ: A có đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án buộc B phải có nghĩa vụ trả số nợ 100.000.000 đồng, nhưng tại phiên tòa, A đã thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, đề nghị tòa án buộc C (là chồng của B) cũng phải liên đới trách nhiệm với B để trả nợ cho A. 

Trong trường hợp này, yêu cầu của A đối với C được xem là vượt quá về chủ thể nghĩa vụ, và sẽ không được tòa án chấp nhận.

- Vượt quá về quan hệ pháp luật tranh chấp.

Đây là trường hợp, khi khởi kiện, phản tố hoặc có yêu cầu độc lập, đương sự trong vụ án đưa ra yêu cầu, buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ dân sự nào đó đối với họ. Nhưng tại phiên tòa, ngoài việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ như đã thể hiện trong đơn khởi kiện, họ còn yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện một hay một số nghĩa vụ, mà các nghĩa vụ này hoàn toàn khác với nghĩa vụ đã yêu cầu trước đó.

Ví dụ: A khởi kiện yêu cầu B trả lại tài sản là căn nhà A cho B ở nhờ. Tại phiên tòa, A bổ sung thêm yêu cầu đòi lại chiếc xe ô tô mà A đã cho B thuê trước đây vì đã hết thời hạn thuê theo hợp đồng.

Trong trường hợp này, yêu cầu của A đối với B về việc đòi lại chiếc xe ô tô, được xem là vượt quá về quan hệ pháp luật tranh chấp, và sẽ không được tòa án chấp nhận.

Khoản 1 điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định: “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”

Quy định trên có thể xem là một giới hạn đối với quyền tự định đoạt của đương sự theo tinh thần quy định tại điều 5 BLTTDS 2015. Theo đó, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự… và, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, họ có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình, nhưng việc thay đổi, bổ sung yêu cầu đó, trong mọi trường hợp, không được vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

(Rút từ sách " Luật tố tụng dân sự - Bình luận và diễn giải " sắp xuất bản)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác