Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trao đổi nghiệp vụ: Các vấn đề về Hành chính (kỳ 2)

14/10/2016, 11:26

Vấn đề hành vi chứng thực di chúc của Chủ tịch UBND cấp xã có phải là hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không? Khi nào được xem là “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành chính” để trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 của Luật TTHC… là những nội dung trao đổi, giải đáp về nghiệp vụ trong kỳ này.

Câu hỏi 9. Khi nào được xem là “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành chính” để trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 của Luật TTHC?

Trả lời:

“Chưa có đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành chính” là trường hợp pháp luật tố tụng hành chính hoặc pháp luật khác có quy định về các điều kiện để khởi kiện vụ án hành chính (kể cả quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện), nhưng người khởi kiện đã khởi kiện khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.

Ví dụ trường hợp người được ủy quyền khởi kiện vụ án hành chính nhưng chưa có giấy ủy quyền hợp lệ thì được xem là chưa đủ điều kiện khởi kiện; hoặc trường hợp khởi kiện vụ án hành chính về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân mà chưa thực hiện thủ tục khiếu nại đối với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì được xem là chưa đủ điều kiện khởi kiện.

Câu hỏi 10. Ông A khởi kiện quyết định của Ủy ban nhân dân quận thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình ông. Vậy Tòa án có phải đưa các thành viên của hộ gia đình ông A vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không?

Trả lời:

Theo quy định của BLDS thì Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này. Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ.

Đối chiếu với quy định tại khoản 2 điều 54 của Luật TTHC thì chủ hộ gia đình là người đại diện theo pháp luật đối với hộ gia đình trong tố tụng hành chính. Do đó Tòa án chỉ đưa các thành viên trong hộ gia đình ông A vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi thấy cần thiết.

Lưu ý, nếu ông A không phải chủ hộ mà chỉ là thành viên trong hộ gia đình thì thực hiện quyền khởi kiện thông qua thủ tục ủy quyền của chủ hộ.

Câu hỏi 11. Bà A lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho em là ông B. Di chúc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã B chứng thực. Sau khi bà A chết, con bà A là chị C khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hành vi chứng thực di chúc của Chủ tịch UBND xã B là trái pháp luật. Hỏi hành vi chứng thực di chúc của Chủ tịch UBND xã B có phải là hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?

Trả lời:

Hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật (Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

Tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ quy định Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Hành vi chứng thực di chúc của Chủ tịch UBND xã B là hành vi hành chính và thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Câu hỏi 12.

Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND khi có khiếu nại có phải là quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không?

Ví dụ: Bà Trần Thị A ở thành phố Q đến UBND huyện P khiếu nại UBND huyện P yêu cầu cho bà A được sử dụng thửa đất có nguồn gốc của gia đình bà A tại huyện P. Chủ tịch UBND huyện P ra quyết định giải quyết khiếu nại của bà A có nội dung:

1. Không chấp nhận đòi lại đất của bà A.

2. Bà A có quyền khiếu nại quyết định này hoặc khởi kiện ra Tòa án theo Luật TTHC.

Trong trường hợp này nếu bà A có đơn khởi kiện vụ án hành chính thì quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện P có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?

Trả lời:

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật TTHC. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật TTHC (Luật Khiếu nại số 02/2011). Nếu bà A theo trình tự thủ tục của Luật Khiếu nại số 02/2011 thì khi đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu bà A không đồng ý thì có quyền khiếu nại lần hai đến Chủ tịch UBND tỉnh, nếu bà A vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Đó là quyền mà pháp luật cho phép công dân được lựa chọn, nên quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện P là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Nếu quyết định giải quyết khiếu nại được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì quyết định hành chính đó thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính.

Theo như ví dụ đã đưa ra thì bà A chỉ khiếu nại về hành vi quản lý đất đai, căn cứ theo quy định tại Điều 264 Luật TTHC về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai và Điều 138 Luật đất đai bà A quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Câu hỏi 13. Thẩm phán tham gia hội đồng xét xử đã xử hủy quyết định thu hồi đất, sau khi án có hiệu lực cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất khác và người dân lại kiện quyết định thu hồi đất mới. Trong trường hợp này Thẩm phán đã tham gia hội đồng xét xử trước có được tham gia hội đồng xét xử đối với quyết định thu hồi đất sau không?

Trả lời:

Thẩm phán chỉ phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án đó, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Toà án cấp tỉnh được tham gia xét xử nhiều lần cùng một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Tại khoản 2 Điều 9 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP hướng dẫn “Đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án đó” là đã tham gia giải quyết vụ án và đã ra bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án (trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Toà án cấp tỉnh được tham gia xét xử nhiều lần cùng một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm)”.

Trong vụ án về quyết định thu hồi đất, hội đồng xét xử đã tuyên hủy quyết định thu hồi đất, sau khi án có hiệu lực thì vụ án đó đã chấm dứt. Đối với trường hợp cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất khác và người dân lại kiện quyết định thu hồi đất mới. Đây là 2 vụ án hành chính khác nhau nên Thẩm phán có thể tiến hành tố tụng đối với khiếu kiện quyết định thu hồi đất sau.

Câu hỏi 14. Cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu cấp GCNQSD đất, phòng Tài nguyên môi trường và Ủy ban nhân dân quận không nhận hồ sơ để làm thủ tục. Trường hợp này người bị kiện là Ủy ban nhân dân quận hay Phòng Tài nguyên và môi trường quận?

Trả lời:

Để xác định được người bị kiện trong vụ án này là Phòng Tài nguyên và Môi trường hay UBND thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan này. Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân cấp huyện, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, biển và hải đảo (đối với những huyện có biển) và cũng quy định rõ chức năng nhiệm vụ của Phòng Tài nguyên và Môi trường, đó là Thẩm định hồ sơ về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu, sử dụng tài sản gắn liền với đất cho các đối tượng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Theo dõi biến động về đất đai; cập nhật, chỉnh lý các tài liệu và bản đồ về đất đai; quản lý hoạt động của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thống kê, kiểm kê, đăng ký đất đai đối với công chức chuyên môn về tài nguyên và môi trường ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là công chức chuyên môn về tài nguyên và môi trường cấp xã); thực hiện việc lập và quản lý hồ sơ địa chính, xây dựng hệ thống thông tin đất đai cấp huyện” (TTLT số: 03/2008/TTLT-BTNMT-BNV ngày 15/7/2008 của Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân các cấp).

Căn cứ vào các quy định trên thì Phòng Tài nguyên và Môi trường quận là người bị kiện trong vụ án này.

(còn tiếp)

Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TOÀ ÁN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê