Xử lý hình sự về an toàn thực phẩm: Cần chú trọng đến tính khả thi của điều luật.
Sáng 20/2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015. Trong đó nổi lên vấn đề, nên xử lý hình sự về tội “ Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” trong những trường hợp nào?
Luật cần đảm bảo tính khả thi.
Trong bối cảnh thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đáng báo động như hiện nay, Bộ luật hình sự 2015 ra đời đã đáp ứng được sự kỳ vọng của đông đảo quần chúng nhân dân trong vấn đề kiên quyết xử lý mạnh tay đối với những hành vi vi phạm về VSATTP.
Tất cả những hành vi vi phạm từ các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản, bán, cung cấp, sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối… đều có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 317 BLHS 2015. Tuy nhiên, để điều luật này thực sự đi vào cuộc sống, có lẽ chúng ta cũng cần xem xét lại những quy định mang tính định lượng (về mức độ tổn hại tính mạng, sức khỏe) đối với tội danh này.
Chẳng hạn, tại điểm d Khoản 1 Điều 317 quy định: “… Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm … gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%... ”.
Hoặc như, khi xây dựng cấu thành tăng nặng của điều luật theo quy định tại điểm d khoản 2; điểm a khoản 3 và các điểm a,b,c thuộc khoản 4 điều 317, nhà làm luật cũng đưa vào các qui định mang tính định lượng (về mức độ tổn hại tính mạng, sức khỏe) như, làm chết số lượng người, tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe…
Trong khi đó, chúng ta đều biết, hậu quả gây ra do các hành vi vi phạm trong lĩnh vực VSATTP thuộc loại hậu quả khó lường, và thông thường, loại hậu quả này không xảy ra ngay tức thời, nên việc qui định mang tính định lượng về hậu quả đối với tính mạng, sức khỏe của con người như trên, rõ ràng là một rào cản trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm về VSATTP.
Vì vậy, để điều luật thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn, thay vì đưa vào các quy định mang tính định lượng như đã nêu trên, chúng ta nên căn cứ vào tác hại của các loại độc tố đối với sức khỏe con người, để có những quy định cụ thể về hàm lượng chất cấm do người vi phạm đưa vào trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Chẳng hạn, chúng ta có thể quy định, người nào chăn nuôi mà cho gia súc ăn từ 100g chất cấm trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 2; nếu hàm lượng chất cấm từ 500g đến dưới 5kg thì sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3; hoặc người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm… sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ… có hàm lượng từ 5% trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1; nếu hàm lượng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ từ 10% đến dưới 20% thì sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2 của điều luật… thì có lẽ, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ dễ dàng hơn trong việc xử lý hành vi vi phạm.
Nên xử lý hình sự trong trường hợp nào?
Chúng ta đều biết, thực trạng vi phạm về VSATTP không phải chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây, mà đã kéo dài từ nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên. Nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều, nhưng không thể không nói đến sự phản ứng chậm chạp của chúng ta trong việc đưa ra một công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm ngăn chặn có hiệu quả đối với tình trạng này. Vì vậy, trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLHS 2015, ngoài việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý phù hợp, chúng ta cũng cần cân nhắc tính chất và mức độ của hành vi vi phạm để xác định cụ thể, trường hợp nào cần phải khởi tố ngay về hình sự, và trường hợp nào cần phải xử lý hành chính trước khi khởi tố vụ án hình sự.
Về điểm này, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Đó là, cần tập trung vào các đối tượng cố ý vi phạm quy định về VSATTP nhằm thu lợi bất chính lớn hoặc gây hậu quả trên diện rộng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Còn đối với các hộ nông dân, hộ buôn bán nhỏ lẻ, do thiếu hiểu biết mà vi phạm thì chỉ nên xử lý hình sự sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...
Thông qua việc xử phạt vi phạm hành chính, chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với người vi phạm. Chẳng hạn, khi xử lý vi phạm hành chính, cơ quan chức năng cần ghi rõ trong Biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hậu quả của việc tái phạm. Đó là, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Đây vừa là một cách để nhắc nhở người vi phạm, nhưng đồng thời cũng là một biện pháp phòng chống hữu hiệu đối với các hành vi tái phạm liên quan đến việc vi phạm quy định về VSATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP