Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Một số vấn đề liên quan đến người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự.
Trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự thời gian gần đây, đã phát sinh một số tình huống gây ra sự tranh cãi về mặt pháp lý cũng như các cách hiểu và áp dụng không thống nhất giữa những người tiến hành tố tụng với nhau cũng như giữa những người tiến hành tố tụng với luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin minh hoạ bằng một trường hợp cụ thể mà hiện nay còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.
Nội dung sự việc:
Luật sư Trần Văn S. có nhận làm đại diện uỷ quyền tham gia tố tụng của bà Nguyễn Thị N. Văn bản uỷ quyền được chứng thực theo quy định pháp luật, được nộp ngay từ khi bắt đầu khởi kiện, với nội dung và phạm vi uỷ quyền như sau: “Ông Trần Văn S được đại diện cho bà Nguyễn Thị N tham gia tố tụng tại TAND các cấp; được thay mặt bà Nguyễn Thị N thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đương sự theo pháp luật quy định; được quyết định mọi việc có liên quan trong quá trình tham gia tố tụng giải quyết vụ án; bà Nguyễn Thị N cam kết chấp hành đúng những gì đã được xác lập trong tờ uỷ quyền và không khiếu nại về sau; thời gian uỷ quyền: cho đến khi vụ án được giải quyết xong”.
Sau khi xét xử sơ thẩm, do không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm nên trong thời hạn kháng cáo, ông Trần Văn S đã thay mặt bà Nguyễn Thị N đứng tên kháng cáo đối với bản án sơ thẩm nêu trên và nộp đơn kháng cáo cho TAND huyện M. Nội dung đơn kháng cáo đúng theo quy định nhưng Thẩm phán giải quyết vụ án không nhận đơn với lý do: ông Trần Văn S không được quyền kháng cáo thay cho bà Nguyễn Thị N mà phải có văn bản uỷ quyền ghi rõ là ông S được uỷ quyền kháng cáo thay và phải có công chứng, chứng thực (theo tiểu mục 1.8, mục 1, phần I Nghị quyết 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thực hiện điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự.
Từ diễn biến nêu trên đã phát sinh 2 quan điểm khác nhau, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tại Điều 243 BLTTDS quy định về người có quyền kháng cáo: “Đương sự, người đại điện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”.
Tại tiểu mục 1.8, mục 1, phần I Nghị quyết 05/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn như sau: “Việc uỷ quyền tại các tiểu mục 1.4, 1.5 và 1.6 mục 1 phần I của Nghị quyết này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản uỷ quyền đó được lập tại Toà án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc cán bộ Toà án được Chánh án Toà án phân công. Trong văn bản uỷ quyền phải có nội dung đương sự uỷ quyền cho người đại diện theo uỷ quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm”.
Do đó, theo quan điểm này thì người đại diện của đương sự phải thực hiện theo đúng các quy định của Điều 243 BLTTDS và hướng dẫn của mục 1, phần I Nghị quyết 05/2006/NQ-HĐTP nêu trên, tức là phải có làm thêm văn bản uỷ quyền và phải có nội dung ghi rõ bà Nguyễn Thị N uỷ quyền cho ông Trần Văn S kháng cáo.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Tại khoản 1 Điều 73 BLTTDS quy định: “Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền”.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 74 BLTTDS quy định: “Người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản uỷ quyền”.
Theo các quy định nêu trên thì không cần thiết phải làm thêm văn bản uỷ quyền kháng cáo cho người đại diện của đương sự. Bởi lẽ, nội dung và phạm vi uỷ quyền của bà Nguyễn Thị N ghi rất cụ thể là ông Trần Văn S được đại diện cho bà tham gia tố tụng tại TAND các cấp; được thay mặt bà Nguyễn Thị N thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đương sự theo pháp luật quy định. Hay nói cách khác, quyền và nghĩa vụ của đương sự được quy định tại Điều 58 BLTTDS cũng đã bao gồm cả quyền kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Toà án.
Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, đồng thời nhận thấy hướng dẫn tại tiểu mục 1.8, mục 1, phần I Nghị quyết 05/2006/NQ-HĐTP chỉ áp dụng đối với trường hợp văn bản uỷ quyền của đương sự không nêu rõ phạm vi uỷ quyền như trường hợp này hoặc mới phát sinh khi đương sự thực hiện quyền kháng cáo.
Trên đây là ý kiến của chúng tôi về việc nhận thức luật và áp dụng luật. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, đóng góp từ phía các đồng nghiệp.
NGUYỄN PHÚ ĐỨC
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO