Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Bị cáo kêu oan, tòa lại giảm án.

11/03/2017, 06:15

Vấn đề bị cáo chỉ kêu oan thì Tòa phúc thẩm không xét giảm án, vốn là một nguyên tắc pháp lý đã được minh định trong pháp luật tố tụng hình sự. Thế nhưng, nhiều trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm đã không tuân thủ nguyên tắc này.

Giảm án vì nhiều lẽ.

Tháng 9/2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao (nay là TAND Cấp cao) tại TP.HCM xử vụ “những ván cờ bạc tỉ” từng gây xôn xao dư luận, đã bác các kháng cáo kêu oan nhưng lại giảm án cho cả bốn bị cáo vì họ có những tình tiết giảm nhẹ chưa được tòa án cấp sơ thẩm xem xét.

Trước đó, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt Nguyễn Thanh Lèo (nguyên phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng) năm năm tù, Đinh Văn Mười (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Sóc Trăng) bốn năm tù về tội đánh bạc. Tòa cũng xử phạt Trần Văn Tân (nguyên giám đốc Trung tâm Sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng 3 Sóc Trăng) tổng cộng 13 năm tù về hai tội đánh bạc và cưỡng đoạt tài sản, Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Thanh Truyền mỗi người 12 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, Ngô Huệ Phấn hai năm tù về tội gá bạc. Sau đó, Lèo và Phấn không kháng cáo, còn Mười, Tân, Hùng, Truyền kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm, dù bác kháng cáo kêu oan nhưng HĐXX vẫn giảm án cho Mười xuống còn hai năm tù vì có mẹ là “Mẹ Việt Nam anh hùng” và hai anh là liệt sĩ; giảm án cho Tân xuống còn sáu năm tù, Hùng và Truyền xuống còn tám năm tù vì thành khẩn khai báo và có sự tác động để gia đình khắc phục hậu quả.

Một trường hợp khác, tháng 2/2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo kêu oan nhưng giảm án cho Nguyễn Văn Thủy từ tám năm tù xuống còn bốn năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.

Trong vụ án công an dùng nhục hình đánh chết người ở Phú Yên, mặc dù hai bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành và Nguyễn Tấn Quang kháng cáo kêu oan, nhưng cũng được TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giảm án.

Gần đây nhất là phiên tòa ngày 9/3 xét xử  vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với ông Lê Văn Phùng (giám đốc Công ty Lê Gia). Theo đó, ông Phùng kháng cáo kêu oan, TAND Cấp cao tại TP.HCM không chấp nhận kháng cáo kêu oan, nhưng cũng giảm án cho bị cáo từ mười lăm năm xuống còn mười ba năm tù.

Luật quy định thế nào ?

Theo tinh thần quy định tại Điều 248 BLTTHS về bản án phúc thẩm và thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm thì: Bản án phúc thẩm phải trình bày “… nội dung kháng cáo, kháng nghị và các căn cứ để đưa ra một trong các quyết định quy định tại khoản 2 điều này…”.

Các quyết định quy định tại khoản 2 điều 248 BLTTHS bao gồm:

a/ Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;

b/ Sửa bản án sơ thẩm;

c/ Huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;

d/ Huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Như vậy, theo quy định tại điều 248 BLTTHS thì bản án phúc thẩm chỉ có thể đưa ra “một trong các quyết định” nêu trên, chứ không thể cùng lúc đưa ra nhiều quyết định, theo kiểu vừa đưa ra quyết định “Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị…” (theo điểm a) lại vừa đưa ra quyết định “ Sửa bản án sơ thẩm” (theo điểm b).

Ngoài ra, quy định tại điểm a khoản 2 của điều luật này cũng cho thấy, một khi bản án phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị thì phải đồng thời giữ nguyên bản án sơ thẩm. Vì hai nội dung "không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị" và "giữ nguyên bản án sơ thẩm" cùng nằm trong một (loại) quyết định thuộc điểm a khoản 2 điều 248 BLTTHS.

Điều này còn được thể hiện qua việc nhà làm luật sử dụng liên từ “và’ nối liền giữa các cụm từ, không chỉ cho riêng điểm a mà còn cho cả các điểm c,d của khoản 2 điều 248 BLTTHS. Theo đó, giữ nguyên bản án sơ thẩm như là hệ quả của việc bác kháng cáo kháng nghị khi áp dụng điểm a; cũng như chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại là hệ quả của việc huỷ bản án sơ thẩm khi áp dụng điểm c; hay như đình chỉ vụ án là hệ quả của việc huỷ bản án sơ thẩm khi áp dụng điểm d…

Như vậy, trong mọi trường hợp, khi bản án phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 2 điều 248 BLTTHS, xử: không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo thì phải đồng thời giữ nguyên bản án sơ thẩm, chứ không thể chỉ áp dụng “một nửa” nội dung quyết định là “không chấp nhận kháng cáo kêu oan”, sau đó lại chuyển sang áp dụng tiếp nội dung quyết định tại điểm b khoản 2 để sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác