Nữ CN nhặt vàng ở Cà Mau: Không có căn cứ để trả lại đơn kiện
Việc TAND TP. Cà Mau không thụ lý vụ án, mà trả lại đơn kiện cho bà Mai là trái với các quy định của Luật Tố tụng hành chính hiện hành.
Vừa qua, TAND TP. Cà Mau có thông báo trả lại đơn kiện của bà Phạm Tuyết Mai (36 tuổi, ngụ xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), người nhặt được gần 5 lượng vàng khi phân loại rác tại Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau, với lý do, Trưởng Công an TP. Cà Mau ra thông báo trả lại toàn bộ số vàng nữ trang cho chủ sở hữu là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan công an, không phải quyết định hành chính hay hành vi hành chính. Vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.
Hoạt động nghiệp vụ là hoạt động gì?
Trước hết, cần xác định rằng, theo quy định của pháp luật, trong vụ việc này, thẩm quyền xử lý tài sản của Công an TP. Cà Mau đối với 5 lượng vàng do bà Mai giao nộp, chỉ có thể được tiến hành theo hai thủ tục:
Một là, thủ tục tố tụng hình sự. Đây là trường hợp, sau khi tiếp nhận thông tin về việc trình báo mất tài sản của bà Ngân, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Trộm cắp tài sản”.
Trong trường hợp này, nếu số vàng do bà Mai giao nộp, được xác định là tài sản của bà Ngân bị mất trộm trước đó, thì cơ quan công an có thể ra quyết định giao trả tài sản lại cho chủ sở hữu theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về xử lý vật chứng.
Việc giao trả tài sản trong trường hợp này, được tiến hành theo các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, nên không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Hai là, thủ tục hành chính. Đây là trường hợp cơ quan công an xử lý tài sản theo quy định tại các Điều 239 và 241 Bộ luật dân sự (BLDS). Theo đó, với tư cách là cơ quan tiếp nhận tài sản do người khác nhặt được và mang đến giao nộp (theo quy định tại các Điều 239, 241 BLDS), cơ quan công an có nhiệm vụ thông báo để tìm chủ sở hữu tài sản. Nếu quá thời hạn thông báo mà không có người đến nhận, thì căn cứ quy định tại các Điều 239, 241 BLDS, giao lại tài sản cho người tìm thấy, nhặt được để họ xác lập quyền sở hữu theo các điều luật nêu trên.
Trường hợp có sự tranh chấp về quyền sở hữu tài sản giữa người nhặt được và người cho rằng mình là chủ sở hữu tài sản, thì cơ quan công an cũng không có thẩm quyền công nhận hoặc giao tài sản cho bất kỳ bên nào, mà cần chuyển hồ sơ vụ việc sang toà án để cơ quan này giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, không có bất kỳ một hoạt động nghiệp vụ nào liên quan đến việc xử lý tài sản trong trường hợp này.
Phải xem là hành vi hành chính
Bà Phạm Tuyết Mai
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính thì, hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Tại thời điểm bà Mai giao nộp tài sản nhặt được, cũng như cho đến thời điểm này, cơ quan Công an TP. Cà Mau không có bất kỳ một quyết định khởi tố vụ án hình sự nào theo nội dung trình báo mất vàng của bà Ngân. Hơn nữa, hiện nay bà Ngân cũng đã thừa nhận, số vàng trên là do bà bị thất lạc, chứ không phải bị mất trộm.
Như vậy, việc Công an TP. Cà Mau giao trả lại 5 lượng vàng cho bà Ngân, rõ ràng không thuộc trường hợp xử lý vật chứng, và cũng không phải là hành vi tố tụng trong vụ án hình sự nói chung, mà đây chính là hành vi hành chính, vì nó liên quan đến nhiệm vụ tiếp nhận và giao trả tài sản của cơ quan công an được quy định tại các Điều 239, 241 BLDS.
Việc TAND TP. Cà Mau cho rằng, Trưởng Công an TP. Cà Mau ra thông báo trả lại toàn bộ số vàng nữ trang cho chủ sở hữu, là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan công an, không phải quyết định hành chính hay hành vi hành chính, để từ đó không thụ lý vụ án, mà trả lại đơn kiện cho bà Mai là trái với các quy định của Luật Tố tụng hành chính hiện hành.
Luật sư Hồ Ngọc Diệp
(Bài viết đã đăng trên báo Người đưa tin và ấn phẩm Công lý & Xã hội của TAND Tối cao)