Vụ cưa gỗ khô: Không thể tùy tiện trong áp dụng pháp luật
(PL)- Không thể có chuyện cưa gỗ khô thì xử tội này, cưa gỗ tươi thì xử tội kia.
Mới đây, phát biểu trên báo Pháp Luật TP.HCM về vụ năm công dân vào rừng cưa cây gỗ khô, bị xét xử về tội trộm cắp tài sản, chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho biết: “Sau vụ này, có thể sẽ đưa vào làm án lệ, ai cưa cây gỗ khô là áp dụng tội trộm cắp…”.
Từ nhận định trên, người ta có thể tự hỏi phải chăng theo quan điểm của tòa này, tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng chỉ áp dụng cho các hành vi chặt hạ cây rừng đang sống, còn đối với cây khô, cây chết thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp tài sản?
Nếu đúng như thế thì quan điểm này đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản về áp dụng pháp luật.
Khi luật không phân biệt thì không suy diễn
Đây là một trong những nguyên tắc căn bản trong việc giải thích và áp dụng pháp luật. Theo nguyên tắc này, nếu điều luật quy định một cách tổng quát thì khi áp dụng, thẩm phán (hay tòa án nói chung) không thể tùy tiện phân biệt để thu hẹp hay mở rộng phạm vi áp dụng của điều luật.
Theo tinh thần quy định tại Điều 175 BLHS 1999 cũng như Điều 232 BLHS 2015 thì tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng là hành vi khai thác trái phép cây rừng hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng. Ngoài ra, nội dung của cả hai điều luật nêu trên hoàn toàn không có sự phân biệt nào về hành vi khai thác đối với cây rừng còn sống hay cây rừng đã chết, đã khô…
Mặt khác, khách thể của tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng là trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ rừng nói chung.
Vì vậy, nếu cho rằng đối với hành vi khai thác cây rừng đang sống thì sẽ bị xử lý về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, còn khi cây rừng đã chết, đã khô thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản là đã có sự phân biệt về đối tượng cây rừng bị khai thác, xâm phạm. Và như vậy việc áp dụng pháp luật trong trường hợp này, được xem là trái với nguyên tắc “khi luật không phân biệt thì cấm phân biệt” như đã nêu trên.
Không thể tạo ra án lệ phi lý, sai nguyên tắc như thế
Án lệ, trong ý nghĩa tổng quát của nó là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể, được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được chánh án TAND Tối cao công bố để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 03/2015 ngày 28-10-2015 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (về tiêu chí lựa chọn án lệ) thì án lệ phải “Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể”.
Như vậy có thể thấy theo quan điểm của TAND Tối cao thì mục đích của án lệ, trước hết là để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau. Điều đó cũng có nghĩa đối với những quy định pháp luật đã rõ ràng thì không có lý do gì để tạo ra án lệ.
Mặt khác, về nguyên tắc, án lệ của tòa án không thể trái với nội dung của pháp luật thành văn. Tức là khi pháp luật thành văn đã có những quy định cụ thể và được áp dụng một cách phổ quát thì án lệ không thể tùy tiện đưa ra quan điểm hay đường lối xét xử trái với nội dung của các quy định này.
Hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo quy định tại Điều 175 BLHS 1999 cũng như Điều 232 BLHS 2015 là những quy định pháp luật mang tính phổ quát, được áp dụng cho tất cả hành vi khai thác trái phép cây rừng nói chung mà không phân biệt cây rừng bị khai thác là cây còn sống hay cây đã chết, đã khô.
Vì vậy, việc tạo ra một án lệ bằng cách phân biệt đối tượng cây rừng bị khai thác, xâm phạm để thu hẹp phạm vi áp dụng của điều luật (chỉ áp dụng cho trường hợp khai thác cây sống) là hoàn toàn không có cơ sở và trái với các quy định của pháp luật về tội danh này.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP (Theo PLO)