Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Từ vụ công an dùng nhục hình ở Phú Yên bàn về hành vi bắt người trái pháp luật.

18/08/2016, 06:07

Phiên toà phúc thẩm vụ 5 công an dùng nhục hình, dẫn đến cái chết của nạn nhân Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, dự kiến sẽ được mở lại vào ngày 23-8 tới đây. Vấn đề dư luận quan tâm trong phiên xử phúc thẩm này là, hành vi của các bị cáo có cấu thành tội “ Bắt người trái pháp luật” hay không? luatsuhongocdiep.vn xin giới thiệu lại bài viết của luật sư Hồ Ngọc Diệp về vấn đề này.

Bắt người không có lệnh bắt, có phạm tội ?

Hành vi bắt người trái pháp luật thuộc tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” được quy định tại Điều 123 Chương XIII của BLHS, thuộc Phần “Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân”.

Mặc dù điều luật quy định đến ba hành vi (bắt, giữ, giam) nhưng bản thân cấu thành cơ bản của tội phạm này lại được nhà làm luật mô tả rất đơn giản. “ Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm…”

Quá trình thực hiện BLHS từ trước đến nay cũng không có văn bản hướng dẫn nào giải thích cụ thể, thế nào là hành vi bắt người trái pháp luật. Nguyên nhân, có lẽ một phần là do trên thực tế, các trường hợp bị khởi tố về hành vi bắt người, phần lớn đều xảy ra giữa người dân với nhau nên việc áp dụng pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với hành vi phạm tội này không có gì vướng mắc. Thế nhưng, mọi việc trở nên phức tạp kể từ khi xảy ra vụ án đình đám về việc 5 cán bộ công an dùng nhục hình, dẫn đến cái chết của nạn nhân Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ xã Hoà Đồng, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên) . Từ đây, nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra xoay quanh việc xác định các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội danh này.

Đầu tiên là vấn đề chủ thể của tội phạm. Căn cứ vào cấu thành cơ bản cũng như cấu thành tăng nặng của điều luật (điểm b khoản 2) thì chủ thể của hành vi bắt người trái pháp luật là bất kỳ ai, kể cả những người có thẩm quyền bắt người trong các cơ quan tư pháp.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, đối với những người có thẩm quyền bắt người thuộc các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của BLTTHS thì trường hợp bắt người nào của họ bị xem là hành vi bắt người trái pháp luật? Nếu họ bắt người không đúng thủ tục, nhưng mục đích của việc bắt người là nhằm phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử… thì hành vi đó có xem là phạm tội bắt người trái pháp luật không?

 Từ quan điểm cá nhân, chúng tôi không chỉ lên án đối với hành vi bắt người tuỳ tiện, không có lệnh bắt, không đúng thủ tục mà còn phản đối tất cả những gì bị xem là vi phạm thủ tục tố tụng trong hoạt động điều ra, truy tố và xét xử vụ án hình sự nói chung.

Tuy nhiên, để cho rằng, việc bắt người không có lệnh bắt, không đúng thủ tục của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, là hành vi tội phạm thì không ổn cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 4 Thông tư Liên tịch số 01/2010 ngày 27/8/2010 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Toà án nhân dân Tối cao thì, được xem là vi phạm nghiêm trọng tố tụng khi: quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.

Như vậy, việc người có thẩm quyền bắt người, nhưng không có lệnh bắt, thực chất là họ không thực hiện một hành vi tố tụng mà lẽ ra họ phải thực hiện theo quy định của BLTTHS. Do vậy, trường hợp này chỉ có thể xem là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng chứ không thể xem là hành vi bắt người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123 BLHS được.

Rất dễ tạo nên nghịch lý tố tụng.

Một cách tổng quát, có thể thấy rằng, để xác định có hành vi bắt người trái pháp luật, cần phải dựa trên ba yếu tố: một là, bắt người vì những động cơ, mục đích cá nhân. Hai là, bắt người trong những trường hợp pháp luật không cho phép. Ba là, người thực hiện hành vi bắt người không có thẩm quyền bắt người theo quy định của pháp luật tố tụng.

Ví dụ: A nợ B 100.000.000 đồng nhưng không trả, B rủ thêm C,D cùng thực hiện hành vi bắt A  để đòi nợ. Trong trường hợp này cả B,C,D được xác định là phạm tội bắt người trái pháp luật, và hành vi của họ hội đủ cả ba yếu tố là, có mục đích cá nhân, pháp luật không cho phép và không có thẩm quyền.

Ngoài ra, đối với người có thẩm quyền bắt người theo quy định của BLTTHS nhưng họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn này để bắt người vì mục đích cá nhân thì cũng xem là hành vi bắt người trái pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 123 BLHS.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được hiểu là, người có chức vụ, quyền hạn, thay vì dùng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao thì họ lại dùng nó cho mục đích cá nhân, làm khác đi nhiệm vụ mà họ được giao.

Ví dụ: A là Viện trưởng VKSND tỉnh X. theo quy định của pháp luật tố tụng, A có thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Thế nhưng  A đã lợi dụng quyền hạn này để bắt giam chị Y, là người đang nợ tiền của vợ A, trong khi việc chị Y nợ tiền vợ A chỉ là quan hệ dân sự.

Trong trường hợp này, hành vi của A đã cấu thành tội bắt, giam người trái pháp luật với tình tiết định khung hình phạt là lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội. Trái lại, nếu A thực hiện đúng quyền hạn, nhiệm vụ của mình trong việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam thì cho dù không có lệnh bắt hoặc bắt không đúng thủ tục, thì cũng không thể xem A phạm tội bắt người trái pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 123 BLHS. Bởi lẽ, việc bắt người của A là nhằm mục đích phục vụ cho quá trình tố tụng vụ án chứ không có động cơ, mục đích nào khác.

Để thấy rõ hơn vấn đề, chúng tôi xin lấy ví dụ ngay trong vụ án dùng nhục hình này. Vụ 5 công an dùng nhục hình xảy ra tại Phú Yên chỉ thực sự trở nên “dậy sóng” khi những công an này dùng nhục hình tra tấn, dẫn đến cái chết oan uổng của nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Nhưng thử đặt giả thiết, nếu không có việc công an dùng nhục hình dẫn đến cái chết của anh Kiều. Đồng thời quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với hành vi phạm tội của anh Kiều (nếu có) được xem là đúng người, đúng tội, và bản án xét xử hành vi phạm tội của anh Kiều đã có hiệu lực, liệu có ai nêu ra vấn đề khởi tố đối với hành vi bắt người trái pháp luật?

Mặt khác, nếu cho rằng, bắt người không có lệnh hoặc vi phạm thủ tục là hành vi bắt người trái pháp luật thì thử hỏi, đối với những vụ án xét xử đúng người, đúng tội và bản án xét xử đối với người bị bắt đã có hiệu lực, nhưng chỉ vì khi thực hiện việc bắt người, có vi phạm thủ tục, mà cho rằng cần phải khởi tố đối với người ra lệnh bắt thì liệu có đúng không, có khả thi không? Làm sao có thể khởi tố người ra lệnh bắt khi họ bắt đúng đối tượng phạm tội và toà án đã xét xử, kết án đối với người bị bắt?

Làm sao có thể tồn tại một nghịch lý tố tụng theo kiểu, vừa xét xử, kết án người bị bắt về một tội phạm nào đó, lại vừa khởi tố người ra lệnh bắt về hành vi bắt người trái pháp luật đối với chính người phạm tội đó?

Rõ ràng đây là một nghịch lý không thể tồn tại trong thực tiễn tố tụng.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong mọi trường hợp, người có thẩm quyền bắt người trong các cơ quan tố tụng, một khi đã bắt đúng đối tượng, và bắt trong các trường hợp pháp luật cho phép. Bắt để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì cho dù không có lệnh bắt hay việc bắt người của họ không đúng thủ tục, thì cũng không thể xem đó là hành vi bắt người trái pháp luật.

Việc một số người xem hành vi bắt người không đúng thủ tục, như không có lệnh bắt, bắt vào ban đêm… là hành vi khách quan của tội “Bắt người trái pháp luật” quy định tại Điều 123 BLHS là một sự nhầm lẫn trong việc phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội danh này.

Kỳ tới: phúc thẩm vụ công an dùng nhục hình ở Phú Yên: Cần xem xét về tội giết người.

                                                     Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

(Bài viết đã đăng trên ấn phẩm Công lý & Xã hội của TAND Tối cao)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê