Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Trách nhiệm dân sự trong luật Hồng Đức (2)
Có thể thấy quan điểm của các nhà lập pháp về hình phạt và trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự. Yếu tố lỗi có ý nghĩa trong việc xác định tiền bồi thường thiệt hại và các chế tài hình sự kèm theo.
Trường hợp đặc biệt
Các trường hợp này đặc biệt bởi vì nó gắn liền với các giá trị, đạo đức phong kiến, đặc biệt là dưới triều đại nhà Lê sử dụng Nho giáo như là công cụ tư tưởng quan trọng để điều chỉnh xã hội. Đó là trường hợp chịu trách nhiệm không phải do hành vi của mình gây ra mà về hành vi của người khác và chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do gia súc, súc vật của mình gây ra. Những quy định này đặc thù cho chế độ phong kiến nên nó không tồn tại trong pháp luật dân sự hiện đại.
Do người khác gây ra
Trường hợp này bao gồm trường hợp thiệt hại người cha chịu thay người con và thiệt hại người chủ phải chịu thay đầy tớ của mình. Xuất phát từ quan điểm đạo đức phong kiến về mối quan hệ phụ – tử trong Tam cương của Nho giáo, người cha có vai trọng quan trọng, là trụ cột trong gia đinh, có nhiệm vụ dạy dỗ con cái, vì vậy hành vi gây thiệt hại của con cái có phần lỗi lớn trong việc giáo dục không nghiêm khắc của người cha, nên người cha phải chịu thay con đối với thiệt hại gây ra cho người khác.
Điều 457 quy định: “Các con còn ở với cha mẹ mà đi ăn trộm, thì cha bị xử tội biếm, ăn cắp thì cha bị xử tội đồ, nặng thì xử tăng thêm tội, và đều phải bồi thường thay cho con những tang vật ăn trộm hay ăn cướp. Nếu con đã ở riêng, thì cha bị xử tội phạt hay biếm; cha đã báo quan thì không phải tội,nhưng báo quan rồi mà để con ở nhà thì cũng bị xử như là chưa báo“.
Tương tự như trên, vai trò của người chủ đối với đầy tớ của mình cũng được xác định rất rõ. Nếu người chủ không trông coi, dạy dỗ đầy tớ cẩn thận để đầy tớ gây tổn thất cho người khác thì người chủ phải chịu trách nhiệm với hành vi đó.
Điều 456 quy định: “Đầy tớ đi ăn trộm, mà chủ không báo quan, thì xử biếm năm tư, ăn cướp thì biếm năm tư và bãi chức;chủ không có quan chức thì thay xử đồ làm chủng điền binh và đều phải bồi thường thay những tang vật ăn trộm hay ăn cướp thì phải đồng tội. Đã báo quan mà sau lại bao dung những đầy tớ ăn cướp ăn trộm thì xử như tội biết việc mà không trình“.
Quy định trên một mặt đề cao mối quan hệ về trật tự phong kiến trong xã hội đồng thời nêu cao trách nhiệm của người chủ trong gia đình, trách nhiệm của người trông coi đầy tớ. Tính chất chịu trách nhiệm thay thể hiện quan điểm cứng rắn của các nhà lập pháp nhằm thiết lập sự ổn định trong xã hội.
Do gia súc, súc vật
Có thể khẳng định đây là trường hợp mà pháp luật được nâng lên từ thực tiễn cuộc sống của một xã hội có nền kinh tế nông nghiệp lâu đời và nền văn hóa tiểu nông trọng tình nghĩa với ý nghĩa giữ gìn tình đoàn kết cộng đồng, xóm giềng, có thể minh họa bằng quy định tại Điều 585: “Trâu của hai nhà đánh nhau, con nào chết thì hai nhà cùng ăn thịt, con nào sống thì hai nhà cùng cày, trái luật thì xử phạt 80 trượng“. Quy định trên cho thấy sự dự liệu của Quốc triều hình luật bám rất sát đời sống người dân, bảo đảm tính bền vững cộng đồng truyền thống.
Tuy vậy Luật Hồng Đức cũng đặt nặng về vấn đề bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.[16] Cụ thể là, Điều 581 Luật Hồng Đức quy định: “Người thả trâu ngựa cho dày xéo, ăn lúa, dâu của người ta thì xử phạt 80 trượng và đền sự thiệt hại. Nếu cố ý thả cho dày xéo thì biếm một tư và đền gấp đôi sự thiệt hại. Nếu trâu ngựa lồng lên không kìm hãm được thì được miễn tội trượng“.
Theo quy định trên, người trực tiếp quản lý trâu, ngựa mà vô ý như chăn dắt trâu ngựa trông coi không cẩn thận để trâu, ngựa phá hoại hoa màu, mùa màng thì bị phạt 80 trượng và phải đền bù toàn bộ thiệt hại. Trường hợp cố ý cho trâu, ngựa phá hoại mùa màng, hoa màu thường là những hành vi mang tính trả thù. Trường hợp này, việc phá hoại mùa màng không những vi phạm trật tự an ninh xã hội mà còn làm ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực của chủ sở hữu, cho nên pháp luật áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với người vi phạm.
Nhưng do bản tính hung dữ, trâu, ngựa lồng lên mà người chăn dắt không kìm hãm được việc phá hoại của trâu, ngựa thì chủ sở hữu không có lỗi trong việc trông coi, cho nên không phải chịu trách nhiêm hình sự, tuy nhiên về trách nhiệm dân sự vẫn phải bồi thường thiệt hại.
Cần nói thêm là trâu, ngựa là loại súc vật to lớn giúp con người trong sản xuất kinh doanh, vì vậy người nông dân thường phải lựa chọn những con súc vật này có tính hiến lành, không hung dữ, như thế mới có thể điều khiển được chúng. Tuy nhiên, có những trường hợp trâu, ngựa phá hoại mùa màng là do hành vi bất cẩn của con người hoặc do hành vi cố ý sử dụng trâu, ngựa làm phương tiện, công cụ để phá hoại mùa màng của người khác, cho nên chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.
Trong thực tiễn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, có trường hợp những con sức vật có tính hung dữ luôn đe doạ gây thiệt hại, vì vậy, chủ sở hữu phải có các biện pháp ngăn chặn không cho súc vật gây thiệt hại tới tài sản, tính mạng, sức khoẻ của người khác. Điều 582 Luật Hông Đức quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật hung dữ gây ra như sau: “Súc vật và chó có tính hay húc, đã và cắn người mà làm hiệu buộc ròng không đúng phép (đúng phép là con vật hay húc người thì phải cắt hai sừng, đá người thì buộc hai chân, cắn người thì phải cắt hai tai) hay chó dại mà không giết thì đều xử phạt 60 trượng“.
Đối với súc vật có tính hung dữ, chủ sở hữu phải có các biện pháp trông giữ theo quy định của pháp luật như trâu, bò hay húc thì phải cắt hai sừng, vì sừng là “vũ khí” nguy hiểm để tấn công con người hay súc vật khác, nếu cắt bỏ thì khả năng gây thiệt hại không còn. Nếu ngựa hay đá người thì phải buộc rằng hai chân trước và sau sao cho có thể đi lại được bình thường nhưng không thể co chân đá người khác và có nghĩa là nếu co hai chân sau lên cùng đá thì con ngựa sẽ bị ngã, cho nên không thể gây ra thiệt hại.
Đối với chó hay cắn người thì cắt hai tai, đây là biện pháp trừng phạt theo cách thức dân gian có hiệu quả. Chó phát hiện ra con người từ hướng nào và chuẩn bị tấn công người hướng đó là do thính giác, vì thế chó bị cắt hai tai sẽ không phát hiện ra tiếng động từ phía nào, cho nên nó không chủ động tấn công con người. Đối với chó dại là nguồn nguy hiểm cho bất cứ ai, nếu không giết ngay sẽ gây nguy hiểm về tính mạng cho người khác, vì thế chủ sở hữu phải giết chó dại ngăn ngừa chó căn người, nhưng chủ sở hữu không thực hiện việc phòng ngừa đó, cho nên phải chịu hình phạt là 60 trượng.
Súc vật không những gây thiệt hại về tài sản, tính mạng sức khoẻ cho con người, mà còn gây thiệt hại cho những con sức vật cùng loại khác như trâu bò đánh nhau. Đặc biệt trâu mộng là con vật luôn thể hiện mình có sức mạnh nhất mà con khác phải coi chừng và phải nhường lãnh địa kiếm ăn, vì thế, do bản tính kình địch thủ, chúng hay đánh nhau đến chết. Do vậy, nếu xảy ra hai trâu đánh nhau dẫn đến hậu quả một con chết thì được xử lý theo quy định tại Điều 586 Luật Hồng Đức: “Trâu của hai nhà đánh nhau, con nào chết thì hai nhà cùng ăn thịt, con sống hai nhà cùng cầy. Trái luật xử phát 80 trượng“.
Con trâu là đầu cơ nghiệp của một gia đình nông dân, điều này vẫn còn phù hợp đến ngày nay ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nếu không có trâu cày, kéo thì kinh tế của gia đình người nông dân bị ảnh hưởng, vì vậy, Luật Hồng Đức quy định là nếu hai con trâu đánh nhau mà một con chết thì con chết chia đôi cho mỗi chủ sở hữu một nửa và con còn sống thuộc sở hữu chung của hai nhà. Quy định này nhằm đảm bảo cho hai gia đình đều có trâu để cầy, kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Điều 581 tuy xử phạt khá nặng kẻ cố ý thả trâu ngựa phá hoại mùa màng của kẻ khác nhưng vẫn lưu ý giảm nhẹ trong trường hợp thiệt hại là khó tránh hoặc không thể kháng cự. Nội dung cụ thể như sau: “Người thả trâu ngựa cho dày xéo, ăn lúa dâu của người ta thì xử phạt 80 trượng,đền sự thiệt hại; Nếu cố ý thả cho giày xéo, phá hoại người ta thì xử biếm một tư và đền gấp đôi sự thiệt hại. Nếu vì trâu ngựa chạy lồng lên không kìm hãm được, thì miễn tội trượng“.
Điều 582 quy định về việc súc vật hay chó gây tổn hại cho người khác trên cơ sở buộc người nuôi súc vật hay chó có tính hay húc, đá và cắn phải làm hiệu buộc tròng đúng phép, nếu làm hiệu buộc tròng không đúng phép hay có chó hóa dại mà không giết thì bị xử phạt 60 trượng cho dù chưa có tổn thất gì xảy ra. Nếu buộc tròng không đúng phép mà để súc vật làm người chết hay bị thương thì được coi là sự vô ý phạm tội nên được xử theo tội lầm lỡ.
Trường hợp cố ý thả súc vật làm người chết hay bị thương thì chủ nuôi thì chủ nuôi đã có lỗi cố ý để cho súc vật gây tổn thất cho người khác, do đó sẽ bị xử tội như tội làm bị thương hay đánh chết người nhưng được giảm nhẹ hơn một bậc. Nhưng nếu người bị tổn thất là người được thuê đến để chữa bệnh cho súc vật hoặc nhười vô cớ trêu ghẹo súc vật để dẫn đến bị thương hay chết thì chủ không bị xử.
Như vậy cũng có hai trường hợp chủ súc vật được loại trừ hình phạt khi tổn thất được coi như rủi ro nghề nghiệp của những người hành nghề thú y hoặc những người tự mình có lỗi trong việc để súc vật gây ra tổn thiệt cho mình. Quy định này đã được pháp luật dân sự hiện đại kế thừa bằng việc khẳng định nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây ra thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.[17]
Do đồ vật
Trường hợp bồi thường tổn thất do các vật khác bị phá hủy gây ra quy định tại Điều 685: “Khi có sự việc xây dựng phá hủy gì mà phòng bị không cẩn thận để đến nỗi xảy ra chết người thì xử biếm một tư, và chịu tiền mai táng năm quan,còn thợ thuyền và người chủ ty thì hình quan xem xét đến lỗi vì ai xảy ra mà định tội“.
Đây là trường hợp xử khá nhẹ, ta thấy chỉ áp dụng trong trường hợp chết người mà không dự liệu các trường hợp bị thương khác. Điều này có thể được hiểu bởi trên thực tế các tình huống như trên không thường xuyên xảy ra nên nhà làm luật không dự liệu đến, thực tiễn với một nước nông nghiệp thì việc xây dựng là không phổ biến nhiều và nếu có thì thiệt hại cũng không đáng kể.
Khi xây dựng nhà ở, công trình xây dựng, chủ sở hữu phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo an toàn trong xây dựng và có biện pháp đề phòng các trường hợp có thể gây thiệt hại cho tài sản, tính mạng sức khoẻ của người khác. Tuy nhiên, nếu xây dựng hoặc phá huỷ công trình xây dựng mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường.
Trường hợp này có hai khả năng xảy ra: Thứ nhất là khi xây dựng hoặc phá huỷ công trình mà người trực tiếp làm công việc đó có lỗi để gây ra thiệt hại. Thứ hai, do người chủ không cẩn thận trong việc ngăn ngừa thiệt hại để cho công trình xây dựng gây thiệt hại đẫn đến chết người, trường hợp này lỗi của chủ sở hữu là gián tiếp cho nên chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại, đây là trách nhiệm do tài sản gây ra.
Cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp trên là lỗi vô ý của chủ sở hữu hoặc lỗi của người trực tiếp xây dựng, của người nhận thầu công trình và hậu quả là chết người. Mặc dù lỗi của ai nữa thì suy đoán cũng là lỗi của chủ sở hữu vì người xây dựng là người làm thuê hoặc làm giúp cho chủ sở hữu, cho nên công việc xây dựng hoặc phá dỡ là của chủ sở hữu. Vì vậy, chủ sở hữu công trình và phải bồi thường. Nếu chủ sở hữu có lỗi vô ý vì cẩu thả “không cẩn thận” sẽ bị xử tội biếm và phải bồi thường tiền mai táng cho nạn nhân là 5 quan tiền.
Khi xây dựng, phá dỡ cồng trình, việc gây thiệt hại có thể do thợ xây hoặc người tháo dỡ công trình xây dựng bất cẩn để xảy ra thiệt hại, trước hết chủ sở hữu phải bồi thường. Nếu những người trực tiếp thực hiện việc xây dựng, phá dỡ có lỗi, thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị hình phạt tương xứng.
Nguyên tắc bồi thường
Trong thời kỳ cổ xưa khi xã hội chưa có nhiều định chế để giải quyết các vụ tranh chấp giữa các cá nhân với nhau nên mỗi khi quyền lợi của cá nhân bị xâm phạm, các cá nhân được tự ý trừng phạt lẫn nhau hoặc bắt đối phương làm nô lệ, hay tước đoạt tài sản của họ. Đây là chế độ “tư nhân phục cừu”. Dấu ấn của chế độ này còn lưu lại trong một số điều của Bộ Luật Hồng Đức.
Theo Điều 591 Bộ Luật Hồng Đức thì: “Người đòi nợ không trình quan mà tự ý bắt đồ đạc, của cải của người mắc nợ, nếu quá số tiền trong văn tự thì xử phạt 80 trượng, tính những của cải ấy trả cho người có nợ, còn thừa thì trả cho người mắc nợ“.
Như vậy Bộ Luật Hồng Đức cho phép bắt đồ đạc để trừ nợ nếu việc trừ nợ không quá số tiền cho vay. Hạn chế này của Bộ Luật Hồng Đức nhằm loại trừ sự tự tiện của chủ nợ trong việc chiếm đoạt tài sản của con nợ để bù vào số tiền cho vay.
Từ các quy định viện dẫn trên chứng tỏ chế độ “tư nhân phục cừu” đã xuất hiện ở Việt Nam. Có thể nói rằng đây là manh nha của chế độ trách nhiệm dân sự cho dù không có điều khoản nào của hai Bộ luật trên nói đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cả. Đến khi bộ máy Nhà nước được tổ chức ổn định trong xã hội thì hai bên không được tự tiện trả thù hay tự tiện thỏa thuận số tiền chuộc mà việc giải quyết tranh chấp phải bằng cách bồi thường một khoản tiền mà pháp luật quy định.
Khoản tiền bồi thường này vừa có tính chất là hình phạt vừa có tính chất là bồi thường. Theo Điều 29 Bộ Luật Hồng Đức thì tiền đền mạng được ấn định tùy theo phẩm trật của kẻ bị chết như sau:
1. Nhất phẩm, tòng nhất phẩm được đền 15.000 quan
2. Nhị phẩm, tòng nhị phẩm 9.000 quan
3. Tam phẩm, tòng tam phẩm 7.000 quan
4. Tứ phẩm, tòng tứ phẩm 5.000 quan
5. Ngũ phẩm, tòng ngũ phẩm 2.000 quan
6. Lục phẩm, tòng lục phẩm 1.000 quan
7. Thất phẩm, tòng thất phẩm 500 quan,
8. Bát phẩm đến cửu phẩm 300 quan
9. Thứ dân trở xuống 150 quan
Trong trường hợp đánh người gây thương tích thì người phạm tội ngoài hình phạt bị đánh roi còn phải bồi thường cho nạn nhân theo mức đã được quy định trong Điều 466 Bộ Luật Hồng Đức như sau: “Sưng phù thì phải đền tiền tổn thương 3 tiền, chảy máu thì phải 1 quan, gãy một ngón tay, một răng thì đền 10 quan, đâm chém bị thương thì 15 quan. Đọa thai chưa thành hình thì 30 quan, đã thành hình thì 50 quan, đứt lưỡi, hỏng âm vật, dương vật thì đền 100 quan. Về người quyền quý thì xử khác”.
Ở đây có thể thấy Luật Hồng Đức chưa có sự phân biệt rõ rệt giữa trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự. Tuy chỉ được coi là một yếu tố cấu thành trong trách nhiệm hình sự và chưa được coi là một chế định riêng biệt về trách nhiệm dân sự (tức là chỉ bắt người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại mà không trừng phạt về hình sự) song Bộ Luật Hồng Đức cũng đã ý thức được vai trò của bồi thường thiệt hại cũng vì thế mà trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã dần dần có xu hướng tách rời khỏi các trách nhiệm hình sự.
Cũng theo Điều 581 Bộ Luật Hồng Đức thì: “Người thả trâu, ngựa cho dày xéo, ăn lúa, dâu của người khác thì phải xử phạt 80 trượng và đền bù thiệt hại. Nếu cố ý thả cho dày xéo, phá hoại thì xử biếm một tư và đền gấp đôi sự thiệt hại. Nếu vì trâu, ngựa chạy lồng lên không kìm hãm được thì miễn tội trượng“.
Như vậy, trong trường hợp này chỉ là vấn đề bồi thường thiệt hại là một trách nhiệm thuần túy dân sự hoặc Điều 585 Bộ Luật Hồng Đức quy định rằng: “Trâu của hai nhà đánh nhau, con nào chết thì cả hai cùng thịt, con nào sống thì hai nhà cùng cày, trái luật thì xử phạt 80 trượng“. Như vậy, hình phạt chỉ phải dùng đến khi các đương sự không tuân theo giải pháp dân sự đã được ấn định.
Mặc dù các quy định nêu trên chỉ áp dụng trong một phạm vi có giới hạn song điều này chứng tỏ khái niệm trách nhiệm dân sự dân sự không phải là khái niệm xa lạ trong Cổ Luật Việt Nam. Có thể nói rắng ý niệm này đã manh nha và cùng với sự phát triển của hệ thống pháp luật dần dần được định hình với tư cách là một chế định trách nhiệm.
(còn tiếp…)