Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vụ VN Pharma : Thuốc giả vẫn phải xử lý tội buôn lậu.

01/11/2017, 07:00

Việc xác định tội danh đối với các bị cáo trong vụ án này (là “buôn lậu” hay “buôn bán hàng giả”) về mặt khoa học pháp lý, vẫn còn nhiều điểm cần bàn.

Vụ án “Buôn lậu” xảy ra tại Công ty Cổ phần  VN Pharma tạm thời khép lại bằng Bản án Phúc thẩm ngày 30 - 10 của Toà án nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP,HCM. Theo đó, cấp phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để tố tụng lại vụ án từ giai đoạn điều tra.

Tuy nhiên, việc xác định tội danh đối với các bị cáo trong vụ án này (là “buôn lậu” hay “buôn bán hàng giả”) về mặt khoa học pháp lý, vẫn còn nhiều điểm cần bàn.

Từ cấu thành cơ bản của điều luật.

Theo dõi quá trình diễn biến của vụ án qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, vấn đề mà dư luận bức xúc và cảm thấy “vô lý” nhất trong vụ án này là, tại sao mặt hàng thuốc chữa bệnh ung thư mà các bị cáo thực hiện hành vi buôn bán, theo quy định của pháp luật nói chung và Luật Dược nói riêng, đều xác định là thuốc giả. Nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm lại điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo về tội “Buôn lậu” (?)

Để hiểu rõ vấn đề trên, trước hết, chúng ta cần nắm rõ ý chí của nhà lập pháp thể hiện qua nội dung cấu thành của điều luật này.

Khi thiết kế điều 153 BLHS về tội buôn lậu với một hành vi khách quan duy nhất là “Buôn bán trái phép qua biên giới” nhà làm luật đã phản ánh ý chí của mình một cách rõ ràng. Theo đó, mọi hành vi buôn bán trái phép qua biên giới, đều phải bị xử lý về hành vi buôn lậu mà không phụ thuộc vào đối tượng hàng hóa buôn bán đó là gì (hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng… ).

Nói khác, Điều 153 BLHS 1999 về tội buôn lậu, chỉ dùng để chế tài các hành vi buôn bán trái phép qua biên giới, còn những hành vi buôn bán trái phép khác xảy ra ở trong nước, sẽ được điều chỉnh bởi các điều luật tương ứng, mà không áp dụng tội danh này.

Vì vậy, chúng ta không thể tùy tiện xác định tội danh trong một vụ án mà không dựa vào các yếu tố cơ bản của cấu thành tội phạm. Nhất là trong trường hợp này, hành vi khách quan của tội phạm đã được điều luật mô tả một cách ngắn gọn và hết sức rõ ràng.

Đến nguyên tắc “ Định tội theo hành vi”.

Mặc dù cho đến nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào trực tiếp minh thị vấn đề này. Tuy nhiên, thực tiễn tố tụng cho thấy, nguyên tắc định tội theo hành vi (tạm gọi như thế) thường được áp dụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến các tội danh như: buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Theo đó, cùng một đối tượng hàng hóa (là hàng cấm hay hàng giả), nhưng nếu người phạm tội thực hiện hành vi buôn bán các mặt hàng này ở trong nước, thì khi bị phát hiện, họ sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử về tội danh buôn bán hàng cấm hay hàng giả, chứ không thể bị xử lý về hành vi buôn lậu, vì nó không thỏa mãn yếu tố buôn bán trái phép “qua biên giới” – vốn là dấu hiệu đặc trưng của tội danh này.

 Trái lại, nếu việc buôn bán đó được thực hiện trái phép qua biên giới thì trong mọi trường hợp, họ đều phải bị xử lý về hành vi buôn lậu, chứ không thể bị xử lý về tội buôn bán hàng cấm hay hàng giả. Vì các tội danh này không có yếu tố “buôn bán trái phép qua biên giới”

Chẳng hạn, theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện (ban hành kèm theo Nghị định số 11/1999/NĐ – CP ngày 03-3-1999 của Chính phủ) hay Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (Ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20- 11- 2013 của Chính phủ) thì các mặt hàng “Thuốc lá điếu sản xuất tại nước ngoài”; “các loại pháo nổ”; “Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội.… là hàng cấm.

Tuy nhiên, nếu một người thực hiện hành vi buôn bán trái phép qua biên giới đối với mặt hàng là các loại pháo nổ, thuốc lá điếu sản xuất ở nước ngoài hay di vật, cổ vật… thì khi bị phát hiện, họ đều bị xử lý về hành vi buôn lậu, chứ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi buôn bán hàng cấm, mặc dù theo quy định của pháp luật, các hàng hóa nêu trên đều nằm trong danh mục hàng cấm, và BLHS 1999 có hẳn một điều luật quy định về tội danh này.

Như vậy, rõ ràng khi xác định tội danh trong các vụ án liên quan đến các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng… cơ quan tố tụng chủ yếu căn cứ vào hành vi thực hiện tội phạm xảy ra ở đâu. Nếu xảy ra ở trong nước thì tùy thuộc vào đối tượng hàng hóa là hàng cấm hay hàng giả mà người phạm tội sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng.

Trái lại, nếu hành vi buôn bán đó được thực hiện “qua biên giới” thì trong mọi trường hợp, người phạm tội đều phải bị xử lý về hành vi  buôn lậu, mà không phụ thuộc vào đối tượng hàng hóa đó là hàng cấm, hàng giả hay hàng kém chất lượng.

Trong vụ án này, mặc dù theo quy định của pháp luật, mặt hàng thuốc chữa bệnh mà các bị cáo thực hiện việc buôn bán được xác định là thuốc giả. Tuy nhiên, do hành vi buôn bán của các bị cáo không phải ở trong nước, mà được xác định là “ Buôn bán trái phép qua biên giới” nên hành vi này hoàn toàn thỏa mãn các yếu tố cơ bản của tội “Buôn lậu” theo quy định tại điều 153 BLHS 1999.

Việc bản án phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo hướng thay đổi tội danh từ buôn lậu sang buôn bán hàng giả, có thể phù hợp với nhận định chung của nhiều người, nhưng xét về mặt khoa học pháp lý sẽ không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm cũng như không phù hợp với thực tiễn tố tụng các vụ án buôn lậu (nhất là đối với các mặt hàng thuốc lá điếu, pháo nổ) xảy ra trong thời gian qua.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác