Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Mô hình tố tụng hình sự của Anh và xứ Wales (1)

18/06/2017, 13:54

Nước Anh không có Hiến pháp thành văn. Tuy nhiên, Toà án vẫn có quyền giải thích và áp dụng một tội phạm hình sự đã được quy định trong luật vào một tình huống mới (tương tự).

I. Tổng quan về hệ thống tố tụng hình sự.

1. Nguyên tắc của tố tụng hình sự Anh

1.1. Án lệ

Nguyên tắc về tiền lệ pháp (stare decisis) có tính chất cơ bản và đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tư pháp Anh. Nước Anh không có Hiến pháp thành văn. Tuy nhiên, Toà án vẫn có quyền giải thích và áp dụng một tội phạm hình sự đã được quy định trong luật vào một tình huống mới (tương tự).

Theo nguyên tắc án lệ, một quyết định của Tòa án cấp cao hơn sẽ có giá trị ràng buộc với việc xét xử của Tòa án cấp dưới nếu xét thấy có tính liên quan. Khi xét xử, thẩm phán sẽ phải kiểm tra các tình tiết của vụ án hiện tại với vụ án đã được xét xử trước đó, nếu có liên quan thì phải áp dụng cho việc xét xử vụ án của mình. Án lệ của Tòa án thuộc Thượng viện Anh có giá trị bắt buộc áp dụng đối với toàn bộ hệ thống tòa án nước Anh. Các Tòa phúc thẩm phải áp dụng các án lệ từ các vụ án xét xử phúc thẩm trước đó. Trường hợp có sự xung đột giữa: các bản án phúc thẩm thì thẩm phán  xét xử phúc thẩm sẽ phải xem xét lựa chọn một tiền lệ nào để áp dụng và tiền lệ nào được quyết định không áp dụng. Tương tự, các quyết định của Tòa án thuộc Thượng viện về không áp dụng tiền lệ của Tòa án phúc thẩm có giá trị bắt buộc đối với toàn bộ hệ thống tòa án. Nếu tiền lệ pháp được thiết lập ra bởi một tòa án ngang cấp hay cấp cao hơn tòa án đang xét xử vụ án thì thẩm phán xét xử vụ án hiện tại phải theo quy tắc xét xử thiết lập ra từ vụ án trước đó. Nếu tiền lệ được thiết lập từ một tòa án cấp thấp hơn, thẩm phán xét xử vụ án mới có thể không tuân theo nhưng cần phải cân nhắc việc áp dụng cho việc xét xử vụ án mới của mình. Vì lý do cần tham chiếu với các tiền lệ có giá trị bắt buộc áp dụng mà thẩm phán nước Anh phụ thuộc rất lớn vào các tập hợp án lệ để đối chiếu, so sánh đối với các bản án, quyết định của Tòa án được ban hành trước đây.

1.2 Đảm bảo quyền bị cáo, bị can [1] được biết nội dung buộc tội mình

Nhằm để bị cáo biết được họ bị buộc tội về tội gì, một bản cáo trạng sẽ được lập ra trong đó ghi rõ quyết định truy tố của Viện công tố. Tại phiên toà, khi bắt đầu, bị cáo phải tuyên bố rõ có phạm vào những tội đó hay không, hay nói cách khác có đồng ý với bản cáo trạng hay không. Các tội mà Viện công tố (VCT) truy tố bị cáo phải được nêu một cách riêng rẽ trong cáo trạng. Hoàng gia có thẩm quyền truy tố và không truy tố một tội phạm khi xét thấy cần thiết (kể cả khi có tội) [2] . Một công dân có quyền thực hiện quyền tư tố để truy tố một người nào đó ra toà nhưng VCT giữ thẩm quyền được can thiệp để đình chỉ hoặc trực tiếp truy tố [3] .

1.3 Quyền được xét xử bằng lời

Bất cứ khi nào có thể, mọi chứng cứ phải được nêu trực tiếp bằng lời trước toà. Khi đó, chứng cứ sẽ được thẩm định, đối chất nngay tại toà bởi các bên.

1.4. Quyền được xét xử công khai

Về nguyên tắc, công lý chỉ thể có được tại một phiên toà công khai. Tuy vậy quyền này bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định như hạn chế công chúng tham dự, hạn chế các phương tiện thông đại chúng được tiếp cận đăng thông tin trong các phiên tòa mà cáo là người chưa thành niên hoặc vụ án liên quan đến bí mật quốc gia theo Đạo luật về tội phạm bí mật năm 1920. Nếu việc công khai thông tin dẫn đến nguy cơ có định kiến đối với bị cáo (trong những trường hợp xét xử có bồi thẩm đoàn) thì sẽ bị truy tố về tội coi thường toà án. Báo chí không được nêu hay tiết lộ thông tin về nạn nhân của vụ án hiếp dâm hay cưỡng dâm.

1.5.Việc chấp thuận chứng cứ

Khác hẳn với Pháp và Đức, quy tắc chứng cứ của Anh rất chặt liên quan đến việc chấp thuận hay loại trừ một nguồn thông tin nào đó là chứng cứ. Quy tắc chung là chứng cứ sẽ được chấp thuận nếu nó có liên quan đến các tình tiết cần phải chứng minh giúp cho việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, Toà án có thể từ chối chấp thuận một chứng cứ nào đó do VCT đưa ra nếu việc chấp thuận có thể dẫn tới sự không công bằng và bình đẳng trong tố tụng. Có rất nhiều quy tắc về loại trừ chứng cứ, chẳng hạn trên cơ sở về quyền miễn trừ (của luật sư hay quyền được miễn trừ nếu cung cấp chứng cứ sẽ dẫn đến tự buộc tội) hoặc do quyền lợi của công chúng không thể nêu ra hay chứng cứ có được do nghe nói lại.

1.6. Quyền được xét xử nhanh chóng

Đối với các vụ án ít nghiêm trọng, toà án không được xét xử nếu tội phạm không bị truy tố trong thời hiệu 6 tháng kể từ khi tội phạm xảy ra. Riêng đối với các tội nghiêm trọng, việc truy tố nói chung có thể được thực hiện bất cứ khi nào hay nói cách khác là không có thời hiệu. Tuy nhiên, nếu thời điểm phạm tội và truy tố cách xa quá lâu, việc truy tố thường không xảy ra trừ khi do đòi hỏi của công chúng cần thiết phải truy tố [4] . Toà án có thẩm quyền trong việc đình chỉ vụ án nếu xét thấy việc chậm trễ quá lâu mới đưa ra xét xử sẽ dẫn đến thiệt hại cho bị cáo hoặc tạo ra sự không công bằng cho bị cáo vì quyền lực tố tụng bị lạm dụng.

1.7. Suy đoán vô tội

Tất cả mọi người được giả định là vô tội, trừ một số trường hợp đặc biệt, cơ quan công tố có trách nhiệm chứng minh bị cáo có tội “vượt trên, cả mọi nghi ngờ”. Mặc dù thẩm phán chủ toạ không được yêu cầu sử dụng bất cứ từ ngữ nào đề cập tới "chất lượng ” của chứng cứ đưa ra, nhưng "sẽ là cần thiết và được phép khi thẩm phán hướng dẫn bồi thẩm đoàn rằng với các chứng cứ đưa ra, họ phải hoàn toàn thoả mãn vượt trên cả mọi nghi ngờ về hành vi phạm tộí của một người nào đó" [5] . Trong những trường hợp phía bị cáo đưa ra lý do bào chữa do bệnh điên, tâm thần hoặc có một văn bản luật chỉ rõ nghĩa vụ chứng minh thuộc bị cáo khi đó trách nhiệm chứng minh sẽ thuộc bị cáo và bồi thẩm đoàn sẽ ra phán quyết xem bên nào đưa ra chứng cứ thuyết phục hơn.

2.      Đặc điểm cơ bản của hệ thống tố tụng hình sự

Nhìn chung, hệ thống tố tụng hình sự Anh có những đặc điểm sau:

(1). Việc điều tra thuộc trách nhiệm của cảnh sát. Trong một số trường hợp đối với những vụ án ít nghiêm trọng, cảnh sát có quyền ra quyết định cảnh cáo đối với người phạm tội ngay mà không cần truy tố. Các vụ án khác mà cảnh sát chuyển hồ sơ cho VCT sẽ được các công tố viên quyết định truy tố với tội danh như cảnh sát chuyển sang hoặc thay đổi tội danh hoặc đình chỉ truy tố. VCT cũng có quyền đề nghị cảnh sát tiếp tục điều tra.

(2). Trước khi đưa ra truy tố, Viện công tố chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, đánh giá chứng cứ một cách độc lập. Viện công tố có trách nhiệm chứng minh dựa trên những căn cứ “trên cả mọi nghi ngờ”.

(3). Hệ thống tố tụng mang đặc điểm tranh tụng, đối kháng giữa các bên buộc tội và gỡ tội với vai trò của toà án là có chấp thuận chứng cứ các bên đưa ra hay không. Do đó, với sự "giám sát” chung của toà án trong toàn bộ các hoạt động, bên buộc tội và gỡ tội có vai trò khởi động và kiểm soát đối với việc xác định các vấn đề sẽ đưa ra toà và đối với hoạt động tìm kiếm, lựa chọn và hỏi người làm chứng [6] ;

(4). Tại phiên toà, thẩm phán giữ vai trò trung lập và chịu trách nhiệm những vấn đề về luật và thủ tục tố tụng. Vấn đề xác định sự thật (có tội hay không) thuộc trách nhiệm bồi thẩm đoàn và khi họ quyết định họ sẽ không bao giờ phải đưa ra lí do đưa ra phán quyết;

(5). Do tầm quan trọng của thủ tục xét xử bằng lời, tất cả mọi chứng cứ đưa ra phải được trình bày trực tiếp tại toà (trừ một số trường hợp đặc biệt). Điều đó cho phép việc trình bày và đánh giá chứng phải trải qua thủ tục đối chất trực tiếp tại toà.

(6). Sau khi đưa ra phán quyết (có tội), vấn đề quyết định hình phạt  thuộc thẩm quyền duy nhất của thẩm phán chủ toạ phiên toà.

II. Mục tiêu, nhiệm vụ phương pháp tố tụng hình sự.

Nhằm mục tiêu tìm kiếm sự thật khách quan của vụ án, tố tụng hình sự (TTHS) Anh sử dụng phương pháp đối tụng giữa các bên, xác định tội phạm trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa. Nghĩa vụ chứng minh thuộc các bên và vai trò thẩm phán là trung lập.

Để thực hiện mục tiêu tố tụng hình sự, hệ thống tư pháp hình sự của Anh và các nước theo truyền thống tranh tụng khác tuân thủ theo các nguyên tắc “bình đẳng về mặt quyền năng” giữa công tố và luật sư (equality of arms), nguyên tắc về suy đoán vô tội, quyền chống lại việc phải tự buộc tội hình sự chống lại mình (self-incrimination), quyền có luật sư bào chữa.

Tố tụng hình sự Anh - Mỹ đặc biệt coi trọng vấn đề các quy tắc về chứng cứ. Điểm khác biệt là mô hình tố tụng tranh tụng không tập trung vào xét hỏi tình tiết hay nội dung như truyền thống tố tụng thẩm vấn mà có xu hướng biến quá trình tố tụng thành một một cuộc tranh luận pháp lý. Điều này phát sinh yêu cầu cần phải có hệ thống các quy tắc thật sự phù hợp và đầy đủ về chứng cứ để điều chỉnh làm cơ sở cho hoạt động tố tụng, đảm bảo cho việc đối đáp trực tiếp với các nhân chứng ở phía đối lập bên kia, và ngăn các chứng cứ chưa được đảm bảo chắc chắn được trình ra trước Bồi thẩm đoàn gây thiên lệch [7] .

Trên lý thuyết, đặc trưng cơ bản của hệ tranh tụng theo mô hình Anh - Mỹ có hai yếu tố : Thứ nhất, là thẩm phán có vai trò trọng tài trung lập, không biết trước và không tác động trực tiếp đến nội dung tranh chấp; Thứ hai, đại diện cơ quan công tố là một bên trong tranh tụng, hoàn toàn ngang bằng với vai trò của luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo. Các bên chịu trách nhiệm cho việc thu thập chứng cứ, trình bày chứng cứ và lập luận của mình tại phiên tòa. Điều này trái ngược hoàn toàn với nguyên tắc pháp chế (principie of legality) tại một số nước tố tụng thẩm vấn như Việt Nam, theo đó quyền tùy nghi công tố, nhất là quyền năng thực hiện việc mặc cả thú tội hay quyền đình chỉ vụ án vì mức độ không còn nguy hiểm của tội phạm hoặc vì lợi ích công bị loại bỏ.

Tuy nhiên, một số học giả cho rằng mô hình này có thể hạn chế mục tiêu tìm kiếm sự thật khách quan của TTHS. Đó là nguy cơ dẫn dắt lờỉ khai nhân chứng của bên công tố và bên luật sư trước phiên tòa. Một số trường hợp các thẩm phán của Anh vì quá tích cực đã tự mình tiến hành việc kiểm tra, đặt ra câu hỏi bổ sung cho nhân chứng và ngay cả đưa ra bình luận về phần trả lời của họ. Nhiều học giả cho rằng điều này đã đi ngược lại với sự tự do của các bên được trình bày vụ việc theo cách của mình, là điều luôn được ghi nhận là yếu tố cơ bản của tố tụng tranh tụng cổ điển [8] .                               

Tính hiệu quả và các biện pháp bảo đảm của tố tụng tranh tụng trong mô hình nước Anh có thể thấy rõ qua việc so sánh với tố tụng thẩm vấn thuần túy (ví dụ như mô hình của pháp, Italia với đặc thù của thẩm phán điều tra) như sau:

Mục tiêu

Tố tụng tranh tụng

Tố tụng thẩm vấn thuần túy

Tính hiệu lực

- Công tố viên thực hiện chỉ đạo toàn bộ quá trình điều tra.

- Công tố viên có quyền tùy nghi nhất định để đình chỉ một số vụ án trước phiên tòa.

-Thủ tục rút gọn (nếu có).

- Có thể đình chỉ vụ án.

- Giới hạn việc xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm các lệnh tạm thời (xét tạm giam, hay tại ngoại).

-   Thẩm phán điều tra thực hiện chỉ đạo toàn bộ quá trình điều tra.

-   Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc mọi tội phạm đểu phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

-   Thủ tục đầy đủ áp dụng cho tất cả tội phạm.

-  Không đình chi vụ án nếu không được điều tra đầy đủ.

-  Hầu hết các lệnh tạm thời đều có thể là đối tượng kháng cáo.

Các biện pháp bảo đàm

- Việc xem xét tư pháp đối với quá trình điều tra

- Phiên tòa diễn ra bằng lời và mở công khai.

- Phiên tòa có thể có nhiều thẩm phán khi thực hiện tuyên án.

-  Việc điều tra tiến hành mở, với rất ít ngoại lệ.

-  Thẩm phán điều tra trực tiếp thục hiện việc điều tra.

- Phiên tòa dựa trên hồ sơ lập sẵn.

-  Một thẩm phán thực hiện việc tuyên án.

-Hầu hết quá trình điều tra được giữ kín.

(còn tiếp)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê